Điều gì sẽ xảy ra nếu San Francisco không vực dậy được?
Tôi chưa bao giờ chứng kiến San Francisco tệ như bây giờ. Giống như bất kỳ thành phố lớn nào, San Francisco cũng có những khu vực tồi tệ trước năm 2020 — những khu vực gồ ghề mà quý vị biết để tránh — nhưng quý vị về căn bản là có thể đến bất cứ nơi nào khác mà không bị quấy rối. Hôm nay là một cái gì đó đã hoàn toàn khác rồi.
Đường phố thì bẩn thỉu. Quý vị có thể thấy các trại người vô gia cư, rác rưởi, và chất thải ở khắp nơi. Những vụ trộm đột nhập vào xe hơi diễn ra thường xuyên đến mức về căn bản vấn nạn này đã trở thành một loại thuế phi chính phủ đối với những người đến đây. Tất nhiên, một số khu vực tồi tệ hơn nhiều so với các khu vực khác, nhưng hầu như tất cả các khu vực của thành phố đều bị ảnh hưởng bởi sự mục ruỗng này, và điều đó thật kinh khủng.
Mỗi năm, thành phố dường như đều tìm ra những cách mới để đào ngày càng sâu hơn về phía đổ nát. Nhưng điều gì sẽ xảy đến với San Francisco nếu thành phố thực sự không vực dậy được? Điều gì sẽ xảy ra nếu những tai ương về tài chính, các trại người vô gia cư, tình trạng tội phạm gia tăng và lực lượng cảnh sát suy giảm trở thành trạng thái bình thường mới của thành phố đã từng tuyệt vời này?
Dù các chính trị gia có muốn thừa nhận hay không thì San Francisco cũng đang trong tình trạng rất bấp bênh. Các đại công ty công nghệ (Big Tech) đã rời đi và sẽ không quay trở lại. Tất nhiên, một số công ty sẽ giữ một tòa nhà ở đây hoặc ở đó, nhưng giới công nghệ đã nhận ra rằng họ có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu. Ai muốn chịu đựng các quy định và thuế má phiền hà của San Francisco chứ? Một khi quý vị đã chi trả khoản phí cao để được gia nhập tiểu bang, quý vị vẫn phải đối mặt với những điều kiện tồi tệ chỉ để đi làm. Thay vào đó, tại sao quý vị không mặc bộ đồ ngủ với một chiếc áo đẹp bên ngoài và bật Wi-Fi ở nhà?
Đại dịch khiến nhiều văn phòng chuyển sang làm việc tại nhà hoặc một số dạng mô hình làm việc hỗn hợp. Giờ đây khi nhiều công ty và nhân viên của họ đã nhận thấy làm việc tại nhà có thể hiệu quả, thì có lý gì để các công ty này không duy trì cách làm việc đó vĩnh viễn? Sao lại phải tiếp tục trả phí cao cho không gian văn phòng ở San Francisco?
Nếu quý vị đi vào trung tâm thành phố vào ban ngày, quý vị có thể thấy sự khác biệt. Các tòa nhà văn phòng đều vắng tanh. Lưu lượng xe cộ và người đi bộ không bằng một nửa so với trước đây. Nhưng điều đó có ảnh hưởng gì khác đối với thành phố này?
Chà, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ ở tầng trệt của những tòa nhà lớn đó. Các doanh nghiệp này tồn tại bằng cách phục vụ tất cả các nhân viên đi làm trong các tòa nhà đó. Khi họ bắt đầu nhận ra các nhân viên này sẽ không quay trở lại, họ buộc phải chấp nhận thực tế mới và đóng cửa. Những doanh nghiệp đóng cửa này sẽ là khởi đầu cho vòng xoáy kinh tế chết chóc.
Các doanh nghiệp đóng cửa dựng bảng để bảo đảm an toàn cho mặt tiền cửa hàng. Các cửa hàng đóng cửa dẫn đến việc ngày càng có nhiều người vô gia cư chiếm lĩnh khu vực này. Các khu đô thị tồi tàn và những trại người vô gia cư không truyền cảm hứng cho bất cứ ai mạo hiểm tiền tiết kiệm của họ, mở một doanh nghiệp, và cố gắng dọn dẹp khu vực này. Điều này chỉ làm hiện trạng thêm phần bế tắc và khiến việc thoát khỏi vực thẳm ngày càng khó khăn hơn. Các trại người vô gia cư sẽ lan rộng và bao phủ toàn bộ khu vực giống như một ổ virus.
Du lịch là huyết mạch của thành phố
Ngoài những vấn đề nói trên, đại dịch đã tàn phá ngành du lịch. Mà nền kinh tế địa phương của San Francisco thì lại tồn tại nhờ du lịch. Trong năm 2019, du khách đã chi tiêu ước tính 10.3 tỷ USD ở thành phố này. Nhưng ngày nay, một số khách sạn vẫn đóng cửa hoặc đã được chuyển thành nhà ở cho người vô gia cư. Các khách sạn đã mở cửa trở lại không có đủ khách để lấp đầy các phòng. Thêm vào đó là những câu chuyện lưu hành trên toàn quốc nói về khu vực đô thị đang liên tục suy tàn của San Francisco, vậy lấy đâu ra người muốn đi du lịch ở đây cho được?
Những du khách nào đủ can đảm để đến, thì đều trải qua tất cả những điều không được in trên bưu thiếp. Những thứ như buôn bán ma túy công khai trên đường phố, sử dụng ma túy công khai, trại người vô gia cư, đường phố bẩn thỉu phủ đầy chất thải, và chi phí đắt đỏ gần như với mọi thứ.
Ngay cả khi du khách vượt qua tất cả những điều đó, họ có thể trở thành một trong nhiều nạn nhân của các vụ trộm xe hơi khét tiếng của chúng ta. Trong trường hợp đó, họ sẽ phải thay cửa kính cho chiếc xe đã thuê và tất cả hành lý của mình. Đó không hẳn là những gì mà ai đó muốn trả thêm tiền để trải nghiệm trong kỳ nghỉ.
Ai sẽ thanh toán các hóa đơn của thành phố?
San Francisco có công nghệ và du lịch. Thành phố không có một số ngành công nghiệp lớn khác trả tiền cho các dịch vụ của mình. Ngoài ra, ngân sách cồng kềnh của San Francisco đòi hỏi hơn 13 tỷ USD/năm cho một thành phố có ít hơn 900,000 dân. Điều gì xảy ra khi tiền cạn kiệt?
Tình trạng này đã xảy ra vào năm ngoái, cho đến khi chính phủ liên bang cứu trợ thành phố. Như San Francisco Chronicle đã đưa tin hồi tháng 03/2021, dự luật cứu trợ COVID trị giá 1.9 nghìn tỷ USD đã thanh toán khoản thâm hụt của San Francisco, cho phép thành phố tránh được “những đợt cắt giảm đau đớn” đối với lĩnh vực dịch vụ.
Bài báo nói rằng dự luật “sẽ xóa phần lớn khoản 650 triệu USD thâm hụt ngân sách dự kiến của San Francisco trong hai năm tới.”
Vì vậy, thay vì mang lại bất kỳ loại trách nhiệm tài chính nào, bảng cân đối kế toán trở về con số 0 và mọi thứ vẫn hoạt động như thường.
Ông Jeff Cretan, phát ngôn viên của thị trưởng, cho biết trong bài báo: “Vấn đề của chúng tôi vẫn còn đó. Chỉ là lúc này chúng tôi không có vấn đề gì.”
Ông Jeff Cretan đã đúng. Điều gì xảy ra khi Uncle Joe và các cộng sự không có mặt để thanh toán các hóa đơn của chúng ta? Điều hành thành phố như một sinh viên đại học năm thứ nhất đã sử dụng hết thẻ tín dụng đầu tiên của họ là không thể lâu dài. Không phải lúc nào bố mẹ cũng có mặt để thanh toán hóa đơn. Cuối cùng thì Peter Pan vẫn phải trưởng thành.
Hy vọng rằng thành phố tìm được một con ngỗng vàng để đẻ trứng vàng, vì nếu không tìm được, thì sẽ cần phải cắt giảm nghiêm trọng các dịch vụ mà thành phố vẫn tự hào. Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng nhân sự của cảnh sát, và một “thành phố đang suy tàn” có thể là cách nói nhẹ nhàng nhất để nói lên điều đó.
San Francisco đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Cho dù giới quyền quý có muốn thừa nhận điều đó hay không, thì những ngày tươi đẹp nhất có thể đã trở thành quá khứ của thành phố. Mọi người đã hỏi tôi, “Ông có thực sự nghĩ rằng tất cả có thể sụp đổ không?”
Tôi sẽ để lại cho quý vị với cùng một suy nghĩ chia tay mà tôi đã để lại cho họ:
Khi nhìn vào San Francisco lúc này, liệu tình hình của chúng ta có giống Detroit khi ngành công nghiệp xe hơi rời đi không? Hay nó giống như khi thành phố New York dọn dẹp vào cuối những năm 90?
Nhưng này, chí ít thì chúng ta có thời tiết đẹp.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Rich Cibotti là Trung sĩ công tác tại Sở Cảnh sát San Francisco và là giảng viên chính tại Học viện Cảnh sát SFPD, đồng thời ông cũng là một luật sư đã được cấp phép. Hãy ghé thăm trang web của ông tại RichCibotti.Substack.com. Tất cả các quan điểm đều là của cá nhân ông Rich Cibotti và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sở Cảnh sát San Francisco.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: