Đối diện với nỗi mất mát người thân
Một số người sẽ hiểu sâu sắc hơn những người khác.
Đó là một ngày thứ Tư, bạn về đến nhà thì thấy vợ nằm gục trên sàn phòng ngủ. Xe cấp cứu đưa cô ấy đến bệnh viện. Hiện cô ấy đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt khoa thần kinh với chứng phình động mạch não, đầu phải cạo trọc, sự sống được duy trì bằng ống thở và ống thông dạ dày, phải theo dõi nhịp tim và hoạt động não. Xung quanh cô ấy là những bệnh nhân khác, nhiều người trong số họ bất tỉnh vì máu đông trong não, bị đánh vào đầu, hoặc một số chấn thương khác.
Vào thứ Sáu, bác sĩ giải phẫu thần kinh nói với bạn rằng không có hy vọng. Tình trạng của cô ấy không thể phẫu thuật, cơ hội hồi phục bằng không. Một người bạn giúp bạn liên lạc với một giám mục Công giáo ở đầu kia đất nước, một ‘chuyên gia’ về cái chết và những trường hợp sắp ra đi. Bạn mô tả tình trạng của cô ấy. Vị giám mục nói với bạn rằng khi họ tháo máy thở, nếu cô ấy có thể tự thở được, thì Giáo hội yêu cầu cô ấy vẫn phải được truyền nước và dinh dưỡng. Sau đó, ông ấy nói thêm, “Theo những gì anh kể với tôi, vợ anh sẽ qua đời trong vòng một giờ nếu không có máy thở.”
Sự cảm thông và nỗi buồn ẩn chứa trong giọng nói của ông.
Vào thứ Hai, bạn làm theo lời khuyên của đội ngũ y bác sĩ và giám mục.
Bạn cho phép tháo máy thở. Bạn cùng các con – đứa nhỏ nhất 8 tuổi – thì thầm những lời cầu nguyện và nói lời tạm biệt.
Trong vòng một giờ hoặc ngắn hơn, cô ấy đã ra đi.
Giám mục đã dự liệu chính xác về thời gian.
Và bạn đã làm đúng. Mọi người đều nói vậy.
Điều chưa ai nói với bạn là trong suốt những ngày còn lại trên Trái đất, bạn sẽ bị sự đau buồn và tội lỗi viếng thăm. Bạn đã cho phép họ dừng máy thở đó. Bạn đã quyết định cái chết cho người thân yêu. Bạn sẽ luôn nhớ đến hơi thở nghẹn ngào đầu tiên của cô ấy khi họ lấy đi ống thở, cơ thể cô ấy quằn quại vì thiếu oxy. Sau đó, bạn nghĩ về tất cả những điều bạn muốn nói: lời xin lỗi vì những lần đã làm tổn thương cô ấy, cô ấy đặc biệt như thế nào, cách cô ấy ủng hộ ước mơ của bạn, tiếng cười và những cuộc phiêu lưu mà hai người đã chia sẻ, những đứa con ngoan mà hai người đã nuôi dưỡng. Trước khi cô ấy ra đi, bạn đã nói với cô ấy rằng bạn yêu cô ấy, nhưng bạn sẽ luôn tự hỏi liệu cô ấy có nghe thấy không.
Chào mừng đến với vùng đất khổ đau.
Hạnh phúc của con người là có điều kiện; đau khổ đã được định trước. Dù chúng ta giàu có đến đâu, dù thông minh đến đâu, dù tốt bụng đến đâu, đến một lúc nào đó, cuộc sống sẽ kiểm soát, rung lắc và hạ gục chúng ta.
Biết được điều này, chúng ta thường cố tránh đau khổ bất cứ khi nào có thể. Chúng ta bao quanh mình với những tiện nghi vật chất. Chúng ta có máy sưởi vào mùa đông và điều hòa nhiệt độ vào mùa hè, thức ăn không chỉ giúp duy trì sức khỏe mà còn mang lại cho chúng ta niềm vui, và dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất trên thế giới. Khi chiến đấu với chứng trầm cảm hoặc một số căn bệnh của tâm trí, chúng ta tìm đến các chuyên gia tư vấn và trị liệu. Chúng ta dùng thuốc theo đơn để giảm đau về cả thể chất và tinh thần, đồng thời nâng cao tinh thần. Chúng ta trốn chạy khỏi sự đau khổ trong giải trí điện tử.
Sao lại không nhỉ? Chẳng thanh cao gì trong việc nhẫn chịu đau khổ.
Cách chúng ta đối diện đau khổ hoàn toàn là một vấn đề khác. Cô bé 10 tuổi mắc bệnh ung thư máu luôn nở nụ cười trên môi và nói lời lễ phép với các y tá; người phụ nữ mất chồng con trong một vụ tai nạn ô tô nhưng vẫn tình nguyện nấu đồ ăn cho người vô gia cư; người lính bị thương đã nhường vị trí trên trực thăng cho một đồng đội bị thương nặng hơn; cô trợ lý trẻ luôn nhẫn nhịn và giữ bình tĩnh khi sếp mắng chửi cô vì sai lầm mà anh ta đã gây ra; cặp vợ chồng chứng kiến đứa con sinh non của họ đang vật lộn để giành lấy hơi thở và sự sống: Đó là những người, khi gặp khó khăn, đã rộng mở tâm hồn của họ.
Đây là thời điểm mà sự cao quý xuất hiện trong khổ đau.
Đây là lớp học mà chúng ta hiểu nhất về bản thân mình.
Vì nỗi đau là một người thầy tốt hơn niềm vui. Niềm vui có thể khiến chúng ta xúc động mạnh mẽ – như lần đầu tiên ta ôm em bé mới sinh của mình, cảnh hoàng hôn rực rỡ trên đại dương, những lời khen ngợi từ người thân hoặc bè bạn, những lời an ủi đầy cảm thông của một người lạ – nhưng nỗi đau còn mang lại nhiều bài học sâu sắc hơn, một ‘bà giáo’ khắc nghiệt, đúng vậy, nhưng có khả năng làm cho chúng ta trở nên hoàn thiện hơn. Những gì chúng ta học được từ nỗi đau, của chính mình hay của người khác, có khả năng ban tặng những món quà như lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu, lòng dũng cảm, hy vọng và tình yêu.
Tất nhiên, chúng ta phải sẵn sàng ngồi trong lớp, nghe giảng và tiếp thu bài học. Friedrich Nietzsche đã viết, “Những gì không giết được ta, sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn.” Kelly Clarkson cũng hát điều tương tự. Cả triết gia và ca sĩ đều sai, ở một khía cạnh nào đó. Tất cả chúng ta đều biết những người đã trải qua một số tổn thương khủng khiếp, trở nên yếu đuối thay vì mạnh mẽ hơn. Họ trở thành phiên bản thu nhỏ của chính mình, cay đắng về cuộc đời và những bất hạnh của mình.
“Điều gì không giết chết được bạn có thể khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn” cũng gần đúng.
C.S. Lewis nổi tiếng đã viết rằng “[nỗi đau] khẳng định luôn có mặt. Đức Chúa Trời thì thầm với chúng ta những niềm vui, nói với lương tâm của chúng ta, nhưng hét lên trong nỗi đau của chúng ta. Nó là cái loa phóng đại của ngài để đánh thức một thế giới đang mê mờ.”
Dù chúng ta có niềm tin tôn giáo nào đi chăng nữa, thì khi chúng ta nghe thấy chiếc loa đó, như tất cả chúng ta đều sẵn sàng, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh để chú ý đến thông điệp bên trong, tìm thấy sự thông thái để dừng lại và tiếp thu những bài học đằng sau, và khám phá ra – ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc đời – niềm hy vọng và sự nuôi dưỡng đều cần thiết cho cuộc hành trình về phía trước của chúng ta.
Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt đang phát triển. Trong 20 năm, ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh cho các cuộc hội thảo của học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, Bắc Carolina. Hiện nay ông sống và viết ở Front Royal, Virginia. Xem JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
DoJeff Minick thực hiện
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: