Dow Jones giảm 1,100 điểm khi lợi nhuận của các nhà bán lẻ sụt giảm do lạm phát mạnh
Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones đã giảm 1,164 điểm vào giữa ngày thứ Tư (18/05) trong bối cảnh có những lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế sắp diễn ra.
Cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ Target giảm sau khi tập đoàn này tiết lộ rằng chi phí cao hơn do lạm phát gây ra sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ trong những tháng còn lại của năm nay. Một ngày trước đó, Walmart đã phát hành một báo cáo lợi nhuận tương tự mà họ cũng đổ lỗi là do lạm phát.
Hôm thứ Tư (18/05), các nhà bán lẻ đã chứng kiến một số khoản lỗ lớn nhất: Target giảm hơn 27%, Walmart giảm 7%, Dollar Tree giảm khoảng 16%, cổ phiếu Dollar General giảm hơn 11%, Amazon giảm gần 7%, Best Buy giảm gần như 12%, Home Depot giảm 6%, Kroger giảm 6%, và Lowe’s cũng giảm khoảng 6%.
Đặc biệt, Target đã chứng kiến sự sụt giảm tỷ lệ phần trăm cổ phiếu lớn nhất hôm thứ Tư (18/05) kể từ khi cổ phiếu của họ giảm mạnh gần 33% vào ngày 19/10/1987, còn được gọi là sự cố “Thứ Hai Đen Tối”.
Các công ty công nghệ như Microsoft, Alphabet Inc., Meta Platforms, Apple Inc. và Tesla đã giảm từ 3% đến 6% sau khi dẫn đầu phục hồi trong phiên giao dịch trước đó.
Lạm phát gia tăng, cuộc xung đột ở Ukraine, các nút thắt chuỗi cung ứng kéo dài, các đợt phong tỏa liên quan đến đại dịch do Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện vì theo đuổi chính sách “zero COVID” và triển vọng về chính sách tích cực thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương đã đè nặng lên thị trường gần đây, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tính đến nay, chỉ số S&P 500 đã giảm 16.8% trong năm 2022 và Nasdaq đã giảm hơn 26%, do bị các cổ phiếu tăng trưởng ảnh hưởng. Định giá cổ phiếu được đo bằng tỷ lệ giá trên thu nhập tương lai (chỉ số P/E) đã giảm mạnh trong những tuần gần đây và điều đó đã làm tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu đối với một số nhà đầu tư.
Trong tuần này (16-22/05), Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 4% xuống 3.1%, khi nói rằng điều này sẽ tác động đến các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và Trung Quốc.
Trong khi đó, các nhà đầu tư và thậm chí một số giám đốc điều hành đã bày tỏ lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể gây ra một cuộc suy thoái nếu cơ quan này tăng lãi suất quá cao hoặc quá nhanh để kiềm chế lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua.
Giám đốc điều hành Wells Fargo Charles Scharf cho biết trong một sự kiện của Wall Street Journal hôm thứ Ba (17/05) rằng, “Sẽ khó tránh khỏi một kiểu suy thoái nào đó,” mặc dù ông nhấn mạnh rằng ông tin suy thoái sẽ nhẹ và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ông giải thích, “Hy vọng là thực tế rằng tất cả mọi người đều rất mạnh mẽ khi lâm vào tình huống này sẽ tạo ra một bước đệm để khi bất kỳ cuộc suy thoái nào xảy ra, nếu có, thì sẽ đều ngắn và không sâu như vậy.”
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong các cuộc phỏng vấn gần đây rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất cao đến mức cần thiết để bù đắp việc tăng giá. Các số liệu công bố hồi tháng 04/2022 cho thấy lạm phát hàng năm đã tăng 8.3%.
Trình bày với Marketplace, ông Powell cho biết áp lực lạm phát là do các vấn đề về chuỗi cung ứng gây ra, chứ không phải do nhu cầu.
“Điều này sẽ rất khó khăn, không dễ dàng. Không ai ở đây nghĩ rằng sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng vẫn có những giải pháp … để chúng ta đạt được điều đó,” ông Powell nói hồi tuần trước. “Câu hỏi về việc chúng ta có thể thực hiện một cú ‘hạ cánh mềm’ hay không, thì thực ra lại có thể thực sự phụ thuộc vào các yếu tố mà chúng ta không kiểm soát được.”
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: