Đối diện với nỗi đau khi biết người thân chúng ta sắp qua đời
Gần đây, một người bạn thân của tôi có chồng vừa mới qua đời vài tháng trước đã chia sẻ rằng chị gặp khó khăn khi đi nhà thờ vì đôi lúc trong buổi lễ, hai hàng nước mắt chị sẽ tuôn rơi. Chị và chồng mình đã luôn cùng nhau đi nhà thờ, và giờ đây chị ngồi một mình, nỗi buồn tràn ngập xâm chiếm con người chị. Điều này cũng dễ hiểu vì chồng chị đã ra đi mãi mãi.
Có một nỗi đau buồn khác ít được nhận biết trong nền văn hóa của chúng ta, đó là khi một người biết sức lực mình đang suy kiệt, nhưng lại không thể biết mình còn sống được bao lâu. Trạng thái cảm xúc này có thể được gọi tên là “nỗi đau trước kỳ hạn.” Trong một tài liệu nghiên cứu của cô Barbara Rubel có nhan đề, “Loss, Grief, and Bereavement,” (tạm dịch: Mất mát, đau buồn và người thân qua đời), cô định nghĩa tình trạng biết mình sắp mất “liên quan đến mất mát đang lơ lửng trên đầu; gồm có tang lễ, đối diện, ứng phó, lập kế hoạch, và chuẩn bị tâm lý trước khi qua đời.”
Vào một ngày chủ nhật gần đây, tôi đã có một trải nghiệm tương tự như bạn tôi. Sau buổi nhóm đạo, nước mắt tôi lăn dài, nhưng lý do khác với chị bạn. Chồng tôi vẫn còn sống, vậy tại sao tôi lại khóc? Anh ấy bị bệnh viêm phổi mãn tính (vô phương cứu chữa) và thời gian sống đã vượt quá số năm dự kiến theo chẩn đoán cho tình trạng bệnh của anh. Hiện anh phải thở oxy suốt 24 giờ của cả ngày lẫn đêm suốt 7 ngày trong tuần, anh hạn chế đi lại, chỉ tới cửa hàng hoặc nơi nào đó rất gần nhà. Có đôi lúc, những ngày trôi qua như trở lại “những ngày xưa thân ái,” nhưng đôi khi tôi và chồng có cảm giác như vị thần chết đang gần kề. Bởi vì anh thấy những mặt hạn chế mới về sinh hoạt cơ bản hàng ngày, cơ hội đối diện với những gì trước mặt thấm thía hơn tôi nhiều.
Nỗi đau buồn đã được chuẩn bị tâm lý trước không chỉ xảy ra khi ai đó sắp mất trong vài ngày tới, mà còn dành cho một người khi nhận được một chẩn đoán bệnh ở giai đoạn cuối mà hầu như không có cách điều trị, hoặc thậm chí là một căn bệnh mãn tính được xem là căn bệnh lạ. Chúng ta hãy nhớ rằng định nghĩa của cô Rubel không chỉ gồm có tang lễ và ứng phó, mà còn có đối diện và lập kế hoạch.
Đối diện với nỗi buồn đau
Vậy làm sao chúng ta có thể đối diện với thông tin biết một ai đó sắp qua đời? Có một cách thực tế như sau. Với một số người, có lẽ họ muốn tham gia vào nhóm hỗ trợ, trò chuyện với mục sư của họ, hoặc tâm sự với những thành viên khác trong gia đình và bạn bè. Ví dụ như chồng tôi đặt mục tiêu mỗi ngày ra ngoài một lần, cho dù đó chỉ là chúng tôi cùng mua sắm ở cửa hàng và anh ấy ngồi trong xe. Cách đây một vài tuần, chúng tôi đã phát hiện một vài địa điểm địa phương và thậm chí còn dạo chơi trên tàu một đường ray của thành phố Jacksonville, nhưng có một số ngày mà chúng tôi cảm thấy quá khó khăn. Nếu ai đó có thể ra khỏi nhà, dù chỉ là ngồi trong phương tiện trên đường lái xe riêng ngắm những bạn hàng xóm, những chú cún, và trẻ con hoặc nghỉ ngơi ở cổng sau thì đây cũng chính là một liệu pháp.
Còn về kế hoạch, điều này giúp người chăm sóc và người bệnh kiểm soát được tình huống. Một số người thích nghĩ xa hơn và chuẩn bị một tang lễ, một số thì sắp xếp phân chia tài sản đồng đều tránh làm mình lo lắng. Ví như trường hợp nhà tôi, vì tôi sinh ra từ một gia đình đông anh em, nên mẹ tôi đã gửi một danh sách đồ trang sức cho sáu người con trưởng thành và cho họ ba lựa chọn về món mình thích. “Những tài sản thừa kế này” gồm có đồ trang sức, đồ nội thất, đồ sành sứ, và những bức tranh. Mẹ đã soạn ra danh sách và thậm chí còn viết tên từng người vào mặt sau của những vật dụng ấy. Rồi bà gửi hết cho chúng tôi. Mục đích của bà là không ai sẽ tranh giành gia sản sau khi bà mất. Thật sự là không có ai đã tranh giành cả.
Dành thời gian bên cạnh nhau
Hơn hết, dành thời gian bên cạnh nhau là cách tốt nhất để chúng ta ứng phó với nỗi buồn ly biệt. Một buổi họp mặt gia đình hay bữa tiệc sinh nhật (gặp mặt trực tiếp hay gọi qua video), ý thức trong tâm rằng chúng ta đang có mặt cùng nhau giây phút này có thể tạo ra một cảm giác thật bình yên.
Tôi và chồng đã tâm sự rất nhiều về việc qua đời. Có lẽ đó là điều khó khăn khi anh đã kết hôn với một y tá chăm sóc người bệnh đã nghỉ hưu. Chúng tôi đã khóc cùng nhau, nhưng chúng tôi cười với nhau nhiều hơn. Hầu hết các ngày, chúng tôi đã không đề cập đến sự ra đi chút nào cả – đặc biệt trong thời gian COVID, vì như anh đã nói và tôi cũng nói, “Chúng tôi muốn sống.”
Sẽ có nhiều thay đổi
Phần cuối cùng trong định nghĩa của cô Rubel, là có sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý, có lẽ liên quan đến rất nhiều thay đổi trong sự sắp đặt của một cá nhân hay của gia đình. Ví như người phối ngẫu đã luôn là người ra ngoài đổ rác hoặc thay pin trong máy dò khói nay không còn làm được nữa. Hay như người bà đã từng đi mua sắm quà sinh nhật cho hết thảy các cháu và cho dịp lễ mà nay đã không còn thực hiện được. Những thay đổi này đòi hỏi một sự đổi thay trong tư duy. Có lẽ chúng ta có thể giúp bà chọn mua quà qua mạng trực tuyến hoặc tìm cách làm món quà cho cả gia đình thay vì cho từng người, điều này sẽ giúp xoa dịu tâm lý do sự thay đổi.
Cách đây đã lâu, khoảnh khắc ấy đến khi tôi nhận ra cha mình đã không thể cứu thoát tôi nếu tôi bị chìm dưới biển cả. Suốt cả đời tôi, cha đã là một người mạnh mẽ và tôi cảm thấy an toàn khi được cha bảo vệ. Rồi cũng đến lúc tôi biết rằng nếu chúng tôi đang ở trên đại dương, tôi sẽ phải là người cứu lấy ông. Chứng kiến cảnh người thân của mình khác hơn so với quá khứ mang đến một nỗi buồn, nhưng nhận thức được vòng quay của cuộc đời giúp chúng ta chấp nhận hiện thực. Từ đó chúng ta trở nên bao dung hơn và có thêm lòng trắc ẩn thay vì sốt ruột và cáu gắt.
Những thay đổi khác có thể xảy đến, chẳng hạn như tình hình tài chính của ai đó suy giảm sau sự qua đời của người thân yêu, hoặc một số hoàn cảnh xã hội sẽ bị đổi khác, như là những sự kiện nghỉ lễ sẽ không còn diễn ra ở nhà hoặc trong cùng một thành phố. Những suy nghĩ này cũng tạo ra nhiều nỗi lo âu hơn về những gì sắp xảy ra, để mà từ đó khiến chúng ta chú tâm vào từng ngày một, sống trong hiện tại.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times