Doanh số bán lẻ của Eurozone giảm mạnh trong tháng 12/2021
Doanh số bán lẻ tại 19 quốc gia Âu Châu sử dụng đồng euro yếu hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 12/2021, cùng tháng chứng kiến lạm phát trong khu vực tăng vọt lên mức cao kỷ lục, với mức giảm doanh số bán lẻ lớn nhất tập trung ở các quốc gia có các biện pháp COVID-19 nghiêm ngặt nhất.
Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh Âu Châu, đã báo cáo hôm thứ Sáu (04/02) rằng doanh số bán lẻ đã giảm 3% so với tháng trước trong tháng 12/2021, với dự báo đồng thuận cho rằng mức giảm khiêm tốn hơn nhiều là 0.5%. Tính trên cơ sở hàng năm, doanh số bán lẻ khu vực đồng euro tăng 2%, so với dự đoán tăng 5.1%.
Nhà kinh tế cấp cao Âu Châu tại Pantheon Macroeconomics, Melanie Debono, cho biết trong một tweet bình luận về sự bất ngờ đi xuống của doanh số bán lẻ.
Trong khi sự sụt giảm đã được ghi nhận trên toàn diện, các quốc gia khu vực đồng euro có các biện pháp COVID-19 nghiêm ngặt nhất đã chứng kiến mức giảm mạnh nhất.
Các nhà phân tích của ING cho biết trong một ghi chú: “Việc sụt giảm doanh số bán lẻ không gây ngạc nhiên khi tác động tiêu cực của làn sóng thứ 4 của virus coronavirus trở nên lớn hơn vào cuối quý. Các quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế nhất có mức sụt giảm lớn nhất – ví dụ như Đức và Hà Lan.”
Số liệu của Eurostat cho thấy, dẫn đầu mức giảm hàng tháng là Hà Lan (-9.2%), Tây Ban Nha (-5.7%), Đức (-5.5%) và Đan Mạch (-4.8%).
Một số quốc gia khu vực đồng euro chứng kiến doanh số bán lẻ của họ tăng so với tháng trước, đó là Latvia (7.2%), Slovenia (2.1%) và Bồ Đào Nha (0.9%).
Đối mặt với suy thoái kinh tế, một số quốc gia Âu Châu đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế COVID-19 của họ trong bối cảnh hy vọng làn sóng Omicron đang suy yếu. Đan Mạch hôm thứ Ba (02/02) đã dẫn đầu trong số các thành viên Liên minh Âu Châu bằng cách loại bỏ hầu hết các hạn chế, trong khi Pháp và Hà Lan tiến tới chấm dứt hoặc nới lỏng các hạn chế COVID-19.
Tuy nhiên, ở Đức, nơi các bệnh lây nhiễm tiếp tục lập kỷ lục hàng ngày, các quy định hạn chế tụ tập riêng tư và yêu cầu mọi người xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng hoặc phục hồi sức khỏe để vào các cửa hàng không cần thiết vẫn được áp dụng.
Phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết hôm thứ Hai (01/02): “Tôi nghĩ rằng vào thời điểm chúng ta có cảm giác rằng chúng ta có thể nới lỏng một cách có trách nhiệm, các chính phủ liên bang và tiểu bang sẽ thực hiện bước đó. Nhưng hiện tại, nó vẫn còn hơi sớm.”
Trong khi các nhà phân tích thường kỳ vọng doanh số bán lẻ sẽ phục hồi trong khu vực đồng tiền chung Âu Châu khi làn sóng Omicron giảm bớt và các biện pháp kiềm chế được dỡ bỏ, thì những sóng gió vẫn còn.
Các nhà phân tích của ING dự đoán: “Mặc dù chúng tôi kỳ vọng sẽ có sự phục hồi sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, nhưng chúng tôi kỳ vọng doanh số bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao. Hiện tại, tăng trưởng tiền lương vẫn còn rất khiêm tốn, tiền lương thực tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tỷ lệ lạm phát tăng cao, điều này làm giảm triển vọng tiêu dùng của các hộ gia đình.”
Lạm phát tiêu dùng của Eurozone trong tháng 12/2021 đã tăng 5.1% so với cùng thời kỳ năm trước, phần lớn là do giá năng lượng tăng 28.6%. Tuy nhiên, ngay cả khi không có năng lượng, giá vẫn cao hơn 2.8% so với một năm trước đó, làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng.
Các con số lạm phát nghiêm trọng ở khu vực đồng euro đã dẫn đến điều mà một số nhà phân tích mô tả là “chuyển hướng cứng rắn” của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) Christine Lagarde tại cuộc họp của ngân hàng trung ương hôm thứ Năm (04/02).
Bà Lagarde thừa nhận rủi ro lạm phát gia tăng và từ chối lặp lại chỉ dẫn trước đây của bà rằng việc tăng lãi suất chính của ECB trong năm nay là “rất khó xảy ra.”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Bình Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: