Điều gì khiến Nhật Bản ám ảnh với loài rêu?
Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng với những thị hiếu kỳ quặc và những đam mê khác lạ trong con mắt người dân thế giới. Những năm trước, một cơn sốt rộ lên tại đất nước hoa anh đào: Đó là Rêu.
Vào năm 2011, Hisako Fujii ra mắt một cuốn sách có tựa đề “Rêu, những người bạn thân thiết của tôi.” Ngay lập tức, hơn 40,000 bản đã được bán ra, khơi dậy làn sóng các bữa tiệc ngắm rêu của những người phụ nữ trẻ tự gọi mình là “những cô gái rêu”.
Theo tờ The Wall Street Journal, kể từ đó, đồ uống có chủ đề rêu và những chiếc nhẫn đính rêu thay vì đá quý kết hợp với những quả cầu rêu (marimo) đã trở thành những đồ phổ biến đối với người Nhật. Giờ đây, những người yêu thích rêu có thể tham gia các chuyến tham quan đặc biệt, trong đó, hướng dẫn viên dẫn các nhóm nhỏ du khách đi vào sâu trong những khu rừng rêu xanh mướt, nơi họ quan sát nhiều chủng loại rêu bằng kính lúp.
Vậy điều gì đằng sau cơn sốt rêu của Nhật Bản? Đó có phải là mốt ngẫu nhiên, chớp nhoáng không? Hay nó bắt nguồn sâu xa hơn từ các giá trị, phong tục tập quán và thẩm mỹ của đất nước này?
Văn hoá phương Đông
Trên thế giới có khoảng 12,000 loài rêu, và Nhật Bản sở hữu 2,500 loài trong số đó – một con số tương đối lớn cho những người đam mê theo dõi, nghiên cứu các chủng loại rêu khác nhau. Khí hậu ẩm ướt của Nhật Bản tạo điều kiện hoàn hảo cho rêu phát triển và việc ngắm nhìn rêu trong mùa hè nóng ẩm của Nhật Bản thực sự có thể đem đến sự thư giãn (một lý do khiến nhiều người treo những trái bóng rêu dưới mái hiên nhà của họ).
Có lẽ do sự phổ biến của rêu trên đảo quốc nên rêu đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản. Hầu hết các khu vườn Nhật Bản, còn được gọi là vườn Thiền, đều có rêu. (Một khu vườn Nhật Bản được cho là không hoàn thiện nếu không có rêu). Và bài quốc ca Nhật Bản thậm chí còn có từ “rêu” trong đó. (Bằng tiếng Anh: “May your world go on for thousands of years/Until pebbles merge into one giant rock and covered with moss.” (“Cầu mong thế giới của bạn trường tồn hàng ngàn năm/Cho đến khi những viên sỏi kết thành một tảng đá khổng lồ và được phủ đầy rêu.”)
Trong các nền văn hóa phương Tây, người ta thường xem thiên nhiên là thứ cần chinh phục. Nhưng người Nhật lại khác, thay vì cố gắng thống trị thiên nhiên, họ sẽ học cách song tồn với nó và tiếp cận thế giới tự nhiên với thái độ của một vị khách lịch sự. Do đó, họ có một sự thôi thúc cố hữu để bảo tồn thiên nhiên; trong khi có một xu hướng loại bỏ rong rêu ở nhiều nền văn hóa khác trên thế giới, nhiều người Nhật sẽ không hiểu tại sao họ lại phá hủy một thứ vô hại như vậy.
Văn hóa Nhật Bản cũng coi trọng tuổi đời và lịch sử. Bởi vì rêu không phát triển nhanh sau một đêm – mà thay vào đó, phải mất nhiều năm để rêu có thể phủ kín bề mặt của một viên đá – người Nhật nhận ra một đức tính tốt đẹp ẩn chứa trong loài cây này.
Tất nhiên rêu cũng có vẻ đẹp bên ngoài rất thu hút: màu sắc rực rỡ thay đổi từ màu xanh lá cây tươi sáng đến màu nâu làm nổi bật màu xám của đá, màu đỏ của lá mùa thu và màu hồng nhẹ nhàng của hoa anh đào. Nhiều người hâm mộ rất thích chạm vào bề mặt phủ rêu mềm mại.
Tương tự như các loại cây bonsai, rêu có thể được trồng trong nhà. Bởi vì rêu có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu, từ lề đường cho đến sân sau, nên bạn có thể dễ dàng lấy một ít rêu, cho vào ly thủy tinh và thế là bạn đã có thể trang trí ngôi nhà của mình. Giống như xương rồng (một loại cây trồng tại nhà phổ biến ở Hoa Kỳ), rêu rất dễ chăm sóc, và cần ít nước để sống.
Vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo
Nét văn hoá mang tên Wabi-sabi của người Nhật Bản cũng đóng một vai trò quan trọng trong cơn sốt rêu.
Wabi-sabi là một trào lưu nghệ thuật đề cao những phẩm chất như vô thường, khiêm tốn, không cân xứng và không hoàn hảo. Nó đối lập với nhiều giá trị thẩm mỹ phương Tây, bao gồm tính lâu dài, hùng vĩ, đối xứng và hoàn hảo (ví dụ Đài tưởng niệm Lincoln hoặc phong cách kiến trúc Georgia có nguồn gốc từ Anh).
Lấy ví dụ, nhiều người Nhật thích những bát trà đơn giản, màu đá hơn là đồ sành sứ được làm thủ công tỉ mỉ của người Trung Quốc. Trong một số trường hợp, những chiếc bát sẽ có hình dạng không hoàn hảo và mang màu sắc có thể không phù hợp với sở thích người phương Tây.
Phong cách cắm hoa của Nhật Bản cũng mang một nét tinh tế khác. So với cách cắm hoa của phương Tây thường gồm nhiều loại hoa được cắm với mật độ dày hơn, nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản (Ikebana) hướng đến sự sang trọng tối giản: chỉ một số loại hoa và phần thân, cành cũng quan trọng như những bông hoa.
Ngay cả các loại cây trồng cũng có thể được trồng phù hợp với những lý tưởng của Wabi-sabi. Nhiều ruộng bậc thang được trồng dọc theo các rặng núi; chúng không được phân chia hay có hình dạng hoàn hảo, núi cũng không bị san phẳng để tạo bề mặt trơn nhẵn.
Người Nhật tìm thấy nét đẹp tự nhiên của phong cách Wabi-sabi. Và rêu có lẽ là vật tượng trưng cho phong cách này: nó mọc dường như ngẫu nhiên, theo các mô hình không đối xứng. Rêu là loài thực vật khiêm tốn nhất, nó thường bị giẫm đạp lên, bị lu mờ bởi những người hàng xóm to lớn.
Tuy nhiên nếu nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy một thế giới đa dạng, rực rỡ của rêu; trong đó có các loài, các hình dạng khác nhau, vừa tao nhã lại vừa kỳ lạ.
Trong một bài viết của mình “Mosses, My Dear Friends”, tác giả Hisako Fujii đã kể lại lần đầu tiên cô cảm thấy yêu mến loài thực vật này là trong một lần du lịch đảo Yakushima của Nhật Bản:
Giống như một kho báu nằm lặng im từ thời đại khác, rêu dường như có mặt ở khắp mọi nơi. Chúng bao phủ hoàn toàn cây cối, những tảng đá và thậm chí cả mặt đất, bao bọc toàn bộ khu rừng trong bộ lông màu xanh lá rực rỡ của nó… Có thể nói đây là sự khởi đầu cho tình yêu của tôi với loài rêu.
Đối với người Nhật, đó không phải là một mối tình chỉ diễn ra trong một vài năm ngắn ngủi. Mà thay vào đó, tình yêu này có thể trường tồn giống như loài rêu, có thể kéo dài qua nhiều thế hệ.
Mako Nozu là giảng viên tiếng Nhật cao cấp tại Đại học Nam Florida và Brian Thompson là giảng viên tiếng Nhật tại Đại học Nam Florida
Bài viết này được đăng tải lần đầu trên The Conversation.
Do Brian Thompson và Mako Nozu thực hiện
An Nhiên biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: