Đức cân nhắc việc cấm Telegram
Một thành viên Nội các Liên bang của Đức cho biết chính phủ [nước này] có thể cấm Telegram, dường như là do sự phổ biến của ứng dụng này trong cộng đồng những người phản đối các biện pháp hạn chế liên quan đến virus Trung Cộng.
“Chúng tôi không thể loại trừ việc này,” Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Tuần san Die Welt. “Việc chấm dứt hoạt động sẽ rất nghiêm trọng và rõ ràng là phương sách cuối cùng. Trước tiên cần tận dụng tất cả các lựa chọn khác đã.”
Telegram là một ứng dụng nhắn tin tương tự như Facebook Messenger, WeChat và WhatsApp. Điều khác biệt giữa nó với các ứng dụng còn lại đó là nó sử dụng mã hóa đầu cuối, một hệ thống liên lạc đảm bảo rằng tin nhắn chỉ có thể được đọc trên thiết bị của người gửi và người nhận và ngăn chặn sự nghe, đọc lén của các bên thứ ba như nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Lớp quyền riêng tư và bảo mật này đã giúp Telegram trở nên phổ biến với những người bất đồng chính kiến về chính trị trên toàn thế giới.
Ở Đức, Telegram đã được sử dụng như một trung tâm liên lạc cho phong trào phản đối các biện pháp ngăn ngừa virus Trung Cộng, bao gồm các đợt phong tỏa, yêu cầu đeo khẩu trang và các hạn chế đối với những ai chưa chích ngừa. Các cuộc biểu tình đã leo thang kể từ khi quốc gia Trung Âu này áp đặt các biện pháp ngày càng nghiêm khắc đối với các công dân chưa chích ngừa. Hồi tháng 12/2021, Đức đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc đối với những người chưa chích ngừa, cấm họ tham gia tất cả các hoạt động, trừ các dịch vụ công thiết yếu, trong một nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ chích ngừa.
Telegram đã trở nên phổ biến đối với những người bất đồng chính kiến về chính trị trên toàn thế giới, những người bị thu hút bởi lời hứa của ứng dụng này về việc bảo mật bằng mã hóa và sự độc lập rõ ràng khỏi các công ty công nghệ độc quyền đang kiểm soát các ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất. Ở Iran, Telegram đã trở nên phổ biến từ lâu, vừa là một phương tiện liên lạc giữa người dân và người ngoại quốc, vừa là một công cụ để tổ chức các phong trào biểu tình chống lại chế độ Hồi giáo vẫn diễn ra trường kỳ.
Trong khi đó, Telegram đã bị chặn hoàn toàn ở Trung Quốc từ năm 2015 và đã bị chặn tạm thời hoặc một phần ở Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan và Nga, cùng các quốc gia khác.
Bộ trưởng Nội vụ Đức bà Faeser thừa nhận rằng [họ] vẫn chưa rõ các thủ tục pháp lý cần thiết để đóng cửa Telegram, nhưng chính phủ Đức đã trao đổi với Liên minh Âu Châu để tìm cách điều chỉnh lại ứng dụng này. Nếu họ quyết định tham gia cùng Iran và Trung Quốc trong việc chặn Telegram, thì điều đó sẽ tạo nên một sự leo thang rõ rệt trong cuộc chiến giữa chính phủ Đức và công dân của mình về các chính sách liên quan đến virus Trung Cộng đang tiếp diễn và không có hạn định.
Anh Nicholas Dolinger là một phóng viên về lĩnh vực kinh doanh của The Epoch Times và là người sáng lập chương trình podcast “The Beautiful Toilet”.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: