[Độc quyền] Vở kịch “Xóa đói giảm nghèo” của Tập Cận Bình đã được diễn như thế nào
Tập Cận Bình gần đây đã cao giọng tuyên bố rằng gần 100 triệu người dân Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, các văn kiện nội bộ mà Epoch Times có được lại cho thấy rằng xóa đói giảm nghèo chỉ là một “vở kịch chính trị” do Trung Cộng tự biên tự diễn. Căn nguyên sâu xa của vấn đề nghèo đói ở Trung Quốc thực chất là do chính Trung Cộng tạo ra.
Vào cuối tháng 2, Tập Cận Bình tại Hội nghị Tuyên dương Xóa đói giảm nghèo đã tuyên bố rằng Trung Quốc đã bước vào một xã hội tương đối khá giả, 98,99 triệu người nghèo ở nông thôn đã thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông nước ngoài như Âu châu và Hoa Kỳ v.v… đều đặt câu hỏi nghi vấn về điều này.
Ngày 25/2, Đài tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc nói rằng “nền tảng không ổn định thì công cuộc xóa đói giảm nghèo khó bền vững.” Học giả tài chính Trung Quốc tên là Tư Lệnh nói rằng, hội nghị tuyên dương xóa đói giảm nghèo là vì để tạo thế cho ông Tập nắm quyền lãnh đạo dài hạn.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin rằng dịch bệnh đã khiến chính quyền Trung Cộng “bị rơi vào thế cô lập” trong cộng đồng quốc tế, và triển vọng cho “Sáng kiến một vành đai, một con đường” (Nhất đới nhất lộ) cũng không được sáng sủa, do đó xóa đói giảm nghèo đã trở thành “điểm sáng” duy nhất của chính quyền ông Tập trong chín năm qua.
Tài liệu nội bộ rò rỉ phương pháp “xóa đói giảm nghèo” của Trung Cộng
Epoch Times đã có được các văn kiện nội bộ về xóa đói giảm nghèo từ nhiều nơi của Trung Cộng, văn kiện yêu cầu chính quyền các địa phương và xí nghiệp quốc doanh phải mua các loại sản phẩm của các huyện nghèo, tiến hành tiêu thụ giúp xóa nghèo.
Vào tháng 4 năm ngoái, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã ban hành “Thông báo về việc triển khai tập trung thực hiện công tác thu mua nông phẩm giúp các huyện nghèo theo quy định”, nêu rõ là theo “Thông tri về việc làm tốt công tác tập trung giúp xí nghiệp trung ương thu mua các sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ chậm của các huyện nghèo theo địa điểm chỉ định” của Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản thuộc Sở hữu Nhà nước. Yêu cầu tất cả các đơn vị của công ty làm tốt công tác thu mua nông sản giúp các huyện nghèo được chỉ định và thời gian làm việc từ tháng 4 đến hết tháng 9/2020.
Phương thức làm việc là: 8 khu vực do đảng hợp tác xây dựng của công ty/tập đoàn chịu trách nhiệm phân chia “nhiệm vụ chỉ tiêu tiêu thụ giúp giảm nghèo”, và tất cả các đơn vị hữu quan triển khai công việc thu mua theo sự sắp xếp này.
Theo văn bản, cuộc chiến chống đói nghèo là “Nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quốc trong năm nay”, “Các đơn vị của các công ty/tập đoàn cần hết sức coi trọng”, thực hiện nhiều phương thức như chủ động thu mua qua nhà ăn, nhân viên hảo tâm mua sắm, khuyến khích người người làm kinh doanh đến đơn vị tập trung mua, để giúp địa điểm đã được ấn định trước rằng cần giảm nghèo.
Tài liệu liệt kê danh sách sản phẩm mà Tập đoàn Công nghiệp Hàng không cần đặt mua để xóa đói giảm nghèo, bao gồm các đặc sản như trà, mật ong và thịt khô, cũng như các sản phẩm tiêu dùng công nghiệp nhẹ như nước rửa tay, dầu dưỡng tóc và thuốc làm mát không khí.v.v…Thậm chí được dán nhãn trực tiếp “Xoá đói giảm nghèo”, “Gói tiêu thụ giảm nghèo”, “Gói đặc sản xóa đói giảm nghèo”. v.v…
Tài liệu “Bảng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm giúp xóa đói giảm nghèo của người tiêu dùng trong Khu hợp tác xây dựng Đảng năm 2020” của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không cho thấy doanh nghiệp nhà nước phụ trách khu vực nào và số lượng thu mua cụ thể để giúp giảm nghèo .v.v… đều là những nhiệm vụ được lên kế hoạch từ trước.
Trong công hàm “Thông báo danh mục các sản phẩm xóa đói giảm nghèo ở 2 thành phố Yên Đài và Đức Châu tỉnh Sơn Đông” do Ban xóa đói giảm nghèo thành phố Yên Đài của Trung Cộng đưa ra vào 23/6/2020 đã chỉ rõ, giống như Tổng công ty công nghiệp Hàng không và các doanh nghiệp nhà nước khác, chính quyền các nơi của Trung Cộng cũng đều bố trí kế hoạch tiêu thụ sản phẩm giúp người nghèo.
Chương trình tiêu thụ giúp xóa đói giảm nghèo của Trung Cộng có thực sự giúp người nghèo thoát nghèo không? Chính các phương tiện truyền thông của Trung Cộng đã tự đưa ra câu hỏi và tự bộc lộ mặt trái của nó, nói rằng “Tiêu thụ giúp nghèo thì chứng bệnh ỷ lại có thể chữa khỏi chứ!”
Hôm 13/8/2020, một bài báo trên tờ “Bán nguyệt đàm”, phương tiện truyền thông của Trung Cộng nói rằng các sản phẩm nông nghiệp xóa đói giảm nghèo bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn của việc “Bao tiêu”, và các sản phẩm nông nghiệp xóa đói giảm nghèo có giá cao chất lượng thấp và thậm chí có thể là “Sản phẩm 3 không”.
Các phương tiện truyền thông của đảng đổ lỗi các vấn đề bộc lộ trong tiêu thụ giúp xóa đói giảm nghèo cho các nhân tố như thương gia vô đạo đức, các kênh trung gian.v.v….
Tuy nhiên, nhà bình luận về các vấn đề thời sự Lý Lâm Nhất nhận định “tiêu thụ giúp giảm nghèo” của Trung Cộng chỉ là một biện pháp tình thế, tạm thời không đề cập đến việc liệu số liệu xóa đói giảm nghèo của Trung Cộng có bị làm giả hay không, loại tiêu thụ giúp giảm nghèo này giống như lục bình không rễ, một khi chính phủ và doanh nghiệp nhà nước thay đổi chính sách, sản phẩm xóa đói giảm nghèo sẽ không ai mua, các vùng “thoát nghèo” sẽ sớm trở lại nghèo đói.
Văn kiện tiết lộ nội bộ Trung Cộng thừa nhận có rất nhiều vấn đề trong việc “xóa đói giảm nghèo”
Các tài liệu nội bộ mà Epoch Times có được cho thấy nội bộ Trung Cộng nhận thức rõ rằng có rất nhiều vấn đề trong cuộc chiến chống đói nghèo, chỉ có thể kiểm tra, đôn đốc và chỉnh đốn chứ không thể giải quyết được căn bản.
Ngay từ ngày 24/10/2019, Ban Xóa đói giảm nghèo của Thành phố Ông Ngưu Đặc Kỳ, Khu tự trị Nội Mông trong “Báo cáo tình hình chấn chỉnh các vấn đề phản hồi sau khi kiểm tra ngầm, kiểm tra thí điểm của Ban xóa đói giảm nghèo Khu tự trị” đã cho thấy Ban xóa đói giảm nghèo Khu tự trị đã thực hiện việc kiểm tra ngầm và phát hiện ra một số vấn đề. Thí dụ, tổ công tác giảm nghèo và cán bộ phụ trách “chưa sâu sát”, “chưa giúp tháo gỡ khó khăn thực tế”, “các sản phẩm nông nghiệp giảm nghèo chưa đạt chuẩn”, “sản phẩm nông nghiệp giao đến từng hộ thiếu tính liên tục”, “chính sách” tài chính giảm nghèo “chưa được thi hành đến nơi đến chốn”, “Hộ thoát nghèo tồn tại nguy cơ tái nghèo” v.v…
Tài liệu này còn tiết lộ rằng, đánh giá của Trung Cộng về cuộc chiến chống đói nghèo của Nội Mông vào năm 2018 cũng chỉ ra 48 mục cụ thể trong 24 loại, 8 phương diện. Mặc dù tài liệu tuyên bố rằng khu vực Ông Kỳ “đã hoàn thành tất việc khắc phục” các vấn đề giảm nghèo phát hiện trong năm 2018, nhưng điều này vẫn không thay đổi việc lại xuất hiện các vấn và lại phải tiếp tục sửa chữa trong năm sau đó.
Dưới sự cầm quyền của Trung Cộng, vấn đề xóa đói giảm nghèo của chính quyền thành phố Ông Kỳ không phải là một trường hợp cá biệt. Ví dụ, chính quyền thành phố Xích Phong của Nội Mông cũng đã tiết lộ tài liệu “Việc giám sát cuộc chiến thoát nghèo của Văn phòng chính phủ về xóa đói giảm nghèo năm 2020” cũng tiết lộ “thành quả của cuộc chiến thoát nghèo” của Trung Cộng, “tính ỷ lại tương đối mạnh vào quỹ và chính sách tài chính thoát nghèo.”
Ngoài ra, tài liệu “Xóa đói giảm nghèo bằng quang điện” do chính quyền Mạc Kỳ, Nội Mông Cổ ban hành vào ngày 22/5/2020 cho thấy Trung Cộng đã sử dụng các chỉ thị hành chính để sắp xếp dự án “Xoá đói giảm nghèo bằng quang điện”. Cái gọi là “xóa đói giảm nghèo bằng quang điện” là đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà và nhà kính nông nghiệp để nông dân có thể tự sử dụng điện và bán lượng điện dư thừa cho lưới điện quốc gia. “Xoá đói giảm nghèo bằng quang điện” là một trong “Mười dự án xoá đói giảm nghèo có mục tiêu” do Văn phòng xóa đói giảm nghèo của Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc xác nhận và thực hiện vào năm 2015.
Nhưng trên thực tế, hiệu quả của dự án xóa đói giảm nghèo này như thế nào? Tờ Tân Hoa Xã của Trung Cộng đã đưa ra một bài báo vào ngày 20/10/2020. Lấy dự án xóa đói giảm nghèo bằng quang điện ở làng Tây Hồ, huyện Hu Di, tỉnh Giang Tô làm ví dụ, bài báo đã tiết lộ nếu không có các dự án quang điện, làng Tây Hồ đã sớm thoát nghèo, đến nay điện mặt trời không những không làm giảm nghèo mà còn khiến làng Tây Hồ mắc nợ.
Cấp cơ sở của Trung Cộng bất bình về “xóa đói giảm nghèo”
Các tài liệu xóa đói giảm nghèo của Trung Cộng và các bài báo trên phương tiện truyền thông của đảng đều phơi bày rằng dự án xóa đói giảm nghèo chỉ hào nhoáng bên ngoài và thậm chí còn làm tăng gánh nặng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Các bài phát biểu nội bộ của chính quyền địa phương tiết lộ rằng cơ sở của Trung Cộng rất bất bình và oán khí đầy người” đối với cái gọi là “Cuộc chiến xóa đói giảm nghèo”.
Vào năm 2017, Lý Đức Tài, Phó Bí thư Thành ủy Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam Trung Cộng đã tổ chức một “cuộc họp động viên ra trận” trước cuộc kiểm tra đột xuất về công tác xóa đói giảm nghèo của chính quyền cấp trên.
Lý Đức Tài nói tại cuộc họp rằng thành phố Chu Khẩu đang trải qua “một tình huống nghiêm trọng chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu cuộc chiến chống đói nghèo”, bởi vì tỉnh phải đến kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu, và sau đó chính quyền trung ương sẽ nghiệm thu tiếp. Lý Đức Tài nói rằng đảng ủy và chính quyền đã ra “một tuyên bố trách nhiệm giống như một quân lệnh, và hình thức rất nghiêm khắc.”
Lý Đức Tài cũng tiết lộ rằng “cuộc giám định của bên thứ ba đột nhiên được đưa vào lúc 7:30 sáng nay”. Do đó, “các huyện rất lo lắng và thấp thỏm không yên.” Trong quá trình kiểm tra, một số người có thể bùng ra “sự bất bình”, vì vậy “phải dùng buổi chiều hôm nay để giải quyết các vấn đề cho tốt, để ngày mai điều động, chỉ huy thì phản ứng của cơ sở sẽ phù hợp hơn” (tránh mất mặt với bên thứ 3).
Lý Đức Tài cuối cùng đã tóm tắt những nguyên nhân bất lợi của công cuộc xóa đói giảm nghèo, bao gồm “Tâm lý chán ghét chiến tranh”, “Tâm lý buông lơi” và “Tâm lý chống đối”, đồng thời tiết lộ rằng chính quyền cấp cơ sở có “Tâm lý oán hận”.
Xóa đói giảm nghèo cũng cần xuất khẩu “mô hình Trung Cộng”
Vào năm 2019, “Thư hỗ trợ” do Văn phòng Ngoại giao tỉnh Cát Lâm gửi cho Văn phòng Xóa đói giảm nghèo tỉnh đã tiết lộ rằng Trung Cộng muốn xuất khẩu sức ảnh hưởng của mình. Điều này không chỉ thể hiện trong việc thúc đẩy “Một vành đai, Một con đường”, mà còn cả về vấn đề giảm nghèo. Trung Cộng cũng nắm chắc cơ hội quảng bá hình mẫu “Xóa đói giảm nghèo chuẩn” của mình v.v….
“Thư hỗ trợ” của Văn phòng Ngoại giao cho biết phái đoàn khảo sát của Botswana là một quốc gia ở Phi châu sẽ đến thăm tỉnh Cát Lâm từ ngày 23 đến ngày 27/6/2019. Mục đích chính là học hỏi kinh nghiệm xây dựng tổ chức đảng và thúc đẩy mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Bức thư tiết lộ rằng việc “học tập” xóa đói giảm nghèo của Botswana thực ra là do Trung Cộng sắp đặt, và đó là để Botswana đáp lại chuyến thăm của Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm (người dân tộc Mông Cổ) Ba Âm Triêu Lỗ. Vào tháng 4/2019, Ba Âm Triêu Lỗ đã đến thăm Botswana để thúc đẩy “Một vành đai, Một con đường”, và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai đảng và hai quốc gia, đồng thời thúc đẩy việc tiếp xúc chặt chẽ với địa phương và hợp tác thực tế.
“Thư hỗ trợ” của Văn phòng Ngoại vụ tỉnh Cát Lâm yêu cầu Văn phòng Xóa đói giảm nghèo tỉnh phải “Hết sức coi trọng và hỗ trợ hiệp lực trong tiếp đãi.”
Người Trung Quốc có thực sự thoát nghèo không?
Trung Quốc có thực sự thoát nghèo không? “Kỳ tích nhân gian” của Tập Cận Bình khi luận bàn về thoát nghèo, gần đây đã bị BBC và các phương tiện truyền thông nước ngoài khác đánh thẳng mặt.
Hãng thông tấn quốc gia Anh quốc (BBC) hôm 27/2 đưa tin rằng ông Tập Cận Bình đã tuyên bố vào một ngày trước Tết Nguyên tiêu rằng “cuộc chiến chống đói nghèo đã hoàn toàn thắng lợi”, đã tạo nên một “kỳ tích nhân gian.” BBC đã dựa trên các phương diện như cách tính con số người nghèo của Trung Cộng cũng như các tiêu chuẩn nghèo của Anh, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế v.v…để phân tích cái Tập Cận Bình gọi là “kỳ tích nhân gian.”
Đầu tiên, BBC chỉ ra rằng số liệu thống kê về 98.99 triệu người nghèo được chính quyền Trung Cộng chính thức công bố là “thoát nghèo” có lẽ nên được bắt nguồn từ một câu được đưa ra năm 2016 bởi Trần Tích Văn, khi đó là Phó trưởng nhóm Công tác Nông thôn Trung ương của Trung Cộng: “Đất nước chúng tôi dựa vào tiêu chuẩn riêng của mình (mức cố định là 2,300 NDT/người/năm vào năm 2010) thì tính ra năm 2012 số nhân khẩu nghèo ở nông thôn là 98,99 triệu.”
Không đề cập đến tính kịp thời và xác thực của con số nghèo khổ đã quá cũ này, BBC trích dẫn dữ liệu từ trang web chính thức của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc vào tháng 9/2020, cho biết hiện nay “khoảng 373 triệu người Trung Quốc vẫn sống ở dưới mức nghèo 5.5 USD mỗi ngày”.
Năm 2019, Lưu Vĩnh Phú, Giám đốc Văn phòng xóa đói giảm nghèo của Quốc vụ viện Trung Cộng nói rằng tiêu chuẩn thoát nghèo vào năm 2020 sẽ vào khoảng 4,000NDT/người/năm; mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Cộng công bố rằng thu nhập trung bình của người dân nông thôn vào năm 2020 là 15,204 NDT, thu nhập bình quân đầu người ở thành phố, thị trấn là 40,378 NDT. BBC chỉ ra rằng bằng cách tính toán này, chuẩn nghèo do Trung Cộng thiết lập đã giảm xuống chỉ còn gần 1/4 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn và chưa đến 1/10 thu nhập trung bình của cư dân thành thị.
Trong cộng đồng quốc tế, ví dụ như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất sử dụng tỷ lệ thu nhập để xác định tiêu chuẩn nghèo quốc tế và nếu thu nhập bằng một nửa giá trị trung vị thì được coi là ranh giới nghèo. Ngân hàng Thế giới xác định tỷ lệ thu nhập dưới 1/3 thu nhập trung bình thì được coi là nghèo khổ.
BBC chỉ ra rằng theo tiêu chuẩn của OECD và dữ liệu chính thức của Trung Cộng, thì những người có thu nhập hàng năm dưới 13,770 NDT vào năm 2020 được coi là nghèo. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tiết lộ trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng 5/2020 rằng 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 1,000 NDT, con số này về cơ bản phù hợp với ước tính của Ngân hàng Thế giới về tổng dân số nghèo ở Trung Quốc dựa trên tiêu chuẩn 5.5 USD mỗi người mỗi ngày.
Vương quốc Anh phân loại những người có thu nhập dưới 60% mức trung bình là tương đối nghèo. Hoa Kỳ có tiêu chuẩn phân loại nghèo tương tự như của Vương quốc Anh, cao hơn tiêu chuẩn của tổ chức OECD và cao hơn nhiều so với chuẩn nghèo của Trung Cộng.
Nguyên nhân thực sự của nghèo đói ở Trung Quốc
Vậy, trong xã hội hiện đại, đâu là nguyên nhân sâu xa của tình trạng nghèo đói lớn ở Trung Quốc?
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Lâm Nhất nhận định rằng, cho dù đó là mô hình “Xóa đói giảm nghèo chuẩn” và dự án “Tiêu thụ giúp giảm nghèo” do Trung Cộng tuyên truyền, hay là các vấn đề giảm nghèo khác nhau được các phương tiện truyền thông và tài liệu nội bộ của Trung Cộng tiết lộ, thì đều tránh né gốc bệnh vấn đề nghèo đói của Trung Quốc.
Lý Lâm Nhất nói rằng mặc dù các yếu tố dẫn đến nghèo đói rất phức tạp, ở Trung Quốc đại lục, nguyên nhân chủ yếu là do Trung Cộng độc quyền các nguồn lực kinh tế và sự vơ vét của cải của các nhóm quyền lực; và nền kinh tế kế hoạch theo kiểu “Tiêu dùng giúp giảm nghèo” của Trung Cộng không thực sự giúp người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo, bởi vì người xưa có câu rằng “cho người con cá, không bằng dạy người câu cá”.
Lý Lâm Nhất nói rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề nghèo đói quy mô lớn của Trung Quốc là chỉ có cải cách triệt để hệ thống kinh tế và chính trị của Trung Cộng, mở cửa thị trường và tài chính, đồng thời tạo ra một thị trường công bằng và trong sạch cho các khu vực nghèo. Nhưng đối với Trung Cộng mà nói, điều này không khác gì với “Tự tuyệt với nhân dân.” Vì vậy, nguyên nhân sâu xa của vấn đề nghèo đói của Trung Quốc chính là bản thân Trung Cộng.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ phân tích vào ngày 15/2/2018 rằng cuộc chiến xóa đói giảm nghèo của Tập Cận Bình có thể biến thành cuộc chiến chống lại người nghèo, bởi vì “Coi xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ của chính phủ và đạt được các mục tiêu thông qua các biện pháp đặc biệt. Loại hình xóa đói giảm nghèo này là không bền vững, và nghèo đói sẽ tiếp tục quay trở lại.”
Lý Lâm Nhất nhận định rằng, chiến thắng được tuyên bố của Trung Cộng trong cuộc chiến chống đói nghèo thực chất là “Màn kịch xóa đói giảm nghèo” của Tập Cận Bình, bởi vì ông Tập không thể giải quyết vấn đề nghèo đói, mà chỉ sử dụng các thủ đoạn kinh tế kế hoạch và các vận động chính trị để phô trương. Vì vậy, cuộc chiến chống đói nghèo của Trung Cộng không phản ánh sự trỗi dậy của một cường quốc, mà là tòa nhà sẽ sụp đổ.
Do Ye Ziming thực hiện
Sương Sương biên dịch
Xem thêm: