Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm trong 4 tháng liên tiếp, kỷ lục trong tháng Tư
Trong bốn tháng đầu năm nay (2022), dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tiếp tục giảm hơn 100 tỷ USD. Đợt sụt giảm trong tháng Tư là đợt giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016 cách đây gần năm năm rưỡi.
Theo Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc, từ cuối tháng 12 năm ngoái đến cuối tháng Tư năm nay, số dư dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tiếp tục giảm trong bốn tháng liên tiếp (3,250.2 tỷ USD, 3,221.6 tỷ USD, 3,213.8 tỷ USD, 3,188 tỷ USD, và 3,119.7 tỷ USD), với mức giảm lũy kế là 130.4 tỷ USD trong năm nay, giảm 4% so với cuối năm ngoái.
Tại cuộc họp báo hôm 07/05, Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc tuyên bố rằng sự gia tăng của chỉ số USD, sự suy giảm của lượng tiền tệ không phải USD chuyển đổi sang USD, và sự thay đổi giá tài sản là những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm về quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng Tư.
Cố vấn đầu tư Mike Sun nói với The Epoch Times hôm 16/05 rằng việc phong tỏa trên diện rộng khắp các khu kinh tế quan trọng của Trung Quốc đã tác động rất lớn đến hoạt động xuất cảng ngoại thương của Trung Quốc.
Số liệu của Cục Thống kê Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho thấy, trong bốn tháng đầu năm nay, xuất cảng ngoại thương, một nguồn ngoại hối quan trọng của Trung Quốc, tiếp tục giảm.
Trong ba tháng đầu năm nay, chỉ số đơn đặt hàng mới của hàng sản xuất xuất cảng của Trung Quốc là 48.4%, 49%, và 47.2%, tiếp tục nằm dưới mức tăng hay giảm 50%; trên 50% cho thấy sự thịnh vượng tăng lên và ngược lại là suy giảm. Đến tháng Tư, chỉ số này đã giảm mạnh xuống 41.6% — giảm 5.6 % so với tháng Ba.
Theo dữ liệu hải quan của nhà cầm quyền, xuất cảng hàng hóa của Trung Quốc trong tháng Tư năm nay lên tới 273.6 tỷ USD, tăng 3.9% so với một năm trước, và thấp hơn nhiều so với mức tăng 14.7% so với cùng thời kỳ tháng Ba và là mức thấp mới kể từ tháng 06/2020.
Ông Sun cho rằng trong làn sóng phong tỏa này, các trung tâm kinh tế của Trung Quốc như Thượng Hải và Ninh Ba đã phải hứng chịu một đòn giáng mạnh. Những nơi như Thượng Hải chỉ mới nổi lên sau khi bị phong tỏa vào tháng Sáu, vì vậy dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong quý 2 năm nay chắc chắn là rất kém.
Cảng Thượng Hải và cảng Ninh Ba là hai trong số ba cảng container đứng đầu trên thế giới về lưu lượng. Ông Sun cho biết, năm ngoái, hai cảng này có lượng hàng hóa tồn đọng lớn không thể vận chuyển ra ngoài và rất khó tìm thấy các container rỗng. Chi phí vận chuyển container từ Trung Quốc đến bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ đã vượt quá 30,000 USD.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu của ông, hai cảng đã chất đống một lượng lớn container rỗng, và giá cước vận chuyển container đến bờ Tây Hoa Kỳ đã rơi về khoảng hơn 7,000 USD một chút.
Đồng thời, chi phí mua hàng của Trung Quốc tiếp tục tăng do giá hàng hóa quốc tế tăng cao. Việc ĐCSTQ mua sắm ồ ạt để tích trữ hàng hóa, đặc biệt là lương thực và năng lượng, có thể là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự suy giảm dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.
Trong bốn tháng đầu năm nay, nhập cảng ngũ cốc của Trung Quốc lên tới 25.8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng thời kỳ năm ngoái (20.8 tỷ USD).
Trong tháng Tư, nhập cảng ngũ cốc của Trung Quốc lên tới 7.4 tỷ USD, tăng 23% so với tháng Ba (6 tỷ USD), trong khi nhập cảng đậu tương lên tới 5.3 tỷ USD, tăng 32.5% so với tháng Ba (4 tỷ USD).
Về năng lượng, nhập cảng dầu thô của Trung Quốc đạt 116.1 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm nay, tăng 50% so với cùng thời kỳ năm ngoái (77.5 tỷ USD); nhập cảng khí đốt tự nhiên 21.6 tỷ USD, tăng 60% so với cùng thời kỳ năm ngoái (13.5 tỷ USD); và nhập cảng than là 11.9 tỷ USD, tăng 79% so với cùng thời kỳ năm ngoái (6.7 tỷ USD).
Trong tháng Tư, nhập cảng dầu thô của Trung Quốc là 34.2 tỷ USD, tăng 13% so với tháng Ba (30.2 tỷ USD) và nhập cảng than là 3.7 tỷ USD, tăng 62% so với tháng Ba (2.3 tỷ USD).
Cô Anne Zhang là một nhà văn chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc cho The Epoch Times. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2014.