Dữ liệu cho thấy đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc là một ý tưởng tồi trong lịch sử
Nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển vượt bậc trong ba thập niên qua, nhưng thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã mang lại cho các nhà đầu tư những khoản lợi nhuận rất ảm đạm. Theo dữ liệu tháng Tư của Morgan Stanley Capital International (MSCI), chứng khoán Trung Quốc có diễn biến tồi tệ nhất trong số các thị trường chứng khoán lớn nhất của Á Châu và thế giới.
Kể từ khi thành lập vào tháng 12/1992, chỉ số MSCI Trung Quốc chỉ đạt lợi tức 1.06% mỗi năm, thấp hơn đáng kể so với lợi nhuận của chỉ số các thị trường mới nổi của MSCI (6.91%) và chỉ số chứng khoán toàn cầu hàng đầu của MSCI (8.25%).
Hiệu quả của chỉ số Trung Quốc rất thấp trên toàn sàn giao dịch, với lợi nhuận hàng năm là 3.96% trong mười năm, 2.27% trong năm năm và âm 4.92% trong ba năm qua. Lợi nhuận bao gồm hiệu suất về giá và thu nhập từ cổ tức.
Trong khi đó, các nhà đầu tư thị trường chứng khoán ở Hoa Kỳ đã đạt được mức tăng cao hơn với chỉ số MSCI Hoa Kỳ tạo ra lợi nhuận hàng năm là 11% kể từ tháng 12/1987.
Ông Kyle Bass, người sáng lập và giám đốc đầu tư của Hayman Capital Management, nói với The Epoch Times: “Trung Quốc sử dụng tiền của phương Tây và trả lợi nhuận gần như bằng không vì rủi ro rất lớn.”
Ông Bass, người từng lên tiếng chỉ trích việc đầu tư vào Trung Quốc, cũng nói rằng “các bên nhận ủy thác quản lý tài sản nên bị kiện vì đã đầu tư” vào chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Chỉ số MSCI Trung Quốc bao gồm các cổ phiếu công ty vừa và lớn giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hoặc được niêm yết ở ngoại quốc. Chỉ số này, có hơn 700 doanh nghiệp, bao gồm khoảng 85% thị trường vốn cổ phần của Trung Quốc.
Sau đợt bán tháo gần đây trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, các nhà đầu tư toàn cầu trở nên lo lắng hơn về việc đầu tư vào tài sản của Trung Quốc.
Theo ông Robin Parbrook, đồng trưởng bộ phận đầu tư tài sản thay thế cổ phiếu Á Châu tại Schroders, một công ty quản lý đầu tư toàn cầu, điều quan trọng là các nhà đầu tư phải nhận ra rằng lợi nhuận của thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế không tương quan với nhau.
Trong một báo cáo vào tháng Mười năm ngoái (2021), ông viết: “Ngay cả khi chúng ta có thị trường chứng khoán định hướng trong nước, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng bởi hệ thống pháp luật thực sự và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.”
Ông Parbrook lưu ý, các yếu tố này giải thích một phần sự thành công của thị trường chứng khoán ở các quốc gia có chính phủ mạnh mẽ và hệ thống luật pháp độc lập, chẳng hạn như Úc và Thụy Điển.
Ông Parbrook đã so sánh diễn biến của chỉ số MSCI Trung Quốc với chỉ số MSCI của các quốc gia Á Châu khác vào tháng Mười và phát hiện ra rằng chứng khoán Trung Quốc có hoạt động yếu nhất kể từ năm 1992.
Các thị trường Á Châu bao gồm Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều vượt trội so với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về diễn biến của thị trường chứng khoán.
Các nhà đầu tư bán tháo tài sản tại Trung Quốc với tốc độ kỷ lục
Bất chấp lợi nhuận ảm đạm, tại sao các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc?
Theo ông Parbrook, nhiều nhà quản lý quỹ chủ động của Trung Quốc đã đạt được lợi nhuận tốt bằng cách bỏ qua chỉ số và tập trung vào việc chọn cổ phiếu.
Tuy nhiên, ông lưu ý, phạm vi các ngành công nghiệp và cổ phiếu Trung Quốc có thể đầu tư đã bị thu hẹp trong những tháng gần đây và mức định giá đã giảm do rủi ro tăng cao.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gia tăng ảnh hưởng và đàn áp các công ty tư nhân, khiến thị trường Trung Quốc sụp đổ và các nhà đầu tư tháo chạy.
Một số nhà bình luận thị trường tin rằng, sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, các nhà đầu tư sẽ cảnh giác hơn khi đầu tư vào các quốc gia có chế độ độc tài.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), dòng vốn chảy ra từ Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm nay là lớn nhất được ghi nhận. Các nhà phân tích của IIF nhận định, các nhà đầu tư đang từ bỏ cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc vì sự phong tỏa do COVID, mất giá đồng tiền và rủi ro nhận thức được khi đầu tư vào các quốc gia có quan hệ căng thẳng với phương Tây.
Một ví dụ gần đây về một công ty đầu tư đã cắt giảm đầu tư vào tài sản Trung Quốc là tổ chức tài chính 400 năm tuổi của Hà Lan Van Lanschot Kempen. Bloomberg đưa tin rằng, sau khi phát triển một kỹ thuật sàng lọc mới, công ty bắt đầu đưa vào danh sách đen một số tài sản tại Trung Quốc với nỗ lực “tránh các quốc gia gây tranh cãi.”
Ông Bass viết trên Twitter về quyết định của công ty quản lý tài sản Hà Lan: “Tôi thật kinh ngạc khi việc xâm lược và tội ác chiến tranh của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin được đưa ra cho đám đông các quỹ đầu tư lương hưu và tài trợ của thế giới để ‘phát triển’ các phép kiểm tra dựa trên rủi ro về đầu tư vào các chế độ chuyên quyền.”
“Tôi đoán việc mất tất cả mọi thứ trong các công ty Nga ‘giá rẻ’ đã dạy cho họ một bài học trị giá hàng tỷ USD. Hãy thử nghĩ xem có bao nhiêu tài sản trợ cấp và lương hưu của phương Tây đã bị mắc kẹt ở Trung Quốc. Hàng trăm tỷ.”
Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tuột dốc so với các thị trường khác trong quý đầu tiên của năm nay do các lệnh phong tỏa được áp dụng ở các thành phố lớn, bao gồm cả Thượng Hải. Chiến lược Zero-COVID khắc nghiệt của Bắc Kinh đang có tác động tiêu cực đến tâm lý đầu tư và nền kinh tế rộng hơn.
Theo các nhà phân tích, những lo ngại về quy định đối với chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ cũng góp phần vào sự biến động của thị trường.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc gần đây đã chuyển trọng tâm sang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn công bố lợi nhuận đầu tư tiêu cực vào tháng trước (04/2022), do lo ngại về nền kinh tế ngày càng tăng và các đợt phong tỏa cho thấy sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ kéo dài hơn.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: