Đồ ăn trên bàn trở nên đắt nhất trong vòng 10 năm
Do tác động của nhiều yếu tố như giá năng lượng cao, khí hậu toàn cầu bất thường và mất cân đối cung cầu sau đại dịch, giá của nhiều loại thực phẩm đã liên tục bị đẩy lên đỉnh trong những năm gần đây. Các chuyên gia dự tính rằng, do chưa thể giải quyết các yếu tố nêu trên từ phía cung trong thời gian ngắn, nên xu hướng tăng giá lương thực có thể sẽ tiếp tục trong một đoạn thời gian khá dài.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu trong tháng 9 đã tăng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái, ngược hẳn với đà giảm đều đặn kể từ những năm 1960. Chỉ số giá lương thực của FAO đã tăng lên 130 điểm trong tháng 9, là mức cao nhất kể từ tháng 9/2011.
Chỉ số về chi phí Bữa sáng do Financial Times lập ra (bao gồm nhiều loại thực phẩm ăn sáng như cà phê, sữa, đường, lúa mì, bột yến mạch, nước cam v.v.) đã tăng 63% kể từ năm 2019, và là mức cao nhất trong một thập kỷ. Trong số đó, lúa mì đã tăng hơn 20% trong năm nay, yến mạch tăng 44%, đường tăng 26% và cà phê tăng 56%.
Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá lương thực tăng mạnh là rất phức tạp, nhưng chủ yếu nhất là do giá dầu tăng từ tháng 4/2020 đã khiến chi phí sản xuất và giao nhận lương thực tăng lên nhanh chóng.
Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và phân phối lương thực, những bất thường về khí hậu toàn cầu như nhiệt độ cao và mùa hè khô hạn cũng cản trở việc sản xuất ngũ cốc và sự phát triển của gia súc.
Một báo cáo hàng năm cách đây sáu tháng của Vibrant Communities Calgary – một tổ chức phi vụ lợi ở Calgary, California – cho thấy trước đây, một gia đình địa phương điển hình gồm 4 người chỉ chi hơn 220 USD cho thực phẩm trong một tháng. Ngày nay, khi giá lương thực tiếp tục tăng, chi tiêu cho thực phẩm hàng tháng của một gia đình 4 người đã lên tới 1,200 USD, nâng tổng chi tiêu của một gia đình 4 người vào năm 2021 lên 81,300 USD.
Nhiều người dân được phỏng vấn trả lời rằng, trong bối cảnh giá lương thực tăng như hiện nay, việc tăng lương đã không theo kịp đà tăng của giá cả. Chất lượng cuộc sống của đa số người dân đang giảm sút, khi mua sắm họ sẽ tìm đến nhiều cửa hàng để so sánh giá cả, một số bậc phụ huynh chỉ có thể quay về phương thức sống “liệu cơm gắp mắm”, tiêu dùng thanh đạm.
Mặc dù giá thực phẩm tiếp tục tăng nhưng theo một cuộc khảo sát mới nhất của Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Hoa Kỳ (FMI), các hộ gia đình phổ thông ở Hoa Kỳ vẫn duy trì mức chi tiêu cho thực phẩm hàng tuần là khoảng 143 USD. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất là 161 USD vào thời điểm bắt đầu bùng phát dịch bệnh từ tháng 3 đến tháng 4/2020.
Giá lúa mì tăng đột biến gần đây đã trở thành tâm điểm của sự chú ý. Dữ liệu từ Thị trường Kỳ hạn Chicago cho thấy vào hôm thứ Hai (1/11), giá một cân lúa mì kỳ hạn đã tăng lên 8 USD, là mức cao nhất trong vòng 9 năm và đóng cửa ở mức 7.89 USD vào hôm thứ ba, tăng hơn 23% trong năm nay.
Những người nông dân đổ lỗi cho giá lúa mì tăng do đất khô trong thời gian trồng trọt (Nga, Bắc Mỹ và Argentina bị hạn hán, lục địa Âu Châu bị lũ lụt) và giá thuốc trừ sâu tăng.
Giá bắp đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm là 7.35 USD/cân vào tháng 5 năm nay. Mặc dù kể từ đó nó đã giảm mạnh, đóng cửa ở mức 5.72 USD vào hôm thứ Ba, nhưng mức tăng của nó trong năm nay cũng là 18%. Giá đậu tương đã tăng lên mức cao nhất trong 9 năm là 16.67 USD / cân vào tháng 5. May mắn thay, mức chào giá mới nhất đã giảm xuống còn 12.55 USD, tức đã giảm khoảng 4% trong năm nay.
Để giải quyết tình trạng khó khăn của cuộc khủng hoảng lương thực, ông David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) gần đây đã đề xuất rằng, chỉ cần ông Elon Musk (CEO của Tesla), ông Jeff Bezos (người sáng lập Amazon) và những danh nhân khác … đóng góp 6 tỷ USD, sẽ có 42 triệu người trên thế giới có thể thoát khỏi nạn đói.
Người đàn ông giàu nhất thế giới Elon Musk đã trả lời rằng, nếu Liên Hiệp Quốc công khai tất cả các tài khoản của mình để công chúng có thể biết số tiền được sử dụng vào đâu, thì ông ấy sẽ quyên góp.
Ông Musk có thể đang ám chỉ rằng tổ chức Liên Hiệp Quốc hoạt động không hiệu quả, khiến ông không muốn dùng tiền để lấp hố sâu không đáy, hoặc ám chỉ rằng cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay không thể giải quyết bằng các khoản đóng góp từ những người giàu, nó đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các mắt xích trong chuỗi cung ứng. Mà nền kinh tế thị trường cũng chỉ ra rằng giá lương thực cao hơn sẽ khuyến khích nông dân gia tăng sản lượng, và việc cân bằng cung cầu sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Do Trương Đông Quang, Diệp Tử Vy thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: