Doanh số bán lẻ giảm trong tháng Bảy, chịu ảnh hưởng bởi lượng mua xe hơi giảm mạnh
Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng Bảy, chủ yếu do lượng mua xe hơi yếu đi do tình trạng thiếu vi mạch tiếp tục khiến nguồn cung bị siết chặt.
Doanh số bán lẻ và dịch vụ ăn uống đã giảm 1.1% trong tháng Bảy, sau mức tăng 0.7% đã điều chỉnh vào tháng Sáu và giảm 1.7% vào tháng Năm, theo ước tính trước từ Cục điều tra Dân số (pdf). Các ước tính thống nhất là doanh số bán lẻ tháng Bảy giảm nhẹ 0.3%.
Nhà phân tích ngành cao cấp của Bankrate, ông Ted Rossman, cho biết trong một tuyên bố gửi qua email cho The Epoch Times rằng, “Doanh số bán lẻ giảm trong tháng Bảy lần thứ hai trong ba tháng. Có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu bị dồn nén đã vượt qua đỉnh điểm.”
Lĩnh vực có mức giảm mạnh nhất là doanh số bán xe có động cơ, giảm 4.3% so với tháng Bảy, bị cản trở bởi tình trạng thiếu hàng bán dẫn trên toàn cầu.
Doanh số bán hàng trực tuyến giảm, được phản ánh trong danh mục bán lẻ không thông qua cửa hàng giảm 3.1%.
Ông Rossman cho biết: “Các nhà bán lẻ không qua cửa hàng-danh mục bao gồm Amazon.com – là hãng giảm mạnh thứ hai trong tháng Bảy, có khả năng phản ánh sự gia tăng nhu cầu xảy ra vào tháng Sáu nhờ sự kiện ngày Prime Day.”
Các nhà bán lẻ quần áo trải qua đợt giảm mạnh nhất kế tiếp, giảm 2.6% so với tháng Bảy sau khi tăng 3.7% trong tháng Sáu.
Ông Rossman giải thích: “Quần áo là một lĩnh vực nóng trong những tháng gần đây, thực tế này cũng cho thấy sự đột biến do nhu cầu bị dồn nén và giờ là sự thoái lui.”
Loại trừ xe hơi, xăng dầu, vật liệu xây dựng, và dịch vụ ăn uống, doanh số bán lẻ đã giảm 1.0% trong tháng Bảy sau khi điều chỉnh tăng 1.4% trong tháng Sáu. Cái gọi là doanh số bán lẻ cốt lõi này tương ứng chặt chẽ nhất với thành phần chi tiêu của người tiêu dùng trong tổng sản phẩm quốc nội, chiếm khoảng 2/3 sản lượng kinh tế Hoa Kỳ.
Mặc dù doanh số bán lẻ hàng tháng yếu nhưng con số này trong cả năm vẫn tăng mạnh.
Ông Rossman cho chiết, “Có hai cách để nhìn nhận điều này: Ở khía cạnh bi quan hơn, chúng tôi thấy doanh số bán lẻ nói chung giảm trong tháng Bảy, và ngay cả trong số các ngành tăng trưởng, tăng trưởng chậm lại là một chủ đề. Tuy nhiên, theo cách tiếp cận lạc quan theo kiểu chiếc ly-đầy-một nửa thì doanh số bán lẻ tháng Bảy năm 2021 cao hơn một cách ấn tượng 15,8% so với tháng Bảy năm 2020.”
Một phần của sự hạ nhiệt trong doanh số bán lẻ có thể phản ánh sự luân chuyển chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ như du lịch và giải trí khi tỷ lệ chích ngừa tăng cùng với nền kinh tế mở cửa trở lại đã thúc đẩy nhiều người Mỹ đi du lịch và đến rạp chiếu phim.
Nhà hàng và quán bar là danh mục dịch vụ duy nhất được đưa vào báo cáo doanh số bán lẻ, cho thấy chi tiêu tại các dịch vụ ăn uống và đồ uống đã tăng 1.7% tương đối vững chắc so với tháng Bảy, sau khi tăng 2.4% trong tháng Sáu.
Các nhà kinh tế tại Bank of America Securities viết trong một nghiên cứu rằng, “Hãy nhớ rằng doanh số bán lẻ không chiếm phần lớn chi tiêu cho dịch vụ và do đó hạ thấp khả năng phục hồi của chi tiêu tiêu dùng nói chung.”
Doanh số nhà hàng và quán bar tăng trưởng chậm lại có thể phản ánh mối lo ngại của người tiêu dùng về sự gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19, căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra, do sự phát tán của biến thể Delta dễ lây lan hơn.
Ông Rossman cho biết: “Biến thể Delta dường như đã làm tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng hơn là doanh số bán hàng thực tế, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại là điều đáng xem, đặc biệt là vì mùa hè có xu hướng là thời điểm thuận lợi hơn cho các cơ sở ăn uống, đặc biệt là trong thời gian diễn ra COVID.”
Tâm lý người tiêu dùng Hoa Kỳ giảm mạnh vào đầu tháng Tám, với chỉ số niềm tin của Đại học Michigan giảm xuống độ sâu chưa từng thấy trong một thập kỷ do người Mỹ bày tỏ lo lắng về tài chính cá nhân, thất nghiệp và lạm phát.
Nhưng bất chấp những gì ông Rossman mô tả là “một báo cáo về niềm tin của người tiêu dùng tồi tệ một cách đáng kinh ngạc,” tâm lý mang tính cảnh báo này đã không chuyển thành việc chi tiêu giảm mạnh.
Ví dụ, Walmart đã công bố lợi nhuận cao vào thứ Ba và tăng hướng dự báo (lợi nhuận) trong tương lai.
Ông Rossman lưu ý rằng, “Biến thể Delta là một vấn đề quan trọng cần theo dõi, nhưng cho đến nay, dường như không có nhiều hứng thú với các hạn chế COVID bổ sung. Và chúng tôi không thấy xu hướng rộng rãi rằng người tiêu dùng giữ cự ly gần nhà hơn.”
Chi tiêu của người tiêu dùng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong quý II, giúp kéo mức GDP lên trên mức đỉnh trong quý IV/2019.
Với các hộ gia đình đang có ít nhất 2.5 ngàn tỷ USD các khoản tiền tiết kiệm dư thừa được tích lũy trong thời kỳ đại dịch, chi tiêu của người tiêu dùng có thể sẽ vẫn mạnh trong thời gian còn lại của năm.
Ông Rossman nói: “Tôi nghĩ rằng con đường phía trước cho các nhà bán lẻ vẫn còn khá tốt, đặc biệt là với khoản tiết kiệm vượt mức mà người tiêu dùng vẫn đang giữ.”
Reuters đã đóng góp vào báo cáo này
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: