Đông Tây tương phùng, hai bậc đế vương đã thay đổi thế giới
Vua Louis XIV của Pháp quốc và Hoàng Đế Khang Hy của Trung Hoa đã mở đầu cho mối bang giao đặc biệt kéo dài hơn một thế kỷ
Niềm say mê của Âu Châu đối với nền nghệ thuật và văn hóa của Trung Hoa cổ đại không còn là điều gì mới mẻ, khi nó đã được đúc kết thành huyền thoại từ thời Trung Cổ. Tuy nhiên, dưới thời trị vì của Vua Louis XIV, một kỷ nguyên mới đã bắt đầu, giúp cho phương Đông và phương Tây xích gần lại với nhau hơn bao giờ hết.
Được truyền cảm hứng bởi kho tàng nghệ thuật và triết lý phong phú của Trung Hoa cổ đại, vào năm 1685, Vua Louis XIV đã phái sáu nhà truyền giáo Dòng Tên đi khám phá đất nước này, làm đổi thay diện mạo lịch sử kể từ đó. Mặc dù Vua Louis XIV đã là một hình tượng hoàn hảo cho các bậc quân chủ Âu Châu, nhưng các nhà truyền giáo của ông sớm được diện kiến một vị vua vĩ đại khác, đó là Hoàng đế Khang Hy. Thực tế là vào năm 1688, Vua Louis XIV đã viết một bức thư gửi đến Hoàng đế Khang Hy:
“Đức Ngài cao quý, Người hùng mạnh nhất, Hoàng tử nhân từ nhất, Người bạn đáng mến nhất của chúng tôi, cầu Chúa ban phước lành cho Quý Ngài. Chúng tôi được biết rằng, Đức Ngài mong muốn có bên cạnh mình, ngay trong Lãnh thổ cai trị của Ngài, một lượng lớn những người có học thức, am hiểu các môn khoa học của Âu Châu, vài năm trước chúng tôi đã quyết định phái sáu nhà Toán Học tinh thông các bộ môn của chúng tôi đến bái kiến Ngài, để giải thích cho Ngài những điều mà Ngài cảm thấy hiếu kỳ nhất về Khoa Học, đặc biệt là những tri thức về Thiên Văn Học của Viện Hàn Lâm Danh Tiếng được thành lập tại kinh đô Paris tốt lành của chúng tôi. … Người bạn chân thành, và đáng mến nhất của Ngài, Louis.”
Tại hai bên bờ phía đông và phía tây của lục địa Á – Âu, Vua Louis XIV và Hoàng đế Khang Hy là hai bậc quân vương xuất sắc trên thế giới vào cuối thế kỷ thứ 17. Ở phương Tây, Vua Louis XIV (1638–1715) trị vì Pháp quốc trong 72 năm, ông là một thành viên của vương triều Bourbon, cũng là vị vua tại vị lâu nhất của chế độ quân chủ Âu Châu. Ở phương Đông, Hoàng Đế Khang Hy (1654–1722) trị vì đất nước Trung Hoa trong 62 năm, ông là một hoàng đế của triều đại nhà Thanh, cũng là vị hoàng đế có thời gian trị vì lâu nhất của Trung Hoa. Vua Louis XIV và Hoàng đế Khang Hy đều thích cưỡi ngựa, bắn cung, săn bắn, và có niềm đam mê với nghệ thuật, đồng thời là những người có công khai sáng thời đại hoàng kim dưới vương triều của mình. Mỗi vị quân vương là khác nhau, nhưng giữa họ cũng có nhiều nét tương đồng nổi bật.
Quân quyền thần thụ
Mặc dù vương triều của Vua Louis XIV và Hoàng đế Khang Hy đều là “quân quyền thần thụ,” [quyền lực của vua là do thần ban] nhưng uy quyền của họ được diễn giải theo những lý thuyết thần học Đông và Tây khác nhau. Vua Louis XIV xem mình là sứ giả của Chúa tại thế gian, trong khi Hoàng đế Khang Hy xem mình là Thiên Tử (con của Trời).
Vua Louis XIV từng ví von bản thân ông với Thần Apollo, vị Thần Mặt Trời trong thần thoại Hy Lạp và La Mã, và ông đã chọn hình tượng mặt trời của Thần Apollo để làm huy hiệu cho mình. Cũng giống như các hành tinh xoay quanh mặt trời, tầng lớp quý tộc và triều thần cũng xoay quanh vị Vua Mặt Trời tại Cung Điện Versailles. Được biết đến là một vị vua yêu thích vũ đạo và nghệ thuật biểu diễn, năm 14 tuổi, Vua Louis XIV đã lần đầu tiên đóng vai Thần Apollo trong vở ballet “Ballet Royal de la Nuit” để kỷ niệm chiến thắng của ông trước cuộc nổi loạn Fronde. Những tác phẩm mỹ thuật và điêu khắc cũng khắc họa Vua Louis XIV giống như một vị Hoàng đế La Mã trong những chiến thắng quân sự của ông. Sự kết hợp với loại hình nghệ thuật cổ điển Hy Lạp – La Mã đã làm nổi bật quyền uy của ông trong vai trò là bậc quân chủ, đồng thời tôn vinh nhà vua như một bậc thánh quân.
Vua Louis XIV cũng là một tín đồ Cơ Đốc ngoan đạo, ông đã lập lời thề bảo vệ đức tin Cơ Đốc trong lễ đăng cơ của mình. Tuy nhiên, không giống với Vua Louis XIV, người tìm cách hợp nhất các tôn giáo thành một đức tin duy nhất; tại Trung Hoa cổ đại, ba tư tưởng truyền thống Nho giáo, Đạo giáo, và Phật giáo lại cùng đan xen trong cuộc sống thường nhật của người dân nước này.
Cổ nhân Trung Quốc tin rằng núi non là nơi gần gũi với Trời và đó cũng là chốn cư ngụ linh thiêng của các bậc thần tiên. Trong suốt hàng trăm năm qua, các vị Hoàng đế Trung Hoa đã đến viếng thăm Núi Thái Sơn, nơi được coi là ngọn núi linh thiêng, và cả ba gia phái tu luyện trên đều có những miếu thờ quan trọng tọa lạc trên ngọn núi này. Leo lên đỉnh Núi Thái Sơn là một cách để minh chứng cho sự trị vì của các hoàng đế thuận theo Thiên ý, đồng thời điều này cũng tượng trưng cho mối liên hệ của vương triều được công nhận đó với thiên thượng. Chuyến viếng thăm của Hoàng đế Khang Hy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi vì ông là một người Mãn Châu, nói đúng hơn ông là người ngoại tộc, không phải là người Hán. Sự kiện Hoàng đế Khang Hy leo lên đỉnh núi Thái Sơn đã truyền tải một thông điệp rằng ông trị vì đất nước Trung Hoa không phải trên cương vị là một người Mãn Châu chinh phục được Trung Nguyên mà là một hoàng đế truyền thống của người Hán, và điều này cũng thể hiện rằng triều đại nhà Thanh mới lên nắm quyền sẽ tuân theo những truyền thống vốn có của đất nước này. Sự kiện phi thường này đã được ghi lại trong bức họa “Khang Hy Nam tuần đồ, Cuộn thứ ba: Từ Tế Nam đến Núi Thái Sơn” của họa sĩ Vương Huy.
Hoàng đế Khang Hy và Học hỏi từ phương Tây
Mặc dù Hoàng đế Khang Hy và Vua Louis XIV chưa từng trực tiếp gặp gỡ, nhưng hai vị quân vương này đã liên hệ gián tiếp với nhau thông qua những nhà truyền giáo Dòng Tên người Pháp tại Trung Hoa. Họ là những người đầu tiên đã ví von hai vị hoàng đế với nhau, đồng thời họ cũng mang đến những tri thức trực tiếp cho cả hai bên. Điều này đã khơi dậy nguồn cảm hứng tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau, khi hai vị hoàng đế bắt đầu nghiên cứu về nghệ thuật và nền văn hóa của hai đất nước. Đây cũng là sự mở đường cho làn sóng giao lưu văn hóa giữa Trung Hoa và Pháp quốc.
Hoàng đế Khang Hy chào đón những sứ giả của nhà vua Pháp và ông tỏ ra thích thú những kiến thức khoa học họ mang đến; ông rất quan tâm đến thiên văn học, toán học, và y học của Âu Châu. Hoàng đế đã phong cho các sứ giả này làm gia sư khi họ dày công giảng giải cho ông mỗi ngày. Hoàng đế Khang Hy cũng rất thích chỉ giáo cho các triều thần khi ông dẫn họ theo trong những chuyến vi hành để cho họ thấy được những kiến thức của ông. Đồng thời, ông cũng ra lệnh biên dịch những cuốn sách như “Nguyên tố” của nhà toán học Euclid, và cố gắng chứng minh tính xác đáng của các công trình Trung Hoa cổ đại bằng khoa học phương Tây.
Những nhà toán học của nhà vua nước Pháp có mục tiêu khoa học rất rõ ràng; một trong số đó chính là khảo sát địa hình của lãnh thổ triều Thanh và lục địa Á Đông. Hoàng đế Khang Hy tình cờ cũng có khát vọng tương tự, khi ông mong muốn cải thiện cách vẽ bản đồ để làm một công cụ kiểm soát biên giới đối với những vùng lãnh thổ mới chinh phục. Do đó, việc thúc đẩy khám phá khoa học giữa Hoàng đế Khang Hy và Viện Hàn Lâm Hoàng Gia Pháp có những lợi ích chung cho cả hai bên.
Các nhà truyền giáo vô cùng ấn tượng trước sự chuyên cần của hoàng đế Khang Hy khi ông dành hầu hết thời gian rảnh rỗi của mình để theo đuổi nền học thuật phương Tây. Những nhà truyền giáo này đã mang đến Trung Hoa rất nhiều dụng cụ đo lường chính xác làm bằng đồng mạ vàng được chế tạo tại kinh đô Paris để thuận tiện cho việc học hành của hoàng đế — bao gồm la bàn, kính viễn vọng, đồng hồ, và các dụng cụ vẽ như thước đo góc, compa, và thước kẻ.
Một dụng cụ như vậy được trao tặng cho hoàng đế là một cây thước đo góc hình bán nguyệt có tích hợp la bàn, dùng để khảo sát địa hình.
Hoàng đế Khang Hy thường dẫn theo những nhà truyền giáo trong các chiến dịch quân sự của mình. Ông và những nhà truyền giáo này đã cùng nhau khảo sát địa hình để xác định vị trí hiện tại của họ so với kinh đô. Trong khi hoàng đế và những gia sư của ông tính toán vĩ độ dựa vào cao độ của sao Bắc Đẩu, các quan đại thần triều Thanh sẽ ước tính kinh độ bằng những khoảng cách đo dây hình học. Khi áp dụng những kiến thức mới này vào lĩnh vực thiên văn và địa lý, họ có thể vẽ được bản đồ cho những vùng lãnh thổ mới.
Khi vương triều của Hoàng đế Khang Hy ngày càng trở nên hùng mạnh, nhu cầu phát triển hệ thống bản đồ liền mạch và toàn diện của lãnh thổ triều Thanh đòi hỏi phải có những dụng cụ khảo sát địa hình tốt hơn từ Âu Châu. Để đạt được điều này, hoàng đế đã ra lệnh cho các xưởng chế tác triều đình tự chế tạo dụng cụ riêng dựa trên kiểu mẫu sản xuất tại kinh đô Paris, và ông đích thân giám định và đánh giá quá trình chế tạo. Như vậy, Hoàng đế Khang Hy đã chính thức lập ra một cơ quan chuyên vẽ bản đồ của hoàng triều Trung Hoa bằng phương pháp của Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp.
Vua Louis XIV và Gốm sứ Trung Hoa
Khi quay về Pháp, các nhà truyền giáo của Vua Louis XIV mang theo những món quà của Hoàng đế Khang Hy. Vua Louis XIV kinh ngạc khi nhìn thấy những báu vật này, ông đã khởi xướng niềm đam mê trong việc mô phỏng nghệ thuật và văn hóa Trung Hoa tại mọi giai tầng của xã hội Pháp. Sự thán phục này được thể hiện trong một câu nói của ông Voltaire (1694 – 1778): “Không có ngôi nhà nào tại Âu Châu sở hữu sự cổ kính giống như những ngôi nhà của hoàng triều Trung Hoa.”
Gốm sứ là một trong những phương tiện quan trọng nhất giúp cho nghệ thuật Trung Hoa du nhập vào hoàng gia Pháp. Vua Louis XIV sở hữu một bộ sưu tập với hơn 3,000 vật phẩm, hầu hết đều là gốm sứ Trung Hoa. Nhà vua thường thưởng thức món súp của mình bằng một chiếc cốc sứ Trung Hoa cỡ lớn có gắn tay cầm bằng vàng. Thời bấy giờ, gốm sứ Trung Hoa được coi là vàng trắng tại Âu Châu, bởi vì những món vật dụng này rất quý hiếm, và là một biểu tượng cho sự xa hoa lộng lẫy. Bột men màu gốm sứ (cobalt oxide) sơn phủ bên ngoài đất sét trắng tinh khiết, tạo nên một sản phẩm có màu xanh tao nhã trên nền sứ trắng như tuyết.
Tuy nhiên, những vật dụng này cũng được biến tấu để phù hợp với phong vị của người Pháp. Những vật dụng gốm sứ nhập cảng được gắn thêm giá đỡ làm bằng đồng mạ vàng để tăng thêm giá trị và thay đổi công dụng của chúng. Ví dụ, “tháp nước hoa” (Perfume Fountain) được chế lại từ ba vật dụng khác nhau, sau đó gắn thêm giá đỡ làm bằng đồng mạ vàng để có một công dụng hoàn toàn mới — đó là bình pha chế nước hoa. Hai chiếc bình đựng nước chế lại từ hai bình hoa bằng sứ Trung Hoa. Mỗi bình hoa được gắn miệng rót bằng đồng mạ vàng và phần chân đế hình tròn nối với một tay cầm được trang trí bằng các nhành hoa và lá lan tây quấn quanh. Tuy nhiên, hai chiếc bình này chỉ được sử dụng với mục đích để trang trí.
Niềm đam mê dành cho gốm sứ Trung Hoa cũng thể hiện qua phong cách nghệ thuật và kiến trúc của Pháp. Nhà vua nước Pháp thể hiện niềm yêu thích đối với nghệ thuật Trung Hoa thông qua phong cách kiến trúc của khu nhà ở và nghỉ dưỡng của ông trong Cung Điện Versailles, như công trình Porcelain Trianon (Trianon de Porcelaine), được lấy cảm hứng từ một ngôi chùa bằng sứ tại thành phố Nam Kinh. Ngôi nhà bằng sứ này thể hiện sự giao thoa giữa hai nền văn hóa, trong khi phần mái nhà xây theo kiểu Pháp và lợp ngói bằng sứ màu xanh và trắng có họa tiết là những chiếc bình hoa sứ, trong khi phần bên trong bao gồm các tấm ốp vữa, đồ gỗ và đồ nội thất đều được phủ sơn màu xanh và trắng, làm toát lên phong cách nghệ thuật Trung Hoa.
Mỹ thuật thời kỳ Baroque của Pháp cũng thể hiện niềm đam mê dành cho gốm sứ Trung Hoa, đặc biệt là những tác phẩm của họa sĩ Alexandre-François Desportes (1661–1743), ông thường hay vẽ những chiếc tô bằng sứ Trung Hoa trong các bức tranh tĩnh vật của mình.
Say mê trước chuẩn mực tinh mỹ của gốm sứ Trung Hoa, những nghệ nhân người Pháp đã tìm cách bắt chước và khám phá bí quyết chế tạo đồ sứ. Trong quá trình cố gắng sao chép kỹ thuật này, các nghệ nhân đã phát triển kỹ thuật làm đồ sứ xốp (soft paste porcelain). Tuy nhiên, những nghệ nhân này nhận thấy rằng, nếu không có cao lanh (một loại đất sét màu trắng nguyên chất, là thành phần quan trọng để chế tạo gốm sứ), họ không thể tạo ra những món đồ sứ có độ bền và chất lượng giống như gốm sứ Trung Hoa. Cho đến tận đầu thế kỷ 18, người Pháp mới khám phá được kỹ thuật làm gốm sứ cứng của Trung Hoa thông qua những nghiên cứu của một nhà truyền giáo Dòng Tên tại các lò nung gốm của hoàng triều Trung Hoa.
Giao lưu văn hóa giữa Trung Hoa và Pháp quốc
Hoàng đế Khang Hy và Vua Louis XIV không chỉ là những bậc quân vương cốt cách phi phàm, mà những di sản của họ, được thể hiện bằng việc luôn chú trọng tìm hiểu học hỏi lẫn nhau, đã mở đầu cho mối bang giao đặc biệt kéo dài hơn một thế kỷ giữa phương Đông và phương Tây. Ngay cả rất lâu sau thời trị vì của Hoàng đế Khang Hy và Vua Louis XIV, những người kế vị tiếp theo vẫn kế thừa truyền thống tầm cứu học hỏi lẫn nhau này. Đồng thời, truyền thống này đã truyền cảm hứng cho những suy niệm của giới học giả trong Thời kỳ Khai Sáng, tạo nên tiếng vang lớn vượt xa khỏi biên giới của Pháp quốc và vùng đất Trung Nguyên.
Tuy các nhà truyền giáo đã thành công du nhập khoa học phương Tây vào đất nước Trung Hoa cổ đại, nhưng sự truyền bá Cơ Đốc giáo lại rất mờ nhạt, bởi vì những lời dạy của Khổng Tử và Lão Tử đã bám rễ rất sâu vào truyền thống Trung Hoa cổ xưa. Điều này, ngược lại, đã để lại ấn tượng sâu sắc cho các nhà truyền giáo người Pháp, và họ đã mang những lời dạy triết lý của đất nước Trung Hoa cổ xưa trở về Âu Châu. Đặc biệt, những triết gia Âu Châu rất ngưỡng mộ tư tưởng của Khổng Tử, để hiểu sâu sắc hơn về thiên thượng và tự nhiên.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times