Dư luận chấn động trước bài báo cổ xúy hành động ‘sát thê vì cách mạng’
ĐCSTQ đã và đang cố gắng dạy bảo các em học sinh rằng dù thế nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên nhân tính
Gần đây, một trường trung học được nhà nước hậu thuẫn đã xuất bản một tờ báo bổ trợ kiến thức, trong đó có viết một câu chuyện dựa trên chủ đề “sát thê vì Cách mạng Cộng sản Trung Quốc”. Các giá trị đã bị biến dạng, và xuyên tạc hoàn toàn được cổ xúy trong bài học này đã khiến dư luận chấn động.
Số ra hôm 15/04 của Tạp chí Giáo trình Mới, một tuần báo cung cấp các kiến thức bổ trợ về Trung văn cho học sinh trung học, có [xuất bản] một câu chuyện diễn ra trước năm 1949, năm mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giành được chính quyền ở Trung Quốc.
Câu chuyện được viết dưới dạng tường thuật ở ngôi thứ nhất này kể về ông nội của tác giả làm việc cho ĐCSTQ vào thời điểm đó, và đảm trách việc gây quỹ quân sự. Một ngày nọ, bà của tác giả lấy một số thỏi vàng từ quỹ, sau đó chồng bà nói, “Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài bắn chết vợ mình.” Sau khi giết vợ, ông của tác giả đã không tái hôn và giữ chiếc khăn trùm đầu màu đỏ (được sử dụng trong hôn lễ) của người vợ quá cố bên mình cho đến cuối đời.
Rất khó để chứng minh tính xác thực của câu chuyện được sử dụng trong bài báo nói trên. Với nhan đề “Khăn Trùm Đầu Màu Đỏ”, đề cập đến truyền thống cô dâu che mặt bằng tấm lụa đỏ vào ngày kết hôn, tiêu đề lãng mạn này có thể ám chỉ rằng ông nội vẫn yêu bà nhưng đã giết bà chỉ vì một lý do được cho là chính nghĩa.
Phía dưới câu chuyện này, biên tập viên của ấn phẩm còn viết thêm một lời bình luận: “Ai đọc câu chuyện này cũng không khỏi xúc động trước nhân cách cao đẹp cũng như tình yêu thương gia đình và đất nước” của “người cách mạng” đã tự tay hành quyết vợ mình.
Tuy nhiên, thay vì gây được tiếng vang với công chúng như ấn phẩm kỳ vọng, mọi người lại đăng tải lên mạng sự phẫn nộ và lên án các cơ quan quản lý giáo dục đã bịa ra một câu chuyện kinh khủng như vậy và truyền bá cho trẻ vị thành niên những ý tưởng vô nhân đạo.
Bình luận của một độc giả được China News đăng tải cho biết: Sau khi đọc câu chuyện này, “Tôi cảm thấy ớn lạnh thấu xương, tôi tự hỏi không biết mọi người có thấy sợ ‘nhân cách cao đẹp’ này không. Người bà trong câu chuyện không thể bị coi là một người phạm tội đại ác; vậy mà bà lại bị chính người chồng kề cạnh mình hành quyết nhân danh công lý. Nhân phẩm và giá trị của sinh mạng nằm ở đâu? Trên đời thực sự có kiểu tình yêu biến dị như vậy sao? Thật nực cười!”
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, ông Dương Quý Viễn (Yang Guiyuan) nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ đã chủ trương “đại nghĩa diệt thân” (tức là không thiên vị cho thân nhân, chỉ chọn chính nghĩa) kể từ khi họ giành lấy chính quyền. Giá trị biến dạng này đạt đến đỉnh điểm trong cuộc Cách mạng Văn hóa.
Theo ông Dương, ĐCSTQ khuyến khích chồng và vợ, cha mẹ và con cái, giáo viên và học sinh vạch trần và dò xét lẫn nhau, với lý do “yêu cầu tiến bộ đúng đắn về mặt chính trị.”
Ông Dương nói: “Đây thực sự là sự phá hủy hoàn toàn các mối quan hệ của con người và làm biến dạng bản chất con người.”
“Trong tổ chức của ĐCSTQ, ‘Đảng tính’ được đặt lên trên ‘nhân tính’ và những người Cộng sản phải sử dụng ‘Đảng tính’ để đè bẹp ‘nhân tính’ khi cần thiết,” ông Dương nói thêm.
Về Đảng tính, loạt bài xã luận “Chín bài Bình luận về Đảng Cộng sản” của The Epoch Times nói rằng bản tính của Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn hiện hữu và khác với nhân tính phổ quát. Bản chất của con người có thể được coi là tương đối và có thể thay đổi, nhưng bản chất của Đảng là tuyệt đối và không được phép nghi ngờ hay thách thức.
Năm 2016, một tòa án ở huyện Nội Hương, tỉnh Hà Nam, đã treo một biểu ngữ rất dài có nội dung “Luận Đảng tính, Bất luận nhân tính,” Đài Á Châu Tự Do đưa tin vào ngày 17/5/2016.
Trước làn sóng hồ nghi, Chủ tịch Tòa án Nhân dân huyện Nội Hương, Hà Nam, ông Thành Diên Châu (Cheng Yanzhou), đã trả lời và nói rằng khi nhân tính xung đột với Đảng tính, thì Đảng tính cần được đặt lên hàng đầu. Nhưng ông không đề cập xem hoàn cảnh nào thì lấy nhân tính làm trọng.
Hôm 06/11/2021, nhà xuất bản kỳ cựu Nhan Thuần Câu (Yan Chun-hook) ở Hồng Kông cho biết trên trang Facebook của mình, rằng nhân tính đã được định hình và hình thành qua hàng nghìn năm phát triển xã hội bằng tình yêu thương và lòng nhân ái, trí óc và linh hồn của cá nhân và toàn thể xã hội, và đạo đức và các hành vi đạo đức căn bản là nền tảng để duy trì một xã hội bình thường.
“Để diệt trừ nhân tính, ĐCSTQ đã thay thế nhân tính thông thường căn bản bằng cái gọi là cách mạng, lý tưởng, đấu tranh, thống nhất đất nước, trẻ hóa quốc gia, ổn định xã hội, và những yêu sách hão huyền khác,” ông Nhan nói.
“Trong một xã hội do ĐCSTQ cai trị, tội ác phản nhân loại có thể được thực hiện ngay giữa ban ngày,” ông Nhan nói thêm, dẫn chứng rằng hầu hết người dân Trung Quốc đã chấp nhận việc vô tình bị chế độ này tẩy não và đánh mất nhân tính của họ. Do đó, họ có thể dễ dàng hành động như một công cụ hữu ích để ĐCSTQ đàn áp người dân Trung Quốc hơn nữa.
Được thành lập vào năm 2006, Tạp chí Giáo trình Mới là tạp chí duy nhất bổ trợ thêm kiến thức cho sách giáo khoa trung học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục Trung Quốc về cải cách chương trình giáo dục căn bản, hướng tới giáo viên và học sinh trên toàn quốc.
Ông Shawn Lin là một Hoa kiều sinh sống tại New Zealand. Ông đã viết bài đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Ellen Wan
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: