Dự án hồi sinh Nhà Ga Penn – Cánh cổng lớn đang chờ được mở lại (P1)
NEW YORK — Dù bị dỡ bỏ từ hơn nửa thế kỷ trước, nỗi hoài niệm và lòng xót xa của công chúng về phiên bản đầu tiên của nhà ga Pennsylvania vẫn khoắc khoải kéo dài cho đến ngày nay. Có lẽ vẻ đẹp của công trình mang dấu ấn của nghệ thuật Beaux chỉ là một giai thoại trong ký ức nhiều người, cho đến khi nó được hồi sinh lại. Những người đã từng được chiêm ngưỡng sự tráng lệ ấy vẫn còn thở dài tiếc nuối. Những người nhận ra vẻ hùng vĩ mang tính biểu tượng của nó qua các bức ảnh —một trong số chúng được đặt tại nhà ga Penn hiện tại — đều trầm trồ kinh ngạc, “Nó đây sao?!”
Từ năm 1910 đến năm 1963, những cột trụ mang màu sắc cổ điển, những bức tường đá granite màu hồng và trần nhà mái vòm bằng kính cao vút của nhà ga Penn đã khiến cho lối vào thành phố thêm phần tráng lệ. Sự quý phái đó có thể khiến cho bất cứ ai khi bước vào nhà ga đều có cảm giác trang trọng và biết ơn, kể cả đó là người dân New York, du khách gần xa dù sang hay hèn.
Phòng chờ của nhà ga lấy cảm hứng thiết kế từ các Nhà Tắm La Mã cổ đại của hoàng đế Caracalla nhưng với kích thước lớn hơn. Những khung thép đồ sộ với mái vòm trong ga xe lửa gợi nhớ đến nhà ga Gare d’Orsay ở Paris. Nhà ga vừa mang dáng vẻ La Mã cổ đại vừa có hơi hướng của Paris ngay giữa lòng New York; điều này khiến nó khác biệt so với các công trình quốc gia khác.
Là trạm trung chuyển nhộn nhịp nhất ở Tây Bán Cầu, nhà ga Penn, với quy mô lớn, đủ để đón tiếp hơn nửa triệu khách ra vào thành phố mỗi ngày. Richard Cameron, đến từ xưởng vẽ kiến trúc Atelier & Co ở Williamsburg, Brooklyn, cho biết: “Thật tuyệt vời, đó là một chuyến hành trình mang nhiều ý nghĩa khi du khách được đi qua một biểu tượng kiến trúc đồ sộ với sức chứa lớn như thế này.”
Kích thước của Nhà ga Penn trên thực tế lớn đến mức ngay cả Nhà Ga Lớn Trung Tâm (Grand Central Terminal còn gọi là Grand Central Station) cũng có thể nằm gọn trong phòng chờ chung của nó. Dưới hầm tàu lớn, sàn kính dày cho phép ánh sáng tự nhiên chiếu xuống tận tầng thấp hơn của đường ray xe lửa (bốn tầng từ mặt phố trở xuống.) Ngay cả một người sợ đám đông, không thích sự ngột ngạt cũng có thể cảm thấy thích thú khi bước ra khỏi xe lửa và đi bộ trong một không gian ngập tràn ánh nắng như thế.
Cameron, một trong những người đã tích cực đề xuất việc xây dựng lại nhà ga Penn dựa trên thiết kế của Charles McKim và hãng McKim, Mead & White, đã diễn giải rằng cấu trúc cổ điển có quy mô như thế tạo ra cảm giác như du khách đang ở cả bên trong và lẫn bên ngoài nhà ga. Và bạn cũng có thể trải nghiệm điều đó khi đi vào Grand Central, một trong những điểm thu hút nhiều lượt khách du lịch nhất thế giới.
Thật khó cảm thấy chán khi ta có thể nhìn ngắm những vì tinh tú đang xoay vần trên đầu chúng ta giữa bầu trời đêm quang đãng ở một vùng xa xôi nào đó. Cameron nói: “Bạn có cảm thấy trật tự được an bài của vũ trụ thực sự có thể an ủi chính bạn. Bạn nhận ra mình là một phần của một số thứ lớn lao hơn nhiều, mọi thứ vẫn ổn,” Cameron nói. “Đó là lý do tại sao sự hiện diện của các ngôi sao trong vòm Nhà Ga Lớn Trung Tâm rất rực rỡ. Một mái vòm như thế là sự khắc họa của thiên đường.”
Nhiều kiến trúc được thiết kế với cảm hứng của việc đưa phiên bản thu nhỏ của bầu trời vào cuộc sống thành phố khiến đời sống thêm phần nhân văn và đáng sống.
Nhưng khi hỏi bất kỳ ai để hiểu cảm nhận của họ về Ga Penn hiện tại, họ sẽ nói về một nỗi kinh hoàng và một điều khốn khổ theo hàng triệu cách khác nhau. Nó quá vô lý, xấu xí và hỗn loạn. Điều trước hết mà mọi người nghĩ đến là làm thế nào để thoát khỏi đó càng nhanh càng tốt. Nhà sử học kiến trúc Yale Vincent J. Scully Jr đã đưa ra kết luận chuẩn nhất về sự khác biệt giữa nhà ga cũ và nhà ga Penn hiện tại: “Một cái khiến bạn bước vào thành phố như một vị thần; và cái còn lại khiến bạn như phải chui rúc như một con chuột.”
Phương Du & Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: