Đơn xin trợ cấp thất nghiệp gia tăng báo hiệu khả năng thị trường lao động suy giảm
Các hồ sơ mới hàng tuần xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp – một biểu hiện của tình trạng sa thải – đã tăng cao hơn dự kiến của các nhà phân tích lên mức cao nhất trong 3 tháng, khiến một số nhà kinh tế đặt câu hỏi liệu thị trường lao động thắt chặt có đang hướng đến một giai đoạn suy giảm bớt hay không.
Bộ Lao động cho biết trong một báo cáo (pdf), số hồ sơ lần đầu xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã tăng 1,000 lên đến 203,000 trong tuần kết thúc hôm 07/05. Các nhà kinh tế đã dự kiến số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm xuống còn 195,000.
Đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt mức thấp nhất là 166,000 đơn trong tuần của hôm 19/03 và mức tăng của tuần này khiến con số này cao hơn khoảng 22%.
Một số nhà phân tích đã đưa ra triển vọng về một sự suy thoái chậm nhưng ổn định trên thị trường lao động bởi lạm phát tăng cao đã buộc Fed lâm vào một chu kỳ thắt chặt khi tăng trưởng kinh tế giảm bớt.
Nhà kinh tế học Danielle DiMartino Booth cho biết trong một tweet bình luận về số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp hôm thứ Năm: “Đó là sự tăng chậm như chúng tôi đã dự báo @Quillintel. Nhưng dù sao thì đó cũng là một sự thay đổi.”
Bà Booth đã cảnh báo về những dấu hiệu nền kinh tế Hoa Kỳ có thể sắp rơi vào suy thoái, đề cập đến một sự suy giảm trong dữ liệu sản xuất gần đây của Hoa Kỳ, bao gồm cả hàng tồn kho tăng với tốc độ chậm hơn.
Bà viết trong một tweet gần đây : “Hàng tồn kho được tích lũy trong các cuộc khảo sát sản xuất khu vực của Fed là một điềm báo.”
Bà nói thêm: “Theo tất cả các tính toán, cuộc thảo luận nên chuyển từ suy thoái công nghiệp sang sự thu hẹp kinh tế rộng khắp và toàn diện.”
Cuộc khảo sát sản xuất hàng tháng do Viện Quản lý Cung ứng (ISM) công bố chỉ ra rằng chỉ số hàng tồn kho của họ đã giảm 3.9 điểm phần trăm trong tháng Tư so với tháng Ba, phản ánh tốc độ tăng trưởng hàng tồn kho đã bị chậm lại. Các đơn đặt hàng mới, tình trạng sản xuất, và việc làm cũng tăng với tốc độ chậm hơn.
Chỉ số sản xuất tổng thể của ISM trong tháng Tư đạt 55.4 %, giảm 1.7 điểm phần trăm so với tháng trước đó. Các số liệu trên 50 cho thấy sự mở rộng.
Ông Timothy Fiore, Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Sản xuất ISM, cho biết trong một tuyên bố: “Tình trạng sản xuất hoạt động tốt trong tháng thứ 23 liên tiếp, với nhu cầu ghi nhận mức tăng trưởng chậm hơn so với tháng trước (có thể do thời gian chờ kéo dài và giá nguyên vật liệu tăng cao trong nhiều thập kỷ) và tiêu dùng giảm (do hạn chế về lực lượng lao động).”
Ông nói thêm: “Các đối tác ở nước ngoài đang trải qua những tác động của COVID-19, tạo ra một khó khăn trước mắt cho cộng đồng sản xuất của Hoa Kỳ.”
Vẫn là một nguồn tạo ra sức mạnh
Một số nhà phân tích lưu ý rằng số lượng đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp hôm thứ Năm gần với mức thấp lịch sử và có những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ.
Nhà phân tích ngành cao cấp của Bankrate Ted Rossman nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua email: “Nhìn chung, thị trường việc làm vẫn là một nguồn sức mạnh trong một nền kinh tế chứa đầy những nỗi lo về lạm phát, lãi suất cao hơn, và nhiều hơn nữa.”
Ông Rossman nói thêm: “Về mặt lịch sử, con số này (203,000) vẫn còn khá thấp. Có lẽ là không thực tế khi kỳ vọng nó giảm xuống dưới 200,000.”
Trước đại dịch, trung bình số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp ban đầu ở mức khoảng 210,000 mỗi tuần.
Các dữ liệu khác trong báo cáo về đơn xin trợ cấp thất nghiệp hôm thứ Năm cho thấy thị trường lao động vẫn còn thắt chặt. Các đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp tục, trong một tuần sau con số hồ sơ thất nghiệp lần đầu và phản ánh tổng số người nhận trợ cấp thông qua các chương trình truyền thống của chính phủ, đã giảm 44,000 người xuống còn 1.343 triệu người, thấp nhất kể từ năm 1970.
Ông Rossman nói, “Các đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp tục, giảm xuống mức thấp nhất trong 52 năm, cho thấy rằng những đợt thất nghiệp nói chung chỉ diễn ra ngắn ngủi trong những ngày này.”
Dữ liệu thị trường lao động gần đây cho thấy số lượng cơ hội việc làm ở Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 11.5 triệu, trong khi số người Mỹ bỏ việc ở mức kỷ lục.
Số liệu cũng cho thấy số lượng cơ hội việc làm nhiều gấp gần hai lần số người thất nghiệp, trong đó các nhà tuyển dụng tiếp tục gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, tăng lương để thu hút và giữ chân nhân viên.
Sự khởi đầu của kết thúc?
Nhà kinh tế học Fabian Wintersberger đã đặt câu hỏi liệu số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp hôm thứ Năm có báo hiệu “sự khởi đầu của việc chấm dứt ‘thị trường lao động thắt chặt’ ‘hay không,” thêm vào một tweet nói rằng một phần của câu chuyện đằng sau sự thắt chặt thị trường lao động là do tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp, chứ không phải là do các nguyên tắc cơ bản về kinh tế.
Đó là một chủ đề được giải thích bởi nhà kinh tế học Daniel Lacalle, người đã nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua email rằng, “sự thắt chặt của thị trường lao động Hoa Kỳ là tuyên truyền mang tính chính trị nhiều hơn là thực tế.”
Ông nói: “Vào tháng Ba, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 62.4% và tỷ lệ việc làm trên dân số là 60.1%. Cả hai tỷ lệ này đều đã trì trệ trong gần một năm và đều duy trì dưới mức tháng Hai năm 2020 (63.4% và 61.2%).”
Ông Lacalle nói thêm: “Vì vậy, thị trường lao động còn lâu mới phục hồi, điều này giải thích tại sao tăng trưởng tiền lương trung bình rất kém.”
Hồi tháng Tư, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 62.2%, trong khi tăng trưởng tiền lương danh nghĩa hàng tháng chậm lại còn 0.3%, giảm so với mức 0.4% trong tháng Ba.
Tiền lương danh nghĩa, không được điều chỉnh theo lạm phát, đã tăng 5.5 % trong năm tính đến hết tháng Tư, nhưng tốc độ tăng giá tiêu dùng nhanh hơn 8.3 % có nghĩa là tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát thực sự giảm 2.8 %.
Trưởng cố vấn kinh tế của Allianz, ông Mohamed El-Erian, đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng vấn đề lạm phát ở Hoa Kỳ sẽ luôn luôn biến thành một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khi áp lực giá cả mở rộng thành nhiều loại hình hơn, tiếp tục xói mòn mức lương của nhiều hộ gia đình Mỹ và làm giảm nhu cầu.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: