Dữ liệu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và những mánh khóe của Bắc Kinh
Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố hôm 16/04/2021, Trung Quốc có mức tăng trưởng kinh tế hàng năm là 18.3% trong quý đầu tiên của năm 2021. Sau đó, hôm 27/04/2021, NBS thông báo rằng các doanh nghiệp công nghiệp lớn hơn quy mô được chỉ định đã đạt lợi tức tăng 1.4 lần trong quý đầu tiên của năm 2021. Truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục tung tin rằng nền kinh tế Trung Quốc đã hoàn toàn phục hồi sau đợt suy thoái do đại dịch gây ra, trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế và thịnh vượng.
Nếu quý vị đọc lướt tin tức Trung Quốc, những tuyên bố của họ có vẻ là hợp lý. Tuy nhiên, ít người hiểu cách Trung Cộng thao túng dữ liệu thống kê của mình. Chúng ta hãy xem xét cách nhà cầm quyền này thu thập thông tin về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
‘Chỉ số Khắc Cường’
Dữ liệu tăng trưởng kinh tế do Trung Cộng công bố thường nằm trong nhóm [tăng trưởng] tốt nhất trên thế giới. Tại các quốc gia và tổ chức quốc tế mà Trung Cộng có ảnh hưởng tương đối mạnh, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), số liệu tăng trưởng kinh tế vượt trội của Trung Quốc được chấp nhận mà không mảy may nghi ngờ. Điều này cũng đúng với các học giả có khuynh hướng ca ngợi những thành tựu của Trung Cộng.
Tuy nhiên, hầu hết những người sáng suốt thường nghi ngờ các số liệu của Trung Cộng, nhưng họ vẫn chưa tìm ra cách suy ra dữ liệu đáng tin cậy về nền kinh tế Trung Quốc.
Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường giữ chức vụ Bí thư tỉnh Liêu Ninh (từ năm 2004 đến năm 2007), ông đã cố gắng sử dụng các chỉ số kinh tế ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị như tiêu thụ điện, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt và các khoản vay ngân hàng để đánh giá xu hướng thực sự của kinh tế Liêu Ninh. Vào thời điểm đó, các chỉ số này được truyền thông Trung Quốc gọi là “Chỉ số Khắc Cường,” và chúng thu hút đáng kể sự chú ý trong các bản tin kinh tế quốc tế và trong nước. Bản thân sự chú ý dành cho “Chỉ số Khắc Cường” cho thấy dữ liệu tăng trưởng kinh tế được báo cáo chính thức của Trung Quốc là không đáng tin cậy, một thực tế mà cả cơ quan trung ương và địa phương đều biết rất rõ. Những lãnh đạo hàng đầu của Trung Cộng khi đó không chỉ trích chỉ số này, vì họ biết rằng đánh giá như vậy được dựa trên lý lẽ hợp lý.
“Chỉ số Khắc Cường” không dùng dữ liệu tăng trưởng GDP để đánh giá tình hình kinh tế. Tất nhiên, bởi vì các quan chức Trung Quốc thường phóng đại khi đưa ra số liệu thống kê về GDP. Tuy nhiên, chỉ số này cũng có một số vấn đề nhất định về độ tin cậy của nó.
Nhiều năm trước, tôi phát hiện ra rằng Bộ Tài nguyên Nước và Điện lực đã làm sai lệch số liệu về số giờ sử dụng của các thiết bị nhiệt điện khi Bộ này tìm cách kiếm thêm kinh phí để nâng cấp thiết bị của họ. Tôi thấy rằng họ đã mắc một sai lầm rõ ràng trong việc tính toán số giờ sử dụng—họ đã tính 32 ngày cho tháng 12/1986! Tôi đã đưa vấn đề này tại một cuộc họp phân tích kinh tế do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì, và sau đó NBS đã thừa nhận rằng tuyên bố của tôi là đúng.
Sau khi ông Lý leo lên vị trí để trở thành một thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng, “Chỉ số Khắc Cường” của ông đã bị loại bỏ, bởi điều đó sẽ khiến NBS bối rối.
Trên thực tế, để đưa ra các nhận định kinh doanh đúng đắn, nhiều ngân hàng đầu tư lớn ở phương Tây thường xây dựng các phương pháp ước tính riêng để thẩm định thực trạng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Ví dụ, Công ty Chứng khoán Nomura của Nhật Bản đã đưa ra các phương pháp phân tích dữ liệu kinh tế Trung Quốc của riêng họ và thiết lập cơ sở dữ liệu độc quyền từ những năm 1990. Cá nhân tôi đã trao đổi với các nhà nghiên cứu của công ty này ở Bắc Kinh vào năm 1987. Vào thời điểm đó, tôi phát hiện ra rằng phân tích của họ về nền kinh tế Trung Quốc rất độc đáo và có hệ thống, thường tập trung vào những chi tiết mà các học giả Trung Quốc không chú ý đến. Tuy nhiên, họ sẽ không tiết lộ các phương pháp này, và các phương pháp ước tính của họ có thể không đáng tin cậy 100%.
Đằng sau sự tăng trưởng kinh tế ‘tích cực’ của Trung Quốc
Dữ liệu tăng trưởng kinh tế chính thức của Trung Quốc có một đặc điểm độc đáo không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới; nghĩa là, những dữ liệu này luôn cho thấy một sự “tăng trưởng tích cực,” bất kể tình hình kinh tế thực là tốt hay xấu. Điều này là do dữ liệu chính thức không phản ánh chính xác nền kinh tế, mà là bộ công cụ để phục vụ các nhu cầu chính trị. Là một phần trong tuyên truyền của Trung Cộng, dữ liệu kinh tế phải luôn đáp ứng mức tăng trưởng mục tiêu đã nêu của Trung Cộng.
Trong hoàn cảnh đó, nếu tăng trưởng kinh tế thực tế không đạt được định hướng và mục tiêu mà các quan chức hàng đầu của Trung Cộng đề ra, thì Cục Thống kê Quốc gia phải cố gắng dùng các thủ thuật thống kê để sửa chữa dữ liệu cho đến khi tạo ra thứ gì đó phù hợp với nhu cầu tuyên truyền chính trị của Trung Cộng.
Ngoài ra, có một số chuyên gia hiểu số liệu thống kê của Trung Quốc sai lệch như thế nào và họ cố gắng tìm ra sự thật từ các dữ liệu liên quan khác—và Trung Cộng nhận thức được điều đó. Vì vậy, Trung Cộng luôn che giấu một phần số liệu thống kê kinh tế ở tầm vĩ mô, xem chúng là “bí mật quốc gia,” do đó khiến người ngoài cuộc hầu như không thể tìm ra những thủ thuật mà các cơ quan thống kê đã sử dụng.
Theo nghĩa này, bộ phận thống kê của Trung Quốc không phải là bộ phận chỉ đơn giản xử lý dữ liệu khảo sát. Thay vào đó, nó là một bộ phận “cơ quan ngôn luận” hợp tác với tuyên truyền kinh tế của Trung Cộng, và dữ liệu thống kê mà nó tạo ra phải phục vụ nhu cầu chính trị của các nhà chức trách.
Do đó, không ai trong số các cấp lãnh đạo cao nhất của lãnh đạo Trung Cộng, bao gồm cả ông Lý Khắc Cường, từng cố gắng ngăn chặn NBS dùng những mánh khóe này. Kết quả là, nền kinh tế Trung Quốc luôn “trên đà tăng trưởng nhanh.”
Đáng chú ý nhất, có một số chỉ tiêu kinh tế về cơ bản vẫn ổn định, cho dù nền kinh tế đang xấu đi như thế nào. Một trường hợp điển hình là tỷ lệ thất nghiệp, vì nó được coi là một chỉ số chính trị phản ánh sự thành công hay thất bại trong quản lý kinh tế của Trung Cộng. NBS sẽ không dám công khai tỷ lệ thất nghiệp thực sự của Trung Quốc, vì vậy chỉ số này là một “hằng số toán học tĩnh” từ năm này qua năm khác.
Các mánh khóe của Trung Cộng
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thực sự đã trở thành một trò chơi số của NBS. Nếu quý vị không hiểu các thủ đoạn của Trung Cộng, quý vị sẽ không thể hiểu được kết quả thống kê và sự thật về nền kinh tế Trung Quốc.
Có ít nhất ba loại thủ thuật được sử dụng trong việc thống kê công nghiệp của Trung Quốc: (1) tính các công ty lớn trong khi loại trừ các công ty nhỏ; (2) tính các công ty có lợi tức trong khi loại trừ những công ty không có lợi tức đang thua lỗ; và (3) tính dữ liệu đã phóng đại.
Tính các công ty lớn trong khi loại trừ các công ty nhỏ: chỉ các chỉ số hoạt động của các công ty lớn được đưa vào cơ sở dữ liệu. Sự thăng trầm của nền kinh tế trước hết được phản ánh ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi các doanh nghiệp lớn có khả năng phục hồi tương đối cao hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp độc quyền đều có quy mô lớn, được ngân hàng hỗ trợ tối đa. Do đó, họ ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.
Khi tôi trích dẫn tuyên bố từ NBS trong phần đầu của bài viết này, quý vị có thể nhận thấy rằng tôi đã sử dụng thuật ngữ “các doanh nghiệp công nghiệp lớn hơn quy mô được chỉ định”–điều này mô tả các công ty lớn.
Hơn nữa, “quy mô được chỉ định” đã được nâng cấp theo thời gian. Từ năm 1998 đến năm 2006, “quy mô được chỉ định” dùng để chỉ tất cả các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh có lợi tức hàng năm hơn 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 78,080 USD). Từ năm 2007 đến năm 2010, nó đã được điều chỉnh thành các doanh nghiệp công nghiệp với lợi tức hàng năm hơn 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 78,080 USD), do đó chỉ tập trung vào các doanh nghiệp công nghiệp và loại trừ các loại hình doanh nghiệp khác. Kể từ năm 2011, phạm vi đã được thay đổi thành các doanh nghiệp công nghiệp với lợi tức hàng năm hơn 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 3.12 triệu USD). Lý do của việc “nâng cấp” liên tục là loại trừ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra khỏi số liệu thống kê, vì chúng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ “tăng trưởng” của nền kinh tế Trung Quốc.
Tính các công ty có lợi tức trong khi loại trừ các công ty không có lợi tức: dữ liệu thống kê chỉ bao gồm các công ty có hoạt động tốt. NBS không chỉ đặt ra tiêu chuẩn về “quy mô được chỉ định” mà còn thiết lập “danh mục doanh nghiệp” của riêng cơ quan này. Chỉ những công ty được liệt kê trong danh sách này mới được đưa vào tính toán “tăng trưởng” kinh tế Trung Quốc.
Hơn nữa, danh mục này đang được cập nhật liên tục. Nếu một công ty đang sa sút và giảm xuống dưới “quy mô được chỉ định”, công ty đó sẽ bị xóa khỏi danh sách—thậm chí hồ sơ hoạt động của công ty trong năm trước đó cũng sẽ bị xóa. Sau đó, trong tính toán của năm mới, các công ty bị thua lỗ đáng kể và phá sản sẽ không được tính, và nền kinh tế Trung Quốc dường như vẫn đang “tăng trưởng tích cực”.
Tính số liệu đã được phóng đại: giá trị gia tăng công nghiệp và sự gia tăng lợi tức do lạm phát gây ra được đưa vào dữ liệu để phản ánh cái gọi là “tăng trưởng” kinh tế. Thu nhập của doanh nghiệp luôn được tính theo giá hiện hành. NBS tuyên bố rằng họ loại trừ yếu tố giá khi tính toán tăng trưởng kinh tế và chỉ tính tốc độ tăng trưởng dựa trên “giá cố định.” Về mặt kỹ thuật, NBS nên công khai chỉ số giá và giá trị gia tăng công nghiệp khi báo cáo số liệu của mình, tuy nhiên hai số liệu quan trọng này luôn được coi là “bí mật nhà nước”.
Hiểu về dữ liệu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc
Ba phương pháp mang tính kỹ xảo nói trên thực sự là bí mật không che đậy ở Trung Quốc. NBS thậm chí còn tuyên bố rõ ràng trên trang web chính thức của họ, trong phần “kiến thức thống kê,” rằng đây là những phương pháp họ sử dụng để phân tích dữ liệu kinh tế, gọi chúng là “trong phạm vi thống kê.” Các quan chức tại cơ quan này về cơ bản nói rằng họ đang minh bạch và không nên bị đổ lỗi cho các báo cáo thổi phồng của họ về nền kinh tế Trung Quốc.
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ bằng cách trích dẫn bản tin về số liệu thống kê của NBS công bố hôm 16/04/2021, trong đó tuyên bố rằng trong tháng 03/2021 “giá trị gia tăng của các doanh nghiệp công nghiệp lớn hơn quy mô được chỉ định đã tăng 14.1%.”
Bản báo cáo này có phần chú thích để diễn giải về “phạm vi thống kê”, nội dung như sau: “Tốc độ tăng trưởng này đề cập đến các doanh nghiệp công nghiệp có lợi tức hàng năm từ 20 triệu nhân dân tệ (3.12 triệu USD) trở lên; bởi vì danh sách các doanh nghiệp công nghiệp lớn hơn quy mô được chỉ định thay đổi hàng năm… [nên] có sự khác biệt về quy mô dữ liệu được công bố so với năm trước đó. Nguyên nhân chính là: hàng năm có một số doanh nghiệp đạt ngưỡng và được đưa vào cơ sở dữ liệu khảo sát của chúng tôi, một số doanh nghiệp bị loại khỏi cơ sở dữ liệu khảo sát do quy mô kinh doanh giảm… ngoài ra còn có những thay đổi khác như doanh nghiệp mới thành lập, bị phá sản, bị giải thể; tất cả đều sẽ ảnh hưởng đến kết quả thống kê cuối cùng của chúng tôi.”
Hầu hết độc giả chỉ nhận thấy những cụm từ sau trong tiêu đề của báo cáo, “giá trị gia tăng của các doanh nghiệp công nghiệp … tăng 14.1%”, nhưng rất ít người đọc phần chú thích. Ngay cả khi họ để ý, họ có thể không hiểu ý nghĩa của nó. Thực tế là NBS của Trung Cộng đã sử dụng phương pháp bán công khai này cho chúng ta hiểu rằng việc so sánh dữ liệu tăng trưởng kinh tế hiện tại của họ với năm trước là vô nghĩa, bởi vì họ đã chơi trò “ăn gian” bằng cách chỉ tính đếm các công ty lớn và có lợi tức. “Tốc độ tăng trưởng” mà họ đưa ra cũng vô nghĩa và không thể tin cậy được, vì việc so sánh không được thực hiện trên cùng một cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp.
Vậy thì chúng ta nên xem xét dữ liệu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc như thế nào? Đây là một đề tài nghiên cứu kinh tế và thống kê cao cấp.
Tôi học chuyên ngành thống kê ở trường đại học, và trong quá trình làm việc sau khi tốt nghiệp, tôi đã nghiên cứu thống kê kiểu Trung Quốc trong một thời gian dài. Vì vậy, tôi đã tích lũy được một số kinh nghiệm đáng chia sẻ.
Đầu tiên, chúng ta phải phân tích dữ liệu không chính thức càng nhiều càng tốt. Thứ hai, đối với mọi tập hợp dữ liệu, chúng ta cần hiểu cái gọi là “những thay đổi trong phạm vi thống kê” của chúng và tìm hiểu những thay đổi này có ảnh hưởng gì đến việc phân tích dữ liệu. Thứ ba, chúng ta nên xem xét các dữ liệu và chỉ số kinh tế thường không được các cơ quan thống kê của Trung Cộng sử dụng để khoe khoang về thành tựu kinh tế của đất nước.
Ở các nước cộng sản, ngay cả số liệu thống kê cũng bị bóp méo và biến thành công cụ tuyên truyền ca ngợi nhà cầm quyền. Đối với những người đặt niềm tin vào số liệu thống kê của Đảng Cộng sản, tôi sẽ nói rằng hẳn phải có điều gì đó khác đằng sau sự ngây thơ của họ.
Ông Trịnh Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) là một học giả về chính trị và kinh tế Trung Quốc tại New Jersey. Ông Trịnh từng là nhà nghiên cứu chính sách và là phụ tá của cựu lãnh đạo Trung Cộng Triệu Tử Dương. Ông cũng từng là chủ bút của Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Cheng Xiaonong thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: