Độc giả: Bài viết ‘Vì Sao Có Nhân Loại’ truyền tải thông điệp chữa lành mạnh mẽ
Các độc giả cho hay bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” của Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, truyền đi một thông điệp chữa lành mạnh mẽ.
Ông Joseph Le Bel, một nhà quản trị vận hành, thích thú với những kiến thức về môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công trong bài viết này, và ông tìm thấy nhiều điểm tương đồng với đức tin Cơ Đốc của mình.
“Điều tôi cảm kích [về] bài viết đó là bài viết này chú trọng vào hệ thống đức tin … lời giải thích về cách để trở thành người tốt hơn và … mục đích làm người,” ông Le Bel, đến từ Phoenix, Arizona, chia sẻ với The Epoch Times.
Ông Le Bel, một tín hữu tận tụy của Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus Christ, yêu thích việc tìm hiểu các tôn giáo và các hệ thống tín ngưỡng khác nhau.
“Suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong tôi [đối với bài viết của Đại Sư Lý] là bài viết này sao mà tương đồng với đức tin của mình thế,” ông cho hay.
Trong bài viết, Đại Sư Lý đưa ra tư tưởng rằng lý do con người gặp rắc rối và đau khổ trên thế gian này là để tu dưỡng nhân cách đạo đức và trau dồi đức tin của mình.
“Và điều đó … tôi rất hiểu vì đó cũng chính là điều mà [tôn giáo] chúng tôi thuyết giảng: Lớn lên ở những nơi khắc nghiệt nhất là hoàn cảnh bạn có thể trải nghiệm điều tốt và điều xấu,” ông Le Bel bày tỏ.
“Kinh sách của chúng tôi … nói rằng … ‘làm sao chúng ta có thể tán dương điều tốt nếu chúng ta không nhận diện được điều ác?’” ông Le Bel nói thêm.
Đại Sư Lý cũng cho rằng việc giữ gìn những tư tưởng đoan chính, tuân theo các giá trị truyền thống, và tín Thần giữa những ảnh hưởng của chủ nghĩa vô thần hiện đại là chìa khóa để nhân loại trở về thiên đàng. Ông Le Bel cho biết điều này “về căn bản” tương đồng với những niềm tin của ông.
“Nếu chúng ta có thể kiên định với đức tin và hành xử cũng như suy nghĩ của chính mình, và chúng ta trở thành … một con người đích thực, hoặc là tận tâm hơn, hoặc có đạo đức hơn, thì cuộc sống của chúng ta sẽ có mục đích thiêng liêng hơn,” ông Le Bel nói.
“Và [mỗi] ngày chúng ta thức dậy, chúng ta sẽ dễ dàng thức giấc hơn vì chúng ta có mục đích,” ông nói thêm.
Ông Le Bel còn ca ngợi bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” vì đã đặc biệt chú trọng vào các khái niệm tâm linh, thay vì trộn lẫn chúng với các câu chuyện cá nhân để gợi lên những phản ứng cảm tính, điều thường xảy ra ở các cộng đồng tôn giáo khác.
“Tôi tin rằng những phản ứng cảm tính sẽ không bền lâu, bạn sẽ có thể … có cảm xúc trước một bài nói chuyện trong một thời gian nhưng những cảm xúc đó luôn … có hồi kết,” ông Le Bel nói.
“Còn khi bạn mở lòng ra và đón nhận một đức tin, thì điều đó sẽ tồn tại lâu dài,” ông nói thêm.
Nhà quản trị vận hành này còn chia sẻ bài viết của Đại Sư Lý mang theo một thông điệp mạnh mẽ mà người đọc có thể thọ ích từ đó, ngay cả khi họ không đồng ý với mọi nội dung trong bài viết.
“Bài viết này đưa ra một nền tảng để thảo luận … Nó khiến người ta suy ngẫm và điều đó cho phép chúng ta phân tích vị trí của chính mình trong xã hội,” ông kết luận.
Vượt lên khỏi áp bức
Laura Hampton, một thư ký tài chính tại North Georgia, cho hay việc đọc bài viết của Đại Sư Lý đã khiến cô tò mò về Pháp Luân Công. Trong khi tìm hiểu về môn tu luyện này, cô đã kinh hoàng khi biết về cuộc bức hại ở Trung Quốc.
Đại Sư Lý đã phổ truyền Pháp Luân Công ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992. Môn tu luyện tinh thần này, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, bắt nguồn từ các truyền thống Trung Hoa cổ xưa và bao gồm các bài giảng về đạo đức — dẫn đến giác ngộ tâm linh — tuân theo ba nguyên lý cốt lõi: chân, thiện, và nhẫn.
Pháp Luân Công đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, với ước tính số lượng học viên vào khoảng 70 triệu đến 100 triệu. Chính quyền cộng sản Trung Quốc, lo sợ số lượng học viên này sẽ đặt ra một mối đe dọa đến sự cai trị độc tài của Đảng, đã khởi xướng một chiến dịch càn quét nhằm xóa bỏ môn tu luyện này bắt đầu từ ngày 20/07/1999, một chiến dịch vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
“Tôi không thể hiểu nổi tại sao chính phủ Trung Quốc lại trừng phạt những người đang cố gắng rèn luyện thành người tốt,” độc giả 47 tuổi này nói với The Epoch Times.
Cô Hampton, một tín đồ Cơ Đốc Giáo, tin rằng Đại Sư Lý đang gửi đi một thông điệp chữa lành và giúp người dân Trung Quốc “vượt lên trên sự áp bức mà họ đang phải đối mặt.”
“Tôi không nghĩ rằng những gì Đại Sư đã đang truyền ra sẽ đe dọa chính quyền Trung Quốc,” cô nói.
“[Đại Sư Lý] đang đưa ra một thông điệp rất tích cực và người dân [nào] nhận được những thông điệp tích cực thì được tiếp thêm hy vọng. Và tôi không nghĩ rằng chính quyền cộng sản ở Trung Quốc muốn người dân của họ có hy vọng,” cô Hampton tiếp lời.
Bà tiếp tục bày tỏ lòng trân trọng trước [những nỗ lực] “đáng khen ngợi” của các học viên Pháp Luân Công trong việc kiên định theo đuổi đức tin của họ, ngay cả khi họ phải đánh cược cả mạng sống.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times