ĐSQ Trung Quốc gây sức ép lên truyền thông Ấn Độ trước lễ kỷ niệm Quốc khánh Đài Loan
Tổ chức bất vụ lợi Phóng viên không biên giới (RSF) tố cáo Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đã vi phạm quyền tự do báo chí của Ấn Độ sau khi đại sứ quán này gửi một lá thư đến giới truyền thông Ấn Độ hướng dẫn họ cách đưa tin về lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh của Đài Loan.
Hòn đảo tự trị Đài Loan kỷ niệm Ngày Quốc khánh vào ngày 10/10 hàng năm, là ngày đánh dấu sự khởi đầu của cuộc Khởi nghĩa Vũ Xương vào năm 1911 đã lật đổ hoàng đế nhà Thanh và lập nên một chính phủ cộng hòa.
Chính phủ đó, còn gọi là Trung Hoa Dân Quốc (ROC), đã rút lui về Đài Loan sau khi thua ĐCSTQ trong cuộc Nội chiến Trung Quốc. Ngày nay, Đài Loan chính thức được gọi là Trung Hoa Dân Quốc.
Trong khi đó, ĐCSTQ đã thành lập một chế độ gọi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) ở Trung Quốc đại lục, coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn mà một ngày nào đó sẽ quay trở về tổ quốc của mình.
Bắc Kinh đã gây áp lực lên các chính phủ và các tổ chức quốc tế để công nhận “nguyên tắc Một Trung Quốc”, theo đó họ tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan bất chấp thực tế rằng hòn đảo này là một quốc gia độc lập với [bộ máy] quan chức được bầu cử dân chủ, có quân đội và tiền tệ riêng.
Những bức thư
Giới truyền thông Ấn Độ đã nhận được nhiều bản sao của một bức thư do Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ soạn thảo, trong đó tìm cách “nhắc nhở những người bạn truyền thông của chúng tôi” rằng họ không nên “vi phạm nguyên tắc Một Trung Quốc” khi đưa tin về Ngày Quốc khánh Đài Loan.
Bức thư yêu cầu họ không được gọi Đài Loan là một quốc gia hay dân tộc, cũng không được gọi các quan chức hàng đầu của Đài Loan là “Tổng thống” – “để không gửi đi những tin tức sai đến công chúng”.
Trưởng phòng Đông Á của RSF Cédric Alviani đã lên án hành động của đại sứ quán Trung Quốc.
Ông Alviani nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng: “Điều này là không thể chấp nhận được trong mọi trường hợp khi mà một đại sứ chỉ bảo giới truyền thông của đất nước mà ông ta được phái tới về những gì nên viết hoặc không nên viết, hoặc họ nên viết như thế nào.”
“Chúng tôi kêu gọi giới hữu chức Ấn Độ, chúng tôi kêu gọi chính phủ Ấn Độ kiên quyết nhắc nhở đại sứ Trung Quốc về vai trò đại sứ của ông ấy, và về những giới hạn mà một vị trí ngoại giao đảm nhận, bởi vì không thể chấp nhận được việc họ tham gia vào hành vi như vậy.”
Bức thư đã gây ra sự phẫn nộ ở cả Đài Loan và Ấn Độ.
Ngoại trưởng Joseph Wu của Đài Loan viết trên Twitter, “#Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất trên Trái đất với một nền báo chí sôi động và những người yêu tự do. Nhưng có vẻ như #Trung Quốc đang hy vọng tiến quân vào tiểu lục địa này bằng cách áp đặt chế độ kiểm duyệt”.
“# Những người bạn Ấn Độ của Đài Loan sẽ có một câu trả lời: HÃY BIẾN ĐI!”
Ông Wang Ting-yu, một nhà lập pháp của Đảng Dân Tiến cầm quyền của Đài Loan, đã lên tài khoản Twitter của mình để nói rằng bức thư thể hiện “sự công kích công khai của Trung Quốc đối với tự do báo chí”.
“Khi báo chí tự do gặp nguy hiểm thì tất cả các quyền tự do khác cũng sẽ bị tấn công,” ông Wang nói.
Trong một bài viết đăng trên Twitter, ông Yusuf Unjhawala, một biên tập viên tại diễn đàn thảo luận Ấn Độ Defense Forum India, đã sử dụng tất cả những từ mà đại sứ quán Trung Quốc đã cảnh báo, để “chuyển tải… những lời chúc tốt đẹp nhất” tới Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và người dân Đài Loan. Ông cũng gắn thẻ vị đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, một vị trí hiện do ông Sun Weidong nắm giữ, trong tweet của mình.
Bức thư của đại sứ quán Trung Quốc được đưa ra sau khi hai tờ báo quốc gia của Ấn Độ là The Indian Express và The Statesman đăng một quảng cáo do chính phủ Đài Loan chi trả. Quảng cáo đã quảng bá một chương trình dài 30 phút về Ngày Quốc khánh Đài Loan được phát sóng trên đài truyền hình địa phương Wion của Ấn Độ hôm 7/10.
Đại sứ của Trung Quốc
Alviani cho biết “sự coi thường trắng trợn quyền tự do báo chí” của đại sứ quán Trung Quốc như vậy không có gì đáng ngạc nhiên, vì đã có những sự cố tương tự ở cả Pháp và Thụy Điển.
Kể từ hồi tháng 2, các đại sứ Trung Quốc đã tấn công giới truyền thông quốc tế vì đã đưa tin chỉ trích về phản ứng của Bắc Kinh đối với đại dịch.
Theo một tuyên bố của RSF vào thời điểm đó, hôm 14/4, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, ông Lu Shaye, đã bị Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập vì “các bài đăng trên trang web của đại sứ quán và trên tài khoản Twitter phỉ báng nhân viên y tế Pháp”.
Tin từ Reuters cho biết Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã tuyên bố sau cuộc gặp với ông Lu rằng: “Một số ý kiến công khai lên tiếng của đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp không phù hợp với tính chất mối quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta.”
Hôm 12/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã đăng tải một bài báo có tiêu đề “Khôi phục sự thật bị bóp méo – Quan sát của một nhà ngoại giao Trung Quốc được cử đến Paris”, cho rằng những người chăm sóc tại các viện dưỡng lão ở Pháp đã bỏ việc, khiến các cư dân sống trong đó qua đời vì đói và vì nhiễm COVID-19.
Bài báo được đăng tải chỉ vài ngày sau khi số người thiệt mạng vì virus ở Pháp tăng từ 8,911 lên 10,328 người chỉ trong một ngày, theo kênh truyền thông địa phương France 24, với nhiều trường hợp tử vong xảy ra tại các viện dưỡng lão.
Một tháng trước khi vụ việc xảy ra ở Pháp, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Cui Tiankai, do những bình luận của các quan chức Trung Quốc trên Twitter cho rằng quân đội Hoa Kỳ đã mang virus tới thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi không có dịch bệnh.
Ông Alviani kêu gọi giới truyền thông Ấn Độ “tiếp tục làm công việc của họ như thường lệ và không nhượng bộ trước nỗ lực gây áp lực này [của Trung Quốc]”.
“Truyền thông Ấn Độ không làm việc cho Trung Quốc, họ đang làm việc cho công chúng Ấn Độ. Và công chúng Ấn Độ, cũng giống như mọi người dân trên Trái đất này, cần thông tin chính xác và độc lập, bao gồm cả thông tin [về] mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan-Trung Quốc,” ông Alviani nói.
“Thật vô ích khi đại sứ quán Trung Quốc… cố gắng hăm dọa họ.”