Dữ liệu rà soát: Nền kinh tế Hoa Kỳ suy giảm nhiều hơn so với số liệu ước tính trước đó
Theo dữ liệu rà soát từ Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ (BEA) công bố hôm 29/06, nền kinh tế Hoa Kỳ suy giảm tồi tệ hơn trong quý đầu tiên của năm 2022 kể từ khi đại dịch bùng phát năm 2020.
Cơ quan này cho rằng sự suy thoái nói trên là do một sự suy giảm bất ngờ trong hoạt động kinh tế do biến thể Omicron gây ra trong bối cảnh sự hỗ trợ của chính phủ bị cắt giảm.
BEA cho biết trên Twitter: “Nền kinh tế Hoa Kỳ suy giảm với tốc độ 1.6% hàng năm trong quý 1, yếu hơn một chút so với tốc độ suy giảm 1.5% được ước tính một tháng trước đó.”
Mức giảm 1.6% trong GDP là lần đầu tiên kể từ hồi quý 2/2020, trái ngược hoàn toàn với trong quý 4/2021 khi GDP thực tế tăng 6.9% — mức tăng nhanh nhất trong 40 năm do xuất cảng tăng vọt và tồn kho xe hơi của Hoa Kỳ tăng.
BEA báo cáo, “Ước tính ‘lần thứ ba’ về GDP được công bố ngày hôm nay dựa trên dữ liệu nguồn đầy đủ hơn so với ước tính ‘lần thứ hai’ được công bố hồi tháng trước.”
“Trong ước tính lần thứ hai, mức giảm GDP thực tế là 1.5%. Bản cập nhật này chủ yếu phản ánh một mức điều chỉnh đi xuống đối với chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã được bù đắp một phần bằng một mức điều chỉnh đi lên đối với đầu tư hàng tồn kho tư nhân.”
Ước tính điều chỉnh lần thứ ba phản ánh mức chi tiêu thấp hơn dự kiến cho hàng tồn kho kinh doanh và sự sụt giảm của thị trường địa ốc, được bù đắp một phần bởi sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng.
Quý đầu tiên năm 2022 chứng kiến sự lan rộng của biến thể Omicron dẫn đến việc chính phủ tiếp tục thực hiện các quy định bắt buộc và các hạn chế đối với các doanh nghiệp, gây ra một sự gián đoạn trong nền kinh tế.
Góp phần vào sự sụt giảm này là việc cắt giảm các chương trình hỗ trợ của chính phủ, chẳng hạn như các khoản vay có thể miễn trả và cứu trợ cho các doanh nghiệp và gia đình đang gặp khó khăn, bắt đầu hết hạn vào cuối quý.
Thu nhập cá nhân khả dụng thực tế trong quý đầu tiên giảm 7.8%, so với mức giảm 4.5% trong quý thứ tư, trong khi tiết kiệm cá nhân giảm xuống 1.02 ngàn tỷ USD từ 1.45 ngàn tỷ USD trong quý đầu tiên và thứ tư tương ứng.
Báo cáo này cho biết xuất cảng của Hoa Kỳ giảm trên diện rộng, chi tiêu của chính phủ tăng, dư thừa tồn kho kinh doanh, cùng với sự gia tăng nhập cảng, đã dẫn đến sự sụt giảm tổng thể trong GDP thực tế.
Xuất cảng giảm là do đơn hàng ngoại quốc giảm phổ biến đối với hàng hóa không lâu bền, trong khi sự gia tăng nhập cảng chủ yếu là hàng tiêu dùng không phải thực phẩm và không phải xe hơi.
Sự sụt giảm trên diện rộng đối với việc mua hàng hóa không lâu bền được dẫn đầu bởi hàng tạp hóa và năng lượng do giá cả tăng, nhưng phần lớn được bù đắp bởi sự gia tăng đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền như xe có động cơ và phụ tùng.
Đã có sự sụt giảm trong chi tiêu của chính phủ liên bang chủ yếu dành cho chi tiêu quốc phòng cho hàng hóa và dịch vụ trung gian, trong khi sự sụt giảm đầu tư vào hàng tồn kho tư nhân chủ yếu do hoạt động thương mại bán buôn xe cộ, cũng như khai thác mỏ, tiện ích, và xây dựng.
Chỉ số giá tổng mua sắm trong nước sau rà soát đã tăng 8% trong quý đầu tiên, so với mức tăng 7% trong quý IV.
Chỉ số giá PCE sửa đổi tăng 7.1%, so với mức tăng 6.4% trong quý IV năm 2021.
Chỉ số giá PCE, khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, tăng 5.2% so với mức tăng 5% vào cuối năm ngoái (2021).
Thị trường chứng khoán trong quý vừa qua đã có diễn biến tồi tệ nhất kể từ sự xáo động đối với nền kinh tế từ đại dịch vào đầu năm 2020, với S&P giảm 5% và Nasdaq mất 9%.
Việc chấm dứt chính sách kích thích chi tiêu trong đại dịch của Cục Dự trữ Liên bang, cùng với việc tăng lãi suất để chống lạm phát và việc Nga xâm lược Ukraine, đã gây ra nhiều bất ổn trên thị trường, với một số chuyên gia cảnh báo rằng khả năng suy thoái trong năm tới đang gia tăng.
Báo cáo Xếp hạng Toàn cầu của S&P hôm 27/06 đưa tỷ lệ cược suy thoái vào năm 2023 là 40% và nói rằng các chính sách chống lạm phát quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp trong năm nay và làm tăng nguy cơ suy thoái.
Chủ tịch của A. Gary Shilling & Co., ông Gary Shilling cho biết trong một bài báo trên Bloomberg, việc lợi suất của chứng khoán kho bạc kỳ hạn 10 năm có thể đã đạt đến đỉnh điểm và có thể xuống thấp hơn là một dấu hiệu cho thấy khả năng xảy ra suy thoái nhiều hơn.
Ông viết: “Đường cong lợi suất có khoảng cách càng xa, thì ảnh hưởng của chính sách ngân hàng trung ương càng ít.”
Ông cũng nói rằng “sự chuyển dịch từ sóng thần tiền tệ của ngân hàng trung ương sang cắt giảm tích trữ tiền của Fed thông qua thắt chặt định lượng và chấm dứt kích thích tài khóa lớn là một sự xáo động lớn đối với nền kinh tế.”
Ông kết luận: “Mức tăng 1.30 % trong lợi suất 10 năm ngụ ý lãi suất các quỹ tăng 3.5%, tức là sẽ gần bằng 4%. Con số này đủ cao để hủy hoại sự phát triển kinh tế đang nổi lềnh phềnh trên một biển tín dụng rẻ và dễ kiếm.”
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.