Dự thảo Luật Giao thông đường bộ bỏ quy định phải bật đèn xe máy cả ngày
Dự thảo lần 2 Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã chính thức bỏ quy định phải bật đèn xe máy hoặc đèn nhận diện cả ngày khi tham gia giao thông.
Cụ thể, theo Điều 26 Dự thảo (lần 2) Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định:
1. Phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau) hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn sau:
a) Đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần; đèn sương mù trong điều kiện sương mù (đối với xe có trang bị đèn sương mù theo thiết kế của nhà sản xuất);
b) Đèn hậu;
c) Đèn định vị được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.
2. Phương tiện phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần trong các trường hợp sau đây:
a) Khi đi trên các đoạn đường qua khu dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng và đang hoạt động;
b) Khi xe xin vượt chuẩn bị vượt xe phía trước;
c) Khi gặp xe đi ngược chiều.
Như vậy, so với dự thảo lần 1, dự thảo lần 2 đã bỏ quy định tại khoản 3 điều 27: “Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”.
Trước đó, Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết, quy định xe máy bật đèn cả ngày được Bộ GTVT căn cứ theo Công ước Vienna 1968 mà Việt Nam là thành viên từ năm 2014.
Loại đèn được bật vào ban ngày gọi là Daytime Running Light (DRL – khác với đèn pha, cos) nhằm tăng khả năng nhận biết các phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường, đặc biệt tại các nước châu Âu có nhiều sương mù…