Dự luật cứu trợ bị ‘treo’ khi TT Trump yêu cầu tăng tiền trả cho người dân
Hôm 22/12/2020, TT Donald Trump đã buộc câu chuyện cứu trợ đại dịch kéo dài nhiều tháng phải kéo dài thêm với việc bất ngờ phát hành một tuyên bố video, trong đó ông chê các điều khoản “lãng phí” dành cho các chính phủ nước ngoài của dự luật chi tiêu khổng lồ này và yêu cầu chi nhiều tiền hơn cho những người đóng thuế Hoa Kỳ.
Tổng thống đã không sử dụng từ “phủ quyết,” nhưng tất cả đều ngụ ý rằng ông sẽ chặn dự luật này trừ khi Quốc hội loại bỏ hàng tỷ USD phân bổ cho các quốc gia nước ngoài và các tổ chức trong nước không liên quan đến cuộc chiến chống lại virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona mới. TT Trump yêu cầu khoản thanh toán trực tiếp 2,000 USD cho mỗi người nộp thuế, tăng từ mức 600 USD đã được phê duyệt trong dự luật chi tiêu gồm nhiều mục trị giá 2.3 nghìn tỷ USD.
Các thành viên đứng đầu Đảng Dân Chủ nhanh chóng chấp nhận đề nghị của Tổng thống Trump. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã kêu gọi các thành viên Đảng Cộng Hòa ở Hạ viện thông qua một dự luật độc lập cho khoản thanh toán 2,000 USD trong một cuộc bỏ phiếu đồng ý nhất trí vào đêm Giáng sinh. Bà không đề cập đến phần chi tiêu nước ngoài mà Tổng thống Trump đã chỉ trích, bao gồm cả 10 triệu USD cho các chương trình giới tính ở Pakistan. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã hối thúc Tổng thống thuyết phục Đảng Cộng Hòa thông qua dự luật này.
Thời hạn thông qua dự luật cho phép Tổng thống Trump có lựa chọn để dự luật thất bại mà không cần đưa ra một sự phủ quyết thực sự. Hiến pháp quy định một điều gọi là quyền phủ quyết bỏ túi trong trường hợp Quốc hội hoãn họp lại trong 10 ngày sau khi thông qua dự luật. Với việc loại trừ các ngày Chủ Nhật thì Quốc hội sẽ đặt ngày hoãn lại là ngày 03/01/2021, Tổng thống Trump có lựa chọn để cho dự luật tự chấm dứt mà không cần phải ký giấy tờ.
Mặc dù quyền phủ quyết bỏ túi sẽ là lần đầu tiên đối với Tổng thống Trump, nhưng sự việc này không phải là hiếm trong lịch sử. Tổng thống Franklin Roosevelt đã sử dụng quyền phủ quyết bỏ túi 263 lần. Tổng thống Dwight Eisenhower đã làm như vậy 108 lần.
“Quốc hội đã tìm ra rất nhiều tiền cho các quốc gia nước ngoài, những người vận động hành lang, và những lợi ích đặc biệt, trong khi chỉ chuyển mức tối thiểu đến những người dân Hoa Kỳ cần nó. Đó không phải là lỗi của họ, đó là lỗi của Trung Cộng, không phải lỗi của họ,” Tổng thống nói trong đoạn video được ghi lại tại Phòng Ngoại giao của Tòa Bạch Ốc.
Ông nói, “Tôi đang yêu cầu Quốc hội sửa đổi dự luật này và tăng mức thấp lố bịch từ 600 USD lên 2,000 USD, hoặc 4,000 USD cho một cặp vợ chồng. Tôi cũng đang yêu cầu Quốc hội loại bỏ ngay lập tức những khoản lãng phí và không cần thiết khỏi dự luật và gửi cho tôi một dự luật phù hợp, nếu không chính quyền tiếp theo sẽ phải đưa ra một gói cứu trợ COVID, và có thể chính quyền đó sẽ là tôi, và chúng tôi sẽ hoàn thành nó.”
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) và Lãnh đạo thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) vẫn im lặng sau tuyên bố của ông Trump.
Ngoài việc cắt ngân quỹ một loạt các chương trình cứu trợ đại dịch, sự phủ quyết hoặc phủ quyết bỏ túi của Tổng thống Trump sẽ kích hoạt việc chính phủ phải đóng cửa vì gói cứu trợ đại dịch trị giá 892 tỷ USD là một phần của dự luật chi tiêu 2.3 nghìn tỷ USD dự kiến sẽ cấp kinh phí cho chính phủ đến tháng 9/2021.
Hạ viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát và Thượng viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát đã thông qua dự luật này với biên độ lưỡng đảng rộng, và có thể quay ngược lại Hoa Thịnh Đốn để lật đổ quyền phủ quyết.
Khoảng 14.1 triệu người đang nhận trợ cấp thất nghiệp thông qua các chương trình đại dịch mà sẽ hết hạn vào ngày 26/12/2020, theo số liệu của Bộ Lao động. Dự luật mở rộng hai chương trình hỗ trợ những người lao động tự kinh doanh và người thất nghiệp dài hạn cho đến giữa tháng Ba. Dự luật này cũng bổ sung thêm
300 USD mỗi tuần để hỗ trợ cho 20.3 triệu người đang nhận trợ cấp thất nghiệp.
Tổng thống không hài lòng với ông McConnell sau khi vị lãnh đạo đa số Thượng viện này thừa nhận cựu Phó Tổng thống Joe Biden là “tổng thống đắc cử” sau cuộc bỏ phiếu của Đại Cử tri đoàn. Tổng thống Trump đã không thừa nhận các kết quả của cuộc bầu cử và đang theo đuổi pháp lý ở một số tiểu bang. Ông McConnell cũng thúc giục các thành viên Đảng Cộng Hòa ở Thượng viện bác bỏ kế hoạch của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện thách thức các phiếu đại cử tri khi chúng được Quốc hội xem xét vào ngày 06/01/2021 tới.
Ít nhất 8 thành viên Hạ viện đã cam kết đưa ra phản đối đối với các danh sách đại cử tri từ các tiểu bang bị mất uy tín vì các cáo buộc gian lận cử tri và hành động phi pháp trong cuộc bầu cử. Không có thượng nghị sĩ nào cam kết với kế hoạch này, mặc dù có ít nhất 6 người nói rằng họ đang để ngỏ với ý tưởng này.
Các khoản viện trợ nước ngoài mà Tổng thống Trump chỉ trích là một điểm đặc trưng trong các dự luật chi tiêu hàng năm, tuy nhiên đã gây nên phản ứng của ông Trump vì chúng được gộp cùng khoản thanh toán 600 USD mà Quốc hội đã mất nhiều tháng để thương lượng. Ông nhấn mạnh rằng dự luật này “bao gồm 85.5 triệu USD hỗ trợ cho Campuchia, 134 triệu USD cho Miến Điện, 1.3 tỷ USD cho Ai Cập và quân đội Ai Cập trong khi nước này sẽ đi mua hầu hết thiết bị quân sự của Nga.”
Một dấu hiệu khác cho thấy ông nghiêm túc về những lời nói sẽ phủ quyết của mình hôm 23/12/2020, Tổng thống Trump đã tiếp tục hứa sẽ phủ quyết một dự luật ngân sách quốc phòng khác, gọi dự luật đó là một “món quà cho Trung Quốc và Nga.”
Ông nói về dự luật ngân sách quốc phòng này, “Thật không may, Đạo luật này không bao gồm các biện pháp an ninh quốc gia quan trọng mà lại bao gồm các điều khoản không tôn trọng các cựu chiến binh và lịch sử quân đội của chúng ta, mâu thuẫn với những nỗ lực Chính phủ của tôi nhằm đặt Hoa Kỳ lên hàng đầu trong các hoạt động chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters.
Cẩm An biên dịch