Dữ liệu của gần 700 công dân Hoa Kỳ bị thu thập trong cuộc càn quét giám sát đồ sộ của Trung Quốc
Thông tin về gần 700 người Hoa Kỳ đã bị đưa vào trong danh sách theo dõi an ninh bí mật của Trung Quốc khi họ có các chuyến đi đến Thượng Hải, theo một cơ sở dữ liệu bị rò rỉ mà The Epoch Times được đọc.
Danh sách 697 công dân Hoa Kỳ, một số là trẻ mới 3 tuổi, là một phần của bộ dữ liệu 1.1 triệu hồ sơ có liên quan đến hơn 5,000 công dân nước ngoài. Các chi tiết được ghi lại bao gồm tên đầy đủ, dữ liệu khai sinh, và số hộ chiếu của họ, được thu thập khi những cá nhân này nhập cảnh và rời khỏi Thượng Hải trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020.
Cục An ninh Công cộng Thượng Hải, cơ quan đã lưu trữ các thông tin này trên máy chủ của họ, tuân theo sự điều khiển của bộ An ninh Nhà nước, cơ quan tình báo cao nhất của chính quyền trung ương.
Trong số những người trong danh sách theo dõi này còn có 172 người Canada, 161 người Úc, và hàng trăm du khách đến từ các quốc gia châu Á như Nhật Bản và Đài Loan. Ba trong số những người bị theo dõi có hộ chiếu ngoại giao.
Mặc dù các hồ sơ của Thượng Hải vẫn chưa đầy đủ, nhưng đó là một “cửa sổ nhỏ nhưng đầy chi tiết về tình trạng giám sát của Trung Quốc,” hai ông Robert Potter và David Robinson thuộc công ty an ninh mạng Internet 2.0 có trụ sở tại Úc đã phân tích dữ liệu trên cho biết.
Một tập con của dữ liệu bị rò rỉ này bao gồm một danh sách đen chứa 10,000 người được đánh dấu là “tình nghi khủng bố,” gồm có 93% trong đó là người Duy Ngô Nhĩ. Hàng nghìn người trong số họ đã bị gắn cờ khi truy cập internet.
Hàng trăm cá nhân bị đưa vào danh sách theo dõi này vì đã tiếp cận với các hóa chất nguy hiểm, ma túy, hoặc vật liệu chế tạo chất nổ. Gần một nửa trong số họ là nhân viên làm việc cho các công ty ngoại quốc hoặc liên doanh, trong số đó có tập đoàn sản xuất khổng lồ 3M của Hoa Kỳ, công ty hóa chất Invista có trụ sở tại Kansas, và nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Mitsubishi.
Cơ sở dữ liệu này lần đầu tiên được báo cáo bởi Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc (Australian Broadcasting Corp).
Hồ sơ từ một huyện có tên là Kim Sơn (Jinshan) gần bến Thượng Hải cũng tiết lộ việc các quan chức đã khai triển camera giám sát để theo dõi trực tiếp các cá nhân ra sao, khi có thể thì ghi lại các chi tiết đăng ký xe và các hoạt động của họ.
Công ty Internet 2.0 đã lưu ý cách thức mà dữ liệu cấp địa phương được hợp nhất vào một hệ thống duy nhất để tăng cường tình trạng giám sát.
“Hệ thống này là minh chứng cho thấy việc Trung Quốc đại khái tìm cách kiểm soát tất cả các điểm dữ liệu bên trong phạm vi thực thi pháp luật và kiểm soát chính trị như thế nào,” công ty này cho biết, đồng thời lưu ý rằng các công cụ mà họ huy động là “tiên tiến hơn đáng kể về cả phạm vi và quy mô so với các công cụ được vận hành ở các nước dân chủ.”
Trước đó, Giám đốc an ninh của Viện Chính sách Chiến lược Úc Michael Shoebridge đã nói với The Epoch Times rằng khối lượng lớn thông tin từ vụ rò rỉ cho thấy ảnh hưởng mà Bắc Kinh có trong việc nhắm mục tiêu vào bất kỳ ai gây hấn với chế độ này.
“Không kể đến những khoản đầu tư khổng lồ vào an ninh mạng, theo dõi trực tuyến, giám sát, cùng một cơ quan trung ương kiểm soát chặt chẽ, thì đây là một lỗ hổng lớn trong mô hình hoạt động của Đảng này mà dường như đang lớn lên chứ không hề thu hẹp,” ông nói.
Bộ Ngoại giao đã không hồi đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times vào thời điểm ra bài báo này.
Do Eva Fu thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: