Dự án Tù nhân Olympic nêu bật các vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh trước thềm Thế vận hội
Trước thềm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang kêu gọi thế giới chú ý đến các công dân Trung Quốc bị giam cầm “chỉ vì thực hiện các quyền tự do căn bản nhất của họ”.
Các lãnh đạo của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC), Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) và Dân biểu James McGovern (Dân Chủ-Massachusetts), cho biết hôm 02/12 rằng “Chúng tôi tuyên bố một nỗ lực nhằm tập trung sự chú ý không phải vào bề ngoài, mà là vào những người thực sự không thể cùng chung vui tinh thần Olympic, bởi vì họ bị chính quyền tổ chức Thế vận hội bỏ tù một cách bất công.”
Các chủ tịch của CECC cũng đã thông báo hôm thứ Năm (02/12) về việc khởi động một dự án truyền thông xã hội gọi là #OlympicPrisoner (Tù nhân Olympic), sử dụng hashtag này để làm nổi bật những công dân Trung Quốc đang chịu sự đàn áp của nhà cầm quyền này.
Ông McGovern nói: “Chính quyền Trung Quốc đã làm vấy bẩn Thế vận hội. Điều vô cùng thiết yếu là chúng ta phải nhớ rằng đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng là những con người.”
Mỗi ngày trong vòng 60 ngày tiếp theo, trước lễ khai mạc, CECC sẽ nêu bật các trường hợp từ Cơ sở dữ liệu Tù nhân Chính trị, mà sẽ bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồng Kông, và các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù.
Họ cho biết trong một tuyên bố, “Chúng tôi khuyến khích quý vị tham gia cùng chúng tôi kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cùng các đối tác của họ sử dụng đòn bẩy của mình để gây áp lực lên chính quyền Trung Quốc, nhằm trả tự do cho các tù nhân lương tâm và tẩy bớt đi vết nhơ mà họ đã gây ra cho tinh thần Olympic.”
Các ký giả bị bỏ tù
Hôm thứ Sáu (03/12), trường hợp đầu tiên được đăng dưới hashtag #OlympicPrisoner là ông Hoàng Kỳ (Huang Qi), một phóng viên hai lần đạt Giải Tự do Báo chí của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, người đang thụ án 12 năm ở tỉnh Tứ Xuyên.
Ông Hoàng là người sáng lập trang web “64 Tianwang” (nguyên văn Hoa ngữ là Lục Tứ Thiên Võng, lục tứ ngụ ý về cuộc biểu tình biến thành vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn diễn ra vào ngày 04/06/1989), một trang web tin tức bị chặn ở Trung Quốc, chuyên ghi lại các hành vi vi phạm nhân quyền và các cuộc biểu tình nhân quyền ở nước này.
Ông Hoàng bị buộc tội “làm lộ bí mật quốc gia” và “cung cấp bí mật quốc gia cho các pháp nhân ngoại quốc” trước khi bị cầm tù vào năm 2019.
Citizen journalist #HuangQi remains arbitrarily detained for reporting on rights violations. The #Chinese government promised not to restrict press freedoms during #Olympics2022 despite having one of the world’s worst records on protecting freedom of expression. #OlympicPrisoner pic.twitter.com/80YiOE886f
— China Commission (@CECCgov) December 2, 2021
CECC cho biết đầu tiên họ sẽ chia sẻ về các ký giả và ký giả công dân bị giam giữ trước, vì “lời hứa gây tranh cãi của Bắc Kinh là sẽ cho phép các phương tiện truyền thông tiếp cận miễn phí và không hạn chế trong Thế vận hội năm 2022.”
Hồi tháng 11, Hoa Thịnh Đốn đã hối thúc Bắc Kinh cho phép đưa tin miễn phí trong thời gian diễn ra Thế vận hội, sau một tuyên bố của Câu lạc bộ Thông tín viên Ngoại quốc của Trung Quốc (FCCC) nêu lên lo ngại về những khó khăn mà các ký giả phải đối mặt khi muốn đưa tin về các sự kiện.
Câu lạc bộ này cho biết trên Twitter: “Trong năm vừa qua, các đoàn báo chí ngoại quốc đã liên tục bị cản trở trong việc đưa tin về các hoạt động chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông, bị từ chối không cho tham dự các sự kiện thường kỳ, và ngăn cản đến thăm các địa điểm thể thao ở Trung Quốc.”
‘Một sai lầm’
Chiến dịch này tập trung sự chú ý vào các tù nhân chính trị diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi tẩy chay hoặc dời [địa điểm tổ chức] Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022 vì những lo ngại về nhân quyền.
Ông McGovern nói, “Chúng tôi tin rằng việc IOC tổ chức thế vận hội lần này tại Trung Quốc tại một thời điểm mà chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện hành vi diệt chủng, tước bỏ quyền tự chủ của Hồng Kông, chèn ép các ký giả, những người có tư tưởng tự do, và xã hội dân sự trên khắp Trung Quốc đại lục cũng như đàn áp những người chỉ trích họ trên toàn cầu là một sai lầm.”
Các chủ tịch của CECC cho biết họ đã kêu gọi IOC dời hoặc tẩy chay rộng rãi Thế vận hội năm 2022 và các nhà tài trợ không giữ im lặng về vấn đề nhân quyền.
Ông Jeff Merkley nói: “Họ đã từ chối.”
Ông cho biết thêm, “Và giờ đây thế giới đang chờ đợi Thế vận hội năm nay với âm hưởng của Thế vận hội năm 1936 ở Berlin, một lần khác khi uy tín của Thế vận hội bị sử dụng như một vũ khí tuyên truyền bởi một chế độ chà đạp nhân phẩm con người.”
Mặc dù chưa có quốc gia nào cho biết các vận động viên của họ sẽ tẩy chay, nhưng các nhà lập pháp trên toàn thế giới đang kêu gọi tẩy chay ngoại giao, theo đó các lãnh đạo quốc gia sẽ từ chối tham gia các sự kiện.
Hôm thứ Sáu, Lithuania đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông năm 2022, xác nhận sẽ không có quan chức nào được cử đến tham dự thế vận hội.
Tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lần đầu tiên công khai nói rằng ông đang cân nhắc một cuộc tẩy chay ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Thế vận hội Mùa đông vì các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: