Đồng nội tệ của Iran giảm xuống mức thấp kỷ lục
Đồng rial, đồng tiền pháp định của Cộng hòa Hồi giáo Iran, được giao dịch với giá trị thấp nhất từ trước đến nay so với đồng dollar Mỹ vào Chủ Nhật (12/06). Suy thoái kinh tế từ việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và chiến tranh Nga-Ukraine đang gây ra tình trạng khó khăn triền miên ở quốc gia Trung Đông này.
Đồng rial được ghi nhận giao dịch ở tỷ giá 332,000 rial đổi 1 USD, tăng 4,500 đồng so với một ngày trước đó, lập kỷ lục mới về giá trị thấp nhất được ghi nhận của đồng tiền Iran. Nhìn chung, giá trị của đồng tiền Iran đã giảm 4.4% kể từ đầu tháng.
Đợt lạm phát mới đi kèm với các cuộc biểu tình của các thương nhân và chủ cửa hàng ở chợ, những người đã đứng chật cứng ngã ba Amin vào buổi chiều Chủ Nhật ở Tehran để bày tỏ sự không đồng tình với các chính sách kinh tế của chính phủ và những hậu quả kéo theo. Các cuộc biểu tình như vậy đã liên tục nổ ra bên trong Iran trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện thời, bất chấp sự đàn áp từ nhà nước và các cuộc đàn áp bạo lực thường xuyên mà lực lượng cảnh sát của chính phủ nước này thực hiện.
Các quan chức Iran cho biết tình hình lạm phát đang leo thang của nước này phần lớn là hậu quả từ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, vốn được nối lại vào năm 2018 khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung, hay còn được gọi là “Thỏa thuận Hạt nhân Iran”, do cựu Tổng thống Barack Obama đàm phán trong năm 2015.
Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã khởi xướng các cuộc đàm phán để khôi phục Thỏa thuận Hạt nhân Iran, nhưng các cuộc thương thuyết này đã bị đình trệ trong nhiều tháng. Trong khi ông Obama có thể đàm phán với chính phủ có vẻ ôn hòa do ông Hassan Rouhani lãnh đạo, thì ông Biden lại phải giao tiếp với tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, một người theo đường lối cứng rắn không mấy ủng hộ đối với các điều khoản của thỏa thuận năm 2015 này so với người tiền nhiệm, ngay cả khi nền kinh tế Iran gặp khó khăn do những căng thẳng trong ngoại giao hai nước.
Thêm vào những khó khăn kinh tế ở Iran là tình trạng thiếu lương thực do cuộc chiến của Nga với Ukraine, điều này đã làm gián đoạn dòng chảy ngũ cốc từ hai quốc gia Đông Âu này vào thị trường Iran. Nhập cảng từ Nga của Iran đạt tổng trị giá 1.8 tỷ USD trong mười tháng đầu năm 1400 theo lịch của Iran, gần như trùng với năm 2021 theo lịch Gregorian. Tuy nhiên, vì Nga cũng đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, nên chính phủ Nga đã áp đặt các hạn chế đối với xuất cảng lương thực nhằm duy trì an ninh lương thực địa phương, làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm lương thực ở Iran.
Kỷ lục lạm phát của đồng rial được bổ sung bởi chuyến thăm của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, khi chính phủ Tehran và chính phủ Caracas cố gắng tạo dựng mối liên hệ sâu sắc hơn, bắt nguồn từ sự thù địch lẫn nhau với Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo của hai nước đã ký một thỏa thuận hợp tác 20 năm vào thứ Bảy (11/06). Giống như Iran, Venezuela trong những năm gần đây đã phải hứng chịu lạm phát lớn và khó khăn kinh tế, mà cả hai quốc gia này đều cho rằng đó là do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Anh Nicholas Dolinger là một phóng viên kinh doanh của The Epoch Times và là người tạo ra podcast “The Beautiful Toilet”.