Đổ lỗi cho Nga về các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền là không thuyết phục
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden tuyên bố rằng Nga và các tin tặc có trụ sở tại Nga chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) gần đây vào các ngành công nghiệp lớn của Hoa Kỳ. Có thể đúng như vậy, nhưng không có lý do chính đáng để tin vào điều đó.
Sau khi các cơ quan tình báo, các công ty an ninh mạng tư nhân và báo chí Hoa Kỳ quy kết sai [thủ phạm] vụ tấn công vào những email của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ năm 2016 cho Nga (Russiagate), cơ quan an ninh quốc gia đã đánh mất niềm tin của công chúng Hoa Kỳ.
Tháng trước (05/2021), các tin tặc đã làm dừng hệ thống Colonial Pipeline, gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt ở 11 tiểu bang và District of Columbia. Hãng Colonial được cho là đã trả cho các tin tặc, một nhánh của tổ chức tội phạm mạng có liên hệ với Nga, khoản tiền chuộc 4.4 triệu USD. Trong tuần lễ từ 24-30/05, công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới, JBS, đã phải đóng cửa tất cả 9 nhà máy ở Hoa Kỳ sau khi bị tấn công. Theo FBI, thủ phạm là một nhóm tin tặc khác có liên hệ với Nga.
Các vụ tấn công này xảy ra sau các cuộc tấn công mạng có [quy mô] lớn hơn nhiều vào SolarWinds. Cuộc tấn công đó cũng xâm nhập vào các khách hàng của công ty công nghệ thông tin SolarWinds như các Bộ Tài chính, Bộ Năng lượng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và An ninh Nội địa và các công ty tư nhân như Microsoft, Cisco, Intel và Cục quản lý Bệnh viện Tiểu bang California. Vào tháng 04/2021, chính phủ ông Biden thông báo rằng cộng đồng tình báo đã cho rằng, với “mức độ tin cậy cao,” vụ tấn công này do cơ quan tình báo ngoại quốc Moscow thực hiện.
Theo Tòa Bạch Ốc, TT Joe Biden dự định nêu vấn đề tấn công mạng với TT Nga Vladimir Putin khi họ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh vào giữa tháng 06/2021. Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết: “Các quốc gia có trách nhiệm không chứa chấp tội phạm [tấn công bằng] ransomware.”
Nhưng nếu ông Biden thực sự đặt vấn đề đó với ông Putin, nhà lãnh đạo Nga sẽ khó giữ được thể diện. Các quan chức Hoa Kỳ từ thời chính phủ ông Obama, khi ấy ông Biden [còn] là quan chức cao cấp thứ hai, đã có thói quen đổ lỗi cho ông Putin về mọi thứ, bao gồm cả một cuộc tấn công mạng vào Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ làm lộ ra những email gây khó xử cho bà Hillary Clinton–ứng cử viên tổng thống năm 2016 của đảng này.
Vào tháng 06/2016, Washington Post là hãng thông tấn đầu tiên đưa tin rằng tin tặc Nga đã xâm nhập vào mạng máy điện toán của DNC (Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ). Các tuyên bố về vụ tấn công của Nga đã được công khai bởi CrowdStrike, một công ty an ninh mạng tư nhân được thuê bởi luật sư của chiến dịch tranh cử của bà Clinton, ông Perkins Coie. Khi Wikileaks công bố các email của DNC vào tháng 07/2021, chiến dịch tranh cử của bà Clinton nói với các ký giả rằng người Nga đã đánh cắp chúng để giúp ông Trump.
Điều quan trọng cần lưu ý là hai chi tiết chính. Đầu tiên, tuyên bố người Nga đã đánh cắp email chỉ dựa trên đánh giá của CrowdStrike rằng tin tặc Nga đã xâm nhập mạng. Cả FBI và bất kỳ cơ quan nào khác của Hoa Kỳ đều đã không được cấp quyền truy cập vào các máy chủ của DNC. Thứ hai, cùng một công ty cung cấp CrowdStrike [cho DNC] cũng đã thuê Fusion GPS để biên soạn bộ hồ sơ gây chú ý và chưa được xác thực cáo buộc ông Trump đã thỏa hiệp với các quan chức cao cấp của Nga, bao gồm cả chính ông Putin. Nói tóm lại, các nhà thầu cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã gieo rắc câu chuyện cho rằng Nga nhắm mục tiêu vào chiến dịch của bà Clinton để giúp ông Trump.
Tuy nhiên, chính các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ trong chính phủ ông Obama đã thổi phồng câu chuyện này với mục đích làm giảm uy tín nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Ví dụ, Giám đốc CIA John Brennan đã được ông Obama hướng dẫn để đưa ra một đánh giá của cộng đồng tình báo cho thấy ông Putin “có mong muốn giúp đỡ” ông Trump bằng cách làm mất uy tín của bà Clinton. Đánh giá được thực hiện với “mức độ tin cậy cao”—cùng mức mà các dịch vụ gián điệp của Hoa Kỳ đánh giá rằng Nga đứng sau vụ tấn công SolarWinds.
Ngay cả tổng thống đương nhiệm cũng đã giúp củng cố câu chuyện Trump-Nga. Theo các tài liệu của chính phủ, Phó Tổng thống Biden khi đó nói với FBI rằng cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn của ông Trump có thể đã phạm luật khi nói chuyện qua điện thoại với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ.
Như chúng ta đã biết, nhờ những ghi chú mà ông Brennan đã ghi trong cuộc gặp với ông Obama, câu chuyện Trump-Nga đã [lộ ra] là một mưu đồ trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton nhằm bôi nhọ ứng cử viên Đảng Cộng Hòa. Mọi thứ đều được tạo ra để gây thiệt hại cho ông Trump, thậm chí kể cả tuyên bố cho rằng Nga đã đánh cắp email của DNC. Là giám đốc điều hành CrowdStrike kiêm cựu đặc vụ FBI, ông Shawn Henry đã tuyên thệ trong lời khai trước Quốc hội vào tháng 12/2017, không có bằng chứng chắc chắn rằng các email đã bị đánh cắp, không phải bởi Nga hay bất kỳ ai về vấn đề đó. Ông Henry nói: “Không có bằng chứng cho thấy chúng thực sự đã bị đánh cắp. Có bằng chứng mang tính tình huống nhưng không có bằng chứng nào cho thấy chúng thực sự đã bị lấy trộm.”
CrowdStrike dường như đã được hưởng lợi từ việc tham gia vào Russiagate. Trong tuần lễ cuối tháng 05/2021, công ty đã công bố mức tăng trưởng lợi tức 400%, vượt xa kỳ vọng của Wall Street. Không nghi ngờ gì về sự bùng nổ của các cuộc tấn công ransomware gần đây đã góp phần vào thành công của các công ty an ninh mạng, và CrowdStrike, với sự nổi tiếng mà họ giành được từ một phần của chiến dịch chiến tranh thông tin của Đảng Dân Chủ, dường như đã được định vị tốt để thu lợi.
Tuy nhiên, ông Biden tiếp cận cuộc gặp tháng 06/2021 với ông Putin trong một vị trí bấp bênh. Các cơ quan tình báo ngoại quốc của phe đồng minh và đối thủ biết rõ vai trò của tổng tư lệnh Hoa Kỳ trong việc hạ thấp uy tín người tiền nhiệm của mình. Hơn nữa, ngày càng trở nên khó tin tưởng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, họ đã tự hủy hoại mình từ câu chuyện Russiagate. Nếu ông Biden thực sự muốn thách thức ông Putin về các cuộc tấn công mạng, thì đó sẽ là hành động ngoại giao tương đương với việc vung vẩy một khẩu súng bắn nước.
Nhưng kẻ thất bại lớn nhất tất nhiên là công chúng Hoa Kỳ, bị phản bội bởi các quan chức được bầu của họ và các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ đất nước khỏi sự lật đổ của ngoại bang. Những lời xảo ngôn mà họ rao bán để đạt được lợi ích chính trị đã khiến chúng ta dễ bị tổn thương trước những mưu đồ của các tác nhân thù địch và không thể thực sự phát hiện được danh tính của họ. Điều này như thể những người điều hành của chúng ta đã nhốt chúng ta đơn độc trong một căn phòng tối. Không chỉ những người ủng hộ ông Trump mà tất cả người Mỹ sẽ phải trả giá cho vụ Russiagate trong nhiều năm tới.
Ông Lee Smith là tác giả của cuốn sách được xuất bản gần đây có nhan đề “Cuộc Đảo Chính Vĩnh Viễn: Kẻ Thù Trong Và Ngoài Nước Nhắm Vào Vị Tổng Thống Hoa Kỳ Như Thế Nào”.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Lee Smith thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: