Do nợ nần chồng chất các nước tham gia ngày càng phản đối Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Theo một nghiên cứu gần đây, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng từ các nước tham gia khi các khoản nợ của họ liên quan đến các dự án của Trung Quốc tăng lên.
Theo một nghiên cứu từ AidData, một phòng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu của William & Mary, được ra mắt vào năm 2013 bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, BRI có thể đang mất dần động lực do phản ứng dữ dội từ vấn đề nợ.
Nghiên cứu này đã phân tích 13,427 dự án do Trung Quốc hậu thuẫn tại hơn 165 quốc gia trong vòng 18 năm. Tổng giá trị của các dự án lên tới 843 tỷ USD.
AidData nhận thấy rằng 35% các dự án của BRI đã gặp các vấn đề về khai triển, “chẳng hạn như các vụ bê bối tham nhũng, vi phạm lao động, các hiểm họa môi trường và các cuộc biểu tình của công chúng.”
Ông Brad Parks, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết “ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang bỏ qua các dự án BRI quan trọng vì những lo ngại về giá quá cao, tham nhũng và tính bền vững của nợ.”
Mở rộng toàn cầu
BRI – đóng vai trò như một công cụ để mở rộng toàn cầu của Trung Cộng – tài trợ các khoản vay khổng lồ cho các quốc gia đang phát triển để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Các dự án phô trương đã được mô tả là một phần của cái gọi là ngoại giao bẫy nợ vì các khoản vay thường không trả được sẽ buộc các quốc gia phải trả lại Trung Quốc bằng hàng hóa hoặc đất đai.
Các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc cung cấp cho các quốc gia những khoản vay mà họ hầu như không thể trả được. Các khoản vay này sau đó được sử dụng để trả cho các công ty Trung Quốc nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm phát triển đường xá, cảng, nhà máy điện, hầm mỏ, viễn thông hoặc các tổ chức ngân hàng.
Theo báo cáo của AidData, 42 quốc gia thu nhập thấp và trung bình có mức nợ công đối với Trung Quốc vượt quá 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Báo cáo cho biết: “Trung Quốc đã sử dụng nợ thay vì viện trợ để thiết lập vị trí thống trị trên thị trường tài chính phát triển quốc tế.”
Báo cáo cho biết, các nhà nghiên cứu ước tính rằng chính phủ của một quốc gia có thu nhập trung bình từ thấp đến trung bình tham gia BRI đang báo cáo thấp hơn các nghĩa vụ trả nợ trên thực tế và có thể xảy ra của mình đối với Trung Quốc một khoản tương đương 5.8% GDP của quốc gia này. Báo cáo cho biết: “Nói chung, các khoản nợ không được báo cáo này trị giá khoảng 385 tỷ USD.”
Khi đồng ý tham gia BRI, các quốc gia kỳ vọng cơ sở hạ tầng mới sẽ thúc đẩy GDP của họ đủ để không chỉ trả nợ mà còn thu được lợi nhuận trong tương lai. Tuy nhiên, theo Antonio Graceffo, một giáo sư kinh tế, hầu hết các quốc gia không trở nên thịnh vượng từ các dự án.
Ông Graceffo đã lập luận rằng các quốc gia nghèo nhất đang phải gánh quá nhiều nợ BRI, trích dẫn một báo cáo của Ngân hàng Trung ương cho biết 23% các quốc gia tham gia vào sáng kiến cho biết nợ BRI đang khiến nợ ngoại quốc tăng lên mức không bền vững.
Ví dụ, vào tháng 12/2017, Sri Lanka đã cho Bắc Kinh thuê cảng Hambantota chính trong 99 năm, do không có khả năng thanh toán các khoản nợ BRI 1.4 tỷ USD. Điều này đã tạo cho Trung Cộng một cơ sở chính ở Ấn Độ Dương.
Trong một bài báo được xuất bản bởi Viện Gatestone, ông Lawrence A. Franklin tuyên bố rằng lợi ích kinh tế của BRI—chủ yếu ở các nước thuộc thế giới thứ ba—là điều đáng nghi ngờ và “một vài trong số các gói song phương này dường như nhằm giam cầm các quốc gia vốn đã nghèo khó trở thành một nước chư hầu kinh tế vĩnh viễn của Trung Quốc.”
Ông Franklin nói thêm rằng các mục tiêu của Bắc Kinh với BRI không chỉ là kinh tế mà còn là chiến lược và chính trị. “Các dự án của nó dường như không được thiết kế chủ yếu để thu hút những người bạn mới mà là để kiểm soát những quốc gia phụ thuộc mới, đặc biệt là ở những khu vực bị phương Tây bỏ quên hoặc trong phạm vi ảnh hưởng của phương Tây.”
Nghiên cứu của AidData cũng đánh giá rằng kể từ năm 2013, đã có nhiều trường hợp tạm ngừng và hủy bỏ dự án tại các quốc gia tham gia BRI. Malaysia đã hủy bỏ các dự án 11.58 tỷ USD, Kazakhstan gần 1.5 tỷ USD và Bolivia hơn 1 tỷ USD. Báo cáo còn tuyên bố ở một số quốc gia “có bằng chứng rõ ràng về ‘sự hối hận của quốc gia tham gia.’”
Báo cáo cũng đề cập rằng các cam kết tài chính phát triển quốc tế hàng năm của Trung Quốc cao gấp đôi so với Hoa Kỳ và các nước lớn khác.
Trong khi đó, vào tháng Sáu, Hoa Kỳ đã công bố sáng kiến mới của G7 về Xây dựng Lại Thế giới Tốt đẹp hơn (B3W), với mục tiêu là cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Parks cho biết: “B3W sẽ tăng sự lựa chọn trong thị trường tài trợ cơ sở hạ tầng, điều này có thể dẫn đến một số trường hợp rút lui các dự án BRI quan trọng.”
Ông Daniel Holl là một phóng viên tại Sacramento, California, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc.Ông chuyển đến Trung Quốc và ở đó gần bảy năm, học ngôn ngữ và văn hóa. Ông thông thạo tiếng Quan Thoại.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: