Đội tuyển khúc côn cầu Trung Quốc thua đậm trước Hoa Kỳ trong trận đầu ra mắt tại Olympic
Trung Quốc đã đặt những kỳ vọng Olympic của mình đối với bộ môn khúc côn cầu vào một đội tuyển gồm hầu hết các cầu thủ sinh ra ở ngoại quốc. Nhưng thực tế đã phũ phàng với màn ra mắt của họ.
Tối hôm thứ Năm (10/02), trước 1,000 khán giả, đội tuyển khúc côn cầu Trung Quốc, gồm những tân binh sinh ra ở ngoại quốc đến từ Hoa Kỳ và Canada, đã bị đánh bại với tỷ số 8-0 trước một đội tuyển Hoa Kỳ mới toanh.
Đối với một số người, kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên. Khúc côn cầu không phải là một môn thể thao phổ biến ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã giành quyền đăng cai Thế vận hội 2022 cách đây bảy năm, khiến Trung Quốc tự động đủ điều kiện tham gia tranh tài trong bộ môn thể thao này. Quốc gia này chưa bao giờ thi đấu trong bộ môn khúc côn cầu dành cho nam tại một kỳ Olympic và là đội có số điểm thấp nhất từng đủ điều kiện để tham gia một sự kiện như vậy.
Giải pháp của Bắc Kinh là tìm kiếm nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Trong số 25 cầu thủ của đội khúc côn cầu nam, có 14 người sinh ra hoặc lớn lên ở Hoa Kỳ và Canada, và một người khác đến từ Nga. Đội nữ, cũng đối mặt với vấn đề tương tự, đã chiêu mộ 13 trong số 23 người đến từ ngoại quốc. Tất cả các cầu thủ ngoại quốc đều đã được đặt một tên Trung Quốc sau khi họ nhập tịch.
Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc tế cho phép các cầu thủ đại diện cho một quốc gia nếu họ đã sống và thi đấu tại một giải đấu ở đó trong hai năm. Vì vậy, một đội tuyển mới của Trung Quốc, đội Côn Luân Hồng Tinh (HC Kunlun Red Star), đã được thành lập vào năm 2016 để tham gia giải đấu chuyên nghiệp của Nga, giải Kontinental Hockey League, nhằm đưa các cầu thủ mới này vào đội tuyển nam của Trung Quốc. Trung Quốc không có giải đấu khúc côn cầu chuyên nghiệp nào của riêng mình.
Đội tuyển này đã có một màn trình diễn mờ nhạt trong vài mùa giải qua. Trên thực tế, năng lực của các cầu thủ đáng lo ngại đến mức Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc tế đã nghiêm túc xem xét việc loại đội tuyển quốc gia Trung Quốc khỏi Thế vận hội, mặc dù đó sẽ là một cú tát lớn vào mặt đối với Trung Quốc, nước chủ nhà.
Chủ tịch cơ quan điều hành môn thể thao này, ông Luc Tardif, nói với AFP vào tháng 09/2021, “Chứng kiến một đội bị đánh bại với tỷ số 15-0 là điều không dễ chịu đối với bất kỳ ai, không dễ chịu đối với Trung Quốc hay đối với môn khúc côn cầu.”
Quyết định bỏ qua Thế vận hội Bắc Kinh vào phút chót của Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc gia [một giải đấu ở Bắc Mỹ] vì tình hình đại dịch COVID-19 là một lợi thế cho Trung Quốc. Nhưng thất bại vào tối hôm thứ Năm (10/02) — trước một đội tuyển Hoa Kỳ gồm toàn những gương mặt trẻ tuổi nhất của làng khúc côn cầu Mỹ trong nhiều thập niên qua — cho thấy có lẽ sự vắng mặt của những đối thủ ưu tú nhất Bắc Mỹ không tạo ra bất cứ khác biệt nào.
Trái ngược với thái độ đối đãi dành cho cô Chu Dị (Zhu Yi), một vận động viên trượt băng nghệ thuật sinh ra tại Hoa Kỳ đại diện cho Trung Quốc, người đã có vài cú ngã trên sân trượt băng khiến cô trở thành mục tiêu cho một loạt những lời công kích trực tuyến trong nước, đội tuyển khúc côn cầu đã có một khoảng thời gian dễ dàng hơn trên Internet Trung Quốc.
“Bằng cách đứng trên sàn thi đấu của Thế vận hội và thể hiện sự hiện diện của mình, những vận động viên trẻ tuổi này đã làm nên lịch sử,” theo một bài báo do chi bộ Đảng Cộng sản ở Thượng Hải chỉ thị đăng. Họ nói rằng các cầu thủ này đã thể hiện “lòng dũng cảm, sự quyết tâm, và tinh thần chiến đấu” của họ trên đấu trường thế giới, nhưng “thật không may, khoảng cách sức mạnh giữa hai đội thực sự là quá lớn.”
Mặc dù Trung Quốc không cho phép mang hai quốc tịch, nhưng dường như lần này họ đã nới lỏng các quy định đó và không yêu cầu nghiêm ngặt các cầu thủ này phải từ bỏ hộ chiếu ngoại quốc để gia nhập đội tuyển Trung Quốc.
Thủ môn Jeremy Smith, sinh ra ở Michigan, cho biết anh chưa bao giờ được yêu cầu từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ của mình.
Tuy nhiên, đối với một số cầu thủ, được lên sàn thi đấu của Thế vận hội đã là quá đủ.
“Tất nhiên tôi đã đồng ý,” anh Smith nói với The Associated Press, khi nhớ lại việc được giới thiệu một hợp đồng kéo dài hai năm để chơi cho Trung Quốc. “Tôi nghĩ được thi đấu tại Thế vận hội đã là một vinh dự. Nhưng để mơ ước được chơi cho thành phố đăng cai Thế vận hội này, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có được một cơ hội như vậy trong đời.”
Anh Yip, đội trưởng người Canada, người đã chơi 174 trận trong giải Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc gia, cũng cùng chung cảm xúc.
“Tôi đã gần 37 tuổi, và sự nghiệp chuyên nghiệp của tôi sắp sửa kết thúc rồi,” anh Yip, thi đấu với cái tên Diệp Kính Quang (Ye Jinguang), viết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc hai ngày trước trận ra mắt.
“Bước lên sân trượt băng tại Thế vận hội này là mơ ước cả đời của chúng tôi,” anh tiếp tục nói và cho biết thêm rằng anh sẽ nỗ lực để khiến thế giới này nhớ rằng anh đã từng có mặt ở đó.
“Chúng tôi rất phấn khích, đã lâu lắm rồi,” anh Yip nói sau trận thất bại này. Anh cho hay họ “đã có một khởi đầu tuyệt vời” nhưng sau đó “đã mắc quá nhiều sai lầm trong việc phòng ngự.”
Những thách thức thậm chí còn khó khăn hơn đang ở phía trước. Đối thủ tiếp theo của họ vào cuối tuần này (12-13/02) sẽ là Đức và Canada. Hai đội này lần lượt xếp thứ năm và thứ nhất thế giới.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: