Đồng USD ở mức thấp nhất trong 2 năm, thị trường chứng khoán Mỹ và kim loại quý tăng trưởng mạnh
Chỉ số USD (USD Index – chỉ số về giá trị của đồng USD được tính toán dựa trên tỷ giá hối đoái với 6 loại tiền tệ chủ yếu) liên tục giảm trong thời gian gần đây; ngày 27/7 giảm 0.78%, xuống gần 93.6; giảm tiếp xuống 93.45 – mức thấp nhất từ tháng 8/2018 đến nay. Trong tháng 7, chỉ số này đã giảm 3.77%, đánh dấu mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ mức giảm 3.85% vào tháng 4/2011.
Nguyên nhân sâu xa khiến cho chỉ số USD Index suy giảm gần đây là do chính sách nới lỏng tiền tệ của FED và việc chính phủ liên bang Mỹ bơm thêm tiền để cứu thị trường trong kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá hàng trăm tỷ USD. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự tính, 9 tháng đầu năm 2020, dự toán bội chi của chính phủ Mỹ đạt kỷ lục 2,700 tỷ USD. Nguyên nhân trực tiếp là do tài sản tài chính gia tăng và các nhà đầu tư đã không còn xem đồng USD như một công cụ trú ẩn an toàn.
Một số chiến lược gia cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh của Mỹ yếu kém hơn so với Châu Âu và khả năng sự phục hồi kinh tế sau đó cũng sẽ chậm hơn Châu Âu; tương lai Mỹ sẽ tiếp tục bội chi và duy trì lãi suất thấp. Tỷ giá đồng EUR trong tuần này là 1.17 USD, tăng lũy kế là 4.9% trong tháng 7, cao hơn mức tăng 2.5% tỷ giá đồng Yên Nhật so với USD.
Ngoài ra, đồng USD cũng mất giá so với đồng tiền của các nước phát triển và các thị trường mới nổi, trong đó tỷ giá đồng USD so với đồng Curon Thụy Điển giảm 6.4%, so với đồng tiền New Zealand giảm 6%, so với đồng Real của Brazil cũng giảm 4.9%. Trong xu hướng đồng USD mất giá toàn diện, các nhà quản lý quỹ, nhà đầu cơ và các quỹ phòng hộ chỉ có thể tranh thủ cơ hội bằng cách thực hiện các hợp đồng quyền chọn (option).
Ngoài sự tăng vọt của thị trường chứng khoán với chỉ số S&P 500 tăng 4.49% trong tháng 7, giá vàng và bạch kim tính theo USD gần đây, thậm chí còn tăng mạnh hơn. Giá vàng kỳ hạn đạt mức cao lịch sử 1,940 USD/ounce, tăng 7.1% trong tháng 7; giá bạch kim cũng tăng đến 25 USD/ounce, tổng cộng trong tháng 7 tăng 34.9%, trở thành tiêu điểm chú ý trên thị trường kim loại quý thời gian gần đây.
So với đỉnh điểm bùng phát dịch bệnh vào tháng 3 ở Mỹ và Châu Âu, USD Index có lúc tăng lên gần 103 và đến nay lại giảm xuống 9.1%. Vào thời điểm hiện nay, khi toàn cầu bước vào làn sóng lây nhiễm virus Trung Cộng lần thứ 2, nhưng do việc nghiên cứu phát triển thuốc chữa và vacxin phòng bệnh tiến triển thuận lợi, dự kiến cuối năm sẽ tìm ra vaccine và năm tới sẽ sản xuất vaccine đại trà, do vậy thị trường chứng khoán gần đây không có phản ứng đối với các tin tức xấu về tình hình dịch bệnh. Điều này cho thấy nhà đầu tư lạc quan vào việc khống chế dịch bệnh trong dài hạn.
Niềm tin mãnh liệt của nhà đầu tư vào việc khống chế được dịch bệnh trong tương lai đã giúp cho đồng USD tránh khỏi bị rớt giá thêm. Tuy nhiên, trong khi đồng USD không ngừng mất giá, vàng và bạch kim vốn từng được coi là công cụ đầu tư an toàn trong quá khứ, thì nay do giá tăng quá cao nên đã trở thành mục tiêu theo đuổi của rất nhiều nhà đầu tư. Các nhà đầu tư đang mua vào với mục đích thu được lợi nhuận cao, khác với mục đích trước đây là để phòng tránh rủi ro.
Việc đồng USD không ngừng rớt giá lại giúp cho thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng. Goldman Sachs chỉ ra rằng 57% doanh thu cổ phiếu ngành khoa học kỹ thuật của Mỹ đến từ nước ngoài, cổ phiếu ngành năng lượng là 39%; những cổ phiếu này đều được hưởng lợi do sự sụt giảm của đồng USD.
Các tập đoàn xuyên quốc gia được hưởng lợi như Dehui, Applied Materials, Qualcomm, Texas Instruments, Facebook, Alphabet, Intel, PayPal, Accenture, ExxonMobil, Netflix.
Mặt khác, do đồng USD giảm so với các đồng tiền quốc tế, nên nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào chứng khoán Hoa Kỳ. Goldman Sachs ước tính rằng số tiền đầu tư vào cổ phiếu của Hoa Kỳ của nhà đầu tư nước ngoài có thể đạt tới 300 tỷ USD, trở thành nguồn mua cổ phiếu lớn nhất.
Tác giả: Trương Đông Quang