Dự luật công nghệ lưỡng đảng nhằm bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ bị sa lầy ở Hạ viện
Một dự luật toàn diện nhằm thúc đẩy khoa học và công nghệ của Mỹ để cạnh tranh với sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến năng lực sản xuất chất bán dẫn, đã bị cản trở tại Hạ viện, sau khi được Thượng viện thông qua hồi tháng Sáu. Do đó, những người đề xướng đang tìm các biện pháp khác để biến dự luật này thành luật.
Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới Hoa Kỳ (USICA) năm 2021 sẽ ủy quyền 190 tỷ USD để chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển khoa học và 52 tỷ USD tiền tài trợ để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở Hoa Kỳ. Dự luật còn bao gồm các biện pháp bảo vệ các nhà sản xuất chất bán dẫn ngoại quốc thân thiện.
Tuy nhiên, một số dân biểu nói rằng họ muốn soạn thảo dự luật của riêng mình hơn là thông qua USICA. Đồng thời, các nguồn tin nói với Reuters rằng Trung Quốc đã đang gây áp lực buộc các giám đốc điều hành, các công ty, và các nhóm kinh doanh của Hoa Kỳ vận động hành lang chống lại USICA và các dự luật tương tự khác.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã đề nghị USICA (pdf) vào ngày 18/05, và Thượng viện đã thông qua đề nghị đó hồi tháng Sáu với tỷ lệ ủng hộ lưỡng đảng là 68-32.
Tuy nhiên, khi cuối năm dần cận kề, khả năng USICA được thông qua trước năm 2022 đang ngày càng thu hẹp.
Phản ứng trước thực trạng này, những người ủng hộ đang cố gắng đưa một số điều khoản của dự luật này vào các phần dự luật khác sẽ được thông qua trước cuối năm nay, chẳng hạn như Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA).
Ông Schumer đã đề cập đến khả năng đưa những nội dung của USICA vào NDAA trong một bức thư hôm Chủ Nhật (21/11). Ông nói rằng điều này “Sẽ có thể khiến cho việc đàm phán về USICA với Hạ viện được hoàn thành cùng với NDAA trước cuối năm nay”.
Theo các chuyên gia, việc mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn đang trở thành một vấn đề Quốc phòng. Ông Antonio Graceffo, một cộng tác viên của Epoch Times, đã viết rằng những con chip này là thành phần cần thiết cho các thiết bị quân sự và quốc phòng, cho ngành viễn thông, các hệ thống dẫn đường và điều hướng hỏa tiễn; cũng như các thiết bị mô phỏng những loại vũ khí, các thiết bị xác định khoảng cách, và các kíp nổ cận đích (proximity fuse). Chất bán dẫn cũng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia, vì chúng là yếu tố cần thiết để xây dựng các thiết bị công nghệ thương mại.
Chẳng hạn, Đài Loan sản xuất khoảng 63% chất bán dẫn của thế giới, theo Viện Nghiên cứu Á Châu của Âu Châu.
Vì chất bán dẫn rất quan trọng đối với các tham vọng phát triển của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã đang đe dọa chiếm Đài Loan, mặc dù Đài Loan là một nước dân chủ tự quản.
Theo ông James Gorrie, tác giả của cuốn “The China Crisis: How China’s Economic Collapse Will Lead to a Global Depression” (“Cuộc Khủng Hoảng Trung Quốc: Sự Sụp Đổ Kinh Tế của Trung Quốc sẽ Dẫn Đến một Cuộc Suy Thoái Toàn Cầu Như Thế Nào”), nếu Trung Cộng giành được khả năng sản xuất của quốc đảo này, thì điều đó sẽ mang lại cho Trung Cộng một lợi thế đáng kể và có thể khiến các nước khác gặp rủi ro về mặt an ninh. Đây sẽ là hậu quả của việc AI và 5G của hầu hết các quốc gia đang dựa vào những con chip này, ông nói trong một hội thảo trực tuyến của Epoch Times hôm 27/10.
USICA có nhiều điều khoản bảo vệ mạnh mẽ cho nền độc lập của Đài Loan. Chẳng hạn, dự luật kêu gọi Hoa Kỳ “ủng hộ và tích cực thúc đẩy sự tham gia đầy ý nghĩa của Đài Loan vào Liên Hiệp Quốc.” Dự luật cũng khẳng định Hoa Kỳ phải “ra sức phản đối bất kỳ hành động nào của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng của Đài Loan”.
Khi Thượng viện chuẩn bị bỏ phiếu cho dự luật này, thì Dân biểu Gregory Meeks (Dân Chủ-New York), Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, đã giới thiệu dự luật tương tự trước Hạ viện, nhưng với cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với các vấn đề nhân quyền và Đài Loan. Dự luật đó được gọi là “Củng cố việc Tham gia và Lãnh đạo Toàn cầu của Hoa Kỳ” hay còn gọi là Đạo luật EAGLE (pdf).
Phân tích của The Epoch Times cho thấy một vài phần của USICA trình bày chi tiết đối sách của Hoa Kỳ trước hành vi gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan trong [phiên bản của] dự luật này ở Thượng viện đã bị loại bỏ hoặc là bị sửa đổi trong Đạo luật EAGLE. Điều này làm dấy lên lo ngại trong các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, những người đã kêu gọi một cách tiếp cận cứng rắn hơn khi đối phó với Trung Cộng.
Hồi tháng Sáu, Dân biểu Steve Chabot (Cộng Hòa-Ohio) nói với The Epoch Times rằng: “Chúng ta cần phải hợp tác với nhau theo một phương pháp lưỡng đảng để đáp trả bằng việc ban hành luật pháp cứng rắn để bắt Trung Cộng phải chịu trách nhiệm về hành vi gây hấn của mình đối với các nước láng giềng và những vi phạm của họ tại quê nhà”.
Ông Michael McCaul, thành viên Đảng Cộng Hòa đứng đầu trong Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, cho biết, “Điều vô cùng hệ trọng là Quốc hội cần phải thông qua [một] đạo luật lưỡng đảng, mạnh mẽ để giải quyết mối đe dọa mang tính thế hệ do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra”.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: