Điều ước Giáng Sinh của một nữ sinh New York: Cha mẹ được trả tự do
Một thiếu nữ 16 tuổi người Trung Quốc, đang học nhạc tại New York, hy vọng một điều ước Giáng Sinh giản dị của em có thể được thực hiện: cha mẹ em, những người đang bị giam giữ ở Trung Quốc vì tu luyện Pháp Luân Công, được trả tự do vô điều kiện.
Đã hơn một năm em Trần Pháp Duyên (Grace Chen Fayuan), một nhạc công đàn nhị tài năng, không nghe thấy bất kỳ tin tức nào về những gì đã xảy ra với cha mẹ em sau khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt giữ họ vào ngày 27/10/2020. Bản thân em đã phải đối mặt với sự giam giữ trong khoảng thời gian ngắn lúc 5 tuổi.
“Con chưa liên lạc được một lần nào với họ. Và con không biết họ đi đâu. Con nhớ họ,” em Trần nói trong một video dài 1 phút được Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, một văn phòng báo chí về Pháp Luân Công, đăng trên mạng xã hội.
Cha mẹ của em Trần, ông Trần Dương (Trần Yang) và bà Tào Chí Mẫn (Cao Zhimin), đến từ thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, đã bị bắt nhiều lần vì tu luyện Pháp Luân Công.
Một chiến dịch viết thư đã được tổ chức vào Giáng Sinh năm nay để giúp đỡ cha mẹ của em Trần. Mọi người được khuyến khích viết thư cho trung tâm giam giữ cuối cùng đã giam giữ cha mẹ em sau khi họ bị bắt.
Các bạn học trung học của em Trần gần đây đã viết hơn chục lá thư gửi đến cha mẹ em để động viên họ luôn mạnh mẽ, mong gia đình sẽ đoàn tụ sớm nhất ở New York.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thân tâm được truyền ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992. Theo ước tính chính thức vào thời điểm đó, trong vòng 5 năm sau, có 70 đến 100 triệu người Trung Quốc đã tu luyện môn này, vốn dựa trên các giá trị cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn.
Tuy nhiên, ĐCSTQ đã nhận thấy sự phổ biến ngày càng tăng của môn tu luyện tĩnh tại ôn hòa này, đồng thời các bài giảng đạo đức là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng Marx vô thần của nó. Vì thế, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch bạo lực trên toàn quốc từ tháng 07/1999 để đàn áp Pháp Luân Công, dẫn đến hàng chục ngàn học viên bị bắt và tra tấn, với nhiều người bị sát hại để lấy nội tạng.
Cha mẹ của em Trần nằm trong vô số những người khác đã bị kết án vào năm 1999 ngay sau khi cuộc bức hại này bắt đầu, khi họ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, theo một số báo cáo của Minh Huệ (Minghui.org) — một trang web chuyên đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Cha em, một kỹ sư máy điện toán, đã bị kết án bốn năm tù và bị tra tấn, bao gồm cả bị giật điện bằng dùi cui điện và bị đánh cho đến khi một chiếc răng của ông bị gãy. Mẹ em, một nhân viên bộ phận nhân sự của một công ty quốc doanh, đã bị giam giữ trong thời hạn ba năm và bị buộc phải lao động khổ sai hơn 10 giờ mỗi ngày. Em Trần cũng đã bị bắt một lần.
Năm 2010, em Trần, khi đó mới 5 tuổi, đang trên đường đến trường mẫu giáo cùng mẹ thì [bất ngờ] bị ít nhất 5 người đàn ông không rõ danh tính kéo cả hai lôi đi vào một chiếc xe hơi và đưa đến trung tâm tẩy não. Mẹ em đã được thả sau 17 ngày. Những người đàn ông này sau đó được xác định là các quan chức của Phòng 610 — một cơ quan ngoài hiến pháp phụ trách thực hiện cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Hồi tháng 04/2021, The Epoch Times đã đưa tin cho hay, một trang GoFundMe đã được lập ra để em Trần trang trải học phí và chi phí sinh hoạt của mình ở Hoa Kỳ sau khi cha mẹ em bị giam giữ và em phải tự xoay xở mà không có nguồn thu nhập. Vụ bắt giữ mới nhất khiến em Trần lo lắng cha mẹ em sẽ bị tra tấn một lần nữa.
“Bây giờ con đang rất lo lắng vì không có tin tức gì về cha mẹ mình,” em Trần nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước đó. “Con lo nhất là họ sẽ bị đánh đập và tra tấn một lần nữa … buộc họ phải ‘chuyển hóa’ và từ bỏ tu luyện.”
Chuyển hóa tù nhân lương tâm là hoạt động ngược đãi tâm lý thường lệ của chế độ cộng sản này, bao gồm tẩy não và tra tấn để ép những người có đức tin từ bỏ niềm tin tín ngưỡng của họ.
Người giám hộ của em Trần ở New York, cô Julia, khi đó đã nói rằng thiếu nữ này thường xuyên khóc sau khi cha mẹ em bị bắt.
Cô Julia nói: “Thỉnh thoảng, em ấy lại khóc hết nước mắt. Em ấy nói rằng em ấy không biết điều gì sẽ xảy đến với cha mẹ mình hoặc tương lai của em ấy ở đâu. Em ấy nói rằng em ấy sợ nhìn thấy xe cảnh sát hoặc nghe thấy tiếng còi xe cảnh sát.”
Em Trần đang tìm kiếm sự ủng hộ của những người hảo tâm để thực hiện ước nguyện Giáng Sinh của mình. Những ai muốn gửi thư cho cha mẹ của em Trần có thể gửi đến địa chỉ này: Số 1736, Đường Viễn Đại số 2, Thị trấn Tuyền Đường, Huyện Trường Sa, 410131, Trung Quốc.
https://www.youtube.com/watch?v=wa2KWMLkvSA
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: