Vào một buổi sáng mùa hè nóng ẩm, ông Robert F. Kennedy Jr. sải bước vào một phòng hội thảo tại một khách sạn ở Columbia, South Carolina, giữa một chuyến đi tiếp xúc cử tri trong chiến dịch vận động tranh cử đến một tiểu bang nơi ông Joe Biden đã giành được gần 49% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân Chủ năm 2020.
Ông Kennedy nói về chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 của mình. Trong khi các chuyên gia thuộc Đảng Dân Chủ nói rằng ông là một ứng cử viên có quan điểm không được ưa chuộng, chuyên đi truyền bá các thuyết âm mưu, thì các cuộc thăm dò cho thấy ông có tỷ lệ ủng hộ cao nhất so với bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào.
Các nhà phê bình cho rằng ông Kennedy không có cách nào đánh bại được Tổng thống Joe Biden, ngay cả khi có những nghi vấn về tuổi tác và tình trạng sức khỏe tinh thần của tổng thống đương nhiệm, về tỷ lệ tín nhiệm thấp của ông, hay về các cuộc khảo sát cho thấy người Mỹ đang lo lắng về nền kinh tế.
Trước đó trong năm nay, Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ (DNC) đã bỏ phiếu thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn cho tổng thống.
Mặc dù không đồng tình với những người hoài nghi cho rằng ông không có cơ hội giành được đề cử, nhưng ông Kennedy thừa nhận rằng việc đánh bại một tổng thống đương nhiệm trong cùng một đảng là một thách thức khó vượt qua.
Hội nghị Quốc gia Đảng Dân Chủ ở Chicago vào mùa hè tới sẽ công bố ứng cử viên cho đề cử tổng thống năm 2024. Cho đến lúc đó, ông Kennedy vẫn có ý định tiếp tục theo đuổi đến cùng.
“DNC có khoảng 2 tỷ USD, và họ đang chi số tiền đó một cách hào phóng để cố gắng gạt tôi ra ngoài lề bằng nhiều cách, nhưng tôi nghĩ hầu hết các thành viên Đảng Dân Chủ quan tâm đến một điều hơn bất cứ điều gì khác, đó là đánh bại ông Donald Trump,” ông Kennedy nói với The Epoch Times. “Tôi nghĩ Tổng thống Biden không thể làm được điều đó. [Nhưng] tôi thì có thể.”
Ông Kennedy là cháu trai của cố Tổng thống John F. Kennedy, người bị ám sát năm 1963, và là con trai của ông Robert F. Kennedy, người bị bắn tử vong sau bài diễn văn vận động khi ông đang tranh cử tổng thống năm 1968.
Trong các cuộc gặp gỡ cử tri cũng như các cuộc gặp mặt và trò chuyện, ông Kennedy kể những câu chuyện về khoảng thời gian ở bên người bác và người cha của mình và kết nối những câu chuyện này với chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.
Ông muốn kế thừa di sản mà cha mình để lại là gắn kết những người Mỹ thuộc mọi giai tầng kinh tế và nền tảng sắc tộc.
“Tôi nghĩ chúng tôi làm điều đó bằng cách nói sự thật với mọi người. Cha tôi đã làm được điều này theo cách đó. Ông nói về những vấn đề khó chịu nhưng là nói về sự thật. Tôi nghĩ mọi người chán nản vì bị chính phủ, giới truyền thông lừa dối,” ông nói.
“Cha tôi đã tranh cử với một tổng thống đương nhiệm trong chính đảng của ông ấy (ông Lyndon B. Johnson) trong một thời kỳ đầy chia rẽ. Tôi đang tranh cử với một thách thức lớn hơn bởi vì tôi đang phải đối mặt với cả một guồng máy đang chống lại tôi, từ chính đảng của tôi, Big Tech, và ngành dược phẩm.”
Là một luật sư môi trường và là người sáng lập Tổ chức Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em, ông Kennedy được biết đến rộng rãi là người nói thẳng về những rủi ro của vaccine đối với sức khỏe. Quan điểm của ông về những rủi ro này cũng như các vấn đề khác đã thu hút được sự ủng hộ từ những cử tri không thiên về bên tả.
Quang phổ chính trị rộng
Kể từ khi công bố chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 hồi tháng Tư, ông Kennedy đã nhận được sự ủng hộ từ đông đảo cử tri, dẫn đến những suy đoán rằng ông có thể tranh cử với tư cách là một thành viên Đảng Cộng Hòa hoặc một chính trị gia độc lập.
Tuy nhiên, ứng cử viên này nói rằng ông sẽ không làm điều đó, nhắc lại lập trường đó trong tháng qua tại các buổi tiếp xúc cử tri cũng như các cuộc gặp gỡ và trò chuyện ở South Carolina, Virginia, và thành phố New York.
“Tôi là một thành viên Đảng Dân Chủ. Đây là danh tính của tôi, nhưng tôi muốn đảng mình trở lại như xưa,” ông Kennedy nói. “Tôi tranh cử tổng thống vì Đảng Dân Chủ đã lạc lối.”
“Tôi muốn nhắc nhở Đảng Dân Chủ về những gì chúng tôi được cho là phải đại diện: Tập trung vào giai tầng trung lưu và lao động, phúc lợi của những người thiểu số, tập trung vào môi trường, các quyền tự do dân sự, và tự do ngôn luận.”
Ông thường xuyên nói về việc “hiệp lực” và “hàn gắn sự chia rẽ.”
Ông Kennedy nói: “Tôi có ý định hàn gắn sự phân cực độc hại đang thực sự hủy hoại đất nước chúng ta và chia cắt chúng ta.”
Ông gọi chiến dịch của mình là một “cuộc nổi dậy hòa bình” mà ông hy vọng sẽ thu hút được các thành viên Đảng Cộng Hòa có tư tưởng bảo tồn truyền thống, những người độc lập, những người ôn hòa, và các thành viên Đảng Dân Chủ thiên tả.
“Trong 35 năm làm việc với tư cách là một trong những người lãnh đạo phong trào môi trường ở đất nước chúng ta, tôi là nhà bảo vệ môi trường duy nhất thường xuyên xuất hiện trên Fox News. Tôi đã nhiều lần lên sóng chương trình của ông Sean Hannity — cũng như của ông Bill O’Reilly,” ông Kennedy nói.
“Tôi muốn nói chuyện với các thành viên truyền thông và cử tri có quan điểm khác với tôi, bởi nếu không thì quý vị sẽ đi thuyết phục bằng cách nào khác nữa đây?”
“Tôi nghĩ chúng ta có nhiều điểm chung hơn những gì truyền thông mô tả. Điều khiến chúng ta xa cách là những điều khá tầm thường. Chúng ta để những điều đó nuôi dưỡng sự phân cực độc hại này. Chúng ta cần nói chuyện. Chúng ta cần có những cuộc trò chuyện với mọi người từ nhiều quan điểm khác nhau.”
Vài ngày sau một phiên điều trần của Hạ viện về kiểm duyệt hồi tháng Bảy trong đó các thành viên Đảng Dân Chủ cố gắng ngăn ông Kennedy ra làm chứng, một cuộc thăm dò của Harvard-Harris cho thấy ông có tỷ lệ ủng hộ cao hơn bất kỳ ứng cử viên tổng thống năm 2024 nào khác.
Theo một cuộc khảo sát với 2,068 cử tri đã ghi danh, được thực hiện từ ngày 19 đến ngày 20/07 và công bố vào ngày 23/07, ông Kennedy đã nhận được tỷ lệ ủng hộ là 47% và tỷ lệ không ủng hộ là 26%. Cựu Tổng thống Trump đạt được tỷ lệ ủng hộ là 45% so với con số không ủng hộ là 49%. Thống đốc Florida Ron DeSantis có tỷ lệ ủng hộ là 40% và tỷ lệ không ủng hộ là 37%, trong khi tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Biden là 39% và 53% không ủng hộ.
Theo một cuộc thăm dò hồi tháng Sáu của The Economist/YouGov, ông Kennedy cũng có tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong số tất cả các ứng cử viên tổng thống năm 2024.
Nhà quản lý chiến dịch tranh cử Dennis Kucinich của ông Kennedy từng là cựu nghị sĩ Đảng Dân Chủ đến từ Ohio và đã ra tranh cử tổng thống năm 2004 và năm 2008. Ông tin rằng ông Kennedy có thể “tái thiết và cứu lấy” đất nước và rằng cũng có cách để chiến thắng ông Biden.
“Ông ấy là thành viên Đảng Dân Chủ duy nhất có thể tiếp cận tới mọi quan điểm chính trị, mà điều đó có nghĩa là ông ấy có thể giành chiến thắng trong năm 2024,” ông Kucinich nói với The Epoch Times.
“Những người theo các khuynh hướng bảo tồn truyền thống, thiên tả, độc lập, cũng như tự do cá nhân đang hưởng ứng chiến dịch này vì những phẩm chất độc đáo của ông Robert F. Kennedy Jr. và vì người ta hiểu rằng ông đại diện cho sự hiệp lực, nền tự do, sự thật, và tính chân thực. Đó chính là điều đang gây được tiếng vang với mọi người.”
Khi được hỏi về Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump, ông Kennedy đã trả lời một cách thận trọng.
“Bản thân tôi sẽ không công kích người khác,” ông nói. “Tôi không nghĩ điều đó tốt cho đất nước chúng ta. Và điều tôi đang cố gắng thực hiện trong cuộc đua này là gắn kết mọi người lại với nhau, là cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa những người Mỹ.”
‘Sự phá hoại, hận thù, và lời lẽ cay độc’
Ông Kennedy đại diện cho việc “giảm leo thang” những gì mà ông gọi là “sự phá hoại, hận thù, và lời lẽ cay độc.”
Ông đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối trước thành tích công việc của Tổng thống Biden nhưng vẫn kiềm chế không công kích cá nhân về tình trạng sức khỏe tinh thần của chính trị gia 80 tuổi này.
“Nếu có một chính sách mà tôi không tán thành — chẳng hạn như về cuộc chiến tranh, kiểm duyệt, các cuộc phong tỏa — tôi sẽ chỉ trích những chính sách đó, chứ tôi sẽ không công kích ông ấy là một người thế này thế nọ,” ông Kennedy bày tỏ.
“Tôi sẽ nói, dù ông ấy có đủ năng lực hay không, dù ông ấy có tự đưa ra quyết định hay không thì những quyết định được đưa ra từ Tòa Bạch Ốc đều là những quyết định tệ hại.”
Tổng thống Biden dự kiến sẽ không xuất hiện trong các cuộc tranh biện sơ bộ của Đảng Dân Chủ, một quyết định mà ông Kennedy tin rằng tổng thống nên xem xét lại.
Ông Kennedy nói: “Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu chúng ta có một nền dân chủ mà mọi ứng cử viên đều ra tranh biện.”
“Tôi cho rằng ông ấy đang đưa ra một quyết định chiến lược dựa trên lợi ích của chính mình, nhưng tôi nghĩ chúng ta đang sống trong thời kỳ mà mọi người mất niềm tin vào tiến trình dân chủ, và họ cho rằng hệ thống này đã bị gian lận.”
Ông Kennedy nói rằng Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Trump nên ra sân khấu tranh biện như một dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng đối với cử tri Mỹ.
“Người Mỹ không nên cảm thấy như thể chúng ta đang sống ở Liên Xô, nơi mà đảng cầm quyền chọn ra ứng cử viên. Tôi nghĩ điều này sẽ tốt hơn nhiều cho nền dân chủ của chúng ta — và chúng ta sẽ là một hình mẫu tốt hơn cho thế giới cũng như cải thiện uy tín của chúng ta với người dân Mỹ — nếu chúng ta thực sự cho phép nền dân chủ hoạt động và tất cả các ứng cử viên đều tham gia vào các cuộc tranh biện, các cuộc gặp gỡ cử tri, và các hoạt động chính trị giao tiếp với cử tri.”
“Điều quan trọng đối với Đảng Dân Chủ là phải có một cuộc tranh biện sơ bộ. Cuối cùng, một người được Đảng Dân Chủ đề cử sẽ tranh biện với một người được Đảng Cộng Hòa đề cử, và bên Đảng Cộng Hòa có thể sẽ là ông Trump. Ông ấy có lẽ là nhà tranh biện thành công nhất ở đất nước này kể từ [cuộc tranh biện Lincoln-Douglas].”
Ông Kennedy lưu ý về cách cựu Tổng thống Trump từng đánh bại một nhóm đông đảo các ứng cử viên sơ bộ của Đảng Cộng Hòa hồi năm 2016.
“Ông ấy có kỹ thuật riêng mà mọi người yêu thích. Điều đó cũng giống như bước vào một trận quyền anh tranh giải tiền mặt. Quý vị cần tập luyện, và việc tập luyện thường diễn ra ở cuộc bầu cử sơ bộ,” ông Kennedy nói.
“Bảo rằng tổng thống không ra tranh biện trong cuộc bầu cử sơ bộ cũng giống như bảo một võ sĩ quyền anh tập luyện bằng cách ngồi yên trên ghế.”
Tại South Carolina, Virginia, và thành phố New York, ông Kennedy đã nói chuyện với cử tri về nền kinh tế và những vấn đề mà ông không đồng tình với Tổng thống Biden.
Tại thành phố Charleston, ông chỉ trích tổng thống vì tiếp tục viện trợ tài chính cho Ukraine.
“Một trong những vấn đề hệ trọng mà chúng ta gặp phải trong chính phủ liên bang đó là chứng nghiện chiến tranh,” ông Kennedy nói. “Tổng thống Biden đã tới Quốc hội để yêu cầu thêm 24 tỷ USD cho cuộc chiến tranh ở Ukraine.”
“Chúng ta đã chi ra 8 ngàn tỷ USD cho chiến tranh kể từ sau vụ 11/09. Nếu chúng ta giữ số tiền đó cho quê nhà, chúng ta sẽ có dịch vụ chăm sóc trẻ em cho mọi người Mỹ. Chúng ta sẽ có giáo dục đại học miễn phí cho mọi người Mỹ. Chúng ta có thể chi trả cho hệ thống An sinh Xã hội của mình.”
Ông tin rằng ông, chứ không phải Tổng thống Biden, mới là ứng cử viên sẽ đại diện tốt nhất cho Đảng Dân Chủ vào năm 2024 và xa hơn nữa.
“Tôi là lựa chọn duy nhất sẽ chấm dứt guồng máy chiến tranh, sẽ thực sự tập trung vào việc xây dựng lại giai tầng trung lưu Mỹ, kiềm chế lạm phát,” ông nói.
Về vấn đề kiểm soát súng, ông Kennedy cho biết: “Tôi không tin rằng, trong phạm vi Tu chính án thứ Hai đó, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì để giảm việc buôn bán và quyền sở hữu súng một cách có ý nghĩa.”
“Nếu bất cứ ai nói với quý vị rằng họ sẽ giảm bạo lực súng đạn thông qua kiểm soát súng vào thời điểm này, thì tôi cho rằng họ không thực tế. Tôi cho rằng chúng ta phải nghĩ ra những cách khác để giảm bớt tình trạng bạo lực đó.”
Ông Kennedy cũng lưu ý rằng nếu trở thành tổng thống, ông sẽ ký lệnh cấm vũ khí tấn công khi dự luật này được đặt trên bàn làm việc của ông.
Là người phản đối mạnh mẽ ngành dược phẩm, hôm 01/09, ông Kennedy đã tuyên bố tại một cuộc gặp gỡ cử tri ở Brooklyn vừa qua rằng ông sẽ cấm quảng cáo dược phẩm.
Ông tỏ ra thẳng thắn khi bàn đến sự nguy hiểm của vaccine COVID-19 đối với một số người dân bị ép phải chích ngừa, nhưng ông nói với The Epoch Times rằng mình không phải là người “chống vaccine.”
“Tôi chưa bao giờ chống vaccine,” ông nói. “Tôi đã nói điều đó hàng trăm lần, nhưng điều đó không quan trọng vì đó chỉ là cách để [những người đó] bịt miệng tôi. Việc dùng từ ngữ miệt thị đó để miêu tả tôi là một cách khiến tôi im lặng hoặc gạt tôi ra rìa.”
Ông Kennedy từng nói rằng, ban đầu, ông không ủng hộ bức tường biên giới của Tổng thống Trump. Nhưng sau khi tận mắt nhìn thấy biên giới ở Arizona hồi tháng Bảy, ông đã thay đổi quan điểm. Ông cho biết cần phải tăng cường cơ sở hạ tầng và công nghệ ở biên giới, bao gồm việc xây thêm nhiều đoạn của bức tường vật lý hơn và đặt cảm biến ở những khu vực mà không khả thi cho việc xây dựng bức tường biên giới.
Ông cho biết nếu Hoa Kỳ vẫn chưa thể đóng kín biên giới, thì ông nghĩ rằng Quốc hội không nên thông qua gói dự luật di trú nào.
Hồi đầu tháng Sáu, ông Kennedy đã đến thăm biên giới giữa Arizona-California với Mexico và gặp những người nhập cư bất hợp pháp, các nhân viên Tuần tra Biên giới, và các bên liên quan khác.
“Đảng Dân Chủ cho rằng nghĩa vụ của chúng ta là cho dù thế nào đi nữa cũng phải chào đón mọi người nhập cư vào quốc gia này, và nói thẳng ra là mở cửa biên giới. Và cuộc thử nghiệm này là một thảm họa, một thảm họa nhân đạo,” ông Kennedy nói.
“Tôi đã tận mắt chứng kiến. Tôi đã chứng kiến 300 người vượt biên, sau đó được giải quyết và gửi đến các địa điểm trên toàn quốc để chờ xét xử trong 7 năm tới.”
“Hiện có 7 triệu người đến Hoa Kỳ bất hợp pháp và không có thân phận pháp lý ở đất nước này. Những người đó hiện rất dễ bị tổn thương trước những người chủ vô lương tâm đang trả cho họ 5 hoặc 6 dollar một giờ.”
Ông Kennedy gọi chính sách biên giới mở của chính phủ ông Biden là “một cách tài trợ cho hoạt động buôn người và ma túy trị giá hàng tỷ dollar của các băng đảng ma túy Mexico.”
“Nếu lên làm tổng thống, tôi sẽ bảo đảm về an ninh biên giới, vốn sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh buôn ma túy của các băng đảng. Tôi sẽ mở rộng cánh cửa cho những ai mong muốn nhập cảnh hợp pháp để Hoa Kỳ có thể tiếp tục là ngọn hải đăng hướng ra thế giới, nơi có sự đa dạng và nền văn hóa khiến chúng ta trở nên vĩ đại,” ông nói.
“Nhập cư là tốt cho quốc gia chúng ta, nhưng nhập cư kiểu đó không công bằng cho tất cả mọi người.”
Chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine
Ông Kennedy đã kêu gọi giảm leo thang cuộc chiến ở Ukraine. Ông nói rằng ông thông cảm với hành động của Ukraine và việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xâm chiếm quốc gia này một cách bất hợp pháp, nhưng ông đã chỉ trích Hoa Kỳ về vai trò trong cuộc xung đột này.
“Chúng ta đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để giải quyết cuộc chiến này theo cách hòa bình,” ông nói. “Chúng ta đã biến quốc gia đó thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và Hoa Kỳ.”
Từ khi Nga bắt đầu xâm chiếm vào quốc gia lân bang này hồi tháng 02/2022, ông Kennedy đã thúc giục Tổng thống Biden đàm phán để chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine một cách hòa bình.
“Nga sẽ không thua trong cuộc chiến này. Nga không thể để mình chịu thua trong cuộc chiến này,” ông nói. “Điều này giống như chúng ta thua trong một cuộc chiến với Mexico.”
Ông Kennedy đã nhắc đến bác mình là Tổng thống John F. Kennedy như một trong những lý do khiến ông muốn kết thúc cuộc chiến này.
“Bác của tôi nói rằng công việc chính của một tổng thống Mỹ là kiềm chế cho đất nước không tham chiến. Ông ấy tránh xa Việt Nam. Ông ấy chỉ cử 16,000 cố vấn quân sự đến đó — chủ yếu là Binh sĩ Mũ nồi Xanh,” ông nói.
“Hồi tháng 10/1963, khi được tin một trong những Binh sĩ Mũ nồi Xanh của bác bị tử trận, bác đã bảo phụ tá cung cấp cho mình danh sách thương vong trong trận chiến, rồi người phụ tá này quay lại và nói rằng tính đến nay đã có 75 binh sĩ tử trận. Bác đã nói: ‘Vậy là nhiều quá!’”
Giấc mơ Mỹ
Khi nói đến việc trợ giúp các nghiệp đoàn nhân công, ông Kennedy cũng có ý tưởng tương tự với Tổng thống Biden.
Ông Kennedy nói: “Trong chính phủ của tôi, quý vị có thể sẽ thấy được hành động mạnh mẽ của Bộ Tư pháp và Bộ Lao động để thực thi luật chống phá hoại nghiệp đoàn và các hành vi lao động không công bằng.”
“Chúng tôi cũng sẽ tăng mức lương tối thiểu để các nghiệp đoàn có mức sàn cao hơn để thương lượng. Chúng tôi sẽ đàm phán các hiệp định thương mại để nhân công Mỹ không phải cạnh tranh với nhân công ngoại quốc có mức lương thấp trong một cuộc chạy đua xuống đáy.”
Tại các điểm dừng trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Kennedy thích nói về thời kỳ kinh tế hưng thịnh mà Mỹ quốc đã trải qua sau Đệ nhị Thế chiến.
“Tôi lớn lên trong thời kỳ hoàng kim của sự thịnh vượng kinh tế Mỹ. Vào những năm 1950 và 1960, nguyên mẫu của Giấc mơ Mỹ đã ra đời. Đó không phải là thứ chỉ dành cho một số ít người may mắn; điều đó nằm trong tầm tay của hầu hết người Mỹ,” ông nói.
“Vào thời điểm đó, một người làm công ăn lương độc thân có trình độ trung học có thể sở hữu một ngôi nhà, nuôi gia đình, đi nghỉ, và tiết kiệm để về hưu. Đó là những gì người đó nên có được. Nếu quý vị làm việc chăm chỉ, thì quý vị sẽ có một cuộc sống sung túc.”
Ông Kennedy nói rằng nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ tạo ra cho người Mỹ khoản vay mua nhà 3% [người mua phải trả 3% giá trị căn nhà, phần còn lại dùng vốn vay] được chính phủ bảo đảm và tài trợ bởi trái phiếu chính phủ loại miễn thuế, đồng thời ông sẽ hành động để làm giảm lợi nhuận của các tập đoàn lớn sở hữu nhà loại single-family ở Hoa Kỳ.
“Nếu quý vị có một người chú giàu có cùng ký vào khoản nợ nhà của mình, thì quý vị sẽ nhận được mức lãi suất thấp hơn vì ngân hàng xem xét xếp hạng tín dụng của ông ấy,” ông Kennedy nói tại buổi gặp gỡ cử tri gần đây ở Spartanburg, South Carolina. “Tôi sẽ giới thiệu cho mọi người một người chú giàu có, và tên ông ấy là Chú Sam.”
Ông cho biết 500,000 USD đầu tiên của khoản vay mua nhà 3% đó sẽ được dành cho các giáo viên.
“Cả Tổng thống Trump và Tổng thống Biden đều đang tranh cử với cách nói rằng họ đã mang lại sự thịnh vượng cho đất nước này. Nhưng khi tôi đi vòng quanh South Carolina và các tiểu bang khác, tôi không thấy như vậy,” ông Kennedy nói với khán giả ở Charleston. “Tôi đang chứng kiến những người đang sống trong cảnh tuyệt vọng mà tôi chưa từng thấy ở đất nước này.”
Các tập đoàn phá tan Giấc mơ Mỹ
Ông Kennedy cho biết việc giúp người Mỹ mua nhà loại single-family dễ dàng hơn mà không phải cạnh tranh với các nhà đầu tư tổ chức là một ưu tiên hàng đầu.
Một bài báo của Wall Street Journal vào năm 2021 cho thấy 200 tập đoàn đang tích cực mua hàng chục ngàn căn nhà loại single-family, trong đó có toàn bộ khu dân cư, và tăng giá cho thuê lên đáng kể.
Theo dữ liệu được Stateline xem xét, các nhà đầu tư đã mua 24% số nhà loại single-family vào năm 2021. Theo tổ chức này, vào năm 2022, con số này đã tăng lên 28%.
Một nghiên cứu của MetLife Financial Management cho rằng các nhà đầu tư tổ chức có thể sở hữu tới 40% số nhà loại single-family vào năm 2030.
Ông Kennedy gọi vấn đề này là một “cuộc khủng hoảng” và quy trách nhiệm cho các đại công ty quản lý tài sản như BlackRock, State Street, và Vanguard.
Một bài nghiên cứu năm 2017 do Nhà xuất bản Đại học Cambridge xuất bản đã tường thuật rằng ba công ty này tạo thành cổ đông lớn nhất trong 88% các công ty thuộc S&P 500.
“Và bây giờ họ có một mục tiêu mới, đó là giành quyền sở hữu tất cả các khu nhà ở loại single-family ở đất nước này. Và họ đang trên đà thực hiện điều đó,” ông Kennedy nói với khán giả ở Greenville, South Carolina.
“Thông thường, khi một công ty mua một căn nhà với một đề nghị trả tiền mặt, sẽ có một công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) với một cái tên mơ hồ. Công ty này thường có thể được truy ra nguồn gốc là từ một trong những công ty lớn,” ông Kennedy giải thích.
Ông Kennedy nói thêm rằng ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock, là một thành viên hội đồng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
“WEF là một câu lạc bộ các nhà tỷ phú gặp nhau ở Davos hàng năm và đưa ra một kế hoạch, đó là ‘Trật tự Thế giới Mới’ và cái mà họ gọi là Đại Tái Thiết,” ông Kennedy lưu ý. “Ông Klaus Schwab, người viết cuốn sách về nghị trình đó, nói rằng quý vị sẽ không sở hữu gì cả và quý vị sẽ hạnh phúc. Họ đang trên tiến trình hoàn thành bước đầu tiên đó.”
Tại mỗi điểm dừng ở South Carolina, ông Kennedy đều nói rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của ông trên cương vị tổng thống là sửa đổi luật về thuế để “lợi nhuận của các tập đoàn lớn sở hữu nhà loại single-family sẽ ít hơn.”
Hạn chế nợ thẻ tín dụng là một cách khác để giúp nhiều người Mỹ được sở hữu nhà hơn và trở nên sung túc hơn về tài chính.
“Nhiều người Mỹ đang kiếm được đồng nào tiêu đồng nấy. Thu nhập trung bình ở đất nước này thấp hơn 5,000 USD so với chi phí sinh hoạt trung bình. Điều đó có nghĩa là mọi người phải bù đắp bằng cách tính những chi phí đó vào thẻ tín dụng,” ông Kennedy nói trước đám đông ở Richmond, Virginia.
“Chúng ta vừa đạt tới một cột mốc quan trọng ở đất nước này với khoản nợ thẻ tín dụng cá nhân hơn 1 ngàn tỷ USD.”
Ông lưu ý rằng nhiều nhà cho vay đang tính lãi suất từ 22% trở lên.
“Nếu là băng đảng thì đó sẽ là hành vi cho vay nặng lãi và họ sẽ phải vào tù, nhưng đối với các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng, đó được coi là chi phí kinh doanh,” ông nói.
Trước khi kết thúc nhận định của mình về nợ thẻ tín dụng, ông Kennedy đặt ra một câu hỏi cho khán giả.
“Quý vị nghĩ rằng ai sở hữu nhiều công ty trong số đó?” ông hỏi.
“BlackRock, State Street, và Vanguard. Họ đang tước đoạt tài sản của công chúng Mỹ, và ảnh hưởng chính trị của họ cho phép họ làm điều đó.”
Mùa bầu cử sơ bộ
Theo hình thức mới, South Carolina là nơi mà Đảng Dân Chủ sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ đầu tiên, vào ngày 03/02/2024. Nhận được sự khuyến khích của Tổng thống Biden, hồi đầu năm nay, DNC đã biểu quyết để cuộc họp bầu ở Iowa không còn là nơi tiên phong cho tiến trình đề cử tổng thống của đảng này như mọi năm, và thay vào đó là South Carolina.
Hồi cuối tháng Tám, trong lúc thực hiện chuyến đi khắp South Carolina, ông Kennedy đã dừng chân ở quận Orangeburg để chính thức mở một văn phòng tranh cử toàn tiểu bang.
Bấy lâu nay New Hampshire vẫn là tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ đầu tiên trên cả nước — và của Đảng Cộng Hòa — sau các cuộc họp bầu ở Iowa. Theo lịch trình sơ bộ mới của Đảng Dân Chủ, khác với lịch trình của Đảng Cộng Hòa, họ sẽ bỏ phiếu với Nevada vào ngày 06/04/2024.
Vì lịch trình kể trên, nên tên của Tổng thống Biden có thể sẽ không xuất hiện trong lá phiếu sơ bộ của Đảng Dân Chủ ở New Hampshire.
Hội đồng quy tắc DNC đã đưa ra thời hạn đến ngày 01/09 để New Hampshire và Iowa phải tuân thủ các quy tắc mới, nếu không sẽ có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ ở New Hampshire cho biết họ sẽ không tuân thủ việc thay đổi lịch trình này, nói rằng luật tiểu bang cấm hành động này.
Nếu tên Tổng thống Biden không xuất hiện trên lá phiếu, thì ông Kennedy sẽ cạnh tranh với tác giả Marianne Williamson trong cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire.
Các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ của New Hampshire cho biết một đạo luật lâu đời của tiểu bang quy định rằng cuộc bầu cử sơ bộ của họ phải được ấn định trước bất kỳ cuộc bầu cử sơ bộ nào khác.
Năm 2020, ứng cử viên Joe Biden thua trong cuộc họp bầu của Đảng Dân Chủ ở Iowa và cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire trước khi giành chiến thắng quyết định ở South Carolina. Ông từng nói rằng South Carolina đại diện chính xác hơn cho khối cử tri bỏ phiếu đa dạng của đảng.
Ông Kennedy nói: “Ai cũng đều biết lý do thực sự khiến DNC thực hiện thay đổi này. Người dân South Carolina không yêu cầu điều đó. Đúng vậy, điều đó hoàn toàn là một nỗ lực phi dân chủ khác nhằm gian lận tiến trình bầu cử sơ bộ có lợi cho ứng cử viên được chọn trước của họ, ông Joe Biden.”
“DNC dường như đã quên mục đích ban đầu của hệ thống bầu cử sơ bộ hiện đại, đó là thay thế nền chính trị thân hữu hậu trường bằng một quy trình dân chủ minh bạch. Nếu chiến dịch tranh cử của ông Biden cho rằng họ có thể giành chiến thắng bằng các mưu mẹo quản trị và trốn tránh, thì họ sẽ hết sức bất ngờ ở cả New Hampshire và South Carolina.”
Văn phòng đầu tiên ở New Hampshire
Hồi tháng Tám, ông Kennedy đã mở văn phòng đầu tiên ở New Hampshire.
“New Hampshire đóng một vai trò quan trọng trong nền dân chủ Mỹ vì nơi này có bề dày lịch sử cũng như truyền thống văn hóa trong việc xem xét các ứng cử viên ngay từ đầu trong tiến trình này, và họ làm rất tốt việc đó,” ông nói với The Epoch Times.
“Ở nhiều tiểu bang khác, các chính trị gia có thể cho phi cơ bay ở độ cao 30,000 feet (khoảng 9000 mét) để tiến hành chiến dịch quảng cáo ném bom trải thảm trị giá hàng tỷ dollar. Làm như vậy giống như một nhà hát kịch Kabuki về dân chủ hơn là nền dân chủ thực sự.”
“Còn ở Iowa, quý vị đến các trang trại và các sàn chứng khoán. Ở New Hampshire, quý vị phải đến các tiệm cắt tóc, tiệm làm móng, và các quán ăn, quý vị phải bắt tay mọi người, và quý vị phải trả lời những câu hỏi khó và rồi lại tới các câu hỏi khác. Quý vị phải giao tiếp để tìm hiểu về con người và điều đó rất quan trọng.”
Ông Kennedy hồi tưởng về những chuyến đi vận động tranh cử cùng bác và cha mình hồi những năm 1960.
“Tôi nhớ những đám đông đó và sự nồng nhiệt đó. Đó là những gì chúng tôi đang cảm nhận được tại các sự kiện của mình. Sự nồng nhiệt. Những cảm xúc mãnh liệt,” ông hồi tưởng.
“Không có gì bằng việc gặp mặt trực tiếp mọi người và lắng nghe những mối quan tâm của họ. Khi chúng tôi ở New Hampshire, chúng tôi có một sự kiện diễn ra ở một khu vực dân cư thưa thớt ở một trong những quận nằm xa nhất về phía bắc, và chúng tôi đã lái xe trên một con đường đất dài ngoằng. Tôi trộm nghĩ, ‘Sao mà người ta có thể đi dự sự kiện này được?’ vậy mà đã có 500 người đến đó. Điều đó thật truyền cảm hứng.”
Ông Kennedy ủng hộ việc phá thai trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ.
“Tôi có thể nói rằng không có ai ở đất nước này đã làm việc chăm chỉ hơn cho quyền tự do y tế và quyền tự chủ về cơ thể cá nhân hơn tôi,” ông Kennedy nói. “Điều đó đúng với vấn đề vaccine và phá thai.”
“Tôi nghĩ chính phủ không được bảo chúng ta phải làm gì với cơ thể mình hay ra lệnh cho người Mỹ những gì chúng ta có thể và không thể làm trong ba tháng đầu của thai kỳ. Đó là sự lựa chọn của một người phụ nữ.”
Ông thừa nhận rằng lập trường đó có thể khiến ông mất đi sự ủng hộ tiềm năng của những người theo phái bảo tồn truyền thống.
“Tôi đã xem những bức ảnh về những ca phá thai muộn, và những hình ảnh đó thật đáng lo ngại,” ông nói. “Tôi tôn trọng những người có quan điểm khác nhau và đối với những người nói rằng ‘đó là vấn đề duy nhất mà tôi quan tâm,’ thì niềm tin của tôi có thể sẽ khiến họ bầu cho người khác.”
“Nếu quý vị là cử tri chỉ quan tâm đến một vấn đề, và đó là điều mà quý vị quan tâm sâu sắc, thì tôi có thể không phải là ứng cử viên phù hợp với quý vị. Nhưng tôi cảm thấy hiện nay có rất nhiều người muốn giới lãnh đạo chính trị của họ phải chân thực, và họ muốn có người sẽ nói cho họ biết sự thật.”
Kiểm duyệt
Sự kiểm duyệt — từ chính phủ cũng như từ Big Tech — cũng được xếp hàng đầu trong số các vấn đề mà ông Kennedy đặc biệt quan tâm.
Ông đã đệ đơn kiện chính phủ ông Biden và Google, cùng các tổ chức khác, cáo buộc họ tiến hành kiểm duyệt. Ông đã từng ra làm chứng về vấn đề này trước Quốc hội.
“Tôi không những bị chính phủ Đảng Dân Chủ kiểm duyệt, mà tôi còn bị chính phủ ông Trump kiểm duyệt. Tôi là người đầu tiên bị chính phủ ông Biden kiểm duyệt, hai ngày sau khi ông ấy nhậm chức,” ông Kennedy nói với Tiểu ban Tư pháp Hạ viện về Vũ khí hóa Chính phủ Liên bang hồi tháng Bảy.
Hồi tháng 02/2021, ông bị cấm sử dụng Instagram vì Meta, công ty sở hữu nền tảng này, mô tả rằng ông vi phạm các quy tắc liên quan đến COVID-19 của họ.
Vào thời điểm đó, một phát ngôn viên của công ty Meta cho biết Instagram đã xóa trương mục của ông Kennedy vì ông “liên tục chia sẻ những tuyên bố không chính xác về virus corona hoặc vaccine.”
Hồi tháng Sáu, Instagram đã khôi phục trương mục này.
Ông Andy Stone, phát ngôn viên của Meta, cho biết trong một tuyên bố hôm 04/06: “Vì ông Robert F. Kennedy Jr. hiện là ứng cử viên đang tranh cử cho chức tổng thống Hoa Kỳ, nên chúng tôi đã khôi phục quyền truy cập vào trương mục Instagram của ông ấy.”
Trương mục Facebook của ông Kennedy vẫn duy trì hoạt động bình thường.
Meta đã xóa các trương mục Instagram và Facebook của Tổ chức Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em (CHD), một tổ chức bất vụ lợi của ông Kennedy. Theo trang web của họ, CHD ủng hộ “chấm dứt dịch bệnh sức khỏe ở trẻ em bằng cách tích cực hành động để loại bỏ phơi nhiễm có hại, buộc những người đảm trách phải chịu trách nhiệm, và thiết lập các biện pháp bảo vệ để ngăn ngừa tác hại về sau.”
Meta cho biết các trương mục CHD đã bị cấm vì liên tục vi phạm chính sách COVID-19 của công ty. Ông Kennedy vẫn còn phẫn nộ vì hành động này.
“Bịt miệng một ứng cử viên chính trị quan trọng là hành vi hết sức phi dân chủ,” ông nói. “Truyền thông xã hội hiện đại tương đương với quảng trường thành phố. Làm sao nền dân chủ có thể hoạt động nếu chỉ có một số ứng cử viên có quyền tiếp cận mạng xã hội chứ?”
Những cáo buộc về chủ nghĩa bài Do Thái
Điều khiến ông Kennedy không hài lòng hơn nữa là những cáo buộc trước đó trong năm nay rằng ông có tư tưởng “bài Do Thái.”
Tại một cuộc họp hồi tháng Bảy, một đoạn video được bí mật ghi hình đã bị làm rò rỉ cho giới truyền thông, trong video có thể nghe thấy tiếng ông Kennedy mô tả một nghiên cứu nói rằng virus COVID-19 ảnh hưởng không cân đối đến người da trắng và người Mỹ gốc Phi Châu trong khi ảnh hưởng tương đối nhẹ đối với người Do Thái Ashkenazi và người Trung Quốc, các dân tộc mà ông Kennedy cho rằng có phản ứng miễn dịch mạnh hơn với virus này.
Đảng Dân Chủ và những người chỉ trích ông Kennedy đã lên án những bình luận này là “phân biệt chủng tộc” và “bài Do Thái.”
Ông Kennedy đã kịch liệt phủ nhận các cáo buộc.
Trong phiên điều trần tại Hạ viện hôm 20/07 về vấn đề kiểm duyệt, các dân biểu Đảng Dân Chủ đã cố gắng ngăn cản ông lên làm chứng. Dân biểu Debbie Wasserman Schultz (Dân Chủ-Florida) kiến nghị chuyển phiên điều trần này sang hình thức một phiên họp hành pháp, một bước đi sẽ che khuất phiên điều trần khỏi tầm mắt của công chúng
“Ông Kennedy đã nhiều lần đưa ra những nhận xét bài Do Thái và bài Á Châu đáng khinh bỉ, gần đây nhất là hồi tuần trước,” bà Wasserman Schultz nói, đồng thời trích dẫn một phần quy định của Hạ viện mà bà cho rằng bình luận của ông Kennedy đã vi phạm.
Trong một cuộc bỏ phiếu được ghi lại, cả 10 nghị sĩ Đảng Cộng Hòa có mặt tại phiên điều trần đều bỏ phiếu bác bỏ đề nghị của bà Wasserman Schultz. Toàn bộ 8 nghị sĩ Đảng Dân Chủ có mặt đều bỏ phiếu ủng hộ đề nghị này.
Ông Kennedy làm chứng rằng ông “chưa bao giờ thốt ra một nhóm từ phân biệt chủng tộc hoặc bài Do Thái nào,” và ông tiếp tục biện minh cho mình hôm 25/07 tại New York trong một loạt sự kiện về ứng cử viên tổng thống của World Values Network (Mạng lưới các Giá trị Thế giới).
Đúng như đã nói hồi tháng Bảy, ông Kennedy đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông bài Do Thái.
“Trong phần lớn sự nghiệp của mình, tôi đã tham dự các vấn đề gây tranh cãi. Thông thường, những chuyện đó không ảnh hưởng đến tôi,” ông nói. “Lời buộc tội về chủ nghĩa bài Do Thái khiến tôi đau lòng và tổn thương. Nó làm tổn thương bà Cheryl (vợ ông Kennedy). Nó làm tổn thương gia đình chúng tôi, và điều đó thật đau đớn.”
“Tôi thực sự chưa bao giờ nói một lời bài Do Thái nào trong đời mình, nhưng tôi tin rằng họ [các thành viên Đảng Dân Chủ trong Ủy ban Hạ viện] có thể nghĩ bất cứ điều gì họ đang làm đều đúng theo cách này hay cách khác.”
“Có một cách để kiểm duyệt mọi người thông qua việc phỉ báng nhân cách có chủ đích. Quý vị dùng những lời buộc tội ti tiện để gạt họ ra ngoài lề và đó là kiểu kiểm duyệt mà tôi đang phải đối mặt.”
Ứng cử viên Đảng Dân Chủ này kết thúc bình luận của mình về việc kiểm duyệt bằng một thông điệp phản ánh một thành phần quan trọng trong chính sách tranh cử của ông.
“Nếu chúng ta thực sự muốn hàn gắn sự chia rẽ giữa những người Mỹ — đó là một trong những điều tôi đang cố gắng thực hiện với chiến dịch tranh cử này — thì chúng ta không thể lấy oán báo oán. Chúng ta phải đáp lại bằng sự khoan dung. Hãy đáp lại bằng sự tử tế và đáp lại bằng tấm lòng rộng lượng,” ông Kennedy nói.