Diogenes và công cuộc theo đuổi chân lý
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang lại cho tâm hồn…
******
Đôi khi, trong những dịp hiếm hoi, tôi ngồi và suy ngẫm về ý nghĩa sự tồn tại của bản thân mình. Tôi là ai?
Tôi thử loại bỏ tất cả những cá tính và đặc điểm mà tôi nhận thấy về bản thân mình và thử xem liệu tôi có thể vẫn là chính mình mà không có chúng hay không. Trong hầu hết các lần như vậy, tôi thấy rằng mình có thể. Tuy nhiên, tôi không thể tìm thấy bản thân mình nếu không có tình yêu với nghệ thuật. Điều gì đó từ nghệ thuật cho tôi biết rằng tôi có thể là một sinh mệnh sống trên quả địa cầu đang trôi dạt này mà chúng ta gọi là Trái Đất.
Tôi tin rằng mối quan tâm về sự chân thực của mình là điều mà rất nhiều người trong chúng ta cũng đã từng bắt gặp vào một thời điểm nào đó trong đời. Sự chân thực có nghĩa gì đối với tôi? Nó có ý nghĩa gì đối với quý vị?
Tôi bắt gặp một bức tranh tuyệt vời của John William Waterhouse được gọi với một cái tên đơn giản là “Diogenes.” Khoảng 2,500 năm trước, Diogenes, cũng giống như một số người trong chúng ta, là một người rất quan tâm tới sự chân thực.
Diogenes là ai?
Phải nói rằng Diogenes là một nhân vật rất thú vị. Có rất nhiều câu chuyện được tạo dựng kể về những hành vi không bình thường của ông.
Niềm tin và sự thực hành đã đưa ông đến với trường phái Cynics [Chủ Nghĩa Hoài Nghi], vốn đã trở thành một triết lý thúc đẩy việc theo đuổi chân lý hơn là các quy ước xã hội. Triết lý này khác với những người hoài nghi hiện đại, vốn luôn duy trì cái nhìn bi quan về cuộc sống trong sự hoài nghi của họ về mọi người và mọi thứ. Chủ Nghĩa Hoài Nghi truyền thống theo đuổi chân lý và đạo đức một cách mạnh mẽ và đề cao ba loại tự do: tự cung tự cấp, tự do ý chí, và tự do ngôn luận.
Diogenes trở thành một người sống tự cung tự cấp bằng cách thực hành một cuộc sống khổ hạnh, ông loại bỏ tất cả những gì không cần thiết khỏi cuộc sống của mình. Ví dụ, ông thấy một con chuột ngang nhiên chạy quanh mà không hề quan tâm và đã quyết định sẽ không can dự vào những phiền muộn của người thường nữa. Ông thấy lũ trẻ vốc nước uống bằng tay và ăn đậu lăng với bánh mỳ nên đã quyết định không cần dùng chén hay muỗng gì nữa. Ông thậm chí sống trong một cái thùng rượu lớn sau khi quyết định rằng một ngôi nhà tốt hơn là điều không cần thiết.
Theo cuốn “Cuộc đời của các triết gia lỗi lạc” của nhà viết sử Hy Lạp cổ đại Diogenes Laertius (không nên nhầm lẫn với chủ đề cùng tên), Diogenes “thường nhấn mạnh rằng các vị thần đã ban cho con người phương tiện để có một cuộc sống dễ dàng, nhưng điều này đã bị che khuất, vì chúng ta đòi hỏi bánh mì phải có mật ong, thuốc [thuốc mỡ] và những thứ như thế.” Diogenes nghĩ rằng trớ trêu thay, chính sự truy cầu được thoải mái của chúng ta có lẽ đã ngăn cản chúng ta thực sự sống thoải mái.
Tự do ý chí bao gồm việc theo đuổi đạo đức và chân lý. Diogenes sẽ gặp gỡ mọi người trong ánh sáng ban ngày, soi đèn vào mặt họ và tuyên bố rằng ông đang tìm kiếm một con người đích thực.
Laertius tuyên bố: “Ông ấy sẽ nói rằng đàn ông cố sức dẫm đạp lên nhau để vượt trên kẻ khác, nhưng không ai cố gắng để trở thành một người đàn ông tốt bụng và chân chính. Và ông tự hỏi rằng các nhà văn có nên điều tra căn bệnh của Odysseus, dù họ không biết gì về chính họ. Hoặc rằng liệu các nhạc sĩ có nên điều chỉnh các dây của thất huyền cầm, trong khi bỏ mặc sự bất hòa trong tâm hồn của họ; và rằng các nhà toán học có nên nghiên cứu mặt trời và mặt trăng, nhưng lại bỏ qua các vấn đề ngay trước mắt; rằng các nhà hùng biện có nên kêu gào về công lý trong các bài phát biểu của họ, nhưng chẳng bao giờ thực hành nó; hoặc rằng những kẻ ham tiền có nên kêu gào chống lại tiền bạc, trong khi lại vô cùng thích nó.”
Quyền tự do ngôn luận bao gồm cả khả năng nói một cách trung thực mà không sợ bị trừng phạt. Diogenes được biết đến việc ông nói bất kỳ điều gì ông muốn nói với bất kỳ ai mà ông muốn. Ông sẽ châm chọc mọi người, kể cả triết gia vĩ đại Plato hay nhà lãnh đạo uy quyền Alexander Đại Đế bằng những nhận xét dí dỏm.
Thực hành trí tuệ là mục tiêu của Diogenes, thay vì chỉ nghĩ nhiều về nó như các triết gia thường làm và sự tự do thực sự của đức hạnh chính là nền tảng của mục tiêu đó.
Bức tranh ‘Diogenes’ của Waterhouse
Năm 1882, Waterhouse đã vẽ một bức tranh thú vị về Diogenes. Một trong những điều đầu tiên tôi nhận thấy là một lan can cầu thang chia bố cục theo đường chéo từ trên bên phải xuống dưới bên trái. Chúng ngay lập tức được thể hiện với hai mặt của bố cục.
Ở phía bên phải, Diogenes ngồi trong thùng rượu được lót bằng rơm. Ông cầm tờ giấy trên tay, và quay lưng với những sự tình đang diễn ra phía bên trái của bố cục. Trông ông tương đối bẩn thỉu và nhếch nhác. Ngoài cái thùng có mấy củ hành tây, rất có thể là thức ăn của ông, và chiếc đèn ông dùng để tìm kiếm sự thật.
Phía bên trái của bức tranh là một phụ nữ trẻ nghiêng người qua lan can để quan sát Diogenes kỹ hơn. Phía trên cô là hai phụ nữ trẻ khác, họ đều ăn vận rất đẹp. Họ cầm ô và quạt để xua đi cảm giác khó chịu do nắng nóng. Trên bậc thềm là những bông hoa mà người phụ nữ đang nghiêng mình dùng để trang điểm cho mình.
Chiếc lan can đã khiến con mắt chúng ta chú ý phía trên cùng của bức tranh, ở phía xa hơn có rất nhiều người. Những người này dường như đang hưởng thụ những thứ xa hoa tương tự như ba cô gái trẻ ở cầu thang: Họ sở hữu những bộ quần áo đẹp và cầm ô che để bảo vệ mình khỏi ánh nắng mặt trời; họ dường như đang thong thả thư giãn.
Lòng dũng cảm của sự chân thực
Tôi thấy bố cục của bức tranh được chia làm hai phía rất thú vị. Tôi thấy rằng phía bên phải đại diện cho Chủ nghĩa Hoài Nghi của Diogenes, phía bên trái đại diện cho sự thoải mái trong xã hội.
Diogenes đã quay lưng lại với những tiện nghi theo các quy ước của xã hội bởi vì chúng không đem đến cho ông sự thật mà ông đang theo đuổi. Sự thoải mái và tâm truy cầu thấm đẫm trong họ đại diện cho một kiểu nô lệ.
Diogenes nắm trong tay thứ mà tôi tin là học thuyết của ông. Hành tây và thùng rượu nơi ông ở tượng trưng cho sự tự cung tự cấp từ sự khổ hạnh của mình, và ngọn đèn đại diện cho việc tìm kiếm chân lý của ông. Sự theo đuổi chân lý của ông đi cùng với cảm giác của sự tự do.
Tôi thấy những cô gái trẻ đứng sau ông đại diện cho sự tốt đẹp của xã hội. Những bộ quần áo sang trọng, những cây dù, những bông hoa và sự thư thái dường như thể hiện một địa vị xã hội nhất định. Liệu đám đông phía trên cầu thang là nơi họ định tới? Và nếu vậy, sự theo đuổi đó có cản trở họ đi tìm sự chân thực, sự tự do của họ không?
Tôi không có ý tranh luận rằng thoải mái là một điều gì đó không tốt. Tôi cũng giống như hầu hết mọi người, thích tận hưởng sự thoải mái. Tôi cũng không có ý tranh luận rằng sự khổ hạnh cực đoan là đức hạnh. Tuy nhiên, có một điểm chung là việc lựa chọn thoải mái cực độ hoặc khổ hạnh cực độ có thể ảnh hưởng đến sự chân thực và tự do của chính người đó.
Chúng ta phải thận trọng bởi vì chống lại đám đông vì lợi ích của chính nó có thể biến thành việc đi theo một đám đông khác, một cách khác khiến chúng ta mất tập trung trong việc tiến gần hơn với con người thật của chúng ta, một cách khác để tự trở thành nô lệ trong chuỗi xiềng xích do người khác tạo thành.
Người phụ nữ trẻ ở phía cuối cầu thang nghiêng người lại gần hơn để nhìn Diogenes rõ hơn. Khi nghiêng người gần hơn, sự quan tâm của cô ấy đã phá vỡ ranh giới và phủ bóng lên Diogenes. Phải chăng cô ấy cũng quan tâm tới sự thật và tự do mà không có ở phía trên kia cầu thang? Hay cô đang chia sẻ sự thích thú cùng với những người phụ nữ phía trên cô đối với Diogenes, một người đàn ông chọn con đường khổ hạnh nhưng cuối cùng lại viên mãn hơn?
Đôi khi, để tìm được bản ngã chân chính của mình, chúng ta phải thoát khỏi mưu cầu của đám đông. Việc theo kịp đám đông là đi cùng với sự hoang mang của nó.
Sự thật được xây dựng trên sự chân thành, thành tâm tìm kiếm sự thật bất kể người khác nghĩ gì về chúng ta. Đó là một cuộc theo đuổi đòi hỏi lòng dũng cảm, cả khi hoài nghi bản thân để tìm ra sự thật và khi đối đầu với một xã hội có thể coi việc theo đuổi đó là điên rồ. Có bao nhiêu người trong chúng ta có được sự dũng cảm này?