Hoa Kỳ: Doanh số bán lẻ bất ngờ tăng trong tháng Mười, nhưng triển vọng lại ảm đạm
Doanh số bán lẻ trong tháng Mười cao hơn dự báo của thị trường khi người Mỹ mua nhiều mặt hàng đắt tiền hơn như xe hơi và đồ nội thất, nhưng triển vọng cho mùa mua sắm quan trọng nhất trong kỳ nghỉ lễ có vẻ ảm đạm, khi đại công ty bán lẻ Target cảnh báo về sự sụt giảm nhu cầu của người tiêu dùng.
Bộ Thương mại đã báo cáo hôm 16/11 rằng doanh số bán lẻ đã tăng 1.3% trong tháng vừa qua, vượt qua dự báo của thị trường là 1.0%. Trong tháng Chín, doanh số bán lẻ không đổi, ở mức 0.0%.
Các lĩnh vực nổi bật bao gồm mua sắm xe hơi và phụ kiện đi kèm (+1.3% trong tháng Mười so với -0.3% trong tháng Chín), đồ nội thất (+1.1% trong tháng Mười so với -0.9% trong tháng Chín), và thương mại điện tử (+1.2% trong tháng Mười so với +0.6% trong tháng Chín).
Cái gọi là doanh số bán lẻ cốt lõi, không bao gồm xe hơi, xăng dầu, vật liệu xây dựng, và dịch vụ ăn uống, tăng 0.7% trong tháng vừa qua, so với 0.6% trong tháng Chín.
Doanh số bán lẻ cốt lõi tương ứng chặt chẽ nhất với bộ phận chi tiêu của người tiêu dùng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Sau báo cáo doanh số bán lẻ vượt dự báo, Morgan Stanley đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP quý bốn, từ 0.7% lên 1.7%.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu không mấy khả quan trong thời gian sắp tới, như đại công ty bán lẻ Target đã báo cáo hôm 16/11 rằng lợi nhuận quý ba của họ đã giảm khoảng 50% và cảnh báo rằng doanh số bán hàng sẽ chậm lại khi bước vào kỳ nghỉ lễ.
Target, với cổ phiếu giảm 15% khi mở cửa vào thứ Tư (16/11), đã cảnh báo về “những thay đổi đáng kể” trong hành vi của người tiêu dùng đang làm tổn hại đến nhu cầu khi lạm phát cao buộc các gia đình phải chuyển sang chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu.
Cô Christina Hennington, giám đốc tăng trưởng của Target, cho biết trong một cuộc gọi với các phóng viên rằng trong hai tuần cuối tháng Mười, sự nhạy cảm của khách hàng về giá cả đã tăng lên.
Hạ cánh mềm?
Các con số về doanh số bán lẻ đã làm dấy lên sự lạc quan dè dặt rằng nền kinh tế có thể tránh được một cuộc suy thoái như dự đoán vào năm tới hoặc suy thoái có thể nhẹ.
Ông Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng Bắc Mỹ tại Capital Economics ở Toronto, cho biết: “Rốt cuộc, chúng ta có thể sẽ hạ cánh nhẹ nhàng.”
Nhưng một số nhà phân tích đã chỉ ra sự yếu kém trong dữ liệu doanh số bán lẻ, đặc biệt là khi nhìn vào các kỳ hạn hàng năm và trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.
Doanh số bán lẻ tăng 8.3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Mười, giảm so với mức tăng 8.6% so với cùng kỳ năm ngoái của tháng Chín.
Ông Ted Rossman, nhà phân tích ngành cao cấp tại Bankrate, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử: “Giống như những tháng gần đây, mức tăng doanh số bán lẻ hàng năm tiếp tục gần như phù hợp với lạm phát. Điều đó nói lên xu hướng người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, nhưng không nhất định nhận về được nhiều hơn.”
Trong khi doanh số bán hàng tại các cửa hàng điện tử và thiết bị tăng 0.4% so với tháng trước trong tháng Chín, thì chúng đã giảm 12.1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Rossman nói thêm, “Điều này cho thấy rằng mọi người đang cắt giảm các giao dịch mua lớn hơn, thường là tùy theo hoàn cảnh. Điều đó có thể là do lạm phát cao đang khiến họ chi tiêu nhiều hơn cho các nhu yếu phẩm, và cũng bởi vì rất nhiều nhu cầu đã bị kéo xuống trong vài năm qua do đại dịch.”
Lạm phát ở Hoa Kỳ đã gần đạt mức cao nhất trong nhiều thập niên, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái vào tháng Mười.
Áp lực tăng giá đã khiến Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên, làm tăng chi phí đi vay và thúc đẩy suy đoán rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái—nếu nó chưa rơi vào suy thoái.
Nền kinh tế đã công bố hai quý liên tiếp tăng trưởng GDP âm vào đầu năm nay, đáp ứng định nghĩa chung về suy thoái kinh tế, mặc dù người nắm quyền quyết định của giới kinh doanh tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia vẫn chưa gọi đó là suy thoái kinh tế.
Dữ liệu sơ bộ của chính phủ được công bố vào cuối tháng Mười cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã mở rộng với tốc độ hàng năm là 2.6% trong quý thứ ba.
Hạ cánh cứng?
Trong khi một số quan chức của Fed cho biết họ vẫn tìm ra cách để nền kinh tế Hoa Kỳ tránh được tình trạng hạ cánh cứng – có nghĩa là suy thoái kinh tế – thì bà Esther George, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang của thành phố Kansas, nói với The Wall Street Journal trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba (15/11) rằng sự suy giảm là một khả năng rất thực tế.
Bà nói nói với các hãng thông tấn, “Tôi đang xem xét một thị trường lao động quá thắt chặt, tôi không biết làm thế nào để quý vị tiếp tục giảm mức lạm phát này xuống mà không làm chậm lại thực sự, và có thể chúng ta thậm chí phải thu hẹp nền kinh tế để đạt được điều đó.”
Kể từ tháng Ba, Fed đã tăng lãi suất lên khoảng 3.75–4.0%, tốc độ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất kể từ những năm 1980.
Bà George nói: “Tôi chưa từng thấy trong 40 năm làm việc với Fed một thời điểm thắt chặt như thế này mà không phải chịu một số hậu quả đau đớn.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times