‘Đột phá mang tính lịch sử’: Hoa Kỳ, Đài Loan công bố sáng kiến thương mại mới
ĐÀI BẮC, ĐÀI LOAN – Hoa Kỳ và Đài Loan đã đồng ý một sáng kiến thương mại mới sau khi hòn đảo này bị loại khỏi Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới mà Tổng thống Joe Biden khai triển hồi tháng Năm.
Thỏa thuận mới, chính thức được gọi là Sáng kiến Hoa Kỳ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21, được công bố sau cuộc họp trực tuyến giữa Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Sarah Bianchi và nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Đài Loan John Deng hôm 01/06, theo một cuộc họp báo tổ chức tại Đài Bắc hôm 01/06.
Ông Deng gọi sáng kiến này là “một bước đột phá lịch sử trong phát triển kinh tế và thương mại Đài Loan-Hoa Kỳ”, sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, có khả năng dẫn đến một hiệp định thương mại tự do song phương. Ông cho biết thêm rằng sáng kiến này sẽ giúp Đài Loan xây dựng quan hệ kinh tế với các chính phủ khác trên thế giới.
Ông Deng cho biết ông dự kiến sẽ đến Hoa Thịnh Đốn vào ngày gần cuối tháng này để gặp mặt trực tiếp với các quan chức thương mại Hoa Kỳ theo sáng kiến trên.
Ông Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu), Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, cho biết sáng kiến này có tầm quan trọng “chiến lược cao”. Ông nói rằng sáng kiến sẽ hỗ trợ hòn đảo này gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại tự do gồm 11 quốc gia.
Ông Ngô nói thêm rằng các ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao khác của Đài Loan khiến hòn đảo này trở thành “đối tác đáng tin cậy” đối với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Các quan chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ cho biết hôm 31/05 trong một cuộc gọi với giới báo chí rằng sáng kiến thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực này, cụ thể là về kinh tế.
Một quan chức cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng công trình này để làm sâu sắc hơn mối quan hệ của chúng ta với Đài Loan và khu vực nhằm mang lại cho người dân ở quê nhà và cho người dân ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Quan chức này nói thêm, “Chính phủ Biden-Harris coi Đài Loan là một nền dân chủ hàng đầu, một cường quốc công nghệ và một đối tác kinh tế và an ninh quan trọng.”
Theo các quan chức, tại cuộc gặp vào cuối tháng này, hai bên sẽ thảo luận về các lĩnh vực thương mại bao gồm tạo thuận lợi thương mại, các hoạt động quản lý, nông nghiệp, chống tham nhũng, quyền lao động, thực tiễn và chính sách phi thị trường.
Ông Biden đã công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ lãnh đạo trong chuyến công du Nhật Bản gần đây của ông. Khuôn khổ cho đến nay bao gồm 14 thành viên, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Fiji . Cả Trung Quốc và Đài Loan đều không nằm trong khuôn khổ này.
IPEF được nhiều người coi là một chiến lược của Hoa Kỳ nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Nó cũng được cho là sẽ lấp đầy khoảng trống khu vực được tạo ra khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau này được chuyển thành CPTPP, vào năm 2017.
Trong khuôn khổ này, các quốc gia thành viên tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế bằng cách tập trung vào các nền kinh tế kỹ thuật số, các vấn đề chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và các chính sách kinh tế công bằng và minh bạch.
Bộ ngoại giao Đài Loan đã bày tỏ sự “lấy làm tiếc” vì đã không được tham gia IPEF. ông Deng, trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, cho biết chính phủ Đài Loan sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tham gia vào hiệp ước này.
Một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã bày tỏ sự thất vọng đối với chính phủ ông Biden vì không đưa Đài Loan vào khuôn khổ trên.
Dân biểu Steve Chabot (Cộng Hòa-Ohio) viết trên Twitter. “Đài Loan là một nền kinh tế tiêu chuẩn cao và là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của chúng ta. Không đưa Đài Loan vào khuôn khổ này là một sự nhượng bộ không cần thiết đối với #CCP [Đảng Cộng sản Trung Quốc].”
Dân biểu Michelle Steel (Cộng Hòa-California) nói trên Twitter rằng bà thất vọng về ông Biden vì đã không đưa Đài Loan vào “một khuôn khổ nhằm chống lại sự thù địch của ĐCSTQ”.
Bà Steel cho biết thêm: “Lẽ ra Tổng thống và thế giới phải coi trọng vai trò của Đài Loan trên trường thế giới từ lâu rồi.”
Việc Đài Loan gia nhập IPEF có sự ủng hộ của các chính trị gia hai bên đảng phái. Hôm 18/05, trước khi khuôn khổ được đưa ra, một nhóm lưỡng đảng gồm hơn 50 thượng nghị sĩ đã viết một lá thư cho ông Biden, thúc giục tổng thống đưa Đài Loan vào IPEF.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, các quan chức chính phủ cao cấp đã gợi ý rằng Đài Loan có thể tham gia trong tương lai.
Một trong những quan chức cho biết: “Chúng tôi có ý định theo đuổi một cách tiếp cận linh hoạt và thích ứng đối với sự tham gia của IPEF trong tương lai.”
Hoa Kỳ hiện không phải là đồng minh ngoại giao chính thức của Đài Loan sau khi Hoa Thịnh Đốn chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để ủng hộ Bắc Kinh vào năm 1979. Tuy nhiên, hai bên đã có mối quan hệ bền chặt theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, theo đó Hoa Kỳ phải cung cấp cho hòn đảo các thiết bị quân sự để tự vệ.
Hiện tại, Hoa Thịnh Đốn và Đài Bắc cũng tham gia theo một khuôn khổ được gọi là Hợp tác Đầu tư và Thương mại Công nghệ (TTIC), được khai triển vào tháng 12/2021 sau cuộc họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo và Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa (Wang Mei-hua).
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng tổ chức Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng (EPPD) để hai bên tham gia các cuộc đàm phán kinh tế cao cấp. Cuộc đối thoại đầu tiên diễn ra vào tháng 11/2020.
Anh Frank Fang là một nhà báo người Đài Loan. Anh ấy đưa tin về Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.