Điều kiện tài chính đang thắt chặt
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp tục háo hức mua mỗi khi cổ phiếu nhào sâu hoặc giảm giá với hy vọng rằng giá cổ phiếu sẽ sớm đạt mức cao mới của mọi thời gian. Trong khi các nhà đầu tư này ném tiền vào cổ phiếu, họ không thể nhìn thấy các dấu hiệu cảnh báo rằng các điều kiện tài chính đang thắt chặt. Khi điều kiện tài chính trở nên quá eo hẹp, thì các tài sản có rủi ro sẽ có xu hướng sụp đổ.
Các nhà đầu tư cố tình mù quáng trước những dấu hiệu cảnh báo này vì họ tin rằng cổ phiếu có thể và sẽ chỉ đi lên. Tuy nhiên, đồng USD đang từ từ tăng lên và lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn đang giảm. Hai điều này cho thấy các điều kiện tài chính dễ dàng đang lùi lại phía sau chúng ta và các nhà đầu tư nên chú ý đến cảnh báo của các dấu hiệu này.
Với việc Cục Dự trữ Liên bang dự kiến sẽ công bố gia tăng chương trình thu hẹp bảng cân đối kế toán tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang từ ngày 14 đến ngày 15/12, các điều kiện tài chính sẽ bị thắt chặt nhanh chóng hơn nữa. Điều mà các nhà đầu tư bán lẻ không thấy là đồng USD tăng và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm đang cho thấy rõ rằng các điều kiện tài chính hiện tại và tương lai sẽ thắt chặt.
Lý do kỳ vọng về các điều kiện tài chính thắt chặt hơn đang tăng lên liên quan đến việc nới lỏng định lượng khiến cung tiền tăng lên như thế nào. Nới lỏng định lượng là một yếu tố góp phần lớn vào việc mở rộng cung tiền, do đó, khi Fed giảm bớt và cuối cùng kết thúc chương trình mua tài sản quy mô lớn, tốc độ tăng cung tiền sẽ giảm xuống dưới xu hướng.
Với giá tài sản đang ở mức cực cao, cung tiền cần tiếp tục mở rộng để hỗ trợ giá tài sản. Nếu không có đủ số lượng USD mới được tạo ra để hỗ trợ giá tài sản và Fed dự kiến sẽ kết thúc chương trình của mình vào đầu năm tới, giá trị của USD hiện có sẽ tăng lên khi USD trở nên có giá trị hơn. Nhiều nhà đầu tư không hiểu cách mà giá trị của đồng USD báo hiệu liệu các điều kiện tài chính hiện thời đang thắt chặt hay nới lỏng.
Là đồng tiền dự trữ toàn cầu, giá trị của đồng USD quyết định các điều kiện tài chính hiện tại là đang nới lỏng hay thắt chặt. Khi đồng USD giảm giá trị, các điều kiện tài chính hiện tại đang được nới lỏng và khi đồng USD đang tăng giá trị, các điều kiện tài chính hiện thời đang thắt chặt. Việc đồng USD cao hay xuống thấp sẽ quyết định các điều kiện tài chính thắt chặt hay thả lỏng.
Trong khi giá trị của đồng USD biểu thị các điều kiện tài chính hiện tại, giá trị của trái phiếu kho bạc biểu thị các kỳ vọng tài chính trong tương lai. Rốt cuộc, Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ chỉ đơn giản là một dạng của những đồng USD tương lai. Một nhà đầu tư mua trái phiếu kho bạc với kỳ vọng nhận lại số USD đó, cùng với cổ tức hàng tháng, tại một thời điểm xác định trước trong tương lai.
Khi lợi suất Trái phiếu Kho bạc dài hạn tăng, điều đó có nghĩa là các điều kiện tài chính trong tương lai có khả năng nới lỏng và khi lợi suất Trái phiếu Kho bạc dài hạn giảm, điều đó có nghĩa là trong tương lai các điều kiện tài chính có khả năng bị thắt chặt. Mặc dù mối quan hệ này có vẻ ngược đối với hầu hết mọi người, nhưng nó chính xác.
Khi lợi suất trái phiếu Kho bạc dài hạn cao và đang tăng lên, Fed làm như vậy để hút tiền dư thừa trong hệ thống tài chính, đó là lý do tại sao lợi suất trái phiếu Kho bạc dài hạn tăng cho thấy các điều kiện tài chính trong tương lai có khả năng vẫn nới lỏng. Lợi suất trái phiếu trái phiếu Kho bạc dài hạn thấp và giảm cho thấy có sự thiếu hụt tiền trong hệ thống tài chính và lãi suất cần giảm để thúc đẩy việc tạo ra tiền mới thông qua cho vay.
Khi đồng USD giảm và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, điều đó có nghĩa là các điều kiện tài chính hiện tại đang được nới lỏng và các kỳ vọng trong tương lai có thể sẽ nới lỏng. Các điều kiện tài chính có thể nới lỏng vì nhiều lý do, bao gồm kích thích tài khóa, chính sách tiền tệ nới lỏng và sự gia tăng cho vay của các ngân hàng thương mại.
Trong những tháng sau đại dịch, đồng USD giảm do chính phủ Liên bang vay tiền từ các nguồn trong và ngoại quốc, sau đó chuyển cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp, những người hăng hái chi USD vào nền kinh tế thực. Kích thích tài khóa đã nới lỏng các điều kiện tài chính hiện tại mà lẽ ra sẽ bị thắt chặt do nền kinh tế buộc phải đóng cửa.
Fed tiếp tục nới lỏng các điều kiện tài chính bằng cách tham gia vào việc mua tài sản quy mô lớn hoặc nới lỏng định lượng dẫn đến việc kiềm chế lãi suất, giúp mở rộng cho vay của các ngân hàng thương mại. Khi các ngân hàng thương mại cho vay, [cung] tiền mới được tạo ra.
Khi kích thích tài chính tác động đến tài khoản ngân hàng người tiêu dùng và cho vay thương mại tăng đột biến, lợi suất trái phiếu kho bạc bắt đầu tăng. Lợi suất trái phiếu Kho bạc dài hạn tăng do kỳ vọng tăng rằng các điều kiện tài chính trong tương lai sẽ dễ dàng hơn nữa, vì các nhà đầu tư tin rằng các chính sách tiền tệ dễ dàng của Fed sẽ thúc đẩy nền kinh tế mở rộng nhanh chóng.
Hôm nay, đồng USD đang tăng và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm, điều này cho thấy điều kiện tài chính hiện tại đang được thắt chặt và kỳ vọng đang tăng lên rằng trong tương lai các điều kiện tài chính cũng sẽ bị thắt chặt. Các nhà đầu tư nên được cảnh báo trước, vì khi đồng USD tăng và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm, điều đó thường có nghĩa là các tài sản rủi ro sắp sụp đổ.
Trước thềm cuộc Khủng hoảng Tài chính Vĩ đại, đồng USD đã tăng khi lợi suất trái phiếu Kho bạc dài hạn sụp đổ. Đồng USD tăng khi lợi suất giảm trong giai đoạn điều chỉnh vào tháng 12/2018 và vụ sụp đổ vào tháng 3/ 2020. Mặc dù thời điểm này có thể khác, nhưng các nhà đầu tư cần lưu ý rằng các điều kiện tài chính đang bị thắt chặt ngay trước mắt.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Steven Van Meter, CFP, thiết kế và quản lý các chiến lược đầu tư độc đáo. Ông ấy có một chương trình trên YouTube, nơi người hâm mộ trên toàn cầu theo dõi để nghe suy nghĩ của ông ấy về nền kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ và thị trường.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: