Du lịch Quảng Ninh ‘đóng băng’ trong cơn bão virus Trung Cộng
Đại dịch virus Trung Cộng lần 2 bất ngờ bùng phát khiến hàng nghìn người dân sống nhờ du lịch tại tỉnh Quảng Ninh điêu đứng.
Hạ Long vắng bóng du khách
Bình quân hàng năm Hạ Long đón khoảng 15 triệu khách du lịch, trong đó khoảng 6 triệu khách nước ngoài, với doanh thu trực tiếp khoảng 1.5 tỷ USD, lượng khách tăng đều khoảng 10%/năm. Vào những dịp lễ hay Tết, lượng khách lên tới hàng trăm ngàn người mỗi ngày, còn vào ngày cuối tuần cũng có 2-3 chục ngàn khách. Vịnh Hạ Long hiên ngang tự hào với danh hiệu Di sản thế giới: một thành phố ồn ào náo nhiệt, trên bến dưới thuyền, hàng năm đón hàng chục chuyến tàu biển quốc tế chở hàng nghìn khách…
Thế nhưng giờ đây, khách nước ngoài vắng vẻ; khách nội địa cũng thưa thớt; một không gian tĩnh lặng, không còn tiếng còi tàu rộn ràng, không còn tiếng máy tàu nổ giòn giã, không còn âm thanh ồn ào huyên náo với đủ các ngôn ngữ của khách thập phương đủ mọi sắc tộc, đủ mọi màu da.
Hạ Long vắng lặng khiến cuộc sống của hàng chục nghìn người làm du lịch đối mặt với nguy khó. Lượng khách ít thì tất cả các dịch vụ cũng tự động giảm theo, ước tính khoảng 9/10 người lao động du lịch đã không còn việc làm, không còn nguồn thu nhập nào khác để duy trì cuộc sống, mà chưa biết đến khi nào mới hết dịch.
Ngày thứ Bảy 16/8, phóng viên đã có mặt ở Cảng Tàu khách Quốc tế Hạ Long, một khung cảnh vắng vẻ khác thường. Một nhân viên bán vé ở đây cho biết, thời điểm này năm ngoái thì bận rộn lắm không thể ngẩng lên để nói chuyện với phóng viên được vì mỗi ngày có khoảng 3 chục ngàn khách mua vé du lịch tàu biển, nhưng hôm nay vỏn vẹn chỉ có khoảng 200 khách; ngày thường còn ít hơn, các quầy bán vé nghỉ hết, chỉ giữ lại một quầy.
Một nhân viên khác ở cảng cho biết, ở đây có hơn 500 tàu du lịch, trước đây tàu chạy hết công suất vẫn không phục vụ kịp vào dịp đông khách, nhưng hôm nay cả bến chỉ có khoảng 200 khách, chủ yếu là ngủ qua đêm trên tàu, nên chỉ có vài tàu lữ hành xuất bến. Vì không có khách nên hầu hết các chủ tàu đã chủ động xin dừng hoạt động, cho nhân viên nghỉ để cắt giảm chi phí. Lượng nhân viên đi tàu khá lớn, mỗi tàu khoảng 6 người, nhưng riêng đối với gần 180 tàu là khách sạn di động, chở khách ngủ đêm ở trên vịnh thì có khoảng 2,000 nhân viên. Tổng cộng khoảng 4,000 nhân viên tàu du lịch hiện đang tạm nghỉ việc.
Vấn đề là các chủ tàu du lịch dù không đi biển nhưng vẫn phải đóng đủ các loại phí như phí bến bãi, phí neo đậu, phí đăng kiểm tàu, phí giao thông đường thủy… phí bảo dưỡng chăm sóc máy móc, 3 tháng sơn tàu một lần để chống rỉ và hà bám thân tàu. Trung bình hàng tháng chi phí “nguội” này tiêu tốn khoảng 30 triệu cho mỗi tàu đang “ngủ”.
Anh H, một chủ tàu quen biết, vừa đến để bảo dưỡng máy tàu, đã tâm sự với chúng tôi, từ nhỏ tới giờ vợ chồng anh chỉ biết mỗi nghề đi tàu chở khách. Nghề đi tàu thực sự vất vả nhưng cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt và nuôi con ăn học; giờ anh chị đã có tuổi mà hoàn cảnh gia đình vẫn khó khăn. Không những không tích lũy được mà anh còn đang nợ ngân hàng gần 100 nghìn USD tiền mua tàu mới. Tàu mới chở 40 khách, trước khi có đại dịch thì mỗi ngày đi được 2-3 chuyến; sau khi trừ chi phí xăng dầu bến bãi, trả lương cho người làm thuê 10 triệu/tháng thì thu nhập còn lại cũng đủ trả tiền vay ngân hàng và sinh hoạt cũng tạm ổn. Nhưng giờ không có khách nên phải xin dừng hoạt động, nhìn tàu mà xót xa.
Dịch vụ nhà hàng – khách sạn ế ẩm
Chị Đ., giám đốc một công ty du lịch ở Hòn Gai, cho biết trước đây vài tháng đã ký được khá nhiều hợp đồng và nhận tiền đặt cọc của một số công ty du lịch với số lượng hàng nghìn khách, nhưng do khách hủy hợp đồng nên các công ty du lịch cũng đang phối hợp để giải quyết công nợ. Chị Đ. nói, một mặt đang rất khó khăn trong việc giải quyết công nợ, mặt khác thì hầu như không có khách đến Hạ Long, không có thu nhập, nên chị đã cho nhân viên nghỉ việc.
Chúng tôi gặp một doanh nhân trẻ trong làng kinh doanh nhà trọ. Anh T. nói với chúng tôi là anh đang bên vực phá sản vì khoản vay 200 nghìn USD của ngân hàng từ 2018 để sửa sang, tân trang 4 căn nhà biệt lập mà anh đã ký hợp đồng thuê dài hạn 5 năm ở Tuần Châu để cho khách thuê. Năm 2019, việc làm ăn cũng tạm được, anh đã trả được 50 nghìn USD; tháng 7 vừa rồi có thu nhập nhưng chỉ bù chi phí của 4 tháng đầu năm, đến giờ thì không còn khách nữa. Anh cho biết, giờ khó khăn nên hoặc là khách lưu trú trên tàu, hoặc là thuê nhà nghỉ bình dân; mặc dù anh đã hạ giá xuống 15 USD/ngày và tích cực quảng cáo thông tin giảm giá phòng đến các đầu mối du lịch, nhưng từ đầu tháng 8 đến giờ cũng chưa có khách, thậm chí khách đã đặt trước rồi cũng xin hoãn. Anh đang rơi vào bế tắc, không thể tìm ra cách nào để vừa trả tiền thuê 4 căn nhà hàng tháng và vừa trả nợ ngân hàng.
Ngư trường hải sản tiêu điều
Ngư trường huyện Vân Đồn vốn là nơi nuôi thủy sản lớn nhất tỉnh, với hàng nghìn hecta mặt nước nuôi trồng, đa dạng chủng loại hải sản từ tôm, cua, cá, nghêu, sò, rong biển… Sản lượng hàng năm rất lớn, mang lại thu nhập cho hàng nghìn gia đình dân đang sinh sống bằng nghề này. Hải sản Hạ Long đã rất nổi tiếng, trước đây chủ yếu bán cho Trung Quốc và tiêu thụ nội địa phục vụ cho khoảng 15 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, nhưng đến giờ thì các nguồn tiêu thụ này đều bị ngưng. Hàng nghìn gia đình dân nuôi trồng hải sản đang điêu đứng trước nguy cơ mất sạch sản nghiệp. Đáng lo ngại là một số trước đó vay nợ ngân hàng hàng trăm nghìn USD để đầu tư nuôi trồng quy mô lớn, đã hơn nửa năm nay không bán được hàng, giờ có nguy cơ rơi vào cảnh khốn cùng nếu bị tịch thu tài sản thế chấp là ngôi nhà của họ đang ở.
Vào chợ Hạ Long, đến cửa hàng chả mực Hạ Long giã bằng tay nổi tiếng, vốn trước đây mỗi ngày tiêu thụ mấy tạ, khách chủ yếu từ Hà Nội về xếp hàng lũ lượt để mua, giờ cũng rất ế ẩm. Chúng tôi ghé vào một quán trà ở góc phố nhỏ cửa chợ. Người bán hàng là một cụ bà nhìn khá già, bà nói đã hơn 80 tuổi, là công nhân mỏ về hưu non, kiếm sống nhờ quán nước nhỏ này. Trước đây thì thu nhập của bà còn tạm đủ tiền mua rau dưa, nhưng giờ thì bà ngồi cả ngày chỉ được 1-2 USD, chẳng đủ cho ông bà duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu, chật vật lắm.
Các chủ nhà hàng ăn nhỏ thì hầu hết đóng cửa, chuyển sang bán đồ ăn vặt hoặc bán những thực phẩm thiết yếu dễ tiêu thụ, hoặc chịu thất nghiệp. Những người lái xe taxi, grab, những người bán hàng lưu niệm ở trên phố, bán hàng ở chợ đêm, hoặc trong các khu cảng, những người phục vụ trong cảng, trong các khu vui chơi giải trí vì không còn khách nên cũng lâm vào cảnh thất nghiệp. Họ không còn cách nào, phải trả lại nhà thuê, rời bỏ Hạ Long về quê tự tìm cách sinh sống.
Trời mưa lất phất do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão hướng thẳng vào Quảng Ninh làm cho cảnh Hạ Long càng buồn hơn. Rời Hạ Long, tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt buồn của cụ bà trong quán nước, nhớ mãi khuôn mặt đăm chiêu của bác nông dân ở Vân Đồn lo lắng hai đứa cháu nội tội nghiệp của ông sẽ ở đâu nếu nhà bị tịch thu. Mong sao đại dịch virus Trung Cộng qua nhanh để “sau cơn mưa, trời lại sáng”.