Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nằm trong danh sách nhận trợ cấp COVID-19
Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Cộng được phát hiện là những tổ chức nhận trợ cấp tiền lương COVID-19 của Canada.
Trong một nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch, Cơ quan Doanh thu Canada (CRA) đã khởi động một sổ đăng ký tìm kiếm vào thứ Hai để giúp người dân Canada theo dõi các nhà tuyển dụng đã nhận Trợ cấp Lương khẩn cấp của Canada (CEWS) trong bối cảnh đại dịch virus Trung Cộng.
Trong số những người nhận, các công ty nhà nước Trung Cộng và các tổ chức phi lợi nhuận có quan hệ mật thiết với Trung Cộng được phát hiện đang nhận trợ cấp lương của Canada. Một số trong số đó bao gồm chi nhánh ở Canada của PetroChina, Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), China Mobile và Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc Canada (CCBC).
Khi được thời báo The Epoch Times hỏi tại sao các công ty này sẽ nhận được CEWS, ông Etienne Biram, nhân viên quan hệ truyền thông của CRA, nói rằng họ đã đáp ứng các tiêu chí đủ điều kiện cần thiết của một người sử dụng lao động đối với đặc ân này (CEWS), đồng thời nói thêm rằng “chỉ có thể yêu cầu trợ cấp lương để trả công cho nhân viên của tổ chức đủ điều kiện đã bị sụt giảm doanh thu.”
CEWS được chính phủ liên bang phát động để giúp các công ty bị sụt giảm doanh thu do đại dịch virus Trung Cộng để trang trải tiền lương cho nhân viên của họ.
Tuy nhiên, “nếu khi tiến hành kiểm tra sau đó, xác định rằng một doanh nghiệp không đủ điều kiện để được hưởng các khoản thanh toán CEWS, thì doanh nghiệp đó sẽ phải trả lại cho họ,” ông Biram nói.
Theo ông Biram, do các điều khoản bảo mật trong phần 241 của Đạo luật thuế thu nhập, cơ quan này không được phép thảo luận về các hồ sơ người nộp thuế cụ thể.
PetroChina Canada (PCC) là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của PetroChina, nhà sản xuất và phân phối dầu khí lớn nhất ở Trung Quốc, được niêm yết trên các sàn chứng khoán ở New York, Hồng Kông, và Thượng Hải. Tại Canada, PCC đã mua lại cát dầu của sông MacKay và cát dầu Dover ở vùng Fort McMurray, Alberta, để sản xuất bitum.
Cổ đông kiểm soát duy nhất của PetroChina là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), một trong những doanh nghiệp nhà nước dầu khí lớn nhất Trung Quốc, và đã bị Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) cảnh báo về mối đe dọa an ninh do do họ mua lại cổ phần quan trọng trong lĩnh vực năng lượng của Canada.
Trong báo cáo thường niên tháng 4 (pdf), CSIS đã cảnh báo về cách các công ty có quan hệ chặt chẽ với chính phủ nước ngoài và các cơ quan tình báo gây ra rủi ro an ninh cho Canada.
Báo cáo cho biết: “Việc mua lại công ty của các đơn vị này gây những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến các lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng quan trọng, kiểm soát các lĩnh vực chiến lược, gián điệp và các hoạt động chịu ảnh hưởng của nước ngoài, và chuyển giao công nghệ và chuyên môn bất hợp pháp.”
Ngoài ra, CNPC đã ban hành một chỉ thị vào tháng 8 – gần đây được thời báo The Epoch Times đưa ra – cho các văn phòng ở nước ngoài của họ tại hơn 10 quốc gia, bao gồm cả Canada, để “khẩn cấp tiêu hủy hoặc chuyển giao các tài liệu nhạy cảm” liên quan đến “các hoạt động xây dựng Đảng (cộng sản) ở hải ngoại.”
“Hoạt động xây dựng Đảng ở nước ngoài” ám chỉ những nỗ lực của Trung Cộng nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu bằng cách chỉ đạo các công ty Trung Quốc ở nước ngoài thực hiện các hoạt động bên ngoài hoạt động hợp pháp của họ, chẳng hạn như thu thập thông tin tình báo, đánh cắp thông tin nhạy cảm, và gây ảnh hưởng đến các quan chức địa phương, theo bình luận viên về Trung Quốc, anh Qin Ping thường trú tại New York.
Điều này phù hợp với Luật An ninh Quốc gia năm 2015 của Trung Cộng quy định rằng công dân và doanh nghiệp “có trách nhiệm và nghĩa vụ duy trì an ninh quốc gia,” và Luật Tình báo Quốc gia năm 2017 tuyên bố rằng “bất kỳ tổ chức và công dân nào đều phải tuân theo luật pháp, hỗ trợ, cung cấp hỗ trợ, và hợp tác trong công tác tình báo quốc gia, và bảo vệ bí mật của bất kỳ hoạt động tình báo quốc gia nào mà họ biết [nhấn mạnh thêm].”
Một bên nhận khác, BOC, một trong bốn ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất ở Trung Quốc, bị cáo buộc đã tạo điều kiện chuyển tiền cho các tổ chức khủng bố như Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine để thực hiện các vụ đánh bom và tên lửa ở Israel từ năm 2003 đến 2007 thông qua các chi nhánh ở New York.
Vào tháng Giêng, BOC đã đồng ý trả khoản tiền phạt 3 triệu euro và 900 ngàn euro tiền bồi thường thiệt hại cho các cơ quan thuế của Pháp để giảm các cáo buộc liên quan đến một âm mưu rửa tiền nghiêm trọng. Người ta nghi ngờ rằng ngân hàng đã tạo điều kiện cho 28 chủ doanh nghiệp và trung gian chuyển tiền trị giá gần 40 triệu euro từ chi nhánh ở Paris đến 168 tài khoản chủ yếu ở tỉnh Chiết Giang từ năm 2012 đến năm 2014 mà không phải trả thuế Châu Âu, theo báo cáo của Bloomberg.
Bên nhận tiếp theo, ICBC, một ngân hàng nhà nước khác của Trung Cộng, cũng bị sa lầy vào các vụ bê bối rửa tiền ở Tây Ban Nha trong những năm gần đây. Vào tháng 6, bốn cựu nhân viên và giám đốc điều hành của chi nhánh ngân hàng ở Madrid đã đạt được thỏa thuận nhận tội với các công tố viên Tây Ban Nha về việc họ liên quan đến rửa hàng trăm triệu euro từ Tây Ban Nha sang Trung Quốc từ năm 2011 đến năm 2013, hầu hết là cho các mạng lưới tội phạm đáng ngờ. Họ chấp nhận các án tù từ ba đến năm tháng và nộp phạt tổng cộng 22.7 triệu euro như một phần của thỏa thuận để giải quyết vụ việc.
Trong một tuyên bố tháng 5 năm 2016, các công tố viên Tây Ban Nha cho biết ICBC là một đường dẫn được sử dụng bởi “các tổ chức tội phạm Trung Cộng” để rửa tiền bất hợp pháp của họ từ gian lận thuế và buôn lậu.
China Mobile International (Canada) Inc., chi nhánh Canada của China Mobile International Limited (CMI) có trụ sở tại Hồng Kông, là một đơn vị nhận trợ cấp lương khác. CMI thuộc sở hữu hoàn toàn của China Mobile Ltd, công ty mẹ cuối cùng là China Mobile Communications Group Co., Ltd, thuộc sở hữu của Trung Cộng.
Vào tháng 5 năm 2019, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã từ chối gói thầu của China Mobile Ltd để cung cấp dịch vụ điện thoại tại Hoa Kỳ với lý do rằng công ty đặt ra “rủi ro thực thi pháp luật và an ninh quốc gia nghiêm trọng” do sự kiểm soát và quyền sở hữu của Trung Cộng đối với nó.
“Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng China Mobile để khai thác mạng điện thoại của chúng tôi nhằm tăng cường thu thập thông tin tình báo chống lại các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và các mục tiêu nhạy cảm khác phụ thuộc vào mạng này,” Chủ tịch FCC, ông Ajit Pai viết trong một tuyên bố bằng văn bản (pdf). “Đó là một rủi ro hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
CCBC, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi tám tập đoàn lớn của Canada và công ty nhà nước Trung Cộng CITIC vào năm 1978 với mục đích ủng hộ mối quan hệ bền chặt giữa Canada và Trung Quốc, cũng đang ở giai đoạn cuối của trợ cấp lương do virus Trung Cộng.
CCBC tiếp tục nhận được tài trợ từ CITIC, một tập đoàn được thành lập vào năm 1979 dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Trung Cộng khi đó, ông Đặng Tiểu Bình để thu hút đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, nhưng sau đó đã mở rộng ra nhiều công ty con với các khoản đầu tư trên khắp thế giới.
CITIC nổi tiếng là có liên kết chặt chẽ với quân đội Trung Cộng và bộ máy gián điệp của Trung Cộng.
Một báo cáo năm 2019 (pdf) của Ủy ban Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ trích dẫn một bài báo của thời báo Wall Street Journal báo cáo rằng CITIC đồng sở hữu AsiaSat, công ty thuê băng thông vệ tinh cho các công ty viễn thông nhà nước Trung Cộng, đổi lại việc cung cấp băng thông khả dụng của họ cho quân đội và cơ quan tình báo Trung Cộng.
Trong cuốn sách năm 2019 “Những điệp viên Trung Cộng,” nhà báo kỳ cựu người Pháp, ông Roger Faligot đã viết rằng CITIC, kể từ khi thành lập, được biết đến là có một số lượng lớn các mật vụ Trung Cộng.
Ông Faligot viết: “CITIC, một trong những doanh nghiệp nhà nước quyền lực nhất ở Trung Quốc, đang tràn ngập các mật vụ.”
Isaac Teo
Lê Trường biên dịch
XEM THÊM: