Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang dần thu hẹp
Theo số liệu của Cục quản lý ngoại hối Trung Quốc, tính đến cuối tháng 9 năm 2020, quy mô quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 3,142 tỷ USD.
Trong bối cảnh quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng, nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào nhập cảng các loại hàng hóa như dầu mỏ, thực phẩm và chip,… trong khi việc xuất cảng hàng hóa sang Hoa Kỳ đang đứng trước khó khăn khiến cho việc cân đối thu chi ngoại tệ gặp nhiều biến động. Ngày 11/10, một bài viết cảnh báo về sự thiếu hụt dự trữ ngoại tệ đã xuất hiện trên Internet trong Trung Quốc, với tiêu đề: “Dự trữ ngoại hối của quốc gia còn bao nhiêu?”. Thực tế là tình trạng dự trữ ngoại hối chân thực của Trung Quốc thường gây nhầm lẫn và không dễ nắm bắt.
Từ tài sản tài chính gia đình nhìn nhận dự trữ ngoại tệ quốc gia
Để xem xét tài sản ròng của một gia đình thực sự có bao nhiêu, người ta sẽ mang tổng giá trị tài sản có được trừ đi các khoản đi vay (vay từ ngân hàng hay bạn bè…), và trừ đi khoản tiền người khác nợ mình mà không đòi lại được. Qua đó biết được tài sản thực sự thuộc về gia là bao nhiêu. Trong mỗi gia đình, hàng tháng đều có khoản thu và chi; nếu thu nhiều hơn chi thì tài sản gia đình sẽ tăng, ngược lại sẽ giảm.
Tương tự, tổng dự trữ ngoại hối quốc gia (là tổng giá trị tài sản) sau khi trừ đi các khoản đi vay và các khoản nợ không thể thu về, còn lại mới là tài sản có thể sử dụng, trong đó có tiền mặt và các tài sản tương đương tiền bằng nội tệ và ngoại tệ.
Dự trữ ngoại hối ròng là tiền và các tài sản tương đương tiền bằng ngoại tệ, thường là đồng USD và các đồng tiền khác có thể tự do chuyển đổi như Euro, Yên, Bảng Anh. Nếu dòng thu bằng ngoại tệ nhỏ hơn chi, thì phải dùng đến dự trữ ngoại hối để bù đắp thiếu hụt.
Mỗi năm, Trung Quốc cần nhập cảng dầu, ngũ cốc, chip và những linh kiện lắp ráp khác để duy trì hoạt động của nền kinh tế. Lượng lương thực nhập cảng năm 2019 là 42 tỷ USD, dầu là 241.3 tỷ USD, và nhập cảng chip là 305.5 tỷ USD; tổng cộng là 588.8 tỷ USD. Ngoài việc cần dùng ngoại tệ để nhập cảng, còn có các khoản chi tiêu phi thương mại cho nước ngoài như hàng không dân dụng, hàng hải, bảo hiểm quốc tế,… cộng thêm lượng ngoại tệ cho những người xuất cảnh cần dùng (khách du lịch, du học sinh); các khoản chi tiêu này mỗi năm cần hơn 100 tỷ USD.
Ngoại tệ thu vào thường ngày của Trung Quốc chủ yếu dựa vào xuất cảng. Trong mười năm đầu của thế kỷ này, xuất cảng tăng trưởng ở mức kỷ lục với tốc độ tăng bình quân mỗi năm là 25%; nguồn thu nhập ngoại tệ không ngừng chảy vào, nhưng xuất cảng trong 9 đầu năm nay chỉ tăng 2%. Nghĩa là so với thu chi trước đây thì hầu như thu vào không tăng, trong khi chi ra thì vẫn đều như vậy. Trước đây, mỗi năm Trung Quốc kiếm được 300 tỷ USD đến 400 tỷ USD thu ròng thông qua thương mại với Hoa Kỳ; với các quốc gia EU là 164 tỷ Euro (năm 2019), các nước khác so sánh chung thì tạm xem thu chi là bằng nhau; do đó điều then chốt để ổn định nguồn dự trữ ngoại hối là thặng dư thương mại với Hoa Kỳ.
Diện mạo của dự trữ ngoại hối [của Trung Quốc]
Nhìn bề mặt, Trung Quốc có khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ 3,142.6 tỷ USD vào cuối tháng 9 năm nay. Thực tế Trung Quốc cũng đang gánh trên vai khoản nợ ngoại hối khổng lồ. Nợ nước ngoài của Trung Quốc bao gồm các khoản vay từ các chính phủ, ngân hàng, và công ty nước ngoài. Theo số liệu của Cục quản lý ngoại hối [Trung Quốc], tới cuối tháng 9/2020, số nợ nước ngoài là 2,032.5 tỷ USD, trong đó 60% là các khoản nợ ngắn hạn từ một đến hai năm, sẽ đến kỳ hạn phải hoàn lại. Trong đó, nợ nước ngoài bằng ngoại tệ mạnh là 1,349.8 tỷ USD, chiếm 66%; khoản này nhất định phải trả bằng ngoại tệ.
Ngoài ra, Trung Quốc nợ ngoại tệ “ngầm” đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc. Các doanh nghiệp nước ngoài đều phải chuyển đổi vốn đầu tư thành nhân dân tệ để đầu tư tại Trung Quốc. Phần lớn các khoản này được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua, tương đương với lấy toàn bộ ngoại tệ đầu tư nước ngoài cho vào dự trữ ngoại hối của mình. Một khi các doanh nghiệp này muốn chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hoặc rút vốn, Trung Quốc không thể không chuyển ngoại tệ cho họ. Hiện tại, đầu tư nước ngoài đạt lũy kế tới 700 tỷ USD. Rủi ro chiến tranh lạnh Hoa Kỳ–Trung Quốc gia tăng sẽ khiến các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc sẽ rút một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư. Theo ước tính, nếu mức rút vốn thấp nhất của các công ty nước ngoài là 30%, thì ít nhất sẽ phải dùng tới 200 tỷ USD, và có khả năng sẽ tăng lên.
Đầu tư ra nước ngoài, mập mờ thông tin
Tổng mức đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài đã đạt tới 2.2 nghìn tỷ USD. Điều bí ẩn là ở chỗ, trong số tiền đầu tư ra nước ngoài này, phần lớn dùng đồng Nhân dân tệ, nhưng trên thống kê thì đổi thành USD.
Trung Quốc không công bố tỉ lệ đầu tư bằng Nhân dân tệ trong đầu tư nước ngoài, nhưng theo Báo cáo đầu tư phát triển nước ngoài của Trung Quốc năm 2019 do Bộ Công thương Trung Quốc công bố, đến cuối năm 2018, tổng mức đầu tư dự án “Một vành đai, Một con đường” đạt mức 98.6 tỷ USD; tổng cộng số tiền đầu tư vào châu Phi đạt 46.1 tỷ USD; đầu tư vào Hồng Kông đạt 1,100 tỷ USD; tổng ba bộ phận này chiếm 43% đầu tư nước ngoài. Phần lớn những khoản đầu tư này là bằng đồng Nhân dân tệ do máy móc, thiết bị, nhân công đều bắt buộc phải sử dụng của Trung Quốc. Phần còn lại trong tổng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc có thể là bao gồm cả ngoại tệ mạnh và nhân dân tệ, con số này không được công bố nhưng rõ ràng là không thể phủ định việc họ phải sử dụng đến nguồn dự trữ ngoại hối. Trong tương lai, khi Trung Quốc tiếp tục giải ngân cho hoạt động đầu tư cho nước ngoài, trong bối cảnh nguồn thu ngoại tệ đang suy giảm thì áp lực tạo thêm cho dự trữ ngoại hối quốc gia là không tránh khỏi.
Xu hướng thu hẹp nguồn dự trữ ngoại hối là rõ ràng
Để duy trì việc chi trả ngoại hối cần thiết cho nhập khẩu, Trung Quốc có thể bán tháo trái phiếu của Hoa Kỳ và theo thông tin ngày 20/9 của kênh tuyên truyền của Trung Quốc dwnews.com, tháng 7/2020 Trung Quốc đã bắt đầu bán 107 tỷ USD trái phiếu Hoa Kỳ. Theo dự đoán của các chuyên gia, tương lai sẽ còn bán hơn 200 tỷ USD, quy mô nắm giữ sẽ dần giảm xuống mức 800 tỷ USD.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc có thể đem lại bao nhiêu ngoại tệ? Trong ba quý đầu năm nay, xuất cảng sang Hoa Kỳ là 327 tỷ USD, tăng 1.8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập cảng từ Hoa Kỳ là 96.1 tỷ USD, tăng 2.8%. Thặng dư thương mại đối với Hoa Kỳ là 230.9 tỷ USD. Trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay, khả năng tái đắc cử của tổng thống Trump ngày càng cao, vụ rò rỉ máy tính của gia đình Joe Biden càng làm giảm số phiếu bầu cho phe Dân Chủ. Qua năm tới, ông Trump có thể sẽ tăng thuế nhập cảng với Trung Quốc; như vậy sẽ tiến thêm một bước làm giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ, khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc càng thu hẹp hơn.