Điêu khắc gia Gian Lorenzo Bernini: Bậc thầy trình diễn hiệu ứng
Điêu khắc gia Gian Lorenzo Bernini đã từng làm nức lòng người xem ngay cả trước khi những bộ phim bom tấn kỳ ảo xuất hiện. Trong suốt 65 năm sự nghiệp của mình, nhà điêu khắc, họa sĩ và kiến trúc sư phong cách baroque đã tiên liệu những hiệu ứng đầy ngoạn mục và sức mạnh công nghệ của điện ảnh đương đại.
Trong khi những người cùng thời với ông cho rằng sự tinh tế trong cách trình diễn tác phẩm Bernini là do người mẹ Neapolitan của ông và sự tuân theo một cách chính xác về hình thức nghệ thuật của ông đối với cha mình, nhà điêu khắc Pietro Bernini ở Florence. Có vẻ như không chỉ có DNA chảy vào các công trình điêu khắc đỉnh cao trong nghệ thuật của Bernini mà còn có nguồn nuôi dưỡng tự nhiên đến từ những phát minh phong phú của Galileo, những đổi mới của Caravaggio và vở kịch đặc sắc của Shakespeare.
Danh họa Bernini, sinh năm 1598, tận hưởng lợi thế được đào tạo ngay tại xưởng vẽ danh tiếng của cha mình. Khi còn là một cậu bé thần đồng, những nỗ lực thuở thiếu thời của ông đã thu hút sự chú ý của Hồng y Scipione Borghese, người cháu quyền lực của Giáo hoàng Paul V, người sở hữu nhãn quan nghệ thuật huyền thoại. Cậu thiếu niên 15 tuổi được tiếp cận sâu sắc với những tác phẩm nghệ thuật được bảo tồn của Vatican, nghiên cứu trong chính các cung điện của Vatican, nơi mà nghệ thuật gia Michelangelo đã lang thang 50 năm trước. Trong thời gian đó, cậu bé cũng vinh dự tạc tượng tại dinh thự mới của vị hồng y đang trưng bày bộ sưu tập tranh Caravaggio lộng lẫy. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của Bernini, nhà khoa học Galileo đã di chuyển đến Rome cùng với chiếc kính viễn vọng để thảo luận về những khám phá về thiên văn của mình với các giáo hoàng, hoàng tử và nghệ thuật gia.
Khoản đầu tư của Hồng y Borghese nhanh chóng được đáp đền, khi Bernini sáng tạo các tác phẩm điêu khắc thuộc về thánh tượng như “Pluto và Persephone.” Trong những kiệt tác này, ông không chỉ nắm bắt được khoảnh khắc hành động đỉnh cao mà còn khiến cho người xem vô cùng mãn nhãn bằng những hiệu ứng đặc sắc như làn da mềm mịn và mái tóc mây bồng bềnh. Ông thách thức những mặt hạn chế của đá để trình diễn các hành động như mở ra câu chuyện trước mắt người thưởng lãm. Đến năm 25 tuổi, Bernini đã được người đời tán tụng là “hậu duệ của Michelangelo.”
Vinh quang huy hoàng
Vị giáo hoàng tiếp theo, Urban VIII Barberini, đã nâng Bernini trở thành siêu sao. Ngài đã ủy nhiệm cho Bernini vẽ các bức chân dung gia đình, các dự án kiến trúc tầm cỡ (bao gồm cả một mái hiên 28m hùng vĩ cho Vương cung thánh đường Thánh Peter) và đài tưởng niệm an táng của chính Giáo hoàng.
Tác phẩm “Tomb of Urban VIII” của Bernini đã hé mở sự đổi mới vĩ mô tiếp theo của nghệ nhân: vật liệu hỗn hợp . Cấu trúc hình kim tự tháp có một bức tượng đồng ngự trị của giáo hoàng trông sống động vô cùng trong hình dáng đang dang rộng cánh tay quyền lực — cho dù là để ban phước lành, cai trị những thần dân hay nhấn mạnh năng lực thẩm mỹ tinh tế của ông đối với vương cung thánh đường. Điều ấn tượng là kỹ thuật mạ vàng làm nổi bật sự uyển chuyển, như thể chuyển động của ông đang cảm quan bắt sáng. Dẫu vậy, bên dưới bức giáo hoàng sống động là hình tượng đáng sợ của Thần Chết, được miêu tả như một bộ xương khô có cánh, vươn lên từ lăng mộ để ghi tên vào văn bia của vùng. Bernini làm dịu đi cảnh tượng về cái chết sắp xảy đến bằng hình dáng hai nữ nhân phát sáng trong lớp đá cẩm thạch trắng, đại diện cho những phẩm chất của Giáo hoàng, như bảo đảm cho ngài một vị trí trên Thiên đường.
Vào năm 1644, sự thăng tiến ngoạn mục của Bernini đột ngột dừng lại khi người bảo trợ của ông qua đời, được kế vị bởi một kẻ đối địch với Barberini, Giáo hoàng Innocent X Pamphilj. Nhiều đối thủ cạnh tranh của Bernini đã khuyến khích giáo hoàng Innocent X công khai sa thải vị nghệ thuật gia 46 tuổi khỏi tất cả các vị trí chính thức mà ông tại vị.
Bị sỉ nhục cũng như bị đe dọa phá sản, Bernini đã tận dụng những điều này để khởi động những cơ hội trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp. Ông tuyên bố với niềm hy vọng bất diệt, “Đôi khi Rome chỉ nhìn thấy sương mờ che phủ, nhưng không bao giờ lạc mất tầm nhìn,” và ngay sau đó bắt tay vào hoàn thiện một tác phẩm mang chủ nghĩa cá nhân cao, “Sự thật được thời gian hé lộ,” đó là tác phẩm một nữ nhân khỏa thân phát ánh huy quang đang ôm lấy mặt trời, đặt chân trên đỉnh quả địa cầu, được tiết lộ bởi sự nhân cách hóa có đôi cánh của vị thần thời gian Chronos. Thay vì than vãn cho số phận của mình, Bernini đã trau dồi kỹ năng của mình và chờ đợi.
Tầm nhìn cao hơn
Ông đã không phải chờ đợi lâu. Tác phẩm “Sự thật thời gian hé lộ” vẫn chưa hoàn thành thì Bernini dường như bị nhấn chìm trong những đơn uỷ quyền riêng. Tác phẩm “Saint Teresa in Ecstasy,” mà Bernini tạo ra cho gia đình Cornaro* ở Santa Maria della Vittoria, đã trở thành kiệt tác mà ông hết lòng tâm đắc. Trong bức tượng đài kỳ ảo này, Bernini đã khai thác nghệ thuật điêu khắc, hội họa và kiến trúc, thể hiện khiếu sáng tạo có thể sánh với một đạo diễn điện ảnh đương đại.
Nhà điêu khắc Bernini mong muốn tái hiện trải nghiệm tâm linh của Thánh Teresa Avila khi bà bị một thiên thần đâm xuyên trái tim bằng một mũi tên rực lửa. Ông đã sắp xếp các tượng điêu khắc trong một bối cảnh giống như sân khấu, với các cột đá quý jasper bao quanh nhân vật như một bức màn trình diễn. Hiệu ứng tài tình làm cho hai nhân vật dường như lơ lửng trên không trung, tăng thêm cảm giác siêu phàm thoát tục cho khung cảnh. Nhờ một cửa sổ kính màu vàng ẩn phía trên quần thể mà các tuyệt tác điêu khắc bằng đá cẩm thạch trắng được đắm mình trong một thứ ánh sáng vàng huyền ảo, gợi nhớ đến hiệu ứng ánh sáng ấn tượng của danh họa Caravaggio.
Treo hai bên bức tượng là những chân dung của gia đình Cornaros và trên cùng là các thiên thần được vẽ trên bích họa, tất cả tạo nên một cái nhìn thoáng qua về đời sống riêng tư phong phú của gia đình huyền thoại này. Khi còn là một cậu bé, Bernini đã từng hợp tác với họa sĩ Florentine Ludovico Cigoli trong thời gian ông vẽ bức tranh Mặt trăng được quan sát qua kính viễn vọng của Galileo cho nhà nguyện của gia đình Borghese. Và giờ đây, cậu học trò hóa thân thành bậc thầy đã khám phá ra một ống kính siêu nhiên, một phương tiện hé lộ cảnh giới tâm linh đối với con mắt phàm trần.
Ngay sau đó, Giáo hoàng Innocent đã nhanh chóng nhận ra sai lầm của mình và triệu hồi Bernini thiết kế một đài phun nước cho dinh thự của gia đình ông ở quảng trường Piazza Navona, Rome. Chế tác “Đài phun nước của bốn con sông” khổng lồ của Bernini là sự kết hợp bút đá tháp nặng 140 tấn với đài phun nước, đòi hỏi cả kỹ năng trình diễn hiệu ứng và tay nghề chính xác của ông. Bút đá hoa cương cao 16m và nằm trên một đế rỗng, như nhấn mạnh ý nghĩa biểu tượng ban đầu của đài hoa là ánh hào quang. Các con sông chính của các lục địa nơi đây được thể hiện bằng bốn nhân vật dáng điệu chao nghiêng. Bối cảnh của Bernini khắc họa về ánh sáng nơi thiên đàng, dường như hoá thành nước và rải rác khắp bồn tròn, là một báu vật hùng vĩ đối với những nỗ lực truyền giáo trên toàn cầu được phát động dưới thời trị vì của Giáo hoàng Innocent.
Năm 1657 là mốc thời gian chứng kiến vinh quang của Bernini khi trở lại Vương cung thánh đường Thánh Peter, lúc ông bắt đầu lên ý tưởng về tượng đài nổi bật nhất nơi đây, “Bệ thờ của ngôi cao.” Bernini đã có được không gian sáng tạo nghệ thuật mới bằng cách miêu tả Chúa Thánh Thần, vượt qua cái bóng sâu đậm của Michelangelo, bậc thầy không thể chối cãi về năng lực khắc họa cơ thể con người. Lần này, ông đã mang nghệ thuật hòa quyện với nhau một lần nữa khi ông thiết kế một cửa sổ hình bầu dục ở phía trên cho phép ánh sáng vàng chiếu xuống các thiên thần bằng vữa, tràn vào nhà nguyện. Tiền thân của sự mô phỏng hình ảnh này dựa theo phong cách baroque, những đám mây mạ vàng cuồn cuộn bay bổng xung quanh một ngai vàng khổng lồ bằng đồng (giữ thánh tích của Thánh Peter) dường như đang treo lơ lửng giữa không trung. Trong các nghi lễ, khi âm nhạc của ca đoàn đóng vai trò như một bản nhạc và hương thơm thoảng bay trong không khí, hội thánh sẽ như đắm mình hướng về tầm nhìn của Thiên thượng đang giáng xuống thế gian.
Âu châu thế kỷ 17 là thời kỳ hoàng kim của trình diễn sân khấu. Dẫu cho sự thật rằng Shakespeare qua đời khi Bernini mới 15 tuổi, nhưng ý tưởng “Toàn thế giới là một sân khấu” vẫn thấm nhuần trong thời đại của nhà điêu khắc trẻ. Tuy nhiên, đối với một Bernini sùng kính đạo Công giáo, ông cũng sáng tác và viết nên những vở kịch, khi bức màn rơi xuống không có nghĩa là “Đời này có gì ngoài một bóng ma lang thang, một diễn viên nghèo nàn,” hay “Đó là câu chuyện được kể bởi gã ngốc,” (William Shakespeare)
Đúng hơn là, hồi kết của bức màn trình diễn sinh tử của đời người đã mở ra một cánh cửa dẫn đến một điều tuyệt vời hơn. Tác phẩm cuối cùng của Bernini ở Thánh đường Peter là một đài tưởng niệm chôn cất danh dự dành cho Giáo hoàng Alexander VII, một người bạn và cũng là ân nhân của nghệ sĩ. Ông đã hoàn thành công trình đó hai năm trước khi qua đời vào năm 1680. Trong sáng tác này, Bernini đã tạo ra một bức tranh trên không về “Cái chết tốt,” hay sự chuyển đổi sang cuộc sống vĩnh hằng. Giáo hoàng quỳ gối để đầu trần cầu nguyện trên đỉnh của công trình, không bị hoang mang khi tấm rèm đá thạch anh sột soạt cho thấy bộ xương có cánh của Thần chết đang tiến đến đòi mạng ông. Những phẩm chất của Alexander được nhân cách hóa khắp nơi xung quanh ngài, và sự khiêm tốn chấp nhận cái chết hứa hẹn ông sẽ nhanh chóng được thăng lên Thiên đàng.
Bernini cũng nhận ra rằng thời gian của mình trình diễn trên sân khấu cũng đến hồi kết thúc, ông đã gợi lên một tầm nhìn hy vọng, góp phần truyền cảm hứng cho công cuộc hoàn thiện trái tim, khối óc và tâm hồn để hướng tới điều vinh quang vĩ đại hơn thế nữa.
Bài viết này được đăng lần đầu trên tạp chí Radiant Life.
Chú thích của dịch giả:
Cornaro là một gia đình ở Venice, là những người yêu nước ở Cộng hòa Venice, các thành viên trong gia đình bao gồm nhiều lãnh chúa và các quan chức cấp cao khác.