Động lực đằng sau việc người Trung Quốc mua hàng Nga trực tuyến là gì?
Các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc gần đây đã chứng kiến hàng hóa của Nga được bán hết sạch sau khi cư dân mạng Trung Quốc mua hàng rầm rộ, đến mức đích thân một đại biểu Nga đã đứng ra kêu gọi họ tiêu dùng hợp lý. Các nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận này sẽ không giúp ích gì cho nền kinh tế Nga trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Gần đây, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã đến cửa hàng “Russia National Pavilion”, nền tảng thương mại điện tử duy nhất được Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc cấp phép, và vét sạch các loại đồ ăn nhẹ và trà khác nhau của cửa hàng này. Các sản phẩm phổ biến thậm chí còn được trưng bày dưới dạng “sản phẩm bán trước”, và số lượng “người theo dõi” dành cho cửa hàng này tăng vọt, tăng hơn 200,000 người chỉ riêng trong ngày 02/03.
Cùng ngày, một video cảm ơn đã xuất hiện trên trang nhất của Russia National Pavilion. Ông Sergei Betsev, đại sứ kinh doanh của Phòng Thương mại Liên bang Nga tại Trung Quốc, cho biết vào thời điểm khó khăn này, ông muốn cảm ơn “những người bạn Trung Quốc” đã ủng hộ Nga và Russia National Pavilion, và rằng ông “sẽ ghi nhớ tình bằng hữu gắn bó này.” Đồng thời, ông cũng kêu gọi cư dân mạng Trung Quốc hãy tiêu dùng hợp lý.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 07/03, ông Lục Thiên Minh (Lu Tianming), một chuyên gia về Trung Quốc và nhà bình luận về các vấn đề thời sự sống tại Hoa Kỳ, tuyên bố rằng hiện tượng mua hàng hóa của Nga ở Trung Quốc là do Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ ý thúc đẩy và chỉ thị phía sau hậu trường.
Ông nói, “Ở Trung Quốc, loại hiện tượng này không phải tự phát, giống như ‘trào lưu chống Nhật’ xảy ra trước đây, nhìn thì thấy giống một hành động phi chính phủ, nhưng sau đó đã được khẳng định là do ĐCSTQ thao túng và cổ xúy. Lần này chuyện đó cũng không có gì khác biệt.”
Ông Lục cũng bày tỏ rằng mặt khác, những xảo ngôn và tuyên truyền dối trá lâu năm của ĐCSTQ đã khiến nhiều người Trung Quốc có thiện cảm với Nga, và họ không biết rằng Nga chiếm nhiều đất Trung Quốc nhất trong lịch sử hiện đại. Dưới sự tuyên truyền được gọi là “Tình hữu nghị Trung-Nga” của ĐCSTQ, nhiều người đã bị lừa dối để có tinh thần thân Nga và chống Mỹ.
Sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, chính quyền Trung Quốc cho đến nay vẫn ngần ngại không công nhận hành động của Nga là một cuộc xâm lược và từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Hôm 02/03, ông Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), Chủ tịch Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), tuyên bố rằng ĐCSTQ sẽ không đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, đặc biệt là không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đơn phương, đồng thời sẽ tiếp tục duy trì hoạt động kinh tế, thương mại bình thường và trao đổi tài chính với các bên liên quan ở Nga.
Sự giúp đỡ hạn chế đối với nền kinh tế Nga
Ông Lục tin rằng việc người Trung Quốc ồ ạt mua hàng hóa của Nga sẽ không đóng góp nhiều cho nền kinh tế vốn đã bị trừng phạt của Nga.
Ông nói, “Có vẻ như đây chỉ là một cửa hàng đặc sản của Nga, và rất nhiều trong số đó đã hết hàng. Cũng chẳng có gì ngoài thực phẩm, đồ ăn nhẹ, rượu vodka, và những mặt hàng khác, và giá trị của chúng rất hạn chế. Không thể kỳ vọng rằng điều này sẽ hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, nhưng nó tạo ra một hiện tượng tâm lý quần chúng đồng thời tạo ra một giả tượng là Trung Quốc đang hỗ trợ Nga.”
“Một điểm quan trọng khác là hành động đó đang che đậy sự hậu thuẫn ngầm của ĐCSTQ dành cho Nga để những gì cộng đồng quốc tế nhìn thấy là có vẻ như người dân Trung Quốc đang ủng hộ Nga một cách tự phát, mua hàng hóa cho họ và gửi tiền cho họ.”
Ông Lục nói rằng những gì thực sự đóng một vai trò quan trọng là 15 hợp đồng mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký tại Bắc Kinh trong Thế vận hội Mùa đông, trong đó quan trọng nhất là các mặt hàng như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, cũng như các mặt hàng nhập cảng của Trung Quốc như ngũ cốc, phân bón, và các vật liệu khác từ Nga.
Ông nói, “Trên thực tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giao thiệp với Nga và chuẩn bị trước cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, và bây giờ khi phương Tây đang trừng phạt Nga, ĐCSTQ vẫn đang ủng hộ nước này ở hậu trường, kể cả những cuộc ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa gần đây để giúp Nga, từ đó tạo ra một giả tướng nhằm che đậy sự ủng hộ chính thức thực tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Các công ty vận tải container của Nga hôm 02/03 thông báo họ đã ký thỏa thuận hợp tác bên thứ ba với các công ty giao nhận hàng hóa Trung Quốc để cải thiện khả năng cạnh tranh của hoạt động vận chuyển container quá cảnh từ Trung Quốc đến Âu Châu. Hợp tác Trung-Nga tiếp tục khi chiến tranh Nga-Ukraine còn tiếp diễn và các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt lên Nga.
Thương mại của Nga với các nước trên thế giới
Sau khi bắt đầu cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, bao gồm các hạn chế đối với ngân hàng trung ương Nga và loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Các biện pháp này đã làm mất giá đồng tiền của Nga, đồng rub, và cũng sẽ khiến việc thanh toán và vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn hơn.
Nga chủ yếu xuất cảng dầu thô, dầu tinh luyện, khí đốt, than đá, và lúa mì sang Trung Quốc, Hà Lan, Belarus, Đức và Ý; nhóm hàng xuất cảng thứ hai bao gồm gỗ, phân bón, nhôm, máy móc, và ngũ cốc.
Trang web tin tức kinh doanh của Hoa Kỳ Quartz cho biết trong một bài báo hôm 02/03 rằng Vương quốc Anh mua nhiều đá quý và kim loại từ Nga hơn bất kỳ quốc gia nào khác, chủ yếu là vàng và bạch kim.
Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng mua thép lớn nhất của Nga; 40% sắt bán thành phẩm và thép không hợp kim ở Đài Loan được nhập cảng từ Nga; Belarus và Kazakhstan cũng là hai nước chính nhập cảng thép Nga.
Gỗ của Nga là nguồn nhập cảng gỗ chính của Trung Quốc, chiếm tổng cộng khoảng 37%.
Brazil là nhà nhập cảng phân bón lớn nhất của Nga, cả khoáng chất và hóa chất, chiếm 69% lượng phân bón nhập cảng của Brazil.
Xuất cảng nhôm của Nga đã tăng mạnh vào tháng 07/2021 sau khi chính phủ Nga dỡ bỏ thuế xuất cảng. Nhưng sự leo thang xung đột Nga-Ukraine gần đây đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng toàn cầu và giá nhôm trên Sàn giao dịch kim loại London đã tăng vọt.
Các sản phẩm của Nga chiếm 26.7% kim ngạch xuất cảng của thế giới về lò phản ứng hạt nhân và các thành phần của chúng, chỉ đứng sau xuất cảng phản lực cơ, tuabin khí và các thành phần của chúng. Máy móc Trung Quốc nhập từ Nga chủ yếu là lò phản ứng hạt nhân và các thành phần của chúng, chiếm khoảng 13% số hàng nhập cảng đó.
Các sản phẩm ngũ cốc như lúa mì và lúa mạch chiếm phần lớn lượng xuất cảng ngũ cốc của Nga và Nga chiếm gần 30% tổng xuất cảng các loại ngũ cốc này trên toàn cầu. Chicago Wheat Futures, tiêu chuẩn quốc tế cho lúa mì, đã tăng hơn 50% kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra.
Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập là những khách hàng mua ngũ cốc lớn nhất của Nga, và Lebanon đã giảm sự phụ thuộc vào ngũ cốc của Nga và thay thế bằng các sản phẩm của Ukraine.
Giá lúa mì tăng mạnh đã làm suy yếu khả năng thu mua lúa mì của các nước nhập cảng lương thực. Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là một trong những khách hàng mua lúa mì chính của Nga, đã buộc phải giảm khối lượng mục tiêu ban đầu trong một cuộc đấu thầu quốc tế.
Nga và Ukraine sản xuất khoảng 19% sản lượng lúa mạch toàn cầu và 32% xuất cảng; Nga đứng thứ 6 trên thế giới về xuất cảng ngô, chiếm 2.3%.
Cả Nga và Ukraine đều đứng trong top 10 thế giới về sản xuất và xuất cảng đậu tương. Hai nước này cũng là nhà sản xuất và xuất cảng dầu hướng dương chủ đạo, và 60% lượng dầu hướng dương trên thế giới đến từ hai quốc gia này, chiếm 75% xuất cảng.
Bà Jessica Mao là nhà văn của The Epoch Times tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2009.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: