Đoàn di cư lớn gồm 3,000 người bắt đầu tiến về biên giới Hoa Kỳ-Mexico
Hôm 23/04, khoảng 3,000 người di cư trong một đoàn lữ hành lớn khởi hành từ miền nam Mexico và bắt đầu đi bộ về phía bắc trong điều mà các nhà tổ chức gọi là một cuộc biểu tình yêu cầu chấm dứt hoạt động của các trung tâm giam giữ giống như trung tâm đã bị cháy rụi hồi tháng trước, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Những người di cư này, chủ yếu là người Venezuela, bắt đầu đi bộ về phía bắc vào sáng sớm hôm 23/04 từ Tapachula, một thành phố ở Mexico gần biên giới với Guatemala.
Mục tiêu đã nêu của những người di cư này là đến Mexico City trong khoảng 10 ngày và kêu gọi đóng cửa các trung tâm giam giữ.
Hầu hết các đoàn lữ hành bắt đầu ở miền nam Mexico đều hướng về phía bắc tới Hoa Kỳ, với những người di cư thường coi những cuộc đi bộ đông người như vậy là một cách để đến biên giới Hoa Kỳ-Mexico.
“Chúng tôi tham gia đoàn lữ hành này để được an toàn hơn và không bị giam giữ,” anh Yoani, một người di cư Venezuela chỉ cho biết tên, nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Anh Yoani cho biết, khi đến Mexico City, anh và gia đình mình đang hy vọng sẽ đẩy nhanh quá trình pháp lý để đi tiếp.
Không rõ có bao nhiêu người biểu tình dự định tiếp tục hướng tới Hoa Kỳ.
Ngọn lửa chết chóc
Nhà tổ chức Irineo Mújica nói với The Associated Press rằng những người di cư này đang yêu cầu đóng cửa cơ quan nhập cư của Mexico, cơ quan mà một số người cho là đã gây ra vụ hỏa hoạn hôm 27/03 tại một trung tâm giam giữ ở Ciudad Juárez khiến 40 người thiệt mạng và thêm hàng chục người khác bị thương.
“Đó có thể là bất kỳ ai trong chúng tôi,” cô Miriam Argueta, một người di cư người Salvador, nói về những người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn, theo AP. “Trên thực tế, rất nhiều đồng hương của chúng tôi đã thiệt mạng. Điều duy nhất chúng tôi yêu cầu là công lý, và được đối xử như bất kỳ ai khác.”
Theo Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, vụ hỏa hoạn hôm 27/03 xảy ra khi những người di cư đốt những tấm nệm xốp khi biết mình sẽ bị trục xuất.
Đoạn video về vụ hỏa hoạn này cho thấy ba quan chức mặc đồng phục rời khỏi phòng và dường như bỏ lại những người di cư trong các phòng giam bị khóa khi ngọn lửa lan rộng.
Năm người phải đối mặt với cáo buộc sát nhân trong vụ hỏa hoạn chết chóc này, bao gồm ba nhân viên nhập cư và một nhân viên bảo vệ tư nhân, cũng như một người đàn ông Venezuela được cho là đã gây ra vụ hỏa hoạn.
Ông Mújica, một nhà lãnh đạo của nhóm hoạt động Pueblos Sin Fronteras, đã gọi các trung tâm giam giữ trên là “nhà tù”.
“Chúng tôi đang yêu cầu chính phủ thực thi công lý đối với những kẻ sát nhân, để họ ngừng việc che giấu cho các quan chức cao cấp,” ông Mújica nói với hãng tin AP ở Tapachula trước khi đoàn lữ hành lên đường tiến về phía bắc. “Chúng tôi cũng đang yêu cầu đóng cửa các nhà tù này và giải thể Viện Nhập cư Quốc gia.”
Một số người tham gia đoàn lữ hành mang theo thánh giá hoặc biểu ngữ ghi “Chính phủ đã sát hại họ”, ám chỉ đến những người đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn này.
Sau khi rời đi lúc bình minh, những người di cư này đã đến được một thị trấn cách Tapachula khoảng 9 dặm về phía bắc trước khi nghỉ lại qua đêm.
Đề mục 42
Diễn biến này xảy ra khi chính phủ Tổng thống (TT) Biden dự kiến sẽ dỡ bỏ Đề mục 42 vào ngày 11/05, mặc dù có những vụ kiện đang cố gắng giữ nguyên chính sách này.
Chính sách thời TT Trump này, vốn được ban hành trong đại dịch COVID-19, cho phép các nhân viên biên giới trục xuất ngay lập tức những người vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ.
Những người nhập cư bất hợp pháp được giải quyết theo quyền hạn của Đề mục 42 không được phép xin tị nạn khi ở Hoa Kỳ và bị trục xuất khỏi nước này. Chương trình Đề mục 42 đã được sử dụng hơn 2.5 triệu lần để chặn các yêu cầu xin tị nạn.
Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã và đang chuẩn bị đối phó với làn sóng người nhập cư bất hợp pháp khi Đề mục 42 được dỡ bỏ. Ban đầu, chương trình này dự kiến kết thúc vào ngày 21/12/2022, nhưng đã được gia hạn theo một quyết định của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Hồi tháng Một, DHS đã công bố một kế hoạch sáu trụ cột (pdf) để ứng phó với những thách thức do việc chấm dứt theo dự kiến của Đề mục 42 và sự thay đổi chính sách lớn mà kế hoạch này đưa ra.
Kế hoạch của bộ này bao gồm việc tăng tốc giải quyết cho những người nhập cư bất hợp pháp bị giam giữ ở biên giới, dựng nhiều lều tạm giam hơn, tăng cường nhân sự, tăng cường năng lực của NGO để tiếp nhận người sau khi người di cư được kiểm tra, và tăng cường truy tố hình sự những kẻ buôn lậu.
DHS ước tính rằng 9,000 đến 14,000 người di cư mỗi ngày có thể cố gắng nhập cảnh bất hợp pháp vào nước này khi chính sách Đề mục 42 kết thúc.
Đại hội Bắc Mỹ về Châu Mỹ Latinh, tổ chức ủng hộ người di cư, đã đổ lỗi cho tình trạng quá tải tại trung tâm giam giữ Ciudad Juárez là do các lệnh bắt giữ người di cư trong thành phố này. Họ cũng đổ lỗi cho chính sách nhập cư của Hoa Kỳ, bao gồm cả Đề mục 42.
“Nếu không có Đề mục 42, những cá nhân đó có thể đã không ở Mexico trong khoảng thời gian được gia hạn này vốn dẫn đến việc họ bị bắt trên đường phố Juárez và bị giam giữ ở ‘nơi trú ẩn,’” nhóm này cho biết trong một tuyên bố.
Bên cạnh các vụ kiện tìm cách giữ lại Đề mục 42, gần đây, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã đưa ra “Đạo luật Ngăn chặn Fentanyl Tràn qua Biên giới”. Đạo luật này sẽ bổ sung buôn lậu ma túy làm một cơ sở phụ trợ cho việc thực thi Đề mục 42.
Fentanyl hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người Mỹ từ 18 đến 45 tuổi.
Thượng nghị sĩ Mike Crapo (Cộng Hòa-Idaho), một trong những người đồng bảo trợ dự luật trên, cho biết: “Phải ngăn chặn dòng chảy fentanyl mất kiểm soát này từ biên giới phía nam đến các khu dân cư và cộng đồng của chúng ta.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times