[ĐỘC QUYỀN] Bản ghi chép của FBI cho thấy ông Rhodes đã yêu cầu nhóm Oath Keepers tránh xa Điện Capitol
Những thành viên của nhóm Oath Keepers không chỉ “không có kế hoạch” tấn công Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/02021, mà người sáng lập nhóm Elmer Stewart Rhodes III đã cảnh báo các thành viên của mình vào chiều hôm đó rằng, “bất cứ điều gì các anh làm, đừng cố vào Điện Capitol,” ông Rhodes nói với FBI trong một cuộc bàn luận về nhiều vấn đề do The Epoch Times thu thập được.
Thông tin từ cuộc gặp của ông Rhodes với hai đặc vụ FBI ở Texas vào tháng 05/2021 mâu thuẫn với phần lớn những gì trong bản cáo trạng tháng 01/2022 buộc tội ông có âm mưu xúi giục nổi loạn, âm mưu cản trở một thủ tục tố tụng chính thức, âm mưu cản trở một sĩ quan thi hành nhiệm vụ, và hai cáo buộc khác nữa vào ngày 06/01.
Ông Rhodes và bốn đồng phạm sẽ ra tòa vào ngày 27/09, bị cáo buộc âm mưu can thiệp vào việc kiểm phiếu của Đại cử tri Đoàn vào ngày 06/01 và ngăn cản “sự chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa” giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden. Dựa trên những lời đe dọa của các công tố viên đang tìm kiếm những hình phạt nâng cao bản án cho cáo buộc khủng bố, ông có thể phải đối mặt với án tù chung thân.
Trong cuộc gặp với FBI — một bản ghi do The Epoch Times thu được — ông Rhodes liên tục khẳng định những thành viên Oath Keepers không có kế hoạch tấn công Điện Capitol và trên thực tế, họ không đã không làm gì cả.
Khi ông nhận ra một vài thành viên Oath Keepers đã đi vào Điện Capitol, ông Rhodes nói, ông đã chấm dứt nhiệm vụ an ninh của họ và yêu cầu tất cả họ đến gặp ông ở phía đông của khu phức hợp này.
“Mọi người đã đến ngay nơi tôi bảo họ đến, không phải vì tôi muốn họ đi làm gì khác, [mà] vì tôi muốn tập hợp tất cả lại với nhau để giúp họ không gặp rắc rối,” ông cho biết. “Tôi không muốn họ dính líu đến bất kỳ [vụ] nào.”
Lãnh đạo của nhóm Oath Keepers ở Florida Kelly Meggs đã báo cho ông Rhodes và những thành viên khác đi vào Điện Capitol trong một nhiệm vụ sơ cứu, ông Rhodes nói.
“Vì vậy, khi tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra, rằng mọi người đã đi vào phía Tối cao Pháp viện, và một số người của chúng tôi đã đi vào, đó là khi tôi nói, ‘Được rồi, các bạn, chúng ta đi thôi. Tập hợp tất cả họ lại với nhau. Chúng ta hãy hướng tới Tối cao Pháp viện,” ông Rhodes nói. “Chỉ cần ra khỏi khuôn viên Điện Capitol. Đi [lời tục] ra khỏi đây.” Đó là những gì chúng tôi đã làm.
“Chúng tôi không có kế hoạch [lời tục] đi vào bên trong Điện Capitol đó.”
Các đặc vụ FBI gặp ông Rhodes ở Texas đã tống đạt lệnh thu giữ điện thoại của ông. Ông Rhodes đã cung cấp cho họ mã PIN bảo mật để truy cập vào điện thoại và hướng dẫn họ xem nội dung, với nỗ lực rõ ràng để cho thấy là ông không có gì phải che giấu.
Ông đề nghị ra tự thú nếu có bất kỳ cáo buộc nào trong vụ án.
Một trong những đặc vụ FBI nói: “Dựa trên những gì chúng ta đã trao đổi, tôi không thấy điều đó sẽ xảy ra, ông Stewart ạ.”
Khi ông bị bắt giữ vào tháng 01/2022, một đội SWAT (đội chiến thuật và vũ khí đặc biệt) đã đến nhà ông ở Texas và ra lệnh cho ông đầu hàng.
Ông Rhodes và Tổng cố vấn nhóm Oath Keepers Kellye SoRelle, người đã cùng tham gia trong cuộc gặp với FBI, đã bày tỏ lo ngại rằng lời khai về ngày 06/01 của họ có thể bị các công tố viên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ xuyên tạc.
Cuộc trò chuyện đó diễn ra tám tháng trước khi ông Rhodes bị truy tố và 16 tháng trước khi ông SoRelle bị truy tố về bốn tội danh liên quan đến cản trở.
“Này, hãy cho tôi biết nếu các vị cần câu trả lời nào khác,” ông Rhodes nói ở gần cuối cuộc phỏng vấn. “Tôi sẽ nói với các anh. … Tôi không tin sếp của các anh. Chỉ là thẳng thắn với các anh thôi. Tôi không tin. Vâng, đặc biệt là DOJ. Tôi không tin tưởng bất kỳ người nào — nói chung tôi không tin tưởng luật sư.”
Ông Rhodes bày tỏ lo ngại nội dung trên điện thoại của ông “bị rò rỉ cho các phương tiện truyền thông [lời tục]”.
“Chúng tôi không làm như vậy,” một đặc vụ FBI nói với ông. Ông SoRelle trả lời: “Ồ, sao cũng được. Chắc chắn DOJ sẽ làm điều đó.”
Nhóm Oath Keepers đã cung cấp an ninh
Ông Rhodes nhắc lại câu chuyện mà ông đã từng kể từ lúc đó, rằng các thành viên Oath Keepers đã đến Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/01 để cung cấp an ninh cho các sự kiện và hộ tống các khách VIP từ bài diễn văn của Tổng thống Donald Trump tại Ellipse đến các địa điểm xung quanh Điện Capitol, nơi họ dự kiến có bài diễn văn tại các sự kiện khác nhau.
“Đúng thế, đã có những sự kiện được phép diễn ra xung quanh Điện Capitol,” ông Rhodes nói. “Vì vậy, có người Latinh ủng hộ ông Trump, có người của ông Ali Alexander và tôi tin rằng có một số người khác được phép tham gia quanh Điện Capitol vì ban đầu, đó là nơi mọi người sẽ đến.
“Sau đó, ông Trump quyết định làm sự kiện của ông ấy tại Ellipse, thu hút tất cả không khí ở những sự kiện khác,” ông cho biết. “Nhưng không có sự kiện nào trong số đó nhằm mục đích là ‘Hãy xông vào Điện Capitol.’ Mà chỉ là, ‘Hãy đến đó và phản đối.’”
Ông Rhodes cho biết ông đã nói tại một sự kiện Những người Latinh ủng hộ ông Trump gần Điện Capitol vào sáng ngày 06/01. Ông SoRelle — người được ông Rhodes bảo vệ — cảm thấy lạnh, vì vậy họ rút lui đến một khách sạn gần đó, nơi một trong những thành viên Oath Keepers đang ở.
Ông Rhodes nói rằng ông không biết có rắc rối ở Điện Capitol cho đến khi ông nhận được cuộc gọi từ ông Michael “Whip” Greene, người từng là giám đốc điều hành nhóm Oath Keepers, vào ngày 06/01.
“Khi đó, chúng tôi đang ở khách sạn và sau đó Whip gọi cho tôi và nói, ‘Này, họ đang xông vào Điện Capitol.’ Tôi nói, ‘Được rồi. Chúng ta sẽ quay trở lại đó. Anh đang ở đâu?” ông Rhodes nói. “Và chỉ có tôi và anh ấy đang cố gắng liên lạc với nhau.”
“Và tôi thậm chí còn không nghĩ rằng một trong những người của tôi lại ngu ngốc [lời tục] như vậy,” ông nói. “Tôi đã gửi một tin nhắn rằng ‘Dù các anh làm gì, các anh biết đấy, đừng cố vào Điện Capitol.”
Ông Rhodes nói rằng ông và ông SoRelle sau đó đi đến Capitol, đi bộ lên phía đông. Ông nói rằng họ không biết bạo lực đã bùng phát ở phía tây, nơi có một đám đông lớn tụ tập ở đó.
“Chúng tôi đã đi bộ về phía Tối cao Pháp viện. Không có rào cản hay cảnh sát nào nói rằng ‘Quý vị không thể vào đây,’” ông cho biết. “Không hề có gì. Chỉ là một đám người đang đứng trên bậc thang.”
Ông Rhodes cho biết ông đã sử dụng ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal để truyền tin cho những người thành viên Oath Keepers gặp nhau tại một điểm ở chu vi Điện Capitol gần Tối cao Pháp viện. Khi các các thành viên Oath Keepers đến, ông nói, ông biết rằng một số trong số họ đã vào Điện Capitol qua Cửa Columbus ở đầu các bậc thang phía đông.
“Tôi đã nói,‘Hãy rời khỏi [lời tục] khu vực này,” ông Rhodes cho hay. “Chúng ta sẽ ra khỏi đây, hiểu chứ? Đi nào. Thế nhé mọi người.”
Ông Rhodes cho biết lãnh đạo của Oath Keepers ở Florida sau đó nói với ông rằng một nhóm đã vào bên trong Điện Capitol sau khi nghe tin một phụ nữ đã bị bắn.
“Chúng tôi nghe nói ai đó đã bị bắn, vì vậy chúng tôi đã đến để hỗ trợ y tế,” ông Rhodes đã dẫn lời ông Meggs nói. “Bây giờ, nếu anh ấy hỏi tôi, ‘Này, Stewart, chúng tôi nghĩ rằng ai đó đã bị bắn. Chúng ta có nên vào trong không?’ Tôi sẽ nói, ‘Không. Hãy ở yên đây.’”
“Các anh có thể — ông ấy có hai y tá đi cùng, các anh biết đấy. Tôi nói, ‘Này, hãy đứng ở bên ngoài, ở chân các bậc thang. Các anh muốn giúp ai đó, hãy đứng bên bên ngoài. Họ có thể mang những người đó đến cho các anh.’”
Ông Rhodes cho biết trước đó ông và ông Greene đã cố gắng liên lạc với ông Meggs, nhưng không thể nhận được tín hiệu điện thoại.
“Chúng tôi đã buông lỏng về mặt chỉ huy và kiểm soát,” ông cho biết, “Nên chúng tôi bị bất ngờ, muốn bảo đảm rằng người của chúng tôi, các anh biết đấy, đến gặp chúng tôi,” ông nói. “Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với họ trên điện thoại, nhưng không có tín hiệu. Vì vậy, đó là lý do tại sao tôi gửi tin nhắn.”
QRF không phải là một phần của một âm mưu
Các công tố viên cáo buộc rằng ông Rhodes và các thành viên Oath Keepers đã dự trữ một kho vũ khí và đạn dược tại một khách sạn ở Virginia để “lực lượng phản ứng nhanh” (QRFs) sử dụng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Điện Capitol.
Ông Rhodes nói với FBI rằng QRF sẽ chỉ được sử dụng nếu ông Trump viện dẫn Đạo luật Chống Bạo động và kêu gọi một lực lượng dân quân bảo vệ Tòa Bạch Ốc trong trường hợp bị Antifa tấn công, mà họ vốn đã đe dọa sẽ thực hiện.
Các QRF cũng được bố trí để chống lại Antifa, kẻ đã tấn công những người ủng hộ ông Trump tại các sự kiện ở Thủ đô vào cuối năm 2020, ông nói.
“Nhưng vấn đề QRF, đó chủ yếu là tinh thần [lời tục] đối phó với Antifa,” ông Rhodes nói. “Lúc ấy, nếu ông Trump kêu gọi chúng tôi làm dân quân, tôi có đi không? Tất nhiên. Chắc chắn rồi. Nhưng tôi sẽ không đi bất cứ đâu ở Thủ đô với bất kỳ súng ống nào, trừ khi ông ấy làm vậy.
“Bởi vì có rất nhiều cuộc thảo luận hồi tháng 11 về việc họ xông vào Tòa Bạch Ốc,” ông Rhodes nói. “Họ nói rằng họ sẽ đi và bao vây Tòa Bạch Ốc. Và vì vậy, tôi đã lo lắng về điều đó. Họ đã bàn tán rất nhiều về việc đó.”
Antifa không gây rối với các thành viên Oath Keepers, một phần vì họ không thể biết ai trong số những người này có thể đang là cảnh sát hoặc đã về hưu, những người được phép mang súng giấu ở bất cứ đâu theo Đạo luật An toàn của Các nhân viên Chấp pháp (LEOSA), ông Rhodes nói.
“Họ thực sự sẽ không bao giờ đến gần chúng tôi, chưa từng, không một lần nào cả,” ông nói. “Không ai trong số chúng tôi từng rút vũ khí của mình ra đối phó với họ, theo hiểu biết của tôi. Không bao giờ xịt hơi cay vào bất kỳ ai. Không bao giờ dùng dùi cui đánh bất kỳ ai.”
Ông Rhodes đã nói với các đặc vụ FBI nhiều lần rằng các QRF chỉ được sử dụng “nếu Tổng thống Trump kêu gọi chúng tôi làm dân quân.”
“Và mối quan tâm lớn của chúng tôi là Antifa,” ông nói. “Mối quan tâm của tôi là Antifa sẽ bạo động. Các anh biết đấy, điều gì sẽ xảy ra nếu Antifa bạo động?”
Ông Rhodes đã nói với các đặc vụ rằng Oath Keepers không phải là mối đe dọa đối với FBI hay chính phủ. “Thực ra thì chúng tôi cũng khá nhàm chán,” ông nói. “Tất cả những gì chúng tôi làm là bảo vệ con người, tài sản và các sự kiện. Và chỉ vậy thôi. Đó là cuộc diễn tập.”
Nếu ông Rhodes lo lắng về những gì FBI sẽ tìm thấy trên điện thoại của mình, thì ông đã không hành động như vậy. Sau một số do dự ban đầu về việc liệu việc cung cấp mã PIN điện thoại của mình có được coi là đồng ý cho việc tìm kiếm hay không, ông Rhodes đã nói với các đặc vụ nơi có thể tìm thấy nhiều loại thông tin khác nhau.
“Tôi luôn nói với người của mình rằng ‘Chúng ta không che giấu [lời tục] chính phủ Hoa Kỳ.’ Thậm chí đừng lo lắng về điều đó,” ông Rhodes nói.
Ông nói với các đặc vụ rằng ông chưa xóa nội dung khỏi điện thoại của mình. Ông còn nói đùa với một trong số các đặc vụ khi người này nói, “Tôi sẽ không phát hoảng lên vì việc này, phải không?”
“Tôi sẽ không quay lại và cố xóa nó đi [lời tục]. Không. Tất cả những thứ bí mật của tôi đều ở trong đó, anh bạn,” ông Rhodes nói. “Các anh sẽ thấy. Tất cả những thứ kỳ quặc của tôi.… Đừng xem video đấy. Trừ khi anh thấy phù hợp.”
“Cảm ơn ông đã cảnh báo,” vị đặc vụ nói.
‘Tôi thích súng’
Ông Rhodes đã nói rõ ràng về mối quan tâm của mình với súng.
“Tôi thích súng. Tôi mua súng và đạn mọi lúc,” ông nói. “Vì vậy, đừng để DOJ của các anh hay bất cứ thứ gì, những kẻ lập dị của Thủ đô phải băn khoăn về sự thật rằng tôi thích súng. Vì vậy, tôi đi bắn mọi lúc. Tôi mua súng và đạn. Đặc biệt là ở thời điểm này.”
“Trọng tâm của chúng tôi là — không phải là các anh — mà là về bọn [lời tục] Antifa (không thể phân biệt được) và cánh tả cực đoan. Toàn bộ quan điểm của chúng tôi đều như vậy, đó là đối thủ của chúng tôi.”
Ông Rhodes cho biết ông luôn mang theo vũ khí, trừ khi đến Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times