Động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Số người thiệt mạng vượt quá 33,000, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tra xét các công ty xây dựng
ANTAKYA, Thổ Nhĩ Kỳ — Hôm Chủ Nhật (12/02), sáu ngày sau một trong những trận động đất kinh hoàng nhất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, các lực lượng cứu hộ đã kéo thêm được nhiều người sống sót ra khỏi đống đổ nát. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách duy trì trật tự trên toàn khu vực đang gặp thảm họa và bắt đầu có hành động pháp lý đối với các công ty xây dựng về việc một số tòa nhà bị sập.
Với cơ hội tìm thấy thêm nhiều người sống sót ngày càng hiếm hoi, số người thiệt mạng ở cả hai quốc gia do trận động đất hôm thứ Hai (06/02) và các cơn dư chấn mạnh đã tăng lên trên 33,000 người và có vẻ như sẽ tiếp tục tăng. Đây là trận động đất kinh hoàng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939.
Những người dân buộc lòng phải di tản khỏi nhà mình ở thành phố Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi gần tâm chấn, cho biết họ đã dựng những căn lều gần nhất có thể với những ngôi nhà bị hư hại hoặc bị phá hủy của mình nhằm ngăn chặn hành vi cướp bóc.
Trước những nghi vấn về cách ứng phó của ông đối với trận động đất, Tổng thống Tayyip Erdogan hứa sẽ bắt đầu xây dựng lại trong vòng vài tuần.
Ở Syria, thảm họa này ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng tây bắc do quân nổi dậy kiểm soát, khiến nhiều người lại mất nhà cửa. Những người này đã nhiều lần phải di dời do cuộc nội chiến kéo dài hàng thập niên qua.
“Cho đến nay, chúng ta đã làm người dân ở tây bắc Syria thất vọng,” giám đốc viện trợ của Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths viết trên Twitter từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, nơi chỉ có một cảng nhập cảnh duy nhất được mở để tiếp nhận viện trợ từ Liên Hiệp Quốc.
“Họ cảm thấy bị bỏ rơi cũng đúng thôi,” ông Griffiths nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông đang tập trung giải quyết vấn đề đó một cách nhanh chóng.
Hơn sáu ngày sau khi trận động đất đầu tiên xảy ra, các nhân viên cấp cứu vẫn tìm thấy một số ít người đang cố gắng sống sót trong đống đổ nát của những ngôi nhà đã trở thành mồ chôn của hàng ngàn người.
Tại thành phố Antakya ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hộ đã cứu được ông Malik Milandi, 54 tuổi, người Syria sau khi ông sống sót qua 156 giờ trong đống đổ nát.
Những cảnh tượng như vậy đã trở nên hiếm hoi khi số người thiệt mạng tăng lên không ngừng.
Tại một đám tang gần Reyhanli, những người phụ nữ che mặt đấm ngực than khóc khi các thi thể được dỡ xuống từ xe tải — một số thi thể được đặt trong những quan tài gỗ đóng kín, số khác được đặt trong quan tài không đậy nắp, và còn những người khác nữa thì chỉ được quấn thân bằng những tấm mền.
Một người dân ở Kahramanmaras cho biết ông vẫn chưa an táng cho các thân nhân của mình vì không còn đủ khăn liệm để quấn cho họ. Trên một con đường vào thị trấn, một chiếc xe tải lớn đang chất đầy quan tài gỗ.
Những lo sợ về an ninh và các lệnh giam giữ
Dọc theo con đường chính vào Antakya, nơi một số tòa nhà còn sót lại với những vết nứt lớn hoặc mặt tiền bị đánh hõm xuống, giao thông thỉnh thoảng bị đình trệ khi các đội cứu hộ kêu gọi im lặng để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống còn sót lại dưới những đống đổ nát.
Chất lượng xây dựng ở quốc gia nằm trên một số đường đứt gãy địa chấn này đã trở thành tâm điểm chú ý sau trận động đất.
Phó Tổng thống Fuat Oktay cho biết, cho đến nay, 131 nghi phạm đã được xác định là người chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của một vài trong số hàng ngàn tòa nhà bị san phẳng ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ theo dõi vụ việc một cách tỉ mỉ cho đến khi kết thúc thủ tục tư pháp cần thiết, đặc biệt là đối với các tòa nhà bị thiệt hại nặng nề và các tòa nhà gây ra những trường hợp tử nạn và bị thương.”
Trận động đất này xảy ra khi ông Erdogan phải đối mặt với các cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Sáu. Ngay cả trước khi thảm họa này xảy ra, thì danh tiếng của ông cũng đã suy giảm do lạm phát tăng vọt và đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá.
Một số người bị ảnh hưởng bởi trận động đất và các chính trị gia đối lập đã cáo buộc chính phủ về những nỗ lực cứu trợ chậm chạp và không đầy đủ ngay từ ban đầu, và những người chỉ trích đã đặt câu hỏi tại sao quân đội, từng đóng vai trò chủ chốt sau một trận động đất năm 1999, lại không được điều động đến sớm hơn.
Ông Erdogan đã thừa nhận các vấn đề, chẳng hạn như thách thức trong việc cung cấp trợ giúp khi các tuyến giao thông bị hư hại, nhưng cho biết tình hình đã được kiểm soát. Ông đã kêu gọi sự đoàn kết và lên án việc vận động chính trị “tiêu cực.”
Ông cũng cảnh báo rằng những kẻ cướp bóc sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Trong số các xe cứu trợ hướng tới Kahramanmaras, cảnh sát đã dẫn đầu một đoàn gồm tám xe quân đội.
Cô Gizem, một nhân viên cứu hộ đến từ tỉnh Sanliurfa phía đông nam, cho biết cô đã nhìn thấy những kẻ cướp bóc ở thành phố Antakya. “Chúng tôi không thể can thiệp nhiều, vì hầu hết những người đi ăn cướp đó đều mang theo dao.”
Một cư dân cao niên ở Kahramanmaras cho biết đồ trang sức bằng vàng trong nhà ông đã bị đánh cắp, trong khi ở thành phố cảng Iskenderun, cảnh sát đã được khai triển tại các giao điểm của các con đường thương mại với nhiều cửa hàng điện thoại và trang sức.
Hai tổ chức cứu hộ của Đức đã ngừng làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Bảy (11/02), viện dẫn các báo cáo về những cuộc đụng độ giữa các nhóm người và nêu lên những lo ngại về an ninh tại các khu vực bị động đất tàn phá.
Viện trợ đến Syria bị đình trệ
Tại Syria, sự thù địch vốn đã chia cắt đất nước trong suốt 12 năm nội chiến hiện đang cản trở công tác cứu trợ.
Một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cho biết các vấn đề chấp thuận với nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đang kiểm soát phần lớn khu vực đã cản trở sự viện trợ động đất từ các khu vực do chính phủ nắm giữ vào lãnh thổ do các nhóm đối lập có lập trường cứng rắn kiểm soát.
Phát ngôn viên Jens Laerke cho biết, Liên Hiệp Quốc đang hy vọng tăng cường các hoạt động xuyên biên giới bằng cách mở thêm hai điểm biên giới do phe đối lập nắm giữ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để vận chuyển hàng viện trợ.
Hôm Chủ Nhật, Ngoại trưởng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), đồng minh của Hoa Kỳ, đã đến gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong chuyến thăm cao cấp đầu tiên của một quan chức Ả Rập kể từ sau trận động đất.
Một số quốc gia Ả Rập đã trợ giúp cho ông Assad sau trận động đất. Các quốc gia phương Tây, vốn tìm cách cô lập ông Assad sau khi ông đàn áp các cuộc biểu tình hồi năm 2011 và làm bùng nổ cuộc nội chiến, là những quốc gia đóng góp chính cho các nỗ lực cứu trợ của Liên Hiệp Quốc trên khắp Syria nhưng đã cung cấp rất ít viện trợ trực tiếp cho Damascus.
Hôm Chủ Nhật, chuyến hàng cứu trợ động đất đầu tiên của châu Âu tới các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Syria cũng đã đến Damascus.
Giám đốc cứu trợ của Liên Hiệp Quốc Griffiths sẽ tới thành phố Aleppo phía bắc Syria vào thứ Hai để khảo sát thiệt hại và đưa ra một lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc cho Syria, mà ông hy vọng sẽ bao gồm cả khu vực kiểm soát của chính phủ và phi chính phủ.
Trận động đất được xếp hạng là thảm họa thiên nhiên gây nhiều thương vong đứng hàng thứ sáu trên thế giới trong thế kỷ này, với số nạn nhân thiệt mạng vượt quá con số 31,000 người trong trận động đất ở nước láng giềng Iran năm 2003.
Trận động đất này đã khiến 29,605 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 3,500 người ở Syria thiệt mạng. Số người tử vong tại Syria vẫn chưa được cập nhật trong hai ngày qua.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times