Doanh thu của Huawei sụt giảm kỷ lục, mảng smartphone hết thời ‘hoàng kim’
Theo kết quả công bố vào ngày 6/8 của Huawei, doanh thu trong nửa đầu năm nay đã giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái, còn doanh thu trong quý thứ hai giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, doanh thu ngành hàng tiêu dùng đã giảm gần một nửa.
Trong số tất cả các mảng kinh doanh của Huawei trong nửa đầu năm, doanh thu ngành hàng tiêu dùng gồm điện thoại di động lao dốc mạnh nhất, giảm 47%. Mảng kinh doanh giải pháp hạ tầng viễn thông giảm 14%.
Theo tờ Wall Street Journal đưa tin vào ngày 6/8, doanh thu của Huawei trong quý thứ hai đã giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, là quý giảm thứ ba liên tiếp và tốc độ giảm đã tăng nhanh kể từ cuối năm 2020.
Sau khi công bố các kết quả trên, ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là tồn tại và thực hiện mục tiêu một cách bền vững.”
Thời kỳ hoàng kim của điện thoại thông minh Huawei đã đi vào dĩ vãng
Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Canalys vào ngày 29/7, lượng tiêu thụ điện thoại di động của Huawei trong quý II năm nay đã giảm mạnh và lần đầu tiên rơi khỏi top 5 tại thị trường Trung Quốc sau 7 năm thành lập. Cụ thể là lượng tiêu thụ điện thoại di động vào quý II đã giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng ngày, Huawei đã phát hành loạt điện thoại di động P50 không có 5G. Giám đốc điều hành Dư Thừa Đông phụ trách mảng kinh doanh tiêu dùng cho biết, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ hạn chế điện thoại di động 5G của Huawei, ảnh hưởng đến nguồn cung linh kiện và năng lực thiết kế chip của Huawei, chip 5G chỉ có thể được sử dụng như 4G.
Từ chính quyền ông Trump đến chính quyền ông Biden đều áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Huawei, chủ yếu là do Huawei lợi dụng công nghệ dân sự cho mục đích quân sự của Trung Cộng và bị nghi ngờ đánh cắp bí mật từ các công ty Hoa Kỳ.
Vào ngày 15/9/2020, cựu tổng thống Trump hạ lệnh hạn chế nhập khẩu chip của Huawei. Khi ông Biden lên nhậm chức đã tiếp tục quy định này và ban hành lệnh hành pháp vào đầu tháng 6 năm nay để cấm người Mỹ đầu tư vào Huawei và các công ty khai thác công nghệ dân sự cho mục đích quân sự khác.
Ngoài ra, mảng kinh doanh điện thoại di động của Huawei không chỉ gặp khó khăn về chip, hệ điều hành HarmonyOS cũng vấp phải sự cố. Mặc dù đã phát hành được hai tháng kể từ ngày 2/6 năm nay, nhưng không có nhà sản xuất điện thoại di động trong nước nào sử dụng nó.
Hãng điện thoại ZTE của Trung Quốc cũng nằm trong lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Khi nói về hệ điều hành Hongmeng của ZTE, Giám đốc điều hành của Honor, ông Triệu Minh cho biết: “Không có kế hoạch áp dụng hệ thống Hongmeng trong năm nay” và “Chúng tôi sẽ xem xét việc sử dụng hệ thống Hongmeng trong tương lai, nhưng hiện tại chúng tôi ưu tiên lựa chọn hệ thống Android.”
Nhiều quốc gia đang đẩy nhanh việc tháo dỡ thiết bị viễn thông của Huawei
Từ đầu năm nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy nhanh việc tháo dỡ thiết bị viễn thông của Huawei.
Lấy Hoa Kỳ làm ví dụ, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã phê chuẩn kế hoạch trị giá 1.9 tỷ USD vào ngày 13/7, giúp các nhà khai thác truyền thông Hoa Kỳ tháo dỡ các thiết bị của công ty như Huawei và ZTE.
FCC xác định rằng Huawei và ZTE tạo thành mối đe dọa an ninh quốc gia đối với mạng truyền thông Hoa Kỳ vào năm 2020. Ủy ban còn cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng quỹ 8.3 tỷ USD của chính phủ Hoa Kỳ để mua thiết bị Huawei và ZTE. Ngoài ra, vào tháng 12/2020, Hoa Kỳ yêu cầu các nhà khai thác Hoa Kỳ tháo gỡ và thay thế thiết bị Huawei và ZTE.
Theo tờ Bloomberg đưa tin vào tháng 5 năm nay, các nước như Vương quốc Anh, Pháp và các quốc gia u Châu khác đang tháo gỡ thiết bị 4G và 5G của Huawei. Công việc tháo gỡ đang được tiến hành, bao gồm công ty viễn thông British Telecom lớn nhất nước Anh và nhà điều hành mạng di động lớn của pháp như Altice Europe, Bouygues Telecom, v.v.
Tờ Daily Telegraph cho biết vào ngày 4/7, nước Anh đang lên kế hoạch ngừng lắp đặt công nghệ Huawei trong hệ thống 5G của Anh trong vòng sáu tháng và đẩy nhanh việc loại bỏ các thiết bị Huawei đã lắp đặt.
Ngoài ra, các quốc gia như Úc, Canada, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác đã từ chối sử dụng thiết bị liên lạc của Huawei. Ví dụ: Ấn Độ gần đây đã quyết định loại Huawei và ZTE khỏi cuộc thử nghiệm 5G và các công ty được mời tham gia là NEC của Nhật Bản và Samsung của Nam Hàn.
Do Chu Nghi Khiêm, Trương Ngọc Khiết thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: