Điều trị bệnh Alzheimer và trợ giúp người chăm sóc bằng âm nhạc
Nghiên cứu trên quy mô nhỏ cho thấy những lợi ích đáng giá khi áp dụng liệu pháp âm nhạc được cá nhân hóa trong điều trị bệnh Alzheimer.
Anh John Bufalini nhớ rõ lần đầu tiên anh chứng kiến những gì âm nhạc có thể làm, khi còn là sinh viên y khoa năm thứ nhất tại Đại học Y Penn State.
Anh đã quan sát thấy căn phòng của một cơ sở trợ giúp sinh hoạt cuộc sống thay đổi khi một phụ nữ cao tuổi nhảy múa theo điệu nhạc [ưa thích] từ thời trẻ. Sau đó, khi người chồng nắm tay và cùng bà lướt hai bước nhảy, anh Bufalini đã nhìn thấy niềm vui của cặp đôi tràn ngập căn phòng của khu chăm sóc điều dưỡng lành nghề trong sự kinh ngạc.
Anh Bufalini, hiện là bác sĩ nội khoa tại Trung tâm Y tế Penn State Health Milton S. Hershey, cho biết: “Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến sức mạnh thực sự của âm nhạc.”
“Tôi đã chứng kiến một phụ nữ lặng lẽ đang ngồi trên ghế và chìm trong thế giới của riêng mình trở thành một người sôi nổi nhảy múa quanh phòng. Tôi cũng thấy chồng bà thích thú với từng bước chuyển mình đó.”
Anh Bufalini quan sát khoảnh khắc đó khi thu thập dữ liệu trong một nghiên cứu do ông Daniel George, phó giáo sư khoa học nhân văn và sức khỏe cộng đồng, và ông Paul Eslinger, giáo sư thần kinh học và bác sĩ thần kinh học, giám sát. Anh Bufalini đã làm việc với ông George và Eslinger để đánh giá tác động của các can thiệp âm nhạc được cá nhân hóa đối với những người bị sa sút trí tuệ và những người chăm sóc họ.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng các can thiệp dựa trên âm nhạc có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị bệnh Alzheimer và các rối loạn liên quan. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng nghiên cứu của họ là một trong những nghiên cứu đầu tiên về cách âm nhạc cũng có thể đem lại lợi ích cho những người chăm sóc, thường là vợ chồng, con cái, và anh chị em ruột. Họ phát hiện ra rằng những người chăm sóc cho biết họ cảm thấy bớt choáng ngợp hơn sau khi tham gia các buổi âm nhạc.
Ông George cho biết: “Những người chăm sóc bị bỏ qua trong nhiều nghiên cứu. [Mặc dù,] có trải nghiệm những niềm vui đáng kể nhưng họ cũng có những gánh nặng khi chăm sóc những người thân yêu. Số lượng người chăm sóc, thường là các thành viên trong gia đình, tiếp tục tăng lên khi dân số già đi và tỷ lệ sa sút trí tuệ tăng lên.”
“Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng âm nhạc được cá nhân hóa sẽ giúp cải thiện tương tác giữa bệnh nhân và người chăm sóc, đem đến nhiều cảm giác hạnh phúc hơn.”
Theo các nhà nghiên cứu, bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ liên quan – ảnh hưởng đến 6 triệu người Mỹ mỗi năm và 25 triệu người trên toàn cầu – có thể ảnh hưởng đáng kể không chỉ đến nhận thức mỗi người mà còn cả các mối quan hệ gia đình. Họ nói rằng việc có thể duy trì kết nối riêng tư và cảm xúc thông qua âm nhạc có thể bổ sung cho điều trị bằng thuốc hiện tại khi bệnh tiến triển.
Ông Eslinger nói: “Ký ức về âm nhạc của riêng một người có thể kéo dài nhiều thập niên và gắn liền với những trải nghiệm và ký ức quan trọng trong cuộc sống. Nhờ mối liên kết theo cách đầy cảm xúc, âm nhạc có thể kích hoạt những ký ức và trải nghiệm này một cách tự động hơn là thông qua lời nói.”
“Những loại ký ức dựa trên cảm xúc có khả năng chống lại bệnh Alzheimer cao hơn, đó là lý do vì sao âm nhạc vẫn có thể gợi mở ra chúng.”
Bảy cư dân của một cơ sở điều dưỡng lành nghề (từ 76 đến 92 tuổi) và những người chăm sóc (từ 53 đến 84 tuổi) đã tham gia tám buổi can thiệp bằng âm nhạc, trong đó những người tham gia nghe danh sách phát được cá nhân hóa trong khoảng 15 phút. Trước và sau mỗi phiên, những người chăm sóc đã trả lời các câu hỏi về việc họ có cảm thấy choáng ngợp hay hữu ích đối với bệnh nhân hay không, cũng như nhận thức của họ về việc chăm sóc và tình trạng của bệnh nhân. Trong các buổi học, anh Bufalini đã quan sát thấy các cặp giao tiếp bằng ánh mắt, tiếp xúc cơ thể, mỉm cười, hơi thở và tư thế thoải mái cũng như giao tiếp bằng lời nói tích cực.
Mặc dù kích thước mẫu còn nhỏ, nhưng phân tích dữ liệu cho thấy những người chăm sóc cho biết họ cảm thấy bớt choáng ngợp hơn đáng kể sau các buổi can thiệp bằng âm nhạc. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng dữ liệu vẫn có thể có ý nghĩa lâm sàng. Những người chăm sóc cho biết họ cảm thấy tích cực và lạc quan hơn và đánh giá cao hơn về mối quan hệ của họ với bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy sự gia tăng gắn kết giữa các cặp. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tập san Báo cáo về bệnh Alzheimer vào tháng Hai.
Ông George cho biết: “Trước những thách thức đáng kể trong việc phát triển thuốc điều trị chứng sa sút trí tuệ, các phương pháp thu hút các giác quan và kết nối với phần tinh túy của con người là công cụ tốt nhất để cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị sa sút trí tuệ.”
Mặc dù các nhà nghiên cứu không có kế hoạch mở rộng nghiên cứu ngay lập tức, nhưng họ hy vọng những người khác có thể tiếp tục khám phá việc dùng âm nhạc để cải thiện chất lượng cuộc sống của người chăm sóc và bệnh nhân, dựa trên cơ sở lý luận mạnh mẽ về thần kinh và cảm xúc xã hội cho hoạt động này. Họ lưu ý rằng có thể áp dụng can thiệp phù hợp với từng người cả trong nhà riêng cũng như các tổ chức. Với chi phí thiết kế thấp, họ tin rằng liệu pháp này có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, kể cả trong các cơ sở có nguồn lực hạn chế.
Anh Bufalini nói: “Các giải pháp can thiệp dựa trên âm nhạc phù hợp với từng người có thể giúp những người chăm sóc trong việc trợ giúp người thân bị mất trí nhớ. Họ cũng có thể cải thiện trải nghiệm chăm sóc nhờ giảm căng thẳng và gánh nặng.”
Các nhà nghiên cứu báo cáo không có xung đột về lợi ích trong nghiên cứu.
Nguồn tài trợ cho dự án đến từ Viện Khoa học Dịch thuật và Lâm sàng tiểu Bang Pennsylvania thông qua Trung tâm Quốc gia về Tiến bộ Khoa học Dịch thuật của Viện Y tế Quốc gia và từ Giải thưởng Nghiên cứu Joseph và Mary Caputo của Trung tâm Bác sĩ Kienle về Y học Nhân văn, Đại học Y tiểu bang Pennsylvania. Nội dung hoàn toàn thuộc trách nhiệm của các tác giả và không nhất thiết thể hiện quan điểm chính thức của các nhà tài trợ.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times