Điều kiện làm việc tàn tệ khiến một người đàn ông Trung Quốc chọn ‘nằm im’
Đối với nhiều thanh niên trên thế giới, ước mơ về sự giàu có và thoải mái là chuyện thường tình. Trong khi cơ hội vẫn có ở một số quốc gia, nhiều thanh niên Trung Quốc đang từ bỏ hy vọng về khả năng thăng tiến đi lên trong xã hội và chọn lối sống thụ động, đáp ứng các nhu cầu cá nhân cơ bản – một xu hướng xã hội được gọi là “nằm im.” (Lối sống từ bỏ cạnh tranh và cố gắng, được coi là đại diện cho sự phản đối âm thầm đối với sự bất công, thường là kết quả của các yếu tố cấu trúc và thể chế mà nỗ lực cá nhân không còn có thể thay đổi được)
Một người đàn ông 23 tuổi, lấy bút danh Jiang, đã kể lại những khó khăn của mình khi theo đuổi cuộc sống lý tưởng ở Trung Quốc bằng cách nhận làm công việc như một công nhân nhập cư, và cuối cùng từ bỏ những hy vọng và ước mơ không thể đạt được. Anh Jiang nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times hôm 01/10: “Nếu quý vị bị thương hoặc tàn tật, tiền bạc chẳng có nghĩa lý gì và tất cả tiền sẽ vào túi bệnh viện.”
Vết thương của anh Jiang là một thanh thép đâm thủng bụng sau khi nó được phóng ra từ máy móc trong một nhà máy mà anh làm việc vào đầu mùa hè. “Trong khi nằm viện sau chấn thương do công việc, tôi đã tự hỏi mình, ‘Ý nghĩa cuộc sống của chúng ta là gì?’”
Hiện anh đang sống tại ngôi làng quê hương ở tỉnh Tứ Xuyên, vẫn đang bình phục vết thương, và tập trung vào công việc đồng áng của gia đình và chăm sóc gia súc. Anh Jiang nói: “Bây giờ, trở về nông thôn, tôi sống trong một trang trại khiêm tốn của riêng mình. Tôi không cần xe hơi. Tôi không có vợ, nhưng tôi không nợ ngân hàng hay bất kỳ ai. Tôi không có bất kỳ lo lắng nào vào lúc này.”
Tất cả những người bạn cùng lứa với anh Jiang đều đã rời làng, nhiều người là công nhân nhập cư, một số đi theo những giấc mơ viễn vông tương tự. Anh đã kể lại điều gì đã khiến anh rời làng năm 16 tuổi, và những xáo trộn mà anh đã trải qua trước khi trở về nhà.
Giáo viên của trường đã gọi anh làm công nhân cho một nhà máy chế biến địa phương, nhưng công việc này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Anh tiếp tục làm công việc bán thời gian gần làng trong hai năm tiếp theo, cho đến khi bố anh bị thương. Với thu nhập eo hẹp, gia đình anh Jiang không thể làm được gì cho cha, và ông vẫn bị tàn tật trong suốt quãng đời còn lại.
Thu nhập gia đình trở thành trách nhiệm duy nhất của anh Jiang. Mặc dù gia đình anh dễ dàng sống sót sau vụ thu hoạch hàng năm, anh Jiang cần tiền để mua một chiếc xe hơi và một ngôi nhà – điều kiện tiên quyết tiêu chuẩn để tìm một người vợ ở Trung Quốc.
Anh Jing sau đó di cư đến Quảng Đông để tìm việc làm. Anh liệt kê sự bóc lột, làm việc nhiều giờ, các quy tắc nghiêm ngặt, và thương tích là những trải nghiệm thường diễn ra đối với những loại công nhân này.
Anh Jiang cho biết trước đây anh đã làm việc trong các nhà máy ở tỉnh của mình, cũng như tỉnh Quảng Đông, dọc theo bờ biển phía nam của Trung Quốc. Anh tìm được việc thông qua các công ty tuyển dụng, nơi đã giới thiệu anh vào nhiều nhà máy quy mô vừa và lớn.
Tuy nhiên, theo anh Jiang, các cơ quan tuyển dụng này hoạt động dựa trên lừa dối. Anh Jiang nói: “Ví dụ, họ đồng ý với hầu hết mọi điều kiện của quý vị.”
“5 USD một giờ? “Được rồi,” họ nói… nhưng khi quý vị bắt đầu đi làm, họ nói với quý vị rằng quý vị sẽ nhận được tiền sau khi làm việc trong những giờ nhất định. Sau đó, quý vị làm việc trong thời gian dài, nhưng sau đó họ lại viện ra những lý do khác.”
Anh Jiang nói rằng các khoản thanh toán chỉ đơn giản là không bao giờ đến như đã hứa. Anh cho biết một nhà máy lắp ráp điện tử đã hứa với anh khoản thù lao từ 460 đến 620 USD mỗi tháng. Tuy nhiên, sau ba tháng làm việc, anh ta chỉ được trả dưới 390 USD.
Anh Jiang nói: “Tôi đã mất hết động lực ngay khi mới bắt đầu, cảm giác của một người đàn ông trẻ đối đầu với những cơ sở tuyển dụng sành sỏi độc ác.” Anh nói thêm rằng các cơ sở này phát triển mạnh nhờ sự ngây thơ của những người lao động trẻ.
Những ngày thường được chia thành hai ca 12 giờ, theo anh Jiang: từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, và ngược lại. Trong thời gian đó, việc nghỉ ngơi trong phòng tắm bị hạn chế, thường xuyên bị giám thị chửi mắng, và anh Jiang so sánh bữa ăn với thức ăn gia súc.
Anh Jiang nói: “Do làm việc nhiều giờ, tay tôi lúc nào cũng run. Tay tôi không thể cầm bát ăn cơm hay đũa được.”
Anh Jiang cho biết anh đã chứng kiến những người bạn của mình làm việc chăm chỉ để có được giấy phép cư trú tại địa phương, và sau đó trả các khoản thế chấp cao cho những ngôi nhà mà họ hầu như không có thời gian để ở vì họ đã dành toàn bộ thời gian cho công việc. Anh nhìn thấy những người vô gia cư – già lẫn trẻ, trẻ em, các cặp vợ chồng – ở dưới cầu thang, bên ngoài các bến xe buýt và các cửa hàng đóng cửa vào ban đêm.
Anh cũng từng chứng kiến con cái của các quan chức Trung Cộng giàu có khoe biệt thự, xe sang, đồng hồ hàng hiệu, và những bữa tiệc hoành tráng.
Anh Jiang nói rằng “Tôi thực sự không hiểu xã hội này; có một khoảng cách rất lớn giữa người giàu và người nghèo. Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, và chúng tôi không thể có được một nơi ở tử tế.”
Hiện anh tập trung vào trang trại và chia sẻ lối sống của mình thông qua mạng xã hội.
Ông Daniel Holl là một phóng viên tại Sacramento, California, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông chuyển đến Trung Quốc một mình và đã ở đó gần bảy năm, học ngôn ngữ và văn hóa. Ông thông thạo tiếng Quan Thoại.
Bản tin có sự đóng góp của Gu Xiaohua và Sophia Lam
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: