DOJ tìm cách tịch thu các tài khoản ngân hàng Hoa Kỳ bất hợp pháp được cho là của công dân Trung Quốc
Hôm 16/02, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ đơn kiện lên một tòa án California thu giữ tiền của hàng trăm công dân Trung Quốc sở hữu tài khoản ngân hàng Hoa Kỳ bất hợp pháp thông qua một mạng lưới tội phạm.
Khi Bắc Kinh thắt chặt giới hạn tiền vốn rời khỏi đất nước, nhiều công dân Trung Quốc tìm kiếm các kênh khác để chuyển tiền ra ngoại quốc.
Trong ít nhất ba năm, một nhóm tội phạm đã nhắm vào công dân Trung Quốc bằng cách cung cấp các tài khoản ngân hàng gian lận tại Bank of America (BofA), theo hồ sơ tòa án (pdf). Những kẻ tội phạm này bao gồm một mạng lưới gồm các nhân viên và đại lý tham nhũng của BofA có trụ sở tại California. Những hành vi này đã cung cấp cho hàng trăm cá nhân hoặc tổ chức không xác định hoặc chưa được xác minh quyền truy cập hầu như không bị giới hạn vào hệ thống tài chính của Hoa Kỳ. Do đó, chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu thu giữ số tiền trong các tài khoản được mở gian lận này.
Các khoản tiền hiện đang được giữ bởi Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ trong khi chờ giải quyết vụ kiện.
Luật pháp ở Trung Quốc đặt ra những giới hạn nhất định về số lượng tiền tệ mà công dân hoặc doanh nghiệp của họ có thể chuyển ra ngoại quốc trong bất kỳ năm dương lịch nào. Bất chấp những biện pháp kiểm soát này, một số lượng lớn các công dân và công ty Trung Quốc thường xuyên tìm cách chuyển tiền, bao gồm cả sang Hoa Kỳ, vượt quá số tiền được phép cho cả mục đích hợp pháp và bất hợp pháp.
Ông Liu, chuyên gia đầu tư Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng từ lâu trong công dân Trung Quốc đã có nhu cầu mạnh mẽ về dịch vụ chuyển tiền ra ngoại quốc. Ban đầu, nhu cầu đó chủ yếu đến từ các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và, gần đây hơn, các chủ doanh nghiệp Trung Quốc do môi trường hiện tại của Trung Quốc cho phép chính phủ tịch thu tài sản tư nhân bất cứ lúc nào.
Ông Liu nói rằng năm 2019 khi bắt đầu đại dịch virus Trung Cộng, ĐCSTQ đã thắt chặt hơn nữa các kiểm soát đối với dòng vốn chảy ra. Cơ quan Quản lý Nhà nước về Ngoại hối của Trung Quốc (SAFE) thường cho phép chuyển khoản ra ngoại quốc lên đến 50,000 USD mỗi năm. Tuy nhiên, gần đây, nhiều vụ chuyển khoản đã bị từ chối vì nhà chức trách yêu cầu cung cấp thêm thông tin về lý do của các giao dịch này.
Theo hồ sơ tòa án, công dân Trung Quốc thường trao đổi và chuyển tiền theo hai cách để trốn tránh các giới hạn do chính phủ Trung Quốc đặt ra. Phương pháp đầu tiên liên quan đến việc chuyển tiền từ các sàn giao dịch tiền tệ ở Hồng Kông sang các tài khoản ngân hàng của Hoa Kỳ.
Phương pháp thứ hai liên quan đến việc chuyển tiền không được kiểm soát hoặc bất hợp pháp tránh các kênh ngân hàng chính thức hoặc thông thường, thường được gọi là các hệ thống chuyển giá trị không chính thức (IVTS) — một phương pháp tránh tạo hồ sơ chuyển tiền, thường được sử dụng trong rửa tiền.
Hồ sơ tòa án cho biết: “Trong một giao dịch chuyển khoản IVTS, không có tiền tệ hay tài sản nào thực sự được chuyển, mà thay vào đó, một khoản thanh toán cho một bên của một khách hàng tạo ra [một] khoản nợ phải trả cho khách hàng đó của một bên thứ ba riêng biệt, thường là ở một khu vực pháp lý khác [(một quốc gia ngoại quốc)].”
Theo ông Liu, sau các vụ tấn công khủng bố 11/09, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra Đạo luật Yêu nước Hoa Kỳ. Một trong những quyền hạn của đạo luật này là chặn và truy tố hành vi rửa tiền quốc tế hoặc bất kỳ khoản tiền nào có thể tài trợ cho các hoạt động khủng bố.
Điều khoản chống rửa tiền (AML) của Đạo luật này yêu cầu các tổ chức tài chính Hoa Kỳ thực hiện chương trình nhận dạng khách hàng (CIP). CIP quy định các tiêu chuẩn tối thiểu là yêu cầu các tổ chức tài chính xác minh danh tính của khách hàng khi họ mở tài khoản mới. Chương trình này đã giúp các ngân hàng có sự tin tưởng hợp lý vào danh tính thực sự của từng khách hàng.
Theo quy tắc AML-CIP, các ngân hàng Hoa Kỳ phải yêu cầu người nộp đơn là người ngoại quốc không là công dân (NRA) phải cung cấp tài liệu nhận dạng gốc và đã được chấp nhận (chẳng hạn như hộ chiếu hợp lệ, v.v.) và xác minh địa chỉ thực của họ tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, người nộp đơn phải trực tiếp nộp hồ sơ tại ngân hàng.
Ông Liu nói rằng điều kiện quan trọng nhất để mở một tài khoản ngân hàng ở Hoa Kỳ là trực tiếp đến ngân hàng và ký các tài liệu. Nếu người nộp đơn chưa từng đến Hoa Kỳ, thì việc mở một tài khoản ngân hàng tại Hoa Kỳ sẽ là bất hợp pháp. Có thể những người chủ tài khoản không biết những quy định này, nhưng nhân viên ngân hàng xử lý những hồ sơ này thì phải biết.
Đối với những công dân Trung Quốc mong muốn chuyển tiền sang Hoa Kỳ, một số người đã quay sang “những người môi giới tài khoản” để được giúp đỡ. Hồ sơ tòa án cho biết những người môi giới tài khoản tránh né các hệ thống nhận dạng khách hàng bằng cách thông đồng với những nhân viên ngân hàng tham nhũng.
Những người môi giới tài khoản này thường mời chào các nhân viên ngân hàng có thẩm quyền mở tài khoản ở khu vực Nam California, hứa với họ khoản đền bù bằng tiền mặt cho những lần mở tài khoản bất hợp pháp hoặc một dòng tiền mở tài khoản đủ để tăng tiền thưởng mở tài khoản của nhân viên đó theo hệ thống lương thưởng nội bộ của ngân hàng.
Để né quy trình AML-CIP, các nhà môi giới tài khoản này sẽ không sử dụng địa chỉ cư trú thực tế của người Trung Quốc nộp đơn. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng một địa chỉ do các nhà môi giới tài khoản này hoặc các đại lý của họ kiểm soát.
Một khi tài khoản được mở, thì ngân hàng sẽ gửi các thẻ ngân hàng của tài khoản mới qua đường bưu điện đến địa chỉ giả do những người môi giới này gửi, sau đó họ sẽ thu thập những thẻ này và chuyển cho những công dân Trung Quốc đang sống ở ngoại quốc, những người này sau đó có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng từ xa.
Trong hồ sơ tòa án, bản khai hữu thệ tiết lộ sự hợp tác giữa một nhóm tội phạm nhắm vào các nhân viên Trung Quốc và tham nhũng bên trong ngân hàng Bank of America có trụ sở tại California. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã bắt đầu các thủ tục tòa án để thu giữ tiền của các nạn nhân bị mạng lưới tội phạm này nhắm đến.
Ông Liu cho biết việc trao đổi và chuyển tiền ra ngoại quốc trong những năm gần đây trở nên khó khăn hơn cho các công dân Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Trung Quốc cho biết họ sẽ nới lỏng các hạn chế đối với việc mua hàng cá nhân ở ngoại quốc, nhưng vẫn chưa có bất kỳ biến chuyển nào.
Cô Anne Zhang là một cây bút của The Epoch Times chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2014.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: