Đức có thể cắt giảm sự phụ thuộc vào dầu của Nga vào cuối mùa hè
Hôm 01/05, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck cho biết nước này đang đạt được tiến bộ trong việc cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, và dự kiến sẽ hoàn toàn độc lập với dầu thô nhập cảng từ Nga vào cuối mùa hè này.
Bộ Kinh tế và Khí hậu cho biết trên Twitter rằng mục tiêu này là “thực tế”, đồng thời lưu ý rằng quốc gia này đã giảm tỷ lệ năng lượng nhập cảng từ Nga xuống 12% đối với dầu, 8% đối với than, và 35% đối với khí đốt tự nhiên kể từ đầu năm.
Ông Habeck cho biết trong một tuyên bố, “Tất cả các bước mà chúng tôi đang thực hiện đòi hỏi một nỗ lực chung to lớn từ tất cả các bên và chúng cũng có nghĩa là các chi phí mà cả nền kinh tế và người tiêu dùng đều cảm thấy. Nhưng các bước đi này là cần thiết nếu chúng ta không còn muốn bị Nga tống tiền.”
Đức đã xoay xở để chuyển sang mua dầu và than từ các nước khác trong một thời gian tương đối ngắn, có nghĩa là “việc hoàn toàn độc lập khỏi dầu thô nhập cảng từ Nga vào cuối mùa hè là điều khả thi,” bộ của ông Habeck cho biết.
Đức, nền kinh tế lớn nhất Âu Châu, đang chịu áp lực ngày càng lớn từ Ukraine và các quốc gia khác trong việc cắt giảm năng lượng nhập cảng từ Nga.
Giá năng lượng đã tăng gần 40% ở quốc gia Âu Châu mua khoảng 25% dầu và 40% khí đốt từ Nga này, khiến các quan chức không muốn cắt giảm lượng nhập cảng như vậy.
Trong khi tỷ lệ nhập cảng khí đốt tự nhiên từ Nga đã giảm xuống còn 35% kể từ khi xâm lược Ukraine, một phần do tăng cường mua sắm từ Na Uy và Hà Lan, ngân hàng trung ương Đức cho biết việc ngắt rời hoàn toàn khỏi dầu mỏ của Nga có thể gây ra những hậu quả kinh tế dưới hình thức lạm phát cao hơn và sản lượng kinh tế của quốc gia sụt giảm khoảng 5%.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng các khoản thanh toán năng lượng béo bở đang tiếp tục thúc đẩy cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin.
Hiện tại, EU trả cho Nga 850 triệu USD mỗi ngày cho dầu và khí đốt tự nhiên.
Nhưng một cuộc khảo sát của Viện Ifo vào ngày 02/05 cho thấy bất chấp những rủi ro kinh tế do chiến tranh gây ra, có ít công ty Đức lo sợ về sự tồn vong của họ hơn so với trước cuộc chiến ở Ukraine.
Theo viện nghiên cứu này, 7.1% trong số gần 8,500 công ty được khảo sát cảm thấy sự tồn tại của họ bị đe dọa, bằng gần một nửa tỷ lệ được tìm thấy trong cuộc khảo sát trước đó vào tháng Một, khi tỷ lệ này ở mức 13.7%.
Để giảm hơn nữa nhập cảng từ Nga, Đức có kế hoạch đẩy nhanh việc xây dựng các trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhưng lưu ý rằng điều này đòi hỏi “một nỗ lực chung to lớn” và cũng sẽ gây ra “các chi phí mà cả nền kinh tế và người tiêu dùng đều cảm thấy.”
Bình luận của ông Habeck được đưa ra trong bối cảnh Liên minh Âu Châu coi lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga là một phần của gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào nước này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Valdis Dombrovskis nói với tờ Times of London vào tuần trước rằng các quốc gia EU đang xem xét “một số hình thức cấm vận dầu mỏ” nhưng nó cần được thực hiện “theo cách tối đa hóa áp lực lên Nga trong khi giảm thiểu tổn thất ngoài dự kiến cho chính chúng ta.”
Trong khi đó, vào ngày 26/04, đại tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi hai nước này không thanh toán bằng đồng rúp.
Công ty có trụ sở chính tại Saint Petersburg này lưu ý rằng “các khoản thanh toán cho khí đốt được giao kể từ ngày 01/04 phải được thực hiện bằng đồng rúp,” như lời của ông Putin, và cả hai quốc gia đã được thông báo về điều này “một cách kịp thời.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Hoa Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: