Đơn kháng cáo gửi Tòa án Tối cao Colorado yêu cầu cấm ông Trump có tên trên lá phiếu
Một đơn kháng cáo đã được gửi lên Tòa án Tối cao Colorado nhằm ngăn cản cựu Tổng thống (TT) Donald Trump xuất hiện trên lá phiếu sơ bộ của tiểu bang này. Bên kháng cáo đã thách thức phán quyết của một tòa án địa hạt thừa nhận sự liên quan của ông trong vụ việc ngày 06/01/2021 nhưng từ chối xem ông không đủ tư cách theo Tu chính án thứ 14 do chức tổng thống không được xếp loại là một “chức vụ” (office).
Tuần trước, Thẩm phán Sarah Wallace của Tòa án Địa hạt số 2 Colorado đưa ra một phán quyết dài hơn 100 trang, xét thấy rằng cựu tổng thống đã tham gia vào một “cuộc nổi dậy” bằng cách kích động cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Capitol ngày 06/01. Tuy nhiên, bà đã bác bỏ vụ kiện khi cho rằng Tu chính án thứ 14 không áp dụng cho chức tổng thống và ra lệnh cho đổng lý tiểu bang đưa cựu TT Trump vào lá phiếu sơ bộ.
Hành động này đã khiến nhóm thiên tả Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức ở Hoa Thịnh Đốn (CREW) — kiện thay mặt cho một số cử tri Colorado — hôm 20/11 đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Colorado, yêu cầu tòa án ra phán quyết rằng Tu chính án thứ 14 trên thực tế có áp dụng cho chức vụ tổng thống.
Trong khi đó, hôm 20/11, các luật sư của cựu TT Trump cũng đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Colorado, yêu cầu tòa án xem xét một số vấn đề liên quan đến phán quyết của tòa địa hạt, trong đó có yêu cầu hủy bỏ phán quyết cho rằng cựu TT Trump đã “tham gia” vào một “cuộc nổi dậy.”
Trong đơn kháng cáo của cựu TT Trump lên Tòa án Tối cao Colorado còn có các phần khác liên quan đến việc liệu một tòa án địa hạt đúng là có thẩm quyền xác định tư cách của một ứng cử viên trong lá phiếu theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14 khi không có đạo luật ủy quyền của Quốc hội hay không.
Mục 3 của Tu chính án thứ 14 được gọi là điều khoản loại bỏ tư cách. Mục này tuyên bố rằng người mà “trước đây đã tuyên thệ với tư cách là thành viên Quốc hội, hoặc với tư cách là một nhân viên của Hoa Kỳ” nhưng tham gia vào cuộc nổi dậy hoặc phiến loạn chống lại Hiến Pháp thì sẽ không được giữ chức vụ (hold office).
Trong phán quyết tuần trước, Thẩm phán Wallace đã viết rằng chức tổng thống không phải là một “chức vụ” (office) và vì vậy “Mục 3 của Tu chính án thứ 14 không áp dụng cho ông Trump.”
‘Chức vụ’
Được phê chuẩn sau Nội chiến, Tu chính án thứ 14 đã mở rộng quyền công dân và các quyền bình đẳng cho những người từng là nô lệ cùng với tất cả những người sinh ra và nhập tịch tại Hoa Kỳ.
Mục 3 của tu chính án này cấm bất kỳ ai đã tham gia “các cuộc phiến loạn” hoặc “các cuộc nổi dậy” giữ chức vụ trừ phi họ có 2/3 số phiếu của Quốc hội để được miễn trừ.
Mục 3 có nội dung: “Những người đã tuyên thệ ủng hộ Hiến Pháp của Hoa Kỳ với tư cách là một thành viên Quốc hội, hoặc một viên chức Hoa Kỳ, hoặc một thành viên của một cơ quan lập pháp Tiểu bang, hoặc một viên chức hành chính hay tư pháp của bất cứ một Tiểu bang nào nhưng lại tham gia các cuộc nổi dậy hay phiến loạn chống lại Hiến Pháp hoặc trợ giúp hay úy lạo kẻ thù, thì sẽ không là Thượng nghị sĩ hoặc Dân biểu trong Quốc hội, hoặc đại cử tri để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, hoặc nhận một chức vụ nào, dân sự hay quân sự, của Hoa Kỳ hay của một Tiểu bang. Nhưng Quốc hội có thể với 2/3 số phiếu của mỗi Viện để bác bỏ sự không đủ tư cách nói trên.”
Những người đệ đơn đã kiện đổng lý tiểu bang Colorado để buộc phải loại bỏ cựu TT Trump ra khỏi lá phiếu sơ bộ; họ lập luận rằng “viên chức của Hoa Kỳ” (officer of the United States) chắc chắn sẽ bao gồm người giữ chức vụ cao nhất trong chính phủ liên bang và do đó, điều khoản tước bỏ tư cách của Tu chính án thứ 14 nên được áp dụng.
Tuy nhiên, thẩm phán cho biết có “rất ít bằng chứng” về trường hợp này, đồng thời lưu ý trong phán quyết rằng các tác giả của Tu chính án thứ 14 đã liệt kê cụ thể các chức vụ, nhưng chức tổng thống không nằm trong số đó.
“Việc gộp chức vụ Tổng thống với bất kỳ chức vụ dân sự hoặc quân sự nào khác thực sự là kỳ quặc,” bà viết, “và gây khó khăn rất nhiều cho Tòa án bởi vì như những Người can thiệp (Intervenor) đã chỉ ra, Mục 3 liệt kê rõ ràng tất cả các vị trí dân cử của liên bang ngoại trừ Tổng thống và Phó Tổng thống.”
Bà viết rằng các tòa án sẽ đúng khi cho rằng việc loại bỏ chức tổng thống khỏi danh sách không đủ tư cách trong Tu chính án thứ 14 là có chủ ý.
Các luật sư của cựu TT Trump cũng lập luận nhiều về vấn đề tương tự, lưu ý rằng có nhiều chỗ trong Hiến pháp Hoa Kỳ mà tổng thống Hoa Kỳ được liệt kê riêng biệt với “các viên chức,” chẳng hạn như điều khoản bổ nhiệm, điều khoản đàn hặc, điều khoản nhiệm vụ, điều khoản tuyên thệ và khẳng định, và Điều VI.
Thẩm phán cho rằng đó là một lập luận thuyết phục.
“Tòa án đồng ý với những Người can thiệp rằng tất cả năm điều khoản đó trong Hiến Pháp đều dẫn đến cùng một kết luận — rằng những người soạn thảo Mục 3 của Tu chính án thứ 14 không có ý định xem Tổng thống là ‘một viên chức của Hoa Kỳ.’”
‘Cuộc nổi dậy’
Trong đơn kháng cáo trình lên Tòa án Tối cao Colorado, các luật sư của cựu TT Trump đã đưa ra một số phản đối khi tòa án địa hạt cho rằng cựu tổng thống đã “tham gia” vào một “cuộc nổi dậy” bằng cách kích động cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Capitol ngày 06/01.
Đầu tiên, họ đặt câu hỏi liệu việc Thẩm phán Wallace đưa ra quyết định đó có phù hợp hay không vì bà xét thấy Mục 3 của Tu chính án thứ 14 không áp dụng cho chức tổng thống.
“Những phát xét này có nên bị hủy bỏ hay không bởi vì tòa án địa hạt tự thừa nhận thiếu thẩm quyền để áp dụng Mục 3 đối với cựu Tổng thống Trump?” luật sư của ông đã hỏi trong hồ sơ.
Ngoài ra, họ chỉ ra rằng, lần đầu tiên, tòa án địa hạt xét thấy rằng cụm từ “tham gia” được sử dụng trong Tu chính án thứ 14 bao gồm khái niệm “kích động.”
“Tòa án Địa Hạt có đúng khi định nghĩa ‘tham gia’ một cách rộng rãi như vậy không?” họ hỏi trong đơn kiện.
Tòa án địa hạt cũng ra phán quyết rằng bài diễn văn chính trị của cựu TT Trump “kích động” bạo lực, trong khi các luật sư của ông lập luận rằng những lời nói của ông Trump trên thực tế chưa bao giờ kêu gọi bạo lực và vì vậy tòa án địa hạt đã sai khi phán quyết rằng ông kích động [bạo lực].
Trong bài diễn văn ngày 06/01, Tổng thống [đương thời Donald] Trump nói rằng những người biểu tình nên “lên tiếng một cách ôn hòa và yêu nước,” mặc dù một số người đã quả quyết rằng một phần trong bài diễn văn của ông khi ông nói “chúng ta chiến đấu hết mình” và “nếu như quý vị không chiến đấu hết mình, thì quý vị sẽ không còn đất nước nữa” là một lời kêu gọi bạo lực.
Trong nhiều dịp, cựu tổng thống đã phủ nhận việc kêu gọi các cuộc biểu tình bạo lực trong khi nhấn mạnh rằng ông có ý ẩn dụ những nhận xét của mình về việc chiến đấu hết mình.
Tuy nhiên, Thẩm phán Wallace lại nhận thấy khác.
“Tòa án nhận thấy rằng bài diễn văn ở Ellipse của ông Trump đã kích động cuộc bạo lực bất hợp pháp sắp diễn ra. Ông Trump đã làm như vậy một cách rõ ràng bằng cách liên tục bảo đám đông ‘chiến đấu’ và ‘chiến đấu hết mình,’ ‘đi đến Tòa nhà Capitol,’ và rằng họ cần phải ‘giành lại đất nước chúng ta’ thông qua ‘sức mạnh.’ Ông ấy hoàn toàn đã làm như vậy bằng cách khuyến khích đám đông rằng họ có thể xử xự theo ‘các quy tắc rất khác’ bởi cuộc bầu cử được cho là gian lận,” bà thẩm phán viết.
“Trong bối cảnh của toàn bộ bài diễn văn, cũng như bối cảnh rộng hơn về những nỗ lực của ông Trump nhằm kích động những người ủng hộ mình thông qua những lời nói dối trắng trợn về việc gian lận cử tri trong những tuần trước ngày 06/01/2021 và khuôn mẫu từ lâu của ông ấy về khuyến khích bạo lực chính trị giữa những người ủng hộ mình, Tòa án này nhận thấy rằng lời kêu gọi ‘chiến đấu’ và ‘chiến đấu hết mình’ có mục đích là, và được một bộ phận đám đông hiểu là một lời kêu gọi vũ trang,” bà nói thêm.
Các luật sư của cựu TT Trump cũng phản đối việc sử dụng cái nhãn “cuộc nổi dậy” để gán cho sự kiện ngày 06/01. Họ cũng lập luận rằng cần có nghĩa vụ chứng minh nhiều hơn chứ không chỉ “bằng chứng chiếm ưu thế” để đưa ra một phán quyết về việc đã “tham gia” một “cuộc nổi loạn” mà tòa án địa hạt áp dụng.
Bản tin có sự đóng góp của Catherine Yang
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times